Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Lỵ amip - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 17

Bệnh lỵ amip là gì?

Bệnh lỵ a míp  là bệnh truyền nhiễm lây bằng đường tiêu hóa do a míp lỵ (Entamoeba histolytica) gây ra. A míp lỵ  gây tổn thương ở đại tràng. Lâm sàng biểu hiện đặc trưng bởi hội chứng lỵ. Bệnh lỵ a míp thường có tiến triển kéo dài và dễ trở thành mạn tính nếu không được điều trị đúng.

Biến chứng lỵ a míp

  • Viêm phúc mạc do thủng ruột: là biến chứng nguy hiểm do khó chẩn đoán bởi diễn biến của bệnh thường sảy ra từ từ và không điển hình. Viêm phúc mạc do lỵ a míp thường do thủng hồi manh tràng nên dễ nhầm lẫn với thủng ruột thừa. Viêm phúc mạc do thủng ruột ở bệnh nhân lỵ a míp  thường gây ra viêm phúc mạc khư trú, hay có diễn biến mạn tính và dày dính quanh mạnh tràng mạn tính.
  • U a míp (amoeboma) đại tràng: hiếm gặp. Khối u thường ở manh tràng hoặc đại tràng lên. Khối u mất đi khi điều trị đặc hiệu diệt a míp lỵ.
  • Políp đại tràng: hiếm gặp, bản chất là u tuyến (adenoma). Đây là nguyên nhân hay kích thích ung thư hóa. Do vậy, cần phát hiện sớm và phẫu thuật sớm.
  • Chảy máu ruột: thường gặp, nhưng thường ở mực độ nhẹ.
  • Sa niêm mạc trực tràng : hiếm gặp. Biến chứng này thường sảy ra ở bệnh nhân lỵ  a míp mạn tái diễn nhiều lần.
  • Viêm ruột thừa do a míp: hiếm gặp. Viêm ruột thừa do a míp lỵ thường nặng bởi biến chứng tái thủng lỗ vùi gốc ruột thừa vì chẩn đoán thường chỉ nghĩ đến viêm ruột thừa mủ. Do vậy, phẫu thuật viên thường không có chỉ định điều trị đặc hiệu diệt a míp sau phẫu thuật.

Phòng bệnh

  • An toàn vệ sinh ăn uống: giáo dục thường xuyên cho mỗi cá nhân biết và yêu cầu chấp hành nghiêm các qui định vệ sinh, an toàn ăn uống. Mỗi cá nhân phải thực hiện ăn chín, uống nước chín, rửa tay xà phòng trước khi ăn.
  • Xử lý tốt nguồn nước uống và nguồn nước thải. Nước uống khử bằng clore ở nồng độ uống được thì không đủ diệt a míp. Do vậy phải lọc và uống nước chín.
  • Quản lý người bệnh , nguồn phân : Bệnh nhân mắc bệnh lỵ a míp phải được điều trị bằng thuốc điều trị đặc hiệu (tốt nhất điều trị nội trú tại bệnh viện), chỉ cho bệnh nhân ra viện khi soi phân 2 lần không phát hiện kén a míp lỵ. Quần áo dính phân phải được giặt và khử trùng . Mọi người dân tuyệt đối không được đại tiện ra ngoài môi trường. Không được sử dụng phân tươi cho chăn nuôi và trong nông nghiệp.
  • Điều trị người mang kén a míp lỵ : ở các nơi có bếp ăn tập thể như  trường học, nhà trẻ, đơn vị bộ đội …, hoặc các nhà hàng ăn uống các nhân viên nhà chế biến và phục vụ ăn, uống phải được xét nghiệm phân định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện kén a míp lỵ. Điều trị diệt kén và tạm thuyên chuyển vị trí công tác trong thười gian điều trị cho cá nhân mang kén.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết