Những điều cần biết trước khi tiêm chủng, quan trọng nên lưu ý

5 tháng trước 25

Tiêm chủng vắc xin là phương pháp phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm hiệu quả, tiết kiệm và đơn giản nhất hiện nay. Với thành tựu của vắc xin đã xây dựng và duy trì qua gần 230 năm qua, tiêm chủng vắc xin đóng vai trò quan trọng hàng đầu của hệ thống an ninh y tế toàn cầu, việc tiêm chủng dần trở thành quyền lợi của mỗi cá nhân và là trách nhiệm của mỗi người đối với sức khỏe và sự phát triển của toàn xã hội. Vậy, để tối ưu hóa hiệu quả và đảm bảo an toàn tiêm ngừa, những điều cần biết trước khi tiêm chủng là gì? Cần chuẩn bị những gì? Cách thực hiện đúng ra sao?

Bài viết được tư vấn Y khoa bởi BS Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa vùng Mekong, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

những điều cần biết trước khi tiêm chủng

Những điều cần biết trước khi tiêm chủng vắc xin

Trước khi tiêm chủng vắc xin, bất kể là tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ, các bậc phụ huynh hoặc ngời tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ và nắm rõ những vấn đề sau đây:

1. Đi tiêm chủng cần mang những gì?

Để phục vụ cho quá trình khai thác thông tin tiêm chủng, thông tin cá nhân và các thông tin có liên quan khác của người tiêm, khi đi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng sau:

  • Sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng;
  • Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ;
  • Phiếu đăng ký tiêm chủng vắc xin hoặc số thứ tự tiêm chủng (nếu có);
  • Giấy tờ tùy thân (chứng minh thư/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/…);
  • Giấy tờ, hồ sơ có liên quan đến tình trạng sức khỏe của người tiêm (kết quả chẩn đoán/xét nghiệm dương tính với bệnh đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh thận, dị ứng với thuốc,…).

2. Khám sàng lọc trước tiêm chủng

Khám sàng lọc trước khi tiêm chủng là việc rất cần thiết nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để quyết định cho trẻ (người được tiêm) tiêm chủng, tạm hoãn việc tiêm chủng hay không được tiêm một loại vắc xin nào đó. Do đó, người nhà của trẻ hay người đi tiêm chủng và bác sĩ cần hợp tác với nhau để đảm bảo việc tiêm chủng là đúng thời điểm, hiệu quả và an toàn.

Khám sàng lọc rất cần thiết, cần phải được thực hiện trước tiêm nhằm phát hiện những bất thường cần lưu ý để chỉ định tiêm/uống vắc xin, tạm hoãn hay không được tiêm/uống một loại vắc xin nào đó đối với trẻ em hoặc người lớn. Vì vậy, người đi tiêm chủng/người đưa trẻ đi tiêm chủng và bác sĩ cần trao đổi thông tin đầy đủ để đảm bảo việc tiêm chủng là đúng thời điểm, hiệu quả và an toàn.

khám sàng lọc trước khi tiêm chủngKhám sàng lọc trước tiêm chủng là bước quan trọng được bác sĩ thực hiện theo quy trình tiêm chủng vắc xin an toàn, đây không phải là hoạt động khám bệnh chuyên khoa hoặc khám bệnh tổng quát.

Trường hợp người được tiêm chủng là người lớn nhưng không có khả năng nhận thức, ghi nhớ và trao đổi thông tin, cần có người thân trong gia đình đi cùng để hỗ trợ bác sĩ về các vấn đề sức khỏe của người được tiêm. Nếu người được tiêm là trẻ em dưới 18 tuổi, cần được cung cấp thông tin từ cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

Kết quả khám sàng lọc trước tiêm chủng được căn cứ trên những thông tin mà người đi tiêm chủng cung cấp cho bác sĩ và những dấu hiệu bác sĩ quan sát, đánh giá sau khi thăm khám theo quy trình an toàn tiêm chủng.

