Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.
Bàng quang tăng hoạt là gì?
Theo một thống kê vào năm 2018, trên thế giới có khoảng 546 triệu người bị bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt được cho là xảy ra do các dây thần kinh bị trục trặc, điều này gây ra các cơn co bóp cơ bàng quang không tự chủ xảy ra khi bàng quang đầy. Triệu chứng chính của bàng quang tăng hoạt là đột ngột buồn tiểu dữ dội, không thể kiểm soát được. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, bàng quang tăng hoạt thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị y tế.
Triệu chứng của bàng quang tăng hoạt
Một số triệu chứng thường gặp của bàng quang tăng hoạt:
- Rò rỉ nước tiểu khi cảm thấy buồn tiểu. Tình trạng này được gọi là tiểu không tự chủ.
- Đi tiểu nhiều lần (nhiều hơn 8 lần trong vòng 24 giờ).
- Phải thức giấc nhiều một lần để đi tiểu vào ban đêm dù không có các tác nhân gây tiểu nhiều như caffeine, đồ uống có cồn hoặc uống quá nhiều nước vào buổi tối. Tình trạng này được gọi là “tiểu đêm”.
Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính là gì?
Theo một thống kê vào năm 2019, có khoảng 94 triệu nam giới trên thế giới bị tăng sản tiền liệt tuyến lành tính hay còn gọi là phì đại tuyến tiền liệt hay u xơ tuyến tiền liệt. Tỷ lệ mắc vấn đề này tăng theo độ tuổi. Theo Hiệp hội kiểm soát tiết niệu quốc gia Hoa Kỳ, 50% nam giới ở độ tuổi 60 có triệu chứng tăng sản tiền liệt tuyến lành tính và tỷ lệ này ở nam giới 85 tuổi là 90%. Chỉ nam giới mới có tuyến tiền liệt nên tăng sản tuyến tiền liệt lành tính chỉ xảy ra ở nam giới. Tuyến tiền liệt có vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản của nam giới vì tuyến này tham gia sản xuất tinh dịch. Tuyến tiền liệt nằm ngay dưới bàng quang, tại vị trí bàng quang nối với niệu đạo. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật.
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể là kết quả do sự thay đổi nồng độ hormone xảy ra trong quá trình lão hóa ở nam giới. Tuyến tiền liệt phì đại có thể gây tắc nghẽn niệu đạo. Mặc dù tăng sản tuyến tiền liệt lành tính không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các triệu chứng gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày.
Triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Các triệu chứng chính của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính:
- Tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội, không nhịn được
- Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm (chứng tiểu đêm)
- Tiểu khó, phải rặn mỗi khi đi tiểu
- Dòng tiểu yếu
- Nước tiểu vẫn nhỏ giọt sau khi đi tiểu xong
Một triệu chứng phổ biến khác của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là cảm giác tiểu không hết và vừa đi tiểu xong lại buồn.
Các triệu chứng khẩn cấp
Các triệu chứng về tiết niệu còn có thể là do nhiều nguyên nhân khác ngoài bàng quang tăng hoạt hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Đó là lý do tại sao cần đi khám khi nhận thấy những thay đổi bất thường để xác định chính xác vấn đề.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây thì phải đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức:
- Có máu trong nước tiểu
- Buồn tiểu nhưng không thể tiểu được
- Sốt hoặc ớn lạnh kèm theo đau buốt khi đi tiểu, tiểu nhiều lần hoặc tiểu gấp
- Cảm thấy đau tức ở vùng bụng dưới hoặc khu vực đường tiết niệu
Yếu tố nguy cơ
Bàng quang tăng hoạt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có một số triệu chứng giống nhau, chẳng hạn như đi tiểu nhiều lần và tiểu gấp.
Tuy nhiên, hai tình trạng này có nhiều điểm khác nhau. Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ có thể giúp bạn phần nào biết được mình bị bàng quang tăng hoạt hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
Các yếu tố nguy cơ của tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Nếu bạn là phụ nữ và gặp phải các triệu chứng kể trên thì có thể loại trừ ngay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính vì chỉ nam giới mới có tuyến tiền liệt. Tất cả nam giới trưởng thành đều có thể bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính nhưng một số người có nguy cơ cao hơn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tăng sản tuyến tiền liệt lành tính:
- Mắc bệnh tim mạch
- Mắc bệnh tiểu đường
- Bị béo phì
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, đủ chất
- Ít hoạt động thể chất
- Trên 40 tuổi
- Có tiền sử gia đình bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc các vấn đề về tuyến tiền liệt khác
- Sử dụng thuốc chẹn beta – một nhóm thuóc điều trị bệnh tim mạch
Chủng tộc cũng là một yếu tố nguy cơ. Nam giới Châu Á có nguy cơ bị tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thấp hơn so với nam giới da trắng và da đen.
Các yếu tố nguy cơ của cả tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và bàng quang tăng hoạt
Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và bàng quang tăng hoạt có chung một số yếu tố nguy cơ như:
- Mắc các bệnh ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống, chẳng hạn như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng, chấn thương tủy sống, bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer
- Tuổi cao
- Từng phẫu thuật vùng chậu
- Mắc bệnh thần kinh đái tháo đường
- Nhiễm trùng bàng quang, sỏi bàng quang hoặc có khối u ở bàng quang
Các yếu tố nguy cơ của bàng quang tăng hoạt
Những người có tiền sử gia đình bị bàng quang tăng hoạt sẽ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn. Sinh con nhiều lần và mãn kinh làm tăng nguy cơ bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ. Ở nam giới, bàng quang tăng hoạt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính có thể xảy ra đồng thời.
Điều trị bàng quang tăng hoạt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
Cả bàng quang tăng hoạt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính đều có thể điều trị được. Có nhiều phương pháp điều trị và bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng và một số yếu tố khác. Nếu các triệu chứng không nghiêm trọng thì thường không cần phải phẫu thuật. Dùng thuốc, thay đổi thói quen sống và các bài tập rèn luyện bàng quang có thể giúp kiểm soát bàng quang tăng hoạt và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.