Túi mật có vai trò gì trong cơ thể?
- Túi mật là một bộ phận của đường dẫn mật ngoài gan, nằm trong hố túi mật dài từ 8 - 10cm, rộng nhất là 3cm, gồm 3 phần: đáy, thân và cổ.
- Ống túi mật dẫn mật từ túi mật tới ống mật chủ, dài 3 - 4cm, đoạn đầu rộng 4 - 5mm, đoạn cuối hẹp 2,5mm. Trong lòng ở phần trên của ống túi mật có những van gọi là van Heister làm cho ống túi mật không bị gấp lại và làm cho mật lưu thông dễ dàng.
- Trong cơ thể, dịch mật được tiết ra liên tục từ các tế bào gan nhưng bình thường hầu hết lượng mật này được dự trữ ở túi mật. Cứ 12 tiếng, gan tiết ra một lượng dịch mật khoảng 450ml, tuy nhiên thể tích tối đa của túi mật chỉ ở mức 30-60ml.
- Để chứa được lượng dịch mật này, túi mật hấp thụ hầu hết nước, Na, Cl và các chất điện giải trong dịch mật thông qua lớp niêm mạc. Đến bữa ăn, túi mật co bóp và chuyển dịch mật trong túi mật vào tá tràng giúp tiêu hoá thức ăn.
- Chức năng quan trọng nhất của mật là giúp cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất béo cũng như các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, K, E và caroten.
Khi nào phải cắt túi mật?
- Túi mật thường bị cắt bỏ khi bị viêm nhiễm cấp hoặc mạn tính, có sỏi quá to gây đau hoặc tắc đường mật, viêm teo túi mật, ung thư túi mật… nhưng chủ yếu nguyên nhân cắt là do sỏi túi mật. Đây là loại sỏi có thể có một thời gian dài yên lặng.
- Khi có biểu hiện lâm sàng triệu chứng chủ yếu là cơn đau quặn gan, đau dữ dội vùng hạ sườn phải, lan ra sau lưng và lên vai phải, đôi khi đau lan sang cả vùng thượng vị làm dễ nhầm tưởng là đau dạ dày.
- Cơn đau quặn gan kéo dài trên 15 phút đến 3 - 4 giờ, nếu trên 6 giờ phải nghĩ đến có biến chứng.
- Nếu có hiện tượng tắc nghẽn thì túi mật ngày càng to dần lên, khi sờ vào có thể thấy túi mật căng phồng, ấn vào bệnh nhân rất đau, nếu không xử trí kịp thời có thể đưa đến viêm túi mật cấp tính, sẽ có sốt cao 39 - 40o.
Những lưu ý sau cắt túi mật
Chế độ ăn uống:
- Phẫu thuật nội soi cắt túi mật có chuẩn bị thông thường là một phẫu thuật khá nhẹ nhàng đối với người bệnh, thường bệnh nhân ổn định sau 7-10 ngày; chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt hầu như không bị ảnh hưởng nhiều.
- Nếu đường mật trong và ngoài gan cũng như chức năng gan không bị tổn thương như viêm nhiễm, sỏi… thì không phải kiêng cữ gì.
- Người đã cắt túi mật nên ăn uống những thực phẩm dễ tiêu, hạn chế mỡ và những đồ ăn chiên rán;
- Vừa ăn vừa thăm dò, nếu không thấy xuất hiện những khó chịu nào đáng kể thì có thể trở lại ăn uống bình thường.
- Chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao cũng vậy, có thể trở lại hoạt động bình thường khi sức khỏe sau phẫu thuật ổn định.
Một số biến chứng có thể gặp sau cắt túi mật cần theo dõi:
- Hội chứng sau cắt túi mật (Postcholecystectomy syndrome PCS): đây là tình trạng kéo dài hoặc tái phát của những triệu chứng như đau bụng hoặc vàng da sau khi đã cắt túi mật. Gần 50% các trường hợp là do nguyên nhân tại đường mật như: sót sỏi, tổn thương đường mật, mất nhu động và giãn ống mật chủ. Để chẩn đoán cần dựa vào nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
- Viêm dạ dày do dịch mật trào ngược: dịch mật tăng tiết xuống tá tràng, trào ngược lên dạ dày gây viêm dạ dày. Ngoài ra, có thể gặp một số biến chứng khác như viêm tụy do dịch mật tràn vào ống tụy, rối loạn vận động đường mật và co thắt cơ Oddi. Chính vì vậy, sau khi cắt bỏ túi mật cần theo dõi các biến chứng sớm và muộn do cắt bỏ túi mật gây ra để xử lý kịp thời.
- Người cắt bỏ túi mật không có nghĩa là sẽ không bị sỏi đường mật hoặc viêm nhiễm đường mật. Để dự phòng viêm nhiễm hoặc sỏi tái phát cần thực hiện ăn chín, uống sôi, uống thuốc tẩy giun 6 tháng một lần (để dự phòng loại sỏi do giun) và ăn đủ chất xơ, ăn nhiều đậu đỗ, lạc, vừng, hạn chế uống cà phê và thực phẩm có nhiều đường, bỏ thuốc lá (để dự phòng loại sỏi cholesterol).
- Sau khi cắt túi mật một thời gian thích nghi, tiêu hóa trở lại bình thường: sẽ không còn tình trạng gọi là “hội chứng sau cắt túi mật” nữa. Nếu có tình trạng chán ăn, chậm tiêu, ngứa… cần đến tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi dùng các thuốc nhuận mật.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn