Paracetamol có tác dụng gì?

2 năm trước 25

Paracetamollà loại thuốc giảm đau hạ sốt được sử dụng phổ biến trong điều trị đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, cảm cúm... Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác dụng của Paracetamol.

1. Tác dụng của Paracetamol

Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen) là hoạt chất có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Ngoài ra, Paracetamol là loại thuốc giảm đau hiệu quả thay thế cho Aspirin, tuy nhiên Paracetamol lại không có tác dụng điều trị viêm như Aspirin.

Paracetamol có tác dụng gì?

Paracetamol 500mg là hàm lượng thuốc sử dụng phổ biến nhất

Paracetamol thường được chỉ định điều trị trong các trường hợp đau và sốt từ nhẹ đến vừa như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, hạ sốt... Thuốc cũng có tác dụng giảm đau đối với người bị viêm khớp nhẹ, trường hợp viêm nặng hơn như viêm sưng khớp cơ thì việc sử dụng Paracetamol sẽ không hiệu quả.

Khi sử dụng Paracetamol trong điều trị, thuốc hầu như không gây tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không làm ảnh hưởng đến sự cân bằng acid – base trong cơ thể, không gây kích ứng hay chảy máu dạ dày như một số loại thuốc có cùng tác dụng.

Hàm lượng thuốc thường được sử dụng cho người lớn là Paracetamol 500mg.

2. Một số dạng và hàm lượng Paracetamol thường được sử dụng

Paracetamol có tác dụng gì?

Paracetamol dạng bột pha uống

Paracetamol có tác dụng gì?

Paracetamol dạng siro

Paracetamol dạng uống

  • Viên nén: Hàm lượng 500 mg (Panadol 500 mg).
  • Viên sủi: Hàm lượng 500 mg (Panadol sủi 500 mg, Efferalgan 500 mg).
  • Siro: Hàm lượng 160 mg/5 mL (Siro Children's Tylenol), 120 mg/5 mL (Sara siro 120 mg/5mL).
  • Bột pha uống: Hàm lượng 80 mg (Efferalgan gói 80 mg), hàm lượng 150 mg (Efferalgan gói 150 mg, Hapacol 150 mg), hàm lượng 250 mg (Efferalgan gói 250 mg, Hapacol 250 mg).
Paracetamol có tác dụng gì?

Paracetamol dạng đặt hậu môn

Paracetamol dạng đặt hậu môn

  • Hàm lượng 80 mg (Efferalgan viên đặt 80 mg), hàm lượng 150 mg (Efferalgan viên đặt 150 mg), hàm lượng 300 mg (Efferalgan viên đặt 300 mg).

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Paracetamol

Trường hợp hạ sốt hoặc giảm đau cho người lớn:

  • Liều chung: 325 - 650mg/ liều cách 4-6 giờ hoặc 1000mg cách 6-8 giờ bằng đường uống hoặc đặt hậu môn.
  • Nếu sử dụng viên nén Paracetamol 500mg: 1–2 viên/liều uống cách nhau 4-6 giờ.

Trường hợp hạ sốt và giảm đau cho trẻ nhỏ:

  • Liều 10-15 mg/kg/ liều mỗi 4-6 giờ khi cần thiết (tối đa 5 liều trong 24 giờ).
  • Ví dụ: Trẻ em cân nặng 10 kg có thể dùng liều từ 100 mg – 150 mg/lần.

4. Cách sử dụng Paracetamol

Chú ý sử dụng Paracetamol theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Liều tối đa của Paracetamol người lớn được phép sử dụng là 4g (4000mg)/ngày.

Sử dụng đúng dạng Paracetamol dành cho trẻ trong trường hợp bệnh nhân là trẻ em. Lưu ý không được tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.

Với thuốc dạng lỏng: Sử dụng muỗng hoặc dụng cụ đo chuyên dụng để đong liều.

Với dạng viên nhai phải nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt.

Đối với Paracetamol dạng tan rã: Giữ tay khô ráo khi cầm viên thuốc. Chú ý không nuốt toàn bộ thuốc mà để thuốc tự hòa tan trong miệng.

Đối với Paracetamol dạng sủi bọt: cần hòa tan một viên sủi với khoảng 150 – 200 mL nước.

Đối với Paracetamol dạng bột pha: Pha với một lượng vừa đủ nước khoảng 5-10 mL để hòa tan hoàn toàn bột.

Đối với Paracetamol dạng đặt hậu môn: Lưu ý không uống thuốc. Rửa tay sạch sẽ trước hoặc sau khi đặt thuốc và tránh đi vệ sinh hoặc đi tắm sau khi dùng thuốc.

5. Lưu ý khi sử dụng Paracetamol

Paracetamol có tác dụng gì?

Không sử dụng Paracetamol vượt mức liều khuyến cáo

  • Không sử dụng vượt mức liều khuyến cáo.
  • Không sử dụng paracetamol trong trường hợp dị ứng với acetaminophen hoặc paracetamol.
  • Người bị bệnh gan hoặc có tiền sử nghiện rượu, người bị bệnh thận cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng .
  • Không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc. Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác để trị ho, cảm lạnh, dị ứng kết hợp với Paracetamol khi chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn của dược sĩ.
  • Thuốc an toàn khi sử dụng trên phụ nữ có thai và cho con bú. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Ngừng dùng Paracetamol và liên hệ với bác sĩ trong các trường hợp:

  • Tiếp tục sốt sau 3 ngày dùng thuốc.
  • Tiếp tục đau sau 10 ngày dùng thuốc (hoặc 5 ngày đối với trẻ em).
  • Bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hay xuất hiện các triệu chứng mới.

6. Một số tác dụng phụ của Paracetamol

Nhìn chung, thuốc an toàn khi sử dụng ở liều khuyến cáo. Sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo có thể gây độc tính trên gan, thận với các biểu hiện như nước tiểu sậm màu, phân có màu đất sét, vàng da, vàng mắt, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong.

Khi sử dụng Paracetamol có thể gây một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, biểu hiện: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở. Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin về công dụng, cách sử dụng cũng như một số lưu ý khi dùng Paracetamol trong điều trị giảm đau hạ sốt. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về Paracetamol, qua đó sử dụng thuốc để trị bệnh một cách hiệu quả nhất.

Xem thêm: 

Đọc toàn bộ bài viết