Phân biệt chứng ợ nóng, trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản

4 năm trước 24

Nhiều người cho rằng ợ nóng, trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là cùng một vấn đề nhưng thực tế chúng không hoàn toàn giống nhau.

Trào ngược axit dạ dày là một tình trạng phổ biến mà rất nhiều người đã từng gặp phải, xảy ra khi chất dịch trong dạ dày, có chứa cả axit trào ngược lên thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một dạng mãn tính và nghiêm trọng hơn của trào ngược axit dạ dày còn ợ nóng là một triệu chứng của trào ngược axit và trào ngược dạ dày thực quản.

Ợ nóng là gì?

Ợ nóng là một triệu chứng của các vấn đề xảy ra trong đường tiêu hóa mà cụ thể là thực quản. Ợ nóng là hiện tượng đau hoặc nóng rát xảy ra ở vùng ngực.

Lớp niêm mạc thực quản mỏng manh và dễ tổn thương hơn niêm mạc dạ dày. Vì vậy mà hiện tượng trào ngược axit lên thực quản rất dễ gây kích thích và dẫn đến cảm giác khó chịu. Mỗi người bị ợ nóng lại cảm nhận thấy các dạng đau, khó chịu khác nhau, có người cảm thấy đau nhói, có người thấy nóng rát trong khi có người lại thấy tức ngực và cảm giác như ngực bị bóp nghẹt. Đôi khi, triệu chứng ợ nóng còn nghiêm trọng đến mức tạo cảm giác như có lửa thiêu đốt ở cổ họng và vùng quanh xương ức.

Chứng ợ nóng thường xảy ra sau khi ăn, đặc biệt là khi cúi người hoặc nằm xuống.

Bạn có thể làm dịu hiện tượng ợ nóng bằng cách:

  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì
  • Bỏ hút thuốc
  • Ăn ít chất béo
  • Tránh đồ ăn cay và đô có nhiều axit

Nếu chỉ bị ợ nóng nhẹ, không thường xuyên thì không phải vấn đề đáng lo ngại và có thể dùng các loại thuốc không kê đơn để khắc phục ví dụ như thuốc kháng axit. Nhưng nếu bị ợ nóng thường xuyên và phải dùng thuốc kháng axit nhiều lần trong tuần thì nên đi khám bác sĩ. Đây có thể là triệu chứng của một vấn đề nghiêm trọng hơn như trào ngược dạ dày thực quản.

Trào ngược axit là gì?

Tại vị trí mà thực quản và dạ dày gặp nhau có một cơ hình tròn gọi là cơ vòng thực quản dưới (LES). Cơ này có nhiệm vụ mở ra để thức ăn di chuyển từ thực quản xuống dạ dày và đóng thực quản sau khi thức ăn đi vào dạ dày. Khi cơ này bị tổn hại và không thực hiện được chức năng bình thường thì dịch vị từ dạ dày sẽ di chuyển ngược lên thực quản và gây ra hiện tượng trào ngược axit dạ dày.

Trào ngược axit thường gây ợ nóng và các triệu chứng khác như:

  • Ho
  • Đau rát họng
  • Có vị đắng hoặc chua ở cổ họng và vùng phía sau của khoang miệng
  • Cảm giác nóng và tức lan đến xương ức

Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là dạng mạn tính của trào ngược axit. Khi bị trào ngược axit với tần suất hơn hai lần một tuần hoặc hiện tượng trào ngược gây viêm trong thực quản thì tình trạng lúc này được gọi là trào ngược dạ dày thực quản. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà cảm giác khó chịu do trào ngược dạ dày thực quản có thể có hoặc không cải thiện khi dùng thuốc kháng axit hoặc các loại thuốc điều trị không kê đơn khác. Trào ngược dạ dày thực quản gây tổn thương thực quản và nếu tình trạng này tiếp diễn trong một thời gian dài thì có thể dẫn đến ung thư.