Việc khám sàng lọc trước tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt của Bộ Y Tế (Quyết định số 1575/QĐ-BYT ban hành ngày 27/3/2023), tập trung vào việc đánh giá tình trạng sức khỏe chung của cơ thể bao gồm:

  • Đo thân nhiệt
  • Đánh giá tri giác
  • Quan sát nhịp thở, nghe phổi
  • Nghe tim
  • Phát hiện các bất thường khác
  • Hỏi đáp, trao đổi thông tin với người được tiêm/người đưa trẻ đi tiêm
  • Tiền sử bệnh lý
  • Tiền sử phản ứng với vắc xin
  • Tình trạng sử dụng thuốc hoặc điều trị bệnh lý ở thời điểm hiện tại hoặc trước đây

3. Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng

Sau khi khám sàng lọc, các trường hợp sau đây sẽ cần tạm hoãn tiêm chủng: (1)

  • Người tiêm có tình trạng rối loạn hoặc suy chức năng các cơ quan (Hô hấp, tuần hoàn, thận, gan, tim,…);
  • Người tiêm mắc các bệnh lý cấp tính, nhiễm trùng;
  • Thân nhiệt đo tại nách của người tiêm cao từ 37,5 độ C trở lên hoặc từ 35,5 độ C trở xuống;
  • Trong 3 tháng gần đây, người tiêm có sử dụng các sản phẩm huyết thanh (Globulin) miễn dịch, cần tạm hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin sống giảm độc lực (trừ huyết thanh viêm gan siêu vi B);
  • Trong 14 ngày gần đây, người tiêm có trải qua liệu pháp điều trị corticoid liều cao, đang xạ trị, hóa trị, cần tạm hoãn lịch tiêm chủng các loại vắc xin sống giảm độc lực;
  • Người tiêm mắc các bệnh lý bẩm sinh về tim, phổi, tiết niệu, máu, tiêu hóa, ung thư chưa ổn định;
  • Người tiêm mắc các bệnh mạn tính tăng áp lực động mạch phổi từ 40mmHg trở lên;
  • Người tiêm có phản ứng phản vệ mức độ II sau khi tiêm chủng vắc xin có cùng thành phần ở lần tiêm trước;
  • Trẻ em có cân nặng < 2.000g;
  • Trẻ em sinh non có tuổi thai < 34 tuần, tạm hoãn tiêm chủng vắc xin ngừa lao (BCG) cho đến khi trẻ đủ 34 tuần tuổi tính theo tuổi thai hiệu chỉnh.
  • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

4. Các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng

  • Người tiêm có tiền sử phản vệ từ độ III trở lên sau khi tiêm vắc xin cùng thành phần ở lần trước đó;
  • Người tiêm có tiền sử lồng ruột, chống chỉ định sử dụng vắc xin ngừa Rota;
  • Người tiêm mắc chứng suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh, chống chỉ định sử dụng vắc xin OPV;
  • Người tiêm bị suy giảm hệ miễn dịch do mắc HIV/AIDS, chống chỉ định sử dụng vắc xin sống giảm độc lực;
  • Người tiêm suy giảm chức năng các cơ quan của cơ thể như suy tim, suy thận, suy gan, suy hô hấp, suy tuần hoàn,…
  • Các trường hợp chống chỉ định tiêm ngừa vắc xin khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
tư vấn lưu ý trước khi tiêm chủngKhi không đủ điều kiện tiêm chủng, cần hoãn tiêm chủng cho đến khi sức khỏe ổn định và đạt yêu cầu tiêm chủng trở lại.

5. Quy trình tiêm chủng

Hiện nay, tại các điểm tiêm chủng mở rộng và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ uy tín đang thực hiện quy trình tiêm chủng bám sát theo các Quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 104/2016/NĐ-CP. Quy trình tiêm chủng phải đảm bảo được thực hiện đầy đủ các thao tác sau: (2)

TRƯỚC KHI TIÊM CHỦNG:

  • Khám sàng lọc;
  • Tư vấn chi tiết cho đối tượng tiêm chủng về thông tin vắc xin. Đối với trường hợp đối tượng tiêm chủng là trẻ em, công tác tư vấn cần được thực hiện với phụ huynh (cha, mẹ) hoặc người giám hộ của trẻ.

