Gãy xương bàn tay là tình trạng nứt, gãy một hoặc nhiều xương của bàn tay, thường gặp là gãy xương đốt bàn ngón tay và đốt ngón tay. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng cầm, nắm, khả năng xúc giác nhận biết đồ vật.
1. Tổng quan về gãy xương bàn tay
Bàn tay gồm 27 xương có chức năng vô cùng quan trọng, giúp thực hiện các động tác tinh tế như cầm, nắm, nhận biết đồ vật. Gãy xương bàn tay là tình trạng nứt, gãy một hoặc nhiều xương của bàn tay, thường gặp là gãy xương đốt bàn ngón tay và đốt ngón tay. Gãy xương bàn tay và các đốt tay là chấn thương thường gặp nhất ở chi trên. Nếu gãy xương nặng có thể gây ảnh hưởng đến dây chằng, dây thần kinh và mạch máu.
Nguyên nhân phổ biến gây gãy bàn tay là chấn thương nơi làm việc, chấn thương do té ngã hoặc khi chơi thể thao. Nguy cơ gãy xương bàn tay tăng cao khi chơi một số môi thể thao có nhiều nguy cơ té ngã như trượt băng, trượt ván,...
Do có vai trò quan trọng đối với con người nên khi gãy xương bàn tay, yêu cầu điều trị là phải phục hồi chức năng tối đa cho bàn tay. Khi bàn tay bị tổn thương, thứ tự ưu tiên trong điều trị các ngón bàn tay từ cao đến thấp là:
- Ngón cái: được ưu tiên điều trị do đảm nhiệm tới 50% chức năng bàn tay.
- Ngón 2: ưu tiên điều trị sau ngón cái do đảm nhiệm 20% chức năng bàn tay
- Ngón út: có vai trò quan trọng trong cầm nắm các vật lớn
- Ngón giữa: nhờ ngón giữa mà cầm nắm được các vật nhỏ trong lòng bàn tay
- Ngón 4
2. Chẩn đoán gãy xương bàn tay
Khi gãy xương bàn tay, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Sưng đau vùng chấn thương, kèm theo vết bầm máu, vết thương.
- Khó khăn trong vận động, đặc biệt là các động tác gập, duỗi
- Biến dạng, cử động bất thường, nghe tiếng lạo xạo trong xương
- Biến chứng mạch máu, thần kinh.
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi người bệnh về nguyên nhân gây chấn thương. Nếu người bệnh bị thương do đấm, thì khả năng gãy xương bàn tay ngón út là cao nhất. Bác sĩ sẽ chạm vào bàn tay, ngón tay, cổ tay để xác định điểm đau nhất, đánh giá sơ bộ có tổn thương xảy ra với mạch máu, gân, thần kinh ở bàn tay hay không. Để chẩn đoán chính xác mức độ gãy, di lệch xương, gãy xương kín hay hở, gãy xương nào, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang bàn tay thẳng và chếch 45 độ.
3. Phác đồ điều trị gãy xương bàn tay
3.1. Gãy nền xương bàn I
Gãy nền xương bàn I có hai loại gãy, đó là gãy ngoài khớp và gãy Bennett. Gãy Bennett là đường gãy thường chéo từ phần giữa diện khớp xuống dưới và vào trong do đó tách ra một mảnh nhỏ. Xương bàn tay bị trật ra ngoài đồng thời mặt gãy trượt dọc bờ ngoài xương thang.
Tùy theo mức độ gãy, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn bằng cách nắn bó bột cẳng-bàn tay qua khớp bàn đốt, ngón cái tư thế dạng, giữ trong 6 tuần. Kết hợp sử dụng kháng sinh, thuốc kháng viêm, giảm đau, vitamin,... Tiêm ngừa uốn ván nếu cần thiết.
Điều trị phẫu thuật: có nhiều hình thức như:
- Cố định vào xương thang
- Nếu không mở ở ổ gãy, sau khi nắn xương để ngón cái dạng tối đa, xuyên 2 kim Kirschner vào nến xương bàn và xương thang.
- Găm kim Kirschner từ xương bàn I qua xương bàn II để giữa cho ngón cái dạng và đối chiếu. Giữ kim Kirschner trong 6 tuần.
Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định dùng nẹp bột cố định tạm thời nếu cần thiết. Truyền dịch đẳng trương, sử dụng kháng sinh, thuốc giảm đau, chống viêm,...
