Phân biệt lông mọc ngược và mụn rộp

3 năm trước 31

Sẩn đỏ và mụn nước ở vùng quanh bộ phận sinh dục có thể là dấu hiệu của mụn rộp hay herpes nhưng cũng có thể chỉ là lông mọc ngược. Vậy làm thế nào để phân biệt được?

Dấu hiệu nhận biết mụn rộp

Mụn rộp hình thành gần âm đạo hoặc dương vật là do một trong các loại virus herpes simplex là virus herpes simplex loại 1 (HSV-1) hoặc virus herpes simplex loại 2 (HSV-2) gây ra. Nhiễm HSV-2 thường phổ biến hơn so với HSV-1.

HSV-1 chủ yếu gây hình thành mụn rộp ở miệng (hay còn gọi là mụn rộp môi) nhưng cũng có thể gây mụn rộp cả ở vùng sinh dục.

Các triệu chứng của mụn rộp sinh dục gồm có:

  • Nổi mụn nước mềm, mọc thành từng đám, sau đó vỡ ra, chảy dịch và tạo thành vết loét
  • Vết loét dần đóng vảy và lành lại. Sau đó một thời gian thì triệu chứng này mới bùng phát trở lại
  • Mụn nước thường có kích thước nhỏ, dưới 2mm
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Người mệt mỏi

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến, bao gồm cả nhiễm HSV-2 lây qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. HSV-1 còn có thể lây khi hôn.

Một số người bị nhiễm HSV nhưng không hề có triệu chứng. Trong những trường hợp này, virus tồn tại ở trạng thái “ngủ đông”, có nghĩa là không hoạt động trong cơ thể suốt nhiều năm. Tuy nhiên, một số người lại phải trải qua những đợt bùng phát triệu chứng liên tục chỉ trong vòng một năm đầu tiên sau khi nhiễm virus.

Người bệnh có thể sẽ gặp hiện tượng sốt và cảm giác mệt mỏi giống như bị cúm trong thời gian đầu sau khi nhiễm HSV. Đợt bùng phát triệu chứng đầu tiên thường là nặng nhất và các lần sau sẽ nhẹ hơn.

Hiện chưa có cách nào chữa trị khỏi bệnh mụn rộp mà chỉ có thể dùng thuốc kháng virus để giảm tần suất các đợt bùng phát. Những loại thuốc này còn giúp rút ngắn thời gian và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Nhận biết lông mọc ngược

Lông mọc ngược cũng gây ra các nốt sẩn đỏ, sưng ở vùng sinh dục. Ngoài ra, kích ứng do dao cạo – một hiện tượng xảy ra sau khi dùng dao cạo lông - cũng có thể gây nổi sẩn nhỏ và mụn nước ở khu vực này.

Thông thường sau khi cạo, đầu sợi lông sẽ nhô ra bên ngoài lỗ chân lông. Tuy nhiên, đôi khi, sợi lông lại mọc hướng vào trong, chọc vào thành lỗ chân lông và gây kích ứng, sưng đỏ. Đây được gọi là hiện tượng lông mọc ngược.

Các biểu hiện của lông mọc ngược gồm có:

  • Nổi sẩn nhỏ, đỏ ở lỗ chân lông có lông mọc ngược
  • Ngứa, đau
  • Mưng mủ, khiến đầu nốt mụn có màu trắng giống như mụn trứng cá

Waxing, cạo hay nhổ lông đều có thể dẫn dến lông mọc ngược ở vùng kín.

Nang lông bị tắc nghẽn sẽ dần bị viêm và chứa mủ bên trong. Đó là lý do tại sao một số lỗ chân lông có lông mọc ngược lại trở thành mụn đầu trắng. Tình trạng viêm sẽ gây ngứa và đau.

Không giống như mụn rộp sinh dục, lông mọc ngược thường hình thành dưới dạng sẩn hay nốt mụn đơn lẻ chứ không mọc thành cụm. Tuy nhiên, lông mọc ngược có thể xảy ra ở nhiều lỗ chân lông cùng một lúc. Điều này dễ xảy ra sau khi cạo hoặc tẩy lông xung quanh âm đạo hoặc dương vật.

Nếu quan sát kỹ lông mọc ngược thì sẽ thấy có một đường đen mảnh ở giữa. Đó là sợi lông gây ra vấn đề. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể thấy được sợi lông mọc ngược từ bên ngoài.

Lông mọc ngược thường tự khỏi và tình trạng sưng, đau cũng sẽ chấm dứt sau khi sợi lông được kéo ra hoặc tự đâm qua bề mặt da.

Khi nào cần đi khám?

Lông mọc ngược thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến một tuần. Nhẹ nhàng rửa khu vực có lông mọc ngược trong khi tắm để loại bỏ các tế bào da chết và giúp sợi lông có thể mọc qua bề mặt da.

Lúc này, các triệu chứng khó chịu sẽ tự biến mất. Khi nốt mụn do lông mọc ngược bị mưng mủ thì không được nặn vì điều này sẽ làm cho tình trạng viêm thêm nặng hơn và để lại sẹo.

Tương tự, mụn rộp sinh dục cũng có thể tự biến mất sau một vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, mụn rộp sẽ tái phát sau một thời gian. Tần suất bị mụn rộp khi nhiễm HSV ở mỗi người là khác nhau. Một số người phải trải qua những đợt bùng phát liên tiếp trong khi lại có những người chỉ bị mụn rộp vài lần mỗi năm.

Nếu đột nhiên thấy nổi sẩn hay mụn nước ở vùng sinh dục mà không thể xác định được nguyên nhân hoặc hiện tượng này tiếp diễn đến hai tuần mà vẫn không hết thì cần đi khám bác sĩ.

Phương pháp chẩn đoán

Đôi khi, nếu chỉ nhìn bên ngoài thì ngay cả bác sĩ cũng rất khó phân biệt nguyên nhân gây nổi nốt bất thường ở vùng sinh dục mà phải cần thực hiện một vài phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán.

Xét nghiệm máu sẽ xác định có bị nhiễm HSV hay không. Bác sĩ sẽ làm xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục để loại trừ các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra biểu hiện tương tự. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính thì sẽ phải tìm những nguyên nhân khác, ví dụ như lông mọc ngược, tuyến bã nhờ bị tắc hay u nang.

Tóm tắt bài viết

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nổi sẩn hay mụn nước ở vùng kín. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại, ví dụ như lông mọc ngược nhưng cũng có những nguyên nhân nghiêm trọng hơn, ví dụ như các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do đó, khi phát hiện thấy những biểu hiện này thì nên đi khám để xác định chính xác vấn đề và có biện pháp xử lý.

Đọc toàn bộ bài viết