TRONG KHI TIÊM CHỦNG:

Cần thực hiện tiêm chủng theo đúng chỉ định và đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất.

SAU KHI TIÊM CHỦNG:

  • Theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng;
  • Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng hoặc gia đình cách chăm sóc sức khỏe và theo dõi phản ứng sau tiêm tại nhà ít nhất 24 tiếng tiếp theo.

6. Tác dụng phụ có thể gặp phải

Những phản ứng sau tiêm thường gặp gồm có:

  • Sốt nhẹ từ 39 đến 38,5 độ C;
  • Trẻ quấy khóc và ăn uống kém hơn so với bình thường;
  • Vết tiêm sưng đỏ nhẹ, riêng vắc xin ngừa lao sau khi tiêm có thể sưng tạo thành cục tại vùng tiêm, đây là triệu chứng sau tiêm hoàn toàn bình thường;
  • Phát ban nhẹ sau khi tiêm vắc xin ngừa sởi đơn hoặc vắc xin phối hợp sởi – quai bị – rubella;

Đây là những triệu chứng sau tiêm hoàn toàn bình thường và sẽ tự hết sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý theo dõi diễn biến và xử trí sớm, đúng cách, đưa người được tiêm chủng đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra như:

  • Sốt cao trên 39 độ C;
  • Co giật, tím tái, mệt lả, lịm dần, lừ đừ, không có phản ứng khi được gọi;
  • Khó thở, thở khò khè bất thường, thở rít, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực;
  • Trẻ khóc thét kéo dài, quấy khóc dữ dội;
  • Trẻ bú/ăn kém, sốt, ho, quấy khóc bất thường, mẩn ngứa, phát ban (thay đổi màu da),… kéo dài trên 1 ngày.

Hướng dẫn trước khi tiêm chủng dành cho các cha mẹ

Bố mẹ hoặc người giám sát trẻ cần:

  • Trấn an tinh thần trẻ ổn định trước khi tiêm, giúp trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của vắc xin đối với sức khỏe, tính mạng và sự phát triển của con, nhằm giúp con hợp tác tiêm chủng, không bày tỏ thái độ tiêu cực, từ chối tiêm chủng.
  • Mang đầy đủ số tiêm hoặc/và phiếu tiêm chủng, đồng thời thông báo đầy đủ, chính xác tình trạng sức khỏe, các loại thuốc trẻ đang sử dụng và các thông tin liên quan để bác sĩ đánh giá, kiểm tra và phối hợp cùng bố mẹ đưa ra lịch tiêm chủng khoa học, hợp lý.
  • Tuân thủ lịch tiêm chủng vắc xin, tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin theo chỉ định của các bác sĩ và theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các tổ chức và chuyên gia y tế nhằm đảm bảo hiệu quả tạo miễn dịch cho trẻ, phòng bệnh sớm, đúng thời điểm, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, ngăn chặn biến chứng, di chứng nặng và tử vong.
bố mẹ và bé cần lưu ý trước khi tiêm chủngBố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt quá trình tiêm chủng của trẻ.

Lưu ý trong quá trình tiêm chủng tại trung tâm

Tại trung tâm tiêm chủng, bố mẹ cần:

  • Giữ cho trẻ bình tĩnh, nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng trước khi tiêm chủng, tránh để trẻ chạy nhảy, nô đùa tốn sức.
  • Thông báo cho bác sĩ khám sàng lọc đầy đủ và chi tiết nhất có thể các vấn đề về sức khỏe và lịch sử tiêm chủng của trẻ như:
    • Cân nặng của trẻ là bao nhiêu, đã đủ cân nặng tối thiểu là 2kg để được tiêm hay chưa?
    • Trong những ngày gần đây, trẻ có bú/ăn, uống, ngủ nghỉ, vui chơi bình thường không?
    • Ở thời điểm tiêm, trẻ có đang sốt hay mắc bệnh gì không?
    • Từ khi sinh đến nay, trẻ có bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải bệnh lý nào khiến trẻ phải nhập viện điều trị không?
    • Trong 3 tháng qua, trẻ có dùng thuốc hoặc sử dụng các phương pháp điều trị nào không?
    • Lịch sử tiêm chủng của trẻ?
    • Trẻ có tiền sử dị ứng với hóa chất, thức ăn hay thuốc nào không?
    • Trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc có phản ứng nặng ở các lần tiêm trước hay không?
  • Yêu cầu nhân viên y tế công bố các thông tin về vắc xin, đối chiếu thông tin vắc xin với chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, chú ý lắng nghe, quan sát và báo lại với nhân viên y tế khi có vấn đề xảy ra, nhằm tránh cho trẻ tiêm nhầm loại vắc xin, sai liều lượng hoặc vị trí tiêm.
  • Giữ trẻ ổn định, đồng thời cố định vị trí và tư thế của trẻ theo hướng dẫn của điều dưỡng.

