Phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ

2 năm trước 30

Hẹp lỗ liên hợp cộng sống cổ là bệnh lý xuất hiện do thoái hóa cột sống cổ. Phương pháp phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ giúp giải áp rễ thần kinh cổ, cho phép điều trị bệnh hữu hiệu.

1. Đặc điểm cơ bản của cột sống cổ

Theo giải phẫu, trên cơ thể người có 7 đốt sống cổ hợp thành cột sống cổ, cong lồi ra phía trước, nối phần đầu - mặt với thân người. Mỗi đốt sống gồm có 2 thành phần là thân đốt sống hình trụ dẹt ở phía trước và cung đốt sống tạo vành tròn bao quanh lỗ đốt sống ở phía sau. Thân đốt sống hơi dẹt 2 mặt trên và dưới, tiếp khớp với đốt sống lân cận bằng đĩa điệm. Cung đốt sống gồm 2 mảnh cung. Lỗ đốt sống của các đốt sống khi chồng lên nhau tạo ống sống cho tủy sống. Các chân cung đốt sống có 2 bờ trên và dưới đều khuyết, khi ghép với đốt sống liền kề sẽ tạo nên lỗ gian đốt sống - nơi các dây thần kinh sống và mạch máu đi qua.

Cột sống cổ có nhiều vai trò quan trọng về chức năng và bệnh học thần kinh. Cụ thể là:

  • Chức năng nâng đỡ: Cột sống cổ nối phần đầu - mặt với thân người, giúp nâng đỡ phần lớn trọng lượng của phần đầu - mặt;
  • Chức năng vận động: Các khớp cột sống cổ tạo ra những động tác linh động cho phần đầu - cổ, đảm bảo nhiều chức năng của cơ thể như nghe, nhìn, biểu cảm, giữ thăng bằng,...;
  • Tạo cấu trúc cho các thành phần quan trọng đi qua: Tủy sống, dây thần kinh sống và mạch máu, mạch đốt sống.
Phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ

Cột sống cổ có vai trò quan trọng về chức năng và bệnh học thần kinh

2. Chi tiết phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là bệnh xuất hiện do thoái hóa cột sống. Các diện khớp trên và dưới bị phì đại, kết hợp với sự phì đại của khớp Luschka làm hẹp đường ra của rễ thần kinh cổ tương ứng. Hậu quả là bệnh nhân xuất hiện bệnh lý rễ cổ.

Phương pháp phẫu thuật giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ giúp giải áp rễ thần kinh cổ. Phương pháp này sử dụng khoan mài cao tốc để mài diện khớp trên và dưới, bộc lộ rễ thần kinh và lấy nhân đệm đĩa đệm cổ.

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định:

  • Bệnh lý rễ cổ;
  • Điều trị bảo tồn trên 2 tháng không hiệu quả;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ có hiện tượng hẹp lỗ liên hợp;
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) cột sống cổ có hình ảnh phì đại lỗ liên hợp do phì đại mỏm khớp ở tầng tương ứng của rễ thần kinh;
  • Không có hiện tượng phì đại khớp Luschka.

Chống chỉ định

  • Kèm theo bệnh lý tủy cổ;
  • Bị hẹp ống sống cổ bẩm sinh;
  • Kèm theo mất vững cột sống cổ;
  • Có các bệnh lý kèm theo không thể gây mê phẫu thuật.

2.2 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa và phụ tá;
  • Phương tiện: Đúng theo quy định của phẫu thuật nội soi;
  • Người bệnh: Được chuẩn bị theo quy trình phẫu thuật cột sống thường quy, được xét nghiệm tiền phẫu, khám tiền mê, được thông báo về mục đích phẫu thuật, quy trình thực hiện và các nguy cơ tai biến có thể xảy ra;
  • Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị theo quy định của Bộ Y tế.
Phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ

Bệnh nhân được xét nghiệm tiền phẫu theo đúng quy trình

2.3 Thực hiện phẫu thuật

  • Đặt người bệnh nằm sấp, tư thế cột sống cổ trung tính;
  • Cố định đầu bệnh nhân bằng khung Mayfield;
  • Sử dụng máy C-arm xác định vị trí cần giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ;
  • Rạch da, dùng hệ thống nong Metrix nong dần các lớp cơ cạnh cột sống, đặt hệ thống banh cơ có cánh tay cố định;
  • Đặt camera nội soi có đường rãnh thích hợp trên hệ thống banh;
  • Sử dụng khoan mài tốc độ cao, đường kính mũi khoan mài kim cương 2mm thực hiện giải pháp lỗ liên hợp bằng cách mài từ trong ra ngoài, bắt đầu từ ranh giới của cột khớp và ống sống. Tiếp theo bộc lộ toàn bộ rễ thần kinh từ trên xuống dưới dọc theo đường đi của rễ và dùng probe nhằm xác định rễ thần kinh đã được giải áp;
  • Cầm máu tại các tĩnh mạch ngoài màng cứng;
  • Sáp xương;
  • Súc rửa vết mổ;
  • Đóng vết mổ 3 lớp và không đặt dẫn lưu;
  • Cho bệnh nhân mang nẹp cổ mềm sau phẫu thuật 4 tuần.

2.4 Theo dõi hậu phẫu

  • Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch sau phẫu thuật 3 ngày;
  • Cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau;
  • Bệnh nhân được cho vận động ngay sau khi thoát mê;
  • Theo dõi các tai biến sau phẫu thuật như máu tụ ngoài màng tủy, tổn thương rễ thần kinh,... và có biện pháp xử trí phù hợp;
  • Đánh giá các triệu chứng lâm sàng sau phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ;
  • Có thể cho bệnh nhân xuất viện sau phẫu thuật 3 - 5 ngày. Lịch tái khám là: Tái khám lần đầu sau 2 tuần, tái khám lần 2 sau 4 tuần, tái khám sau 3 tháng đánh giá các biến chứng muộn (mất vững cột sống, đau cột sống theo trục, gù cột sống).

Phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ là thủ thuật không quá phức tạp, mang lại cơ hội điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân. Người bệnh được chỉ định thực hiện kỹ thuật này cần phối hợp tốt với bác sĩ trước, trong và sau phẫu thuật, tái khám đúng hẹn để trị bệnh hiệu quả, giảm nguy cơ biến chứng, tái phát.

Đọc toàn bộ bài viết