Phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên: Chỉ định và lựa chọn

5 tháng trước 49

Khi đối diện với ung thư vú, việc quyết định giữa phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên không chỉ dựa trên tình trạng sức khỏe mà còn liên quan đến các yếu tố cá nhân. Mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm và rủi ro riêng, từ nguy cơ mắc ung thư vú lần 2, rủi ro phẫu thuật, đến nỗi lo về việc phải theo dõi suốt đời và mất đi cảm giác ở vú.

Ngoài ra, các vấn đề về tài chính, tình cảm, xã hội và thực tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định này. Dưới đây là một số ưu điểm và khuyết điểm của việc lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ 1 bên hay 2 bên vú, giúp bạn có cái nhìn toàn diện để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Bài viết được thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang, khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ.

phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên

Phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên là gì?

Với phụ nữ chỉ mắc ung thư ở 1 bên vú, có thể chọn lựa phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, thay vì chỉ loại bỏ khối u. Trong trường hợp này, bạn có quyền lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên. Về mặt y học, phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên là sự kết hợp giữa việc loại bỏ 1 bên vú bị ung thư và “cắt bỏ vú dự phòng đối bên” cho vú không bị ung thư.

Tỷ lệ phụ nữ chọn phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên vú 1 tăng lên đáng kể trong vài thập kỷ qua. Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố tại Mỹ, số phụ nữ lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên tăng gấp 3 (giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2012, lần lượt từ 3,9% lên 12,7%). [1]

cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bênPhụ nữ mắc ung thư ở 1 bên vú, có thể chọn lựa phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú, thay vì chỉ loại bỏ khối u

Đối tượng chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên

Việc lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên phụ thuộc vào các yếu tố như: lợi ích và rủi ro của mỗi phẫu thuật, tuổi lúc chẩn đoán, di truyền học, giai đoạn ung thư và tầm soát trong tương lai, chi phí, chất lượng cuộc sống, sở thích cá nhân.

1. Ung thư vú di truyền

Với người mắc bệnh ung thư vú di truyền, việc phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên mang lại nhiều lợi ích hơn so với rủi ro. Nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với đột biến gen BRCA làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú đã chọn phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng 2 bên để ngừa ung thư vú phát triển.

Ưu đãi tầm soát ung thư vú dịp 8-3

Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm quan trọng khi nói về khuynh hướng di truyền đối với bệnh ung thư vú. Hiện tại có các xét nghiệm sàng lọc đột biến BRCA và đột biến gen không BRCA làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đồng thời, xét nghiệm di truyền để phát hiện rủi ro vẫn còn mới mẻ và ngay cả khi không tìm thấy đột biến, những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú vẫn có thể có nguy cơ cao.

2. Lợi ích và rủi ro của mỗi phẫu thuật

Khi người bệnh còn cân nhắc về việc phẫu thuật cắt bỏ 1 hoặc cả 2 bên vú, điều quan trọng là phải xem xét cả mối quan tâm sức khỏe và chất lượng cuộc sống cũng như những mối quan tâm cá nhân. Mối quan tâm về sức khỏe chủ yếu liên quan đến nguy cơ mắc bệnh ung thư lần thứ 2 và tỷ lệ sống còn so với các rủi ro liên quan đến việc thêm lần phẫu thuật do cắt bỏ vú dự phòng đối diện.

3. Tầm soát tương lai

Cả nam và nữ sau khi phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú cần tiếp tục kiểm tra định kỳ để phát hiện sớm nếu có ung thư vú khác hình thành. Tuy nhiên, phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên vú thì không cần tầm soát ung thư vú trong tương lai. Mọi người đều có cảm nhận khác nhau về việc tầm soát này và mức độ lo lắng khi lên lịch và chờ kết quả. Điều này, cũng có thể ảnh hưởng đến các thành viên khác trong gia đình và bạn bè.

Các bác sĩ ung thư có thể đưa ra các phương án kiểm tra khác nhau bao gồm: chụp X-quang tuyến vú hoặc chụp MRI vú. Chụp X-quang tuyến vú bỏ sót khoảng 20% ​​số ca ung thư vú, đặc biệt ở những bộ ngực dày đặc.

