Tại Việt Nam hiện nay tỉ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao nhất thế giới.
Tuy nhiên nhờ có các chương trình sàng lọc giúp chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm cao và điều trị dự phòng thành công từ đó giảm bớt kinh phí điều trị và quá trình điều trị trở nên đơn giản hơn. Ung thư dạ dày giai đoạn sớm được định nghĩa là mức độ xâm lấn ung thư dạ dày chưa vượt qua lớp hạ niêm mạc. Loại ung thư này có tiên lượng tốt hơn nhiều so với ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển (90% sống sót sau 5 năm).
Hiện nay việc phát hiện ung thư dạ dày sớm được quan tâm nhiều, do sự phát triển của các kỹ thuật hình ảnh cho phép phát hiện sớm tổn thương như nội soi có dải ánh sáng hẹp, nội soi phóng đại.
Bước 1: Khám lâm sàng
Đây là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng trong khám tầm soát ung thư dạ dày.
Bác sĩ sẽ hỏi các thông tin cụ thể về tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh sử cá nhân và gia đình nếu có, các triệu chứng biểu hiện bệnh nghi ngờ gặp phải… nhằm đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Sau đó sẽ tiến hành khám lâm sàng phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
Bước 2: Nội soi dạ dày
Bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để đưa vào thực quản xuống đến dạ dày để quan sát bên trong. Ưu điểm của nội soi cho phép quan sát được các thay đổi của niêm mạc dạ dày và tiến hành sinh thiết qua nội soi để có chẩn đoán mô bệnh học, qua đó cho phép chẩn đoán các ung thư dạ dày tại chỗ hoặc xâm lấn.
Ngoài ra các tổn thương tiền ung thư cũng có thể thấy được trên nội soi như: viêm teo, loét, polyp hoặc các tổn thương dạng tăng sản biểu mô tuyến. Sinh thiết các tổn thương nghi ngờ cũng có thể phát hiện các tổn thương tiền ung thư trên mô bệnh học như viêm teo, tăng sản, dị sản, loạn sản…Ngoài ra, nội soi cũng có thể đánh giá tình trạng có hay không có nhiễm Helocobacter Pylori, một trong số những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày, giúp cho việc điều trị dự phòng.
Ung thư dạ dày là loại bệnh lý tiến triển khá nhanh, do đó trong sàng lọc, vai trò của nội soi dạ dày chủ yếu tập trung vào phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.
Bước 3: Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân chụp CT. Bác sĩ chủ yếu dựa vào các hình ảnh để đánh giá tình trạng thương tổn của dạ dày, sự xâm lấn của khối u đến các bộ phận xung quanh.
Hơn nữa qua đó có thể đánh giá tình hình của bệnh nếu ung thư bắt đầu di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể như: gan, hạch, ổ bụng, ổ phúc mạc…
Bước 4: Sinh thiết
Phương pháp này có thể được tiến hành ngay khi nội soi ở nơi có tổn thương tại niêm mạc dạ dày, sau đó tiến hành giải phẫu bệnh. Sinh thiết là thủ tục cần để chẩn đoán tế bào khối u có phải là ung thư hay không.
Một số các xét nghiệm sàng lọc khác
Nồng độ Pesinogen huyết thanh
Nồng độ thấp Pepsinogen huyết thanh có thể gợi ý tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày. Người có nồng độ Pepsinogen huyết thanh thấp có thể là nhóm nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày, do đó bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng này như nội soi dạ dày hoặc chụp CT.
Nồng độ TTF3 huyết thanh
TTF3 được tìm thấy nhiều trong mô dạ dày tăng sản hoặc loạn sản. Độ nhạy của TTF3 khoảng 81% so với độ nhạy của Pepsinogen huyết thanh khoảng 88%. Tuy nhiên độ đặc hiệu của chúng thấp chỉ khoảng 45%. Do đó chúng chỉ được sử dụng như 1 xét nghiệm xác định nhóm nguy cơ cao để tiến hành các xét nghiệm sàng lọc khác.
Micro RNA
3 loại micro RNA 421, micro RNA 18a, micro RNA 106a được tìm thấy cao trong mô dạ dày ung thư và trong máu.
Kháng nguyên ung thư CA 72-4 được tìm thấy tại bề mặt của nhiều loại tế bào, nhất là tế bào ung thư biểu mô dạ dày. Bình thường chỉ số CA 72- 4 ở người khỏe mạnh sẽ nhỏ hơn 6,9 U/ ml; nhưng đối với người mắc bệnh ung thư dạ dày thì chỉ số này sẽ cao hơn 6,9 U/ml.
Tầm soát ung thư dạ dày là cách đơn giản và hiệu quả nhất giúp phát hiện sớm bệnh. Nhờ thực hiện tầm soát ung thư dạ dày định kỳ mà nhiều trường hợp phát hiện sớm bệnh, vì vậy bạn hãy đến thăm khám định kỳ 6 tháng/lần tại bệnh viện K để tầm soát căn bệnh này.
Nguồn tham khảo: Bệnh viện K