Một số lưu ý sau khi tiêm chủng

  • Cho trẻ ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để nhân viên y tế quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và hướng dẫn phụ huynh/người chăm sóc trẻ cách chăm sóc sức khỏe và theo dõi sau tiêm về toàn trạng, thân nhiệt, nhịp thở, da, các hoạt động,… của trẻ trong ít nhất 24 giờ tiếp theo tại nhà.
  • Tại nhà, cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ để theo dõi tình trạng nhiệt độ, phát hiện sớm các bất thường thân nhiệt sau tiêm.
  • Cho trẻ mặc quần áo, trang phục mỏng nhẹ, thoáng mát, thấm hút tốt mồ hôi để giữ cho cơ thể, nhất là chỗ tiêm luôn khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế nhiễm trùng chỗ tiêm.
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc hạ sốt hay bôi đắp thuốc lên chỗ tiêm cho trẻ nếu không có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày cung cấp cho trẻ đầy đủ 4 nhóm chất chính bao gồm protein (chất đạm), lipit (chất béo), chất bột đường, vitamin và khoáng chất, đồng thời đảm bảo khẩu phần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Sau tiêm trẻ thường mệt mỏi, hay quấy khóc, vì thế nên ưu tiên chế biến món ăn mềm, dễ ăn, dễ tiêu hóa như súp, cháo, sữa, canh, các món hầm,…
  • Cho trẻ uống nhiều nước/ bú nhiều sữa để tăng cường hydrat hóa, thúc đẩy lưu thông máu, gia tăng lượng oxy được cung cấp cho tế bào, nhờ đó hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, phản ứng tốt hơn với vắc xin được đưa vào cơ thể.
  • Giúp trẻ vận động nhẹ nhàng đều đặn mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện sức đề kháng của cơ thể, hạn chế vận động mạnh, tốn nhiều sức.
  • Đến ngay bệnh viện nếu theo dõi thấy sự bất thường của trẻ sau tiêm.
sau khi tiêm chủng cần theo dõi sức khỏeNên theo dõi và chăm sóc trẻ 24/24 tại nhà sau khi tiêm chủng nhằm sớm phát hiện những phản ứng bất thường và xử trí kịp thời.

Những điều cần biết trước khi tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả của quá trình tiêm chủng. Việc tìm hiểu và hiểu biết đúng đắn về thông tin vắc xin, quy trình tiêm chủng, cách hỗ trợ trẻ trước, trong và chăm sóc trẻ sau khi tiêm sẽ giúp các bậc làm cha làm mẹ có thể đưa ra những quyết định thông minh và kịp thời cho những vấn đề phát sinh trong hành trình tiêm chủng của con, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai.

Cập nhật lần cuối: 03:00 28/03/2024

Nguồn tham khảo

  1. Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em mới nhất – Hoạt động của địa phương – Cổng thông tin Bộ Y tế. (2023). Moh.gov.vn. https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/huong-dan-kham-sang-loc-truoc-tiem-chung-cho-tre-em-moi-nhat
  2. thuvienphapluat.vn. (2024, February 6). Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng. THƯ VIỆN PHÁP LUẬT; thuvienphapluat.vn. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/The-thao-Y-te/Nghi-dinh-104-2016-ND-CP-hoat-dong-tiem-chung-315451.aspx

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

background Tâm Anh HN

background Tâm Anh HCM

Đọc toàn bộ bài viết