Mang thai tạo áp lực lớn lên tim cũng như hệ tuần hoàn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều phụ nữ bị bệnh tim khi mang thai vẫn có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Phụ nữ mắc bệnh tim cần tìm hiểu trước những rủi ro và cách thức phòng ngừa những biến chứng có thể gặp khi mang thai.
1. Bệnh tim và thai nghén
Mang thai và sinh con có thể làm thay đổi hoạt động của tim. Cụ thể:
- Mang thai tạo áp lực lên tim và hệ tuần hoàn: Trong thời gian mang thai, thể tích máu của phụ nữ cần tăng 30 - 50% mới đủ để nuôi dưỡng thai nhi phát triển. Lượng máu mà tim bơm mỗi phút cũng tăng 30 - 50%. Nhịp tim của thai phụ vì vậy cũng tăng theo. Để bắt kịp những thay đổi này thì trái tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể;
- Chuyển dạ và sinh con tạo áp lực lên tim: Trong thời gian chuyển dạ, đặc biệt là khi rặn, lưu lượng máu và áp suất trong khoang ổ bụng của sản phụ sẽ thay đổi đột ngột. Khi em bé được sinh ra, lượng máu lớn sẽ dồn về tim, tạo áp lực khiến tim phải hoạt động nhiều hơn.
2. Các bệnh tim mạch thường gặp ở phụ nữ mang thai
2.1 Bệnh van tim
Các bệnh lý van tim ở phụ nữ mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi. Các bệnh van tim hay gặp ở thai phụ gồm:
- Hẹp van 2 lá: Khi mới xuất hiện thường không có triệu chứng nhưng khi mang thai thì bệnh có thể diễn biến xấu đi do nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim hoặc là do nhu cầu cung cấp máu tăng. Bệnh dễ dẫn đến các biến chứng như phù phổi cấp, nếu không được điều trị dễ dẫn đến tử vong. Vì vậy, sản phụ mắc bệnh hẹp van 2 lá nặng cần được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thường điều trị nong van hoặc phẫu thuật sửa hay thay van 2 lá trước khi mang thai;
- Hở van 2 lá: Chủ yếu đến từ nguyên nhân là di chứng thấp tim hoặc sa van 2 lá. Sản phụ có chức năng tim còn bù trừ tốt thì quá trình mang thai vẫn diễn ra bình thường, khỏe mạnh. Ở những phụ nữ bị hở van 2 lá nặng, đi kèm tình trạng chức năng tim suy giảm thì trong thai kỳ dễ có biến chứng khi sinh;
- Hở van động mạch chủ: Với sản phụ chức năng tim trong giới hạn bình thường thì quá trình thai nghén vẫn diễn ra khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý một số loại thuốc trong quá trình mang thai như thuốc ức chế men chuyển (dùng trong điều trị hở van động mạch chủ) có thể gây dị tật thai nhi nên cần thay thế bằng nhóm thuốc khác;
- Hẹp van động mạch chủ: Có nguyên nhân là do bẩm sinh hoặc di chứng của thấp tim. Nếu bị hẹp van động mạch chủ nặng hoặc có triệu chứng đau ngực, khó thở thì người bệnh không nên có thai cho tới khi được phẫu thuật. Còn nếu đã mang thai, xuất hiện các triệu chứng sớm thì thai phụ nên cân nhắc đình chỉ thai nghén;
- Van cơ học và thai nghén: Những bà bầu mang van tim nhân tạo (thay van nhân tạo cơ học trước khi mang thai) cần dùng thuốc chống đông suốt đời và dùng trong suốt thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các thuốc chống đông như warfarin và các dẫn xuất khác có thể gây bệnh lý thai nhi, làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu và xuất huyết nội sọ thai. Do đó, người bệnh mang van tim cơ học trước khi sinh cần dừng warfarin, thay bằng thuốc chống đông khác là heparin 10 ngày trước sinh. Trong khi sinh dừng sử dụng heparin, dùng lại warfarin từ ngày 2 - 3 sau sinh.
2.2 Bệnh tim thiếu máu cục bộ
Nguy cơ gây nhồi máu cơ tim ở phụ nữ có thai tương đương với người không có thai. Nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng lên ở những trường hợp mang đa thai, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp và tăng mỡ máu. Nhồi máu cơ tim hay gặp nhất trong 3 tháng cuối thai kỳ, có nguy cơ tử vong ở sản phụ là 20%.
2.3 Rối loạn nhịp tim
Trong thời kỳ mang thai, ngoại tâm thu nhĩ và thất rất thường gặp. Nhiều sản phụ có triệu chứng tim đập mạnh trong lồng ngực, thấy có khoảng hẫng nhịp tim sau nhịp ngoại tâm thu. Ngoài ra, trong thai kỳ cũng khá thường gặp tình trạng rối loạn nhịp nhanh. Có khoảng 20% phụ nữ có cơn nhịp nhanh trên thất trước đó sẽ bị tái phát trong thời kỳ mang thai. Do vậy, thai phụ cần được theo dõi về tim mạch suốt quá trình mang thai.