Ngược lại, MRI là xét nghiệm tầm soát chính xác nhất hiện nay và không bị ảnh hưởng nếu bộ ngực dày đặc, nhưng giá thành cao và có thể khó khăn với người lại lo lắng khi đưa vào lồng chụp MRI. Bạn cũng nên lưu ý thuốc cản quang gadolinium được sử dụng cho chụp MRI vú, có thể tích tụ trong não, mặc dù chưa được nghiên cứu rõ ràng. MRI có thể là một lựa chọn tầm soát trong tương lai nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

Tầm soát ung thư vú bằng máy MRI có thể được thực hiện chưa tới 10 phút với chi phí tương tự như chụp nhũ ảnh nhưng có tỷ lệ phát hiện tương tự X-quang. Cũng có khả năng cần sinh thiết vú trong tương lai dựa trên kết quả chụp hình ảnh.

4. Chi phí

Dù phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú và tái tạo vú thường được bảo hiểm chi trả, nhưng chi phí sẽ cao hơn một chút so với chỉ phẫu thuật cắt bỏ một bên vú. Những người đã phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên vú phải tiếp tục tầm soát ung thư vú ở bên vú còn lại của họ và các chi phí liên quan đến việc kiểm tra đó.

Các nghiên cứu cho thấy, một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú kèm với tầm soát ít tốn kém hơn so với phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú kèm tái tạo. Mặt khác, một nghiên cứu khác cho thấy phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú (cắt bỏ 1 bên vú do ung thư và cắt bỏ bên còn lại để phòng ngừa) lại ít tốn kém hơn so với chi phí theo dõi, tầm soát ung thư vú hàng năm với phụ nữ dưới 70 tuổi.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ bao gồm những phụ nữ đã có đột biến BRCA. May mắn hiện nay quyết định cá nhân của mỗi người bệnh được coi là quan trọng hơn so với vấn đề chi phí.

5. Chất lượng cuộc sống

Các nghiên cứu cho thấy ở một số người, việc phẫu thuật cắt bỏ vú có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Cụ thể, những người chỉ phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú có sức khỏe tốt hơn tương đương 3 tháng (trong hơn 20 năm theo dõi) so với những người đã phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên.

Một số nghiên cứu khác lại cho thấy, những phụ nữ phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên vú thường hài lòng hơn. Vì việc tái tạo vú phổ biến hơn ở những người phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên vú nên việc này góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống đáng kể cho người bệnh.

6. Sở thích cá nhân

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú nhưng vẫn giữ lại núm vú hoặc da, cảm giác thường bị giảm rõ rệt sau phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng. Tầm quan trọng của điều này và mối liên hệ của nó với sức khỏe tình dục sẽ khác nhau ở mỗi người. Một lập luận truyền thống cho rằng, về phẫu thuật cắt bỏ cả 2 bên vú giúp đạt được sự đối xứng.

Khi hai bên ngực đều được tái tạo, chúng sẽ đối xứng hơn so với trường hợp chỉ 1 bên ngực được tái tạo hoặc không tái tạo. Điều này có nghĩa là chỉ với 1 lần phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo vú, nhiều người sẽ trải qua phẫu thuật trên phần vú không bị ảnh hương để giúp duy trì sự cân đối. Ngoài ra tuổi lúc chẩn đoán và giai đoạn ung thư cũng ảnh hưởng đến lựa chọn phẫu thuật 1 bên 2 hay bên vú của người bệnh.

Nhìn chung, các nghiên cứu ghi nhận:

  • Phụ nữ trẻ có xu hướng chọn phẫu thuật cắt cả 2 bên vú. Thống kê cho thấy gần 1/4 phụ nữ từ 35 – 45 chọn phương pháp này. Các yếu tố khác liên quan đến quyết định cắt bỏ vú 2 bên bao gồm: trình độ học vấn cao và nhóm người sống ở các nước phát triển.
  • Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy phụ nữ mắc ung thư vú dương tính với HER2 có nhiều khả năng phải phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên hơn so với người có khối u dương tính với thụ thể estrogen nhưng lại âm tính với HER2. Điều này có thể hiểu được vì những người có khối u âm tính với thụ thể hormone có nguy cơ phát triển ung thư vú nguyên phát thứ hai (trường hợp này không liên quan đến ung thư vú thứ nhất).
  • Việc cắt bỏ vú 2 bên cũng tăng lên ở nam giới. Theo một nghiên cứu năm 2015, tỷ lệ nam giới mắc ung thư vú chọn phẫu thuật cắt bỏ cả 2 vú cũng tăng từ 2,2% năm 1998 lên 11% vào năm 2011. [2]