Các triệu chứng thường gặp của trào ngược dạ dày thực quản gồm có:

  • Hôi miệng
  • Mòn men răng do axit
  • Ợ nóng
  • Cảm giác như thức ăn, nước uống và các chất khác trong dạ dày đi ngược lên cổ họng và miệng
  • Đau tức ngực hay đau vùng thượng vị
  • Ho khan kéo dài
  • Có triệu chứng hen suyễn
  • Khó nuốt

Nếu bị trào ngược axit không thường xuyên thì ợ nóng và các triệu chứng khác thường chỉ xảy ra sau khi ăn một số loại thực phẩm nhất định như đồ chua cay hoặc thói quen như nằm xuống ngay sau khi ăn. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng mãn tính mà nguyên nhân thường là do các tật xấu tiếp diễn trong một thời gian dài hoặc do một vấn đề về sức khỏe hoặc đường tiêu hóa như:

  • Thừa cân hoặc béo phì, gây áp lực lên dạ dày
  • Thoát vị khe hoành thực quản, làm giảm khả năng thắt chặt của cơ vòng thực quản dưới
  • Hút thuốc
  • Uống rượu
  • Mang thai
  • Dùng các loại thuốc làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới như thuốc kháng histamine, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giảm đau, thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm,…

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đây là một vấn đề hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các biện pháp như:

  • Dùng thuốc
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống
  • Giảm cân
  • Cai thuốc lá
  • Bỏ rượu

Các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản thường có cơ chế hoạt động chung là làm giảm sự tiết axit trong dạ dày. Tuy nhiên, không phải khi nào các loại thuốc này cũng có hiệu quả và đôi khi, người bệnh còn cần làm phẫu thuật để sửa lại cơ vòng thực quản dưới.

Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em

Không chỉ có người lớn, trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng bệnh này đặc biệt phổ biến ở trẻ sơ sinh vì dạ dày của trẻ có kích thước nhỏ hơn nhiều so với dạ dày người lớn và chưa có khả năng kiểm soát khi chứa đầy. Kết quả là, các chất trong dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên trên.

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh thường gồm có:

  • Cáu gắt, quấy khóc dữ dội trong và sau khi cho ăn
  • Hay ọe
  • Ọc ra nhiều sữa, đặc biệt là sau khi ợ
  • Chậm tăng cân
  • Không chịu ăn
  • Nôn trớ
  • Thở khò khè
  • Khó thở
  • Hơi thở có mùi lạ
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp
  • Khản tiếng

Phần lớn trẻ sơ sinh đều bị hiện tượng thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản trong hai tháng đầu đời. Đây là hiện tượng bình thường và bệnh thường tự khỏi khi sang 1 tuổi. Những trẻ có vấn đề về phát triển và thần kinh, chẳng hạn như bại não thì thường bị hiện tượng này trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, ở những trẻ bình thường, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn khi trẻ đã được trên 1 tuổi thì cần đi khám để chẩn đoán và điều trị sớm nhằm giảm khả năng xảy ra biến chứng. Nếu không được điều trị, trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có thể sẽ để lại hậu quả lâu dài.

Trào ngược dạ dày thực quản trong thai kỳ

Ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản là những hiện tượng thường gặp trong thời gian mang thai và có thể xảy ra ở cả những phụ nữ chưa bao giờ có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản trước đó. Phụ nữ mang thai thường gặp các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản trong ba tháng đầu và tình hình trở nên nặng hơn trong ba tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, đa phần thì các triệu chứng thường biến mất sau khi sinh.

Trong thai kỳ, nồng độ hormone progesterone sẽ tăng cao, khiến cho cơ vòng thực quản dưới giãn ra và tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược. Thêm nữa, áp lực do bào thai đang phát triển chèn ép lên dạ dày cũng là nguyên nhân gây hiện tượng trào ngược ở phụ nữ mang bầu.

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản trong thai kỳ cũng giống như triệu chứng ở người bình thường. Tuy nhiên, vì các triệu chứng chỉ xảy ra tạm thời nên nếu có bị trào ngược dạ dày thực quản trong thai kỳ thì phụ nữ cũng thường không gặp phải các biến chứng về lâu dài.

