Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Quýnh
Đã trả lời: Ngày 25/06/2021
Tim mạch
Chào bạn,
Tim mạch là một nhóm bệnh lý nguy hiểm. Bệnh thường tiến triển âm thầm nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân gặp phải những biến cố cấp tính, nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng và nguy cơ tàn phế suốt đời.
Một số biểu hiện cảnh báo bệnh tim mạch cần cấp cứu có thể kể đến như:
– Đau thắt ngực: đây là biểu hiện đặc trưng của hầu hết các trường hợp tim mạch cấp tính. Nếu bạn hoặc những người thân cảm thấy đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt ở lồng ngực, đau ở phía sau xương ức, vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc sau lưng… thì bạn cần gọi ngay 115 hoặc gọi người giúp đỡ để đưa người bệnh tới bệnh viện.
– Ngừng tuần hoàn: đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng khi được gọi hỏi, ngừng thở, tím tái toàn thân, co giật hoặc mềm nhũn, đại tiểu tiện không tự chủ,..là những biểu hiện hệ tuần hoàn có thể đã bị rối loạn hoặc ngưng trệ.
Lúc này, bạn cần gọi người hỗ trợ và gọi cấp cứu 115. Đồng thời cần ép tim – thổi ngạt cho người bệnh ngay.
– Các dấu hiệu đột quỵ: đột ngột tê hoặc yếu, liệt một bên tay hoặc chân hay cả tay và chân, ngất hoặc hôn mê, khó nói, mất khả năng nói, rối loạn thị giác, mất thăng bằng và khó phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn,…có thể là những dấu hiệu đột quỵ do tim không cung cấp đủ lượng máu cho não. Bạn cần đưa người bệnh tới ngay bệnh viện hoặc phòng cấp cứu gần nhất để được kiểm tra và xử lý.
– Khó thở: Nếu một người đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi, rất có thể họ đã gặp phải một biến cố tim mạch nào đó. Khi thấy xuất hiện triệu chứng này, cần cho người bệnh nằm đầu cao, thở oxy nếu có đồng thời gọi ngay cấp cứu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện để xử trí.
– Đau chân tay: Đột ngột đau dữ dội ở chân hoặc tay có thể là biểu hiện tắc động mạch cấp tính của chân – tay và là một dấu hiệu cần đi cấp cứu. Một số trường hợp, chân hoặc tay có thể đau lạnh, nhợt hơn so với bên đối diện. Khi gặp người bệnh có biểu hiện trên, bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu tức thì. Trong một số trường hợp, người bệnh cần được phẫu thuật lấy cục huyết khối trong lòng mạch ngay mới có thể qua khỏi.
Trong nhiều trường hợp bệnh nhân có thể không có biểu hiện gì, đột nhiên chìm vào hôn mê sâu. Nếu có nhiều người thân, họ hàng đã từng phải cấp cứu tim mạch thì bạn nên cảnh giác vì bệnh tim mạch có khả năng di truyền. Tốt nhất, bạn nên đi khám sớm để kiểm tra sức khỏe tim mạch của mình. Nếu đang mắc bệnh tim mạch, bạn nên điều trị tích cực để phòng tránh nguy cơ phải đi cấp cứu vì các vấn đề tim mạch.