Lựa chọn cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên

Rủi ro và tác dụng phụ của phẫu thuật cắt bỏ cả 2 vú thường cao gấp đôi so với việc cắt bỏ 1 vú, tuy nhiên cũng có một số khác biệt. Mặc dù các ca phẫu thuật rất giống nhau nhưng đối với vú không bị ung thư, không cần thực hiện sinh thiết hạch trọng điểm hoặc bóc tách hạch, do đó việc phục hồi sẽ dễ dàng hơn.

1. Ưu điểm

Phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở bên vú còn lại.

Thời gian sống sau còn sau điều trị bệnh ung thư vú không bị ảnh hưởng bởi việc lựa chọn phương pháp điều trị. Một nghiên cứu lớn năm 2023 bao gồm 69.000 phụ nữ dưới 40 tuổi mắc bệnh ung thư vú 1 bên cho thấy những người trải qua phẫu thuật cắt bỏ 2 bên vú có tỷ lệ sống sau 5 năm là 83,5% so với 77,7% ở những người trải qua phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú.

Nghiên cứu cũng cho thấy những phụ nữ được phẫu thuật cắt bỏ vú hai bên có tỷ lệ sống tổng thể cao hơn so với những người được phẫu thuật cắt bỏ một bên vú. Ngược lại, một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho thấy lợi ích sống tuyệt đối trong 20 năm từ việc phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên là dưới 1%. [3]

Phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng đối diện (cắt bỏ vú 2 bên) dường như có lợi hơn cho phụ nữ trẻ, những người mắc bệnh giai đoạn I và những người mắc bệnh ung thư vú âm tính với thụ thể estrogen. Mức tăng tuổi thọ trung bình được dự đoán dao động từ 0,13 – 0,59 năm đối với phụ nữ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn I và từ 0,08 – 0,29 năm đối với phụ nữ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn II.

Điều quan trọng cần lưu ý rằng đây là mức trung bình thống kê và những phụ nữ mắc bệnh ở giai đoạn I sẽ không thể sống lâu hơn từ 0,13 – 0,59 năm nếu người bệnh chọn thực hiện thủ thuật kép. Suy nghĩ phổ biến vào thời điểm này với những phụ nữ không biết đến các yếu tố nguy cơ di truyền hoặc tiền sử gia đình rõ ràng là lợi ích sống của việc phẫu thuật cắt bỏ cả hai vú nếu có là tương đối thấp.

2. Nhược điểm

Khi người bệnh đang xem xét phẫu thuật cắt bỏ vú 2 hay chỉ 1 bên, cần cân nhắc rủi ro phẫu thuật liên quan đến 2 lần cắt bỏ vú so với 1.

  • Phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên (cắt bỏ vú bị ung thư và phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng ở bên còn lại) mất nhiều thời gian hơn so với việc cắt bỏ 1 bên vú, đòi hỏi thời gian gây mê lâu hơn. Mặc dù phẫu thuật điều trị ung thư vú nhìn chung rất an toàn nhưng đôi khi vẫn xảy ra biến chứng, đặc biệt ở những người mắc bệnh tim hoặc phổi tiềm ẩn.
  • Ngoài ra còn có khả năng xảy ra các biến chứng cao hơn khi phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên (mặc dù những biến chứng này không nhất thiết phải gấp đôi so với phẫu thuật cắt bỏ 1 bên vú vì không cần thiết phải sinh thiết hạch trọng điểm hoặc bóc tách hạch bạch huyết ở bên không bị ung thư). Những người được phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên sẽ cần nhiều ống dẫn lưu hơn, có nguy cơ nhiễm trùng, tụ dịch hoặc tụ máu sau phẫu thuật cao hơn. Ngoài ra, cuộc phẫu thuật còn có nhiều khả năng bị đau mạn tính sau phẫu thuật cắt bỏ vú.
  • Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên đã làm tăng thời gian nằm viện trung bình lên 3 ngày so với 2 ngày, nhưng không có sự khác biệt nào được ghi nhận về tỷ lệ phẫu thuật lại trong 90 ngày.