Bác sĩ luôn tránh kê quá nhiều loại thuốc cho phụ nữ đang mang bầu vì thuốc có thể được truyền sang cho thai nhi. Do đó, khi bị trào ngược dạ dày thực quản và đang mang thai thì bạn nên cố gắng thay đổi lối sống, chẳng hạn như tránh tối đa các loại thực phẩm gây ra triệu chứng trào ngược và kê đầu cao lên khi ngủ. Có thể dùng thuốc kháng axit có chứa magiê (magnesium), nhôm hydroxid (aluminium hydroxide) và canxi (calcium). Đây là những loại thuốc an toàn cho phụ nữ mang thai nhưng vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước. Tuy nhiên, không được dùng thuốc kháng axit có chứa natri bicarbonate vì các loại thuốc này có tác dụng phụ là gây phù nề do giữ nước.

Ngoài thuốc kháng axit, các loại thuốc trị chứng trào ngược phổ biến và an toàn trong thai kỳ còn có ranitidine (Zantac) và famotidine (Pepcid). Đối với những trường hợp nặng hơn thì có thể dùng thuốc ức chế bơm proton như lansoprazole (Prevacid) nhưng luôn phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào trong thời gian này.

Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Để chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp sau:

  • Đo pH thực quản 24h: một ống mềm được đưa qua mũi vào thực quản. Ống này có các cảm biến đo độ axit để phát hiện có axit trong thực quản.
  • Nội soi đường tiêu hóa trên: đây là kỹ thuật được thực hiện dưới phương pháp gây mê. Một ống nội soi mềm có gắn camera được luồn từ miệng hoặc mũi vào dạ dày và phần trên của ruột non (tá tràng). Phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên giúp xác định các dấu hiệu tổn thương, khối u, tình trạng viêm hoặc lở loét ở trong các cơ quan này. Ngoài ra, phương pháp này cũng được sử dụng để lấy mẫu mô (sinh thiết).

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Điều chỉnh lối sống

Có một số loại thực phẩm nhất định làm tăng lượng axit trong dạ dày và dẫn đến các triệu chứng trào ngược axit và ợ nóng. Do vậy, việc tránh những thực phẩm này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng mà không cần dùng thuốc. Các loại thực phẩm này gồm có:

  • Đồ uống có cồn
  • Chocolate
  • Cà phê
  • Đồ dầu mỡ
  • Thực phẩm nhiều chất béo
  • Bạc hà
  • Thức ăn chua cay
  • Các loại quả chua

Bên cạnh đó, nên áp dụng một số thay đổi về lối sống như:

  • Không hút thuốc
  • Hạn chế mặc quần áo bó sát
  • Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn từ hai đến ba bữa lớn
  • Ngồi thẳng trong ít nhất 3 tiếng sau khi ăn

Ngoài ra, nếu bạn thừa cân thì nên giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, ít calo và tập thể dục hàng ngày. Điều này cũng sẽ giúp ích trong việc giảm triệu chứng trào ngược axit dạ dày. Nếu không thể tập được hàng ngày thì nên phấn đấu tập 5 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút.

Đối với trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản, bố mẹ cũng nên điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như pha thêm một lượng nhỏ bột gạo ăn dặm vào sữa mẹ hoặc sữa công thức để làm sữa đặc lại và giảm hiện tượng trào ngược. Bên cạnh đó, không nên cho bé ăn quá nhiều, nên bế bé đứng thẳng khi cho ăn và trong ít nhất 30 phút sau đó để tránh xảy ra trào ngược.

Ở trẻ lớn hơn thì cũng nên cho trẻ ăn theo chế độ ăn không có các loại thực phẩm kích thích triệu chứng trào ngược axit và nhắc trẻ kê cao đầu khi nằm.

Nếu các biện pháp này đều không có tác dụng giảm các triệu chứng trào ngược ở trẻ thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giống như người lớn nhưng với liều lượng thấp hơn.

Dùng thuốc

Tình trạng trào ngược axit hay trào ngược dạ dày thực quản có thể được điều trị bằng các loại kê đơn và không kê đơn.

