Viêm phế quản bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới phổ biến, tác động lên phế quản và các nhánh. Khi bị viêm phế quản cấp j20, niêm mạc của các ống dẫn khí bị sưng phù, làm hẹp đường dẫn khí, làm xuất hiện các triệu chứng như ho, khạc ra đàm và khó thở. Cùng tìm hiểu về bệnh viêm phế quản, các dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị qua bài viết sau đây.
1. Viêm phế quản cấp j20 là gì?
Viêm phế quản là một loại bệnh viêm nhiễm đường hô hấp dưới rất phổ biến. Đây là tình trạng niêm mạc của các ống dẫn khí ở phế quản và các nhánh của nó bị viêm nhiễm và sưng phù. Lúc này đường lưu thông khí trong phổi bị thu hẹp và gây ra triệu chứng như ho, đờm, khó thở.
Viêm phế quản cấp thường gây ra bởi các loại vi khuẩn, virus như rhinovirus, parainfluenza, virus hợp bào hô hấp, virus cúm A hoặc B, coronavirus hoặc metapneumovirus… Trong đó các vi khuẩn như mycoplasma pneumoniae, chlamydia pneumoniae, bordetella pertussis là nguyên nhân gây ra ít hơn 5% các trường hợp viêm phế quản. Chúng có thể lây lan nhanh và bùng phát thành đợt dịch.
Những bệnh nhân có bệnh nền mạn tính ở phế quản (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản hay xơ nang) có thể gặp các đợt kịch phát cấp và cũng được gọi là viêm phế quản cấp tính. Ở những bệnh nhân này, nguyên nhân, việc điều trị và hậu quả khác với bệnh viêm phế quản cấp thông thường.
2. Các dấu hiệu nhận biết viêm phế quản cấp j20
Bệnh viêm phế quản cấp j20 có thể có các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, bao gồm:
– Ho khan hoặc đờm, đau và khó chịu.
– Khạc ra đờm, có thể có máu trong đờm.
– Cảm thấy khó thở và thở ngắn hơi.
– Cảm giác đau, nặng ngực đặc biệt là khi thở sâu.
– Có thể sốt cao và cảm thấy mệt mỏi.
– Nghe tiếng thở rít khi hít thở có thể xuất hiện ở một số trường hợp nặng.
3. Chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp tính như thế nào?
3.1 Đánh giá lâm sàng chẩn đoán viêm phế quản cấp j20
Các biểu hiện lâm sàng là một trong những căn cứ quan trọng để chẩn đoán viêm phế quản cấp. Khi thăm khám, các bác sĩ sẽ khai thác rất kỹ các triệu chứng này, đồng thời hỏi thêm về tiền sử bệnh, các thói quen ăn uống, sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ nghe tim phổi, kiểm tra tai mũi họng, cổ, bụng để chẩn đoán, phân biệt thêm và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng phù hợp.
3.2 Các chẩn đoán cận lâm sàng xác định hoặc phân biệt viêm phế quản cấp j20
– Xét nghiệm
Các xét nghiệm vi sinh thường không cần thiết trong trường hợp này. Tuy nhiên cần thực hiện nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nghi ngờ COVID-19, cúm, ho gà…
Ngoài ra, phương pháp nuôi cấy có thể được thực hiện với các bệnh phẩm mũi họng khi có nghi ngờ cúm và ho gà. Xét nghiệm nhiễm Mycoplasma và Chlamydia, xét nghiệm virus thường không được khuyến nghị vì không ảnh hưởng đến việc điều trị.
– Đo độ bão hòa oxy
Nhằm loại trừ tình trạng giảm oxy huyết ở những bệnh nhân có khó thở.
– Đo chức năng hô hấp
Để phân biệt với bệnh hen thể ho.
– Chụp X-quang ngực
Là phương pháp thường dùng nếu bệnh nhân có các dấu hiệu bệnh nặng hoặc viêm phổi (thay đổi ý thức, sốt cao, thở nhanh và gấp, thiếu máu cục bộ, dấu hiệu đông đặc tràn dịch màng phổi…). Bệnh nhân cao tuổi có thể bị viêm phổi mà không có sốt và không có tiếng ran khi nghe tim phổi. Thay vào, họ có biểu hiện thay đổi trạng thái tinh thần và thở nhanh.
Khoảng 75% các trường hợp hết ho trong vòng 2 tuần; 25% số bệnh nhân còn lại ho có thể kéo dài đến 8 tuần. Những người bị ho kéo dài > 8 tuần cần phải được làm thêm các đánh giá, bao gồm cả chụp X-quang ngực.
Việc đánh giá các nguyên nhân không do nhiễm trùng của bệnh ho mạn tính, bao gồm hen, chảy nước mũi sau và bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể được thực hiện trên cơ sở biểu hiện lâm sàng.
4. Điều trị viêm phế quản cấp tính
4.1 Các loại thuốc điều trị triệu chứng?
Gần như tất cả các bệnh nhân bị viêm phế quản cấp chỉ cần điều trị triệu chứng, bằng cách sử dụng acetaminophen và bù dịch. Ngoài ra trong một số trường hợp có thể sử dụng một số loại thuốc giảm ho, loãng đờm và giãn phế quản nhưng cần lưu ý:
– Thuốc giảm ho chỉ nên cân nhắc sử dụng nếu tình trạng ho gây khó chịu hoặc ảnh hưởng tới giấc ngủ.
– Thuốc cường beta2 dạng hít (ví dụ, albuterol) có thể được sử dụng trong một vài ngày khi bệnh nhân thở khò khè. Thuốc này không được khuyến cáo dùng rộng rãi bởi vì có thể gây các tác động bất lợi như gây run, căng thẳng…
– Thuốc tiêu đờm: Không có chỉ định rõ ràng về việc sự dụng thuốc tiêu đờm.
4.2 Khi nào cần điều trị bằng kháng sinh?
Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích khiêm tốn về triệu chứng khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên cần khuyến cáo bệnh nhân và trì hoãn kê đơn (chỉ kê đơn nếu các triệu chứng không cải thiện sau ít nhất vài ngày) để hạn chế việc sử dụng kháng sinh không cần thiết.
Thuốc kháng sinh đường uống thường chỉ được sử dụng nếu bệnh nhân bị ho gà hoặc trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn (mycoplasma, chlamydia) bùng phát dịch bệnh. Các loại kháng sinh cần được kê bởi bác sĩ chuyên khoa và sử dụng đúng liều lượng, tránh gây tác dụng phụ và nhờn thuốc.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm phế quản cấp j20, các dấu hiệu nhận biết và những lưu ý khi điều trị. Đây là một bệnh lý phổ biến nhưng không thể chủ quan. Khi có các dấu hiệu của bệnh, cần thăm khám sớm để được chẩn đoán bằng các phương pháp hiện đại và điều trị kịp thời với sự đồng hành của chuyên gia.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.