Quy trình phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên

Quy trình phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên gồm các giai đoạn sau:

1. Chuẩn bị trước khi mổ đoạn nhũ

  • Gặp bác sĩ phẫu thuật: thảo luận về các lựa chọn điều trị, lập kế hoạch điều trị và hiểu rõ các bước trong quá trình phẫu thuật.
  • Gặp bác sĩ gây mê: thảo luận về kế hoạch gây mê dựa trên bệnh sử của người bệnh.
  • Thảo luận về tái tạo vú: cân nhắc việc tái tạo vú ngay sau phẫu thuật hoặc sau này. Có thể sử dụng túi ngực, mô tự thân hoặc kết hợp cả hai.
  • Chuẩn bị cho phẫu thuật: thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc người bệnh đang dùng, ngừng dùng thuốc có thể làm loãng máu và chuẩn bị vật dụng cá nhân cho thời gian nằm viện.

2. Thực hiện

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ lấy đi các hạch bạch huyết ở nách để kiểm tra sự lan rộng của ung thư. Nếu có hạch di căn, bác sĩ sẽ thảo luận về việc vét hạch nách hoặc xạ trị nách.

mổ vú 1 bên hay 2 bênThS.BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang (bên trái), Trưởng khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang phẫu thuật cho người bệnh

Nếu hạch nách di căn từ đầu, bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị trước, sau đó mới tiến hành phẫu thuật trên vú và hạch nách.

Có 3 loại phẫu thuật:

  • Đoạn nhũ toàn bộ: cắt bỏ toàn bộ mô vú, quầng vú và núm vú, không tái tạo vú.
  • Đoạn nhũ tiết kiệm da: loại bỏ tất cả mô vú, núm vú và quầng vú nhưng chừa lại da vú để tái tạo vú ngay lập tức.
  • Đoạn nhũ chừa quầng vú núm vú: loại bỏ tất cả mô vú nhưng chừa lại núm vú, quầng vú và da vú để tái tạo vú ngay lập tức.
đoạn nhũ 1 bên hay 2 bênBác sĩ khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đang tái khám cho người bệnh

Biến chứng nguy cơ khi lựa chọn cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên

1. Nguy cơ mắc ung thư vú nguyên phát thứ 2

Đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú nguyên phát thứ 2 (một loại ung thư vú không liên quan đến bệnh ung thư vú ban đầu của bạn) là vấn đề thực sự cần xem xét khi quyết định giữa phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên.

Đối với những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú do di truyền hoặc bị đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2, nguy cơ này rất cao. Tuy nhiên, những người không có yếu tố di truyền, nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, tình trạng thụ thể của bệnh ung thư vú và các phương pháp điều trị như: liệu pháp hormone và/hoặc hóa trị.

Khi xem xét nguy cơ mắc ung thư vú cần hiểu rõ nguy cơ trung bình trong suốt cuộc đời mỗi người rất quan trọng. Ví dụ, mỗi 8 phụ nữ, có 1 người sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú trong đời là khoảng 12%.

Ngược lại, rủi ro cao được xem là khi nguy cơ mắc bệnh ung thư vú suốt đời lớn hơn 20% hoặc 25%. Khi một người có nguy cơ cao, hình ảnh như MRI có thể được khuyến nghị để tầm soát và nếu nguy cơ rất cao, cần xem xét phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng hai bên.

1.1 Nguy cơ trung bình của bệnh ung thư vú thứ 2

Trung bình, mỗi năm có khoảng 0,2% – 0,4%. khả năng phát triển ” ung thư vú đối bên” tức là ung thư xuất hiện ở vú không bị ảnh hưởng từ trước. Điều này có nghĩa là nguy cơ trong 20 năm tăng từ 4% – 8% (mặc dù nguy cơ có thể thấp hơn đối với những phụ nữ được điều trị bằng liệu pháp hormone và/hoặc hóa trị).