Thuốc kháng axit: Phương pháp điều trị bước đầu cho tình trạng trào ngược axit dạ dày thường là dùng thuốc kháng axit. Nhóm thuốc này phát huy hiệu quả nhanh chóng và làm giảm tác động của axit dạ dày, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng. Hai loại thuốc điển hình trong nhóm này là Tums và Rolaids.

Nếu đã dùng thuốc kháng axit mà triệu chứng trào ngược axit vẫn không thuyên giảm thì sẽ cần đến các loại thuốc khác như:

Thuốc kháng histamine H2: Thuốc kháng histamine H2 có tác dụng làm giảm lượng axit mà dạ dày tiết ra. Loại thuốc này thường được dùng kết hợp cùng thuốc kháng axit. Một số thuốc kháng histamine H2:

  • cimetidin (Tagamet)
  • famotidine (Pepcid)
  • ranitidine (Zantac)

Thuốc ức chế bơm proton: Loại thuốc này cũng làm giảm lượng axit trong dạ dày nhưng cho hiệu quả trong thời gian dài hơn thuốc kháng histamine H2. Thuốc ức chế bơm proton còn giúp chữa lành niêm mạc dạ dày. Một số thuốc trong nhóm này:

  • esomeprazole (Nexium)
  • omeprazole (Prilosec)
  • lansoprazole (Prevacid)
  • pantoprazole (Protonix)

Các loại thuốc nhóm prokinetic: có tác dụng tăng cường tần suất và lực co thắt của cơ vòng thực quản dưới. Tuy nhiên, do có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên dùng loại thuốc này để điều trị trào ngược dạ dày thực quản hay không.

Nếu đã dùng thuốc mà các triệu chứng vẫn không cải thiện thì người bệnh sẽ cần phẫu thuật để ngăn chặn tình trạng trào ngược và không làm cho thực quản, dạ dày bị tổn thương thêm. Một trong các phương pháp phẫu thuật để điều trị cho các trường hợp bị trào ngược dạ dày thực quản là phẫu thuật tạo nếp gấp đáy vị hay còn gọi là phẫu thuật Nissen. Đây là thủ thuật gấp một phần dạ dày xung quanh thực quản để củng cố cơ vòng thực quản dưới.

Biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Nếu tình trạng trào ngược dạ dày thực quản không được điều trị kịp thời, axit từ dạ dày có thể làm hỏng niêm mạc thực quản và gây:

  • Xuất huyết
  • Loét
  • Hình thành sẹo, gây tắc nghẽn

Axit còn có thể làm biến đổi các tế bào trong thực quản theo thời gian và gây nên một bệnh về thực quản gọi là Barrett thực quản. Khoảng 10 đến 15% những người bị trào ngược dạ dày thực quản bị căn bệnh này. Barrett thực quản làm tăng nguy cơ mắc một loại ung thư thực quản gọi là ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma).

Khi nào cần đi khám?

Một số triệu chứng trào ngược axit dạ dày giống với triệu chứng của nhồi máu cơ tim nên hai vấn đề này thường bị nhẫm lẫn với nhau. Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim lại là vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều nên bạn không được chủ quan mà cần phải đến bệnh viện ngay nếu thấy có triệu chứng ợ nóng, đau ngực dữ dội, bất thường và có kèm theo:

  • Khó thở
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Chóng mặt
  • Đau ở cánh tay hoặc hàm

Những triệu chứng này có thể báo hiệu cơn nhồi máu cơ tim.

Đôi khi, bản thân trào ngược dạ dày thực quản cũng cần được can thiệp y tế khẩn cấp nếu như xảy ra các triệu chứng như:

  • Nôn mửa thường xuyên, dữ dội
  • Khó thở
  • Khó nuốt
  • Nôn ra với máu đỏ tươi hoặc chất màu nâu, lợn cợn như cà phê

Đây là những dấu hiệu cho thấy rất có thể trào ngược dạ dày thực quản đã phát triển thành một vấn đề nghiêm trọng hơn ví dụ như xuất huyết hoặc loét dạ dày thực quản.

Đọc toàn bộ bài viết