HPV lây lan qua tiếp xúc da. Hầu hết những người bị nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục đều là do quan hệ tình dục. Nếu như quan hệ tình dục đường miệng thì sẽ còn bị nhiễm virus ở miệng hoặc cổ họng.
HPV là gì?
Hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm virus u nhú ở người (HPV) vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Có hơn 100 chủng HPV tồn tại và hơn 40 chủng trong đó ảnh hưởng đến vùng sinh dục, khoang miệng và cổ họng.
HPV lây lan qua tiếp xúc da. Hầu hết những người bị nhiễm HPV ở bộ phận sinh dục đều là do quan hệ tình dục. Nếu như quan hệ tình dục đường miệng thì sẽ còn bị nhiễm virus ở miệng hoặc cổ họng.
Các triệu chứng khi nhiễm HPV ở miệng
Nhiễm HPV ở miệng thường không biểu hiện triệu chứng nên đa số mọi người đều không biết mình bị nhiễm virus và không thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết, từ đó vô tình tiếp tục lây truyền virus sang người khác. HPV có thể gây hình thành mụn cóc ở miệng hoặc cổ họng nhưng điều này rất hiếm gặp.
HPV còn có thể gây ung thư vòm họng. HPV khiến cho những tế bào bình thường ở khu vực này trở nên bất thường. Các triệu chứng ban đầu của ung thư vòm họng gồm có:
- Khó nuốt
- Đau tai dai dẳng
- Ho ra máu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau họng mãi không đỡ
- Sưng phồng trên má
- Nổi u cục bất thường trên cổ
- Khàn tiếng
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này và nghi ngờ có thể mình đã bị nhiễm HPV thì cần đi khám ngay lập tức.
Nguyên nhân
Nhiễm HPV ở miệng xảy ra khi virus xâm nhập vào cơ thể, thường là qua một vết cắt hoặc vết rách nhỏ bên trong khoang miệng. Đa số mọi người đều nhiễm virus ở miệng khi quan hệ tình dục đường miệng.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở miệng gồm có:
- Quan hệ tình dục đường miệng: Bằng chứng đã chỉ ra rằng việc quan hệ tình dục đường miệng thường xuyên làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở miệng, trong đó nam giới có nguy cơ cao hơn phụ nữ đặc biệt là những người hút thuốc lá.
- Quan hệ tình dục với nhiều người: Càng quan hệ với nhiều người thì nguy cơ bị nhiễm HPV càng cao. Theo nghiên cứu, những người quan hệ tình dục với từ 20 người trở lên trong suốt cuộc đời có nguy cơ nhiễm HPV ở miệng cao hơn 20% so với bình thường.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một hành vi tạo điều kiện cho sự xâm nhập của virus HPV vì các chất độc hại trong khói thuóc gây tổn thương mô trong khoang miệng. Thói quen xấu này còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cùng nhiều bệnh nguy hiểm khác.
- Uống rượu: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở nam giới. Những người hút thuốc và uống rượu sẽ còn có nguy cơ cao hơn nữa.
- Hôn: Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng hôn là một con đường lây truyền HPV nhưng cần thêm nhiều bằng chứng hơn nữa để chứng minh điều này.
- Là nam giới: Nam giới có nguy cơ bị nhiễm HPV ở miệng cao hơn phụ nữ.
Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư vòm họng. Bệnh này phát triển từ từ qua nhiều năm nên tỷ lệ chẩn đoán ở người lớn tuổi cao hơn người trẻ tuổi.
Biện pháp chẩn đoán
Không có phương pháp xét nghiệm nào có thể phát hiện nhiễm HPV ở miệng. Khi bác sĩ nhận thấy có các tổn thương trong quá trình tầm soát ung thư hoặc người bệnh đi khám do thấy có những dấu hiệu bất thường trong khoang miệng thì sẽ phải tiến hành sinh thiết để xem có phải là tế bào ung thư hay không. Mẫu sinh thiết cũng sẽ được phân tích để tìm sự hiện diện HPV. Nếu có HPV thì ung thư sẽ đáp ứng với điều trị tốt hơn.
Điều trị nhiễm HPV ở miệng
Hầu hết các chủng HPV ở miệng đều biến mất mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Nếu có mụn cóc ở miệng do HPV thì có thể loại bỏ bằng một số cách.
Các loại thuốc bôi ngoài da không phù hợp trị mụn cóc ở miệng. Do đó, với loại mụn cóc này thì sẽ cần xử lý bằng những biện pháp khác như:
- Phẫu thuật cắt bỏ
- Liệu pháp áp lạnh (đông lạnh sâu để phá hủy mụn cóc)
- Tiêm interferon alfa-2B (Intron A, Roferon-A)
Tiên lượng khi bị ung thư vòm họng
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Phác đồ điều trị và tiên lượng của từng người sẽ phụ thuộc vào giai đoạn, vị trí bị ung thư và có liên quan đến HPV hay không.
Ung thư vòm họng dương tính với HPV thường có tiên lượng khả quan hơn và ít tái phát sau điều trị hơn so với các trường hợp ung thư âm tính với HPV (có nghĩa là không phải do HPV). Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng gồm có xạ trị, phẫu thuật, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp này với nhau.
Ngăn ngừa nhiễm HPV ở miệng
Không có phương pháp nào có thể phát hiện HPV ở miệng. Thay đổi lối sống là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa nhiễm HPV. Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa loại virus này:
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và màng chắn miệng
- Không quan hệ với nhiều người
- Làm xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục trước khi quan hệ với người mới
- Xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục thường xuyên
- Không quan hệ tình dục bằng miệng, đặc biệt là với người mới
- Đi khám nha sĩ định kỳ và hỏi bác sĩ xem có dấu hiệu nào bất thường trong khoang miệng hay không.
- Tự theo dõi bên trong khoang miệng thường xuyên
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV
Tiêm phòng
Vắc-xin phòng ngừa HPV gồm có 2 mũi, tiêm cách nhau từ 6 đến 12 tháng với người trong độ tuổi từ 9 đến 14. Những người từ 15 tuổi trở lên cần tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng. Phải tiêm đủ số mũi theo quy định đối với từng độ tuổi để vắc-xin có hiệu quả tối đa.
Tiêm vắc-xin là cách an toàn và hiệu quả để bảo vệ cho cơ thể khỏi các bệnh liên quan đến HPV.
Độ tuổi được Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa HPV là từ 9 đến 26. Tuy nhiên, hướng dẫn mới đây của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã nêu rõ những người trong độ tuổi từ 27 đến 45 nếu chưa tiêm trước đây thì có thể tiêm vắc-xin Gardasil 9 – loại vắc-xin có tác dụng chống lại 9 chủng HPV.
Trong một nghiên cứu vào năm 2017, những người từng tiêm ít nhất một mũi vắc-xin HPV có nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng thấp hơn 88% so với những người chưa tiêm. Các loại vắc-xin này đều giúp ngăn ngừa ung thư vòm họng do HPV.