1.2 Những người có nguy cơ mắc ung thư vú thứ hai cao hơn

Phụ nữ và nam giới đã biết có đột biến BRCA (hoặc các đột biến khác làm tăng nguy cơ ung thư vú), cũng như những người có tiền sử gia đình mạnh, có nguy cơ phát triển bệnh ung thư thứ 2 cao hơn.

Những người khác có nguy cơ cao bao gồm:

  • Những người có khối u âm tính với thụ thể estrogen: nguy cơ ung thư vú đối diện cao hơn với khối u ER âm tính so với khối u ER dương tính ở mức 40% trong 10 năm.
  • Phụ nữ trên 70 tuổi: so với phụ nữ dưới 50 tuổi, phụ nữ trên 70 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú đối diện cao hơn 47% trong 10 năm.
  • Phụ nữ đã xạ trị: những phụ nữ bị ung thư vú lần đầu được điều trị bằng xạ trị có nguy cơ mắc ung thư vú đối bên cao hơn so với những phụ nữ bị ung thư vú không được điều trị bằng xạ trị.

Trong một số nghiên cứu, nguy cơ ung thư vú đối bên cũng tăng lên đối với những người mắc ung thư biểu mô tủy, người da đen so với người da trắng và khi được chẩn đoán trên 55 tuổi.

1.3 Tác dụng của liệu pháp nội tiết và hóa trị đối với nguy cơ ung thư thứ hai

Với những người được điều trị bằng nội tiết tố (với ung thư dương tính với thụ thể estrogen) hoặc hóa trị như một phần của liệu pháp ban đầu, nguy cơ phát triển ung thư vú đối diện dường như thấp hơn đáng kể.

Khi sử dụng tamoxifen hoặc chất ức chế aromatase nguy cơ này có thể giảm 50% tức chỉ còn từ 0,1% – 0,2% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sau 20 năm, nguy cơ phát triển bệnh ung thư thứ hai chỉ khoảng 2% hoặc 4%.

2. Rủi ro ở phụ nữ mắc BRCA và các đột biến khác

Nguy cơ tích lũy phát triển ung thư vú đối diện trong 10 năm là 33% đối với những người tiền mãn kinh có đột biến BRCA1, 27% đối với BRCA2 và 13% đối với CHEK2. Đối với những người có đột biến PALB2, nguy cơ là 35%, nhưng chỉ khi khối u ban đầu âm tính với thụ thể estrogen. Rủi ro không tăng đáng kể ở những người có đột biến ATM.

3. Rủi ro ở phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú

Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư vú, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thứ 2 có thể tăng, kể cả khi xét nghiệm di truyền cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, nguy cơ tương đối thay đổi tùy theo lịch sử gia đình cụ thể.

Những người có người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, đặc biệt là khi được chẩn đoán ở độ tuổi sớm (dưới 50 tuổi), khi người thân thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ 2 kết hợp với nhau hoặc một số người thân thế hệ thứ 2 mắc các bệnh ung thư này, có nguy cơ cao phát triển ung thư vú đối bên.

Những người có người thân thế hệ thứ 3 (anh chị em họ hoặc ông cố) mắc bệnh ung thư vú có rất ít nguy cơ trừ khi có nhiều người thân thế hệ thứ 3 mắc 1 trong những bệnh ung thư này. Với 5 người thân cấp 3 trở lên bị ảnh hưởng, nguy cơ mắc bệnh cao gấp khoảng 1,3 lần so với người không có tiền sử gia đình.

Mỗi người có 1 lịch sử gia đình khác nhau và điều nảy ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Người bệnh nên thảo luận kỹ với bác sĩ ung thư để hiểu rõ nguy cơ cá nhân của mình. Ngoài ra tìm hiểu thông tin từ một cố vấn di truyền cũng có thể rất hữu ích.

Tại thời điểm hiện tại, các xét nghiệm di truyền hiện có không thể phát hiện tất cả các bệnh ung thư vú mang tính chất gia đình.

4. Phát hiện ung thư vú thứ hai

Một yếu tố quan trọng với sự phát triển của ung thư vú là tiền sử cá nhân mắc bệnh này. Việc phát hiện bệnh ung thư thứ 2 càng sớm càng tốt là điều quan trọng. Tuy nhiên, việc sàng lọc sau 1 lần phẫu thuật có thể khó khăn hơn vì có thể bỏ sót tới 20% trường hợp ung thư vú khi chụp X-quang.

Nếu ung thư vú đối diện phát triển sau khi phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên là một câu hỏi quan trọng. Một số nghiên cứu (nhưng không phải tất cả) cho thấy tỷ lệ sống không giảm đáng kể đối với những người mắc bệnh ung thư vú đối diện.

Điều quan trọng là bạn cần xem xét việc điều trị lại có ý nghĩa đối với bạn hay không, nếu khả năng phải làm như vậy rất nhỏ. Một số phụ nữ sẵn lòng chấp nhận rủi ro nhỏ để đổi lấy một quá trình phẫu thuật dễ dàng hơn và giữ được cảm giác ở vú còn lại. Trong khi đó, một số người khác lại từ bỏ sự thoải mái để giảm nguy cơ nhiều hơn (phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú từ 90% trở lên).

Cần lưu ý rằng một số bệnh ung thư giai đoạn đầu rất nhỏ (đặc biệt là các khối u dương tính với HER2) có thể tái phát, đôi khi là di căn xa.

Các thắc mắc thường gặp

1. Đoạn nhũ 2 bên có cần thiết không?

Đoạn nhũ 2 bên có cần thiết không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú chỉ ở 1 bên có thể chọn phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên để giảm nguy cơ phát triển ung thư ở vú đối diện. Phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên cũng đi kèm với việc tăng nguy cơ phẫu thuật cũng như những cân nhắc về tài chính, cảm giác núm vú và thực tế.

Rõ ràng, có nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn giữa phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên và 2 bên. Vậy bạn bắt đầu từ đâu?

Mục tiêu chính của phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên là giảm nguy cơ ung thư vú nguyên phát thứ 2. Nhiều phụ nữ đánh giá quá cao nguy cơ này, vì vậy điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ hoặc cố vấn di truyền về các yếu tố nguy cơ đặc biệt của bạn.

Có một số công cụ ước tính ung thư vú, nhưng không có công cụ nào trong số này bao gồm tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ của bạn. Nguy cơ này sau đó nên được cân nhắc với nguy cơ phẫu thuật.

Yếu tố cá nhân rất quan trọng để đánh giá, nhưng không có cách nào đơn giản để thực hiện điều này. Kiểm tra sau phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên có thể gây lo lắng, nhưng cảm giác mất mát sau phẫu thuật cắt bỏ vú 2 bên có thể gây khó khăn đối với một số người về mặt tình dục.

Khi đưa ra quyết định, bạn có thể gặp phải những ý kiến ​​mạnh mẽ từ cả hai phía không chỉ từ gia đình, bạn bè mà còn từ cộng đồng y tế.

Bạn có thể không đồng ý với ý kiến của bác sĩ miễn là bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt dựa trên thông tin tốt nhất có thể, đồng thời nhận ra rằng thông tin nói trên chưa đầy đủ vào thời điểm này.

Cuối cùng, việc tự bảo vệ cho chính mình như một người bệnh ung thư rất quan trọng.

2. Đoạn nhũ 2 bên mang lại kết quả thế nào?

Kết quả của cuộc phẫu thuật sẽ được thông báo khoảng 1 – 2 tuần sau khi mổ.

  • Nếu bạn cần tiếp tục điều trị hỗ trợ như: hóa trị, điều trị sinh học hoặc xạ trị, bác sĩ sẽ hướng dẫn đến các khoa liên quan như dự kiến trước đó.
  • Nếu bạn được chỉ định hóa trị, thì sẽ được thực hiện trước khi xạ trị.

3. Đoạn nhũ 1 bên có bị lây sang bên còn lại không?

Đoạn nhũ 1 bên không bị lây sang bên còn lại. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng mắc ung thư ở 1 bên vú, thì khả năng mắc ung thư ở bên vú còn lại sẽ cao hơn so với người bình thường. Điều này do các yếu tố nguy cơ chung như: di truyền hay môi trường có thể tác động đến cả 2 bên vú.

Việc lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ vú 1 bên hay 2 bên trong điều trị ung thư vú không chỉ dựa vào chỉ định y khoa mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng sống, nhưng bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá các lựa chọn và nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp nhất với tình hình sức khỏe và mong muốn của mình.

Đọc toàn bộ bài viết