3.2. Gãy nền các xương bàn II, III, IV, V
Phác đồ điều trị gãy xương bàn tay các xương bàn II, III, IV, V là sau khi chẩn đoán mức độ gãy bằng cách chụp X-quang, bác sĩ sẽ điều trị bảo tồn bằng nẹp bột hoặc bó bột cẳng bàn tay, giữ trong 4 tuần. Kết hợp với các thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm,...
3.3. Gãy thân và chỏm các xương bàn
Dấu hiệu lâm sàng chắc chắn của gãy thân và chỏm các xương bàn tay đó là tình trạng biến dạng bàn tay, cử động bất thường, tiếng lạo xạo xương. Theo kết quả chụp X-quang thì bác sĩ sẽ biết được đường gãy, vị trí gãy và di lệch. Về điều trị, cũng có hai phương pháp đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật:
- Điều trị bảo tồn: nếu gãy ngón I, bảo tồn bằng cách nắn bó bột cẳng bàn tay qua khớp bàn ngón. Nếu gãy ngón II, III, IV hoặc gãy xương bàn tay ngón út, có thể làm nẹp bột hoặc bó bột cẳng bàn tay hoặc nẹp Iselin. Kết hợp với điều trị bằng thuốc kháng sinh, giảm đau, kháng viêm,... Tiêm ngừa uốn ván nếu có vết thương hoặc xây xát kèm theo.
- Điều trị phẫu thuật: được thực hiện khi xương bị di lệch nhiều mà nắn không có hiệu quả. Phẫu thuật bằng phương pháp dùng 2 cây kim Kirschner găm nội tủy để giữ trục, kết hợp với dùng nẹp vít bản nhỏ để kết hợp xương. Sau phẫu thuật, người bệnh được nẹp bột cố định tạm, sử dụng dịch truyền, các thuốc kháng sinh, chống viêm, giảm đau,...
3.4. Phác đồ điều trị gãy xương bàn tay phần gãy các xương ngón tay
3.4.1. Gãy đốt I
- Điều trị bảo tồn: nếu gãy đốt I ngón cái, điều trị bảo tồn bằng cách bó bột cẳng bàn tay qua khớp liên đốt. Nếu gãy đốt I của các ngón II, III, IV, V, bảo tồn bằng cách bó bột cẳng-bàn tay cùng với nẹp Iselin. Điều trị kết hợp với thuốc kháng sinh dạng uống hoặc tiêm, thuốc kháng viêm, giảm đau,.... Khi có vết thương hoặc xây xát da kèm theo, cần tiêm ngừa uốn ván.
- Điều trị phẫu thuật: do điều trị bảo tồn bằng bó bột dễ gây di lệch thứ phát, làm hẹp bao gân gấp, động tác gấp các ngón khó khăn nên chỉ định phẫu thuật khi gãy đốt I khá rộng rãi. Bác sĩ thực hiện đường mổ ở mặt lưng ngón tay qua gần duỗi, dùng hai cây kim Kirschner xuyên từ 2 bên chỏm lên. Nếu không vững cần bó bột tăng cường. Sau phẫu thuật, cần tăng cường truyền dịch đẳng trương, đạm, lipid (nếu cần thiết), sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, cầm máu,...
3.4.2. Gãy đốt II
- Nếu gãy đốt II của ngón I, thường điều trị bảo tồn bằng cách bó bột cẳng-bàn tay qua khớp liên đốt, giữ trong 4 tuần. Chỉ phẫu thuật khi đứt chỗ bám của gân.
- Nếu gãy đốt II của ngón II, III, IV và V: điều trị bằng bó bột cẳng-bàn tay kết hợp với nẹp Iselin. Hoặc cũng có thể bó bột một ngón tay kiểu đuôi đạn từ đốt I đến đốt III, các khớp liên đốt gập khoảng 30 độ.
3.4.3. Gãy đốt III
Nếu gãy không di lệch chỉ cần quấn băng keo quanh đốt II và III, giữ đốt gãy gập nhẹ 20-30 độ trong 4-6 tuần.
Nếu gãy đứt chỗ bám của gân duỗi có thể xử lý theo một trong các cách sau đây:
- Dùng kim Kirschner cố định duỗi đốt xa tối đa.
- Bó bột trong tư thế duỗi quá mức đốt III.
- Dùng chỉ thép nhỏ khâu vào gân và đưa ra ngoài búp ngón.