2.4 Bệnh tim khác
Trong quá trình thai nghén, bà bầu cũng có thể mắc một số bệnh tim khác như tăng áp lực động mạch phổi, bệnh cơ tim chu sản, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn,...
3. Nguy cơ đối với thai phụ và thai nhi khi người mẹ bị bệnh tim
Khi mang thai, có nhiều thay đổi rất lớn về tâm lý, giải phẫu sinh lý, huyết học, tuần hoàn - hệ tim mạch. Những người mẹ có chức năng tim bình thường có thể thích nghi được. Nhưng những thai phụ đang bị bệnh tim thì việc mang thai trở thành gánh nặng, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé. Cụ thể:
3.1 Nguy cơ đối với thai phụ
Dù bị bệnh tim nhẹ hay nặng thì việc có thai đều có thể khiến bệnh tim trầm trọng hơn, dễ xuất hiện các biến chứng như:
- Loạn nhịp tim: Nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu hoặc loạn nhịp hoàn toàn;
- Phù phổi cấp: Biểu hiện là khó thở dữ dội, ho ra máu, tím tái, nghe phổi có tiếng ran ẩm;
- Suy tim cấp: Triệu chứng gồm tim đập nhanh, nhịp tim không đều, khó thở, hồi hộp;
- Tắc mạch phổi: Xảy ra đột ngột, dễ gây tử vong nhanh;
- Nhiễm khuẩn: Hay xảy ra sau khi sinh. Vi khuẩn bám vào các tổn thương của tim, gây nhiễm khuẩn và viêm màng trong tim (còn gọi là viêm nội tâm mạc). Sản phụ có thể bị tử vong.
3.2 Nguy cơ đối với thai nhi
Những người mẹ bị bệnh tim thường luôn thiếu oxy và chất dinh dưỡng nên phôi thai kém phát triển trong tử cung. Trong 3 tháng đầu, thai phụ dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu. Nếu thiếu oxy kéo dài thì dẫn đến suy thai mãn tính, thai bị thiếu các chất dinh dưỡng và oxy, dẫn tới gầy yếu, khi sinh bị nhẹ cân (dưới 2,5kg) hoặc sinh non.
Trẻ nhẹ cân hoặc sinh non thường ốm yếu, chống đỡ kém với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ, hay bị ngạt, viêm phổi, nhiễm khuẩn. Đặc biệt, nếu bị sinh quá non tháng, phổi của bé chưa phát triển hoàn toàn, khiến trẻ bị bệnh màng trong (các phế nang của phổi bị bao phủ bởi một lớp màng trong suốt) nên trẻ không thở được, dễ bị thiếu oxy và tử vong.
Ngoài ra, những người mẹ bị bệnh tim bẩm sinh cũng thường sinh con bị dị dạng bẩm sinh.
4. Bị bệnh tim có nên sinh con?
Bệnh tim được phân thành nhiều loại. Bệnh tim nhẹ ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ khi mang thai và sinh sản. Bệnh tim nặng có thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Do đó, phụ nữ bị bệnh tim có muốn có thai hoặc không, hoặc khi đã có thai thì có nên sinh con hay không cần phải được bác sĩ sản khoa và bác sĩ tim mạch thăm khám, tư vấn, theo dõi cẩn thận. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển của thai nhi, cần có sự kết hợp của các bác sĩ sản khoa và tim mạch để điều trị, phát hiện nguy cơ tai biến nhằm xử trí kịp thời, đưa ra quyết định nên duy trì thai hay phải đình chỉ thai nghén để cứu người mẹ.
5. Lưu ý ở thai phụ bị bệnh tim khi đang mang thai
- Có chế độ ăn uống có lợi cho tim mạch, tập thể dục với cường độ và tần suất phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ;
- Khám thai, đặc biệt là khám chuyên khoa tim mạch định kỳ, tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim trong suốt quá trình mang thai, phát hiện, xử trí kịp thời các triệu chứng, biến chứng;
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, nên ngủ trưa hằng ngày, nếu có thể nên tránh các hoạt động thể chất nặng;
- Theo dõi cân nặng thường xuyên. Tăng cân với lượng phù hợp là dấu hiệu cho thấy bé phát triển bình thường. Tuy nhiên, nếu thai phụ tăng cân quá nhiều thì sẽ khiến tim phải chịu áp lực nhiều hơn;
- Giảm căng thẳng, lo âu, có thể tìm hiểu các kiến thức cần thiết ở thời điểm chuyển dạ, sinh nở;
- Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích;
- Đi khám ngay khi có các triệu chứng: Khó thở, thở dốc khi gắng sức, tim đập nhanh hoặc tim đập bất thường, đau tức ngực, ho vào ban đêm hoặc ho ra máu,...;
- Có thể có chế độ theo dõi đặc biệt khi chuyển dạ và sinh con.
Bệnh tim khi mang thai thường sẽ diễn tiến nghiêm trọng hơn, dễ xảy ra tai biến cho thai phụ và thai nhi. Vì vậy, các thai phụ nói chung và đặc biệt là các thai phụ có bệnh tim nói riêng cần được theo dõi thai kỳ định kỳ bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm nhằm làm giảm các nguy cơ tai biến trong thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm