Một chấn thương cấp tính hoặc bị một kích thích mãn tính khi tác động đến dây thanh quản có thể dẫn đến bệnh polyp thanh quản. Tình trạng này khiến cho giọng nói bị khàn hoặc làm mất tiếng, gây khó khăn cho quá trình giao tiếp hàng ngày. Nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn có được hướng chữa trị chính xác.
I/ Tìm hiểu về bệnh polyp thanh quản
Các thông tin mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về bệnh polyp thanh quản:
Polyp thanh quản là gì?
Thanh quản còn được gọi với cái tên là hộp thanh vì chúng chứa các dây âm thanh, nằm ở vị trí giữa đáy của lưỡi và khí quản. Khi những dây này vì một lý do nào đó tác động khiến chúng tổn thương có thể dẫn đến polyp thanh quản.
Polyp thanh quản là một thuật ngữ dùng để chỉ sự xuất hiện các u nhỏ nằm ở phần trên và phần giữa của dây thanh quản. Thực chất, đây là một nhân xơ, bao bọc bên ngoài là một lớp biểu mô quá sản. Chúng có thể xuất hiện ở 1 hoặc 2 bên của dây thanh quản. Những khối u này thường có kích thước bằng hạt tấm, đôi khi nó to bằng hạt đậu xanh có màu trắng hồng, nhẵn bóng và mọng. Với những người có các khối u nhỏ xuất hiện ở cả hai dây thanh quản, khi phát âm chúng sẽ va vào nhau, do đó tình trạng này còn được gọi với cái tên là “hạt hôn nhau”.
Triệu chứng bệnh polyp thanh quản
Biểu hiện đặc trưng khi bị polyp thanh quản đó là bị khàn tiếng hoặc bị hụt hơi khi nói. Trong đó khàn giọng chính là triệu chứng xuất hiện trước tiên và cũng dễ nhận biết nhất. Bởi vì lúc này, hai dây thanh quản không còn khép kín được, các dây thanh rung động không được đều làm cho giọng nói bị khàn. Mức độ khàn tiếng sẽ phụ thuộc vào kích thước của polyp. Polyp càng lớn, thanh môn càng hở thì khàn tiếng càng nhiều. Với những trường hợp này, họ sẽ nhanh mệt khi nói và không nói được nhiều vì càng nói nhiều bao nhiêu sẽ làm mất hơi nhiều bấy nhiêu.
Thời gian đầu, tình trạng khàn tiếng sẽ chỉ xuất hiện theo từng đợt, nếu được phát hiện và chữa trị sớm, bạn có thể lấy lại giọng nói của mình một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, khi bệnh càng kéo dài, khàn giọng càng diễn ra nhiều hơn, việc chữa trị cũng sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Nguyên nhân gây polyp thanh quản
Polyp thanh quản thường là hệ quả của một quá trình lạm dụng giọng nói trong thời gian dài. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể gây bệnh polyp thanh quản bao gồm:
- Bị dị ứng.
- Thường xuyên hút thuốc lá.
- La hét hoặc nói to.
- Sử dụng nhiều rượu bia và các đồ uống có cồn.
- Bị viêm thanh quản mãn tính.
- Do quá sản lớp niêm mạc thanh quản, các tổ chức biểu mô hoặc tổ chức liên kết.
Tác hại của polyp thanh quản
Bệnh thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe và không có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên nó lại không thể tự khỏi và làm ảnh hưởng đến giọng nói của người bệnh. Điều này làm cản trở giao tiếp hàng ngày, nhất là với những người cần phải giao tiếp nhiều như giáo viên, ca sĩ, hướng dẫn viên du lịch… Vì vậy cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
II/ Chẩn đoán và điều trị polyp thanh quản
Xét nghiệm và chẩn đoán
Thông thường, polyp thanh quản sẽ được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:
- Nội soi thanh quản: Đây phương pháp được áp dụng phổ biến để chẩn đoán bệnh polyp thanh quản. Các bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi để luồn qua mũi hoặc miệng xuống cổ họng. Thông qua các thiết bị chuyên biệt, bác sĩ sẽ quan sát được trực tiếp tình trạng thanh quản của bạn và phát hiện ra các điểm bất thường.
- Nội soi Stroboscopy: Phương pháp nội soi này cũng tương tự nội soi thanh quản. Bằng việc sử dụng các ống nội soi nhỏ và mảnh có gắn camera để luôn sâu xuống phía sau cổ họng, các bác sĩ sẽ quan sát được dây thanh quản của bạn thông qua các hình ảnh mà camera mang lại, từ đó đưa ra được các chẩn đoán chính xác.
- Nội soi vi phẫu: Đây là một thủ tục gây mê, được áp dụng để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các dây thanh quản. Nó là phương pháp hiếm khi được sử dụng vì chúng thường chỉ được chỉ định cho các trường hợp khó chẩn đoán hoặc khó điều trị.
Điều trị
Tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà việc áp dụng các phương pháp điều trị cũng sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:
Nếu bệnh của bạn mới chớm hoặc khi phát hiện thấy mình bị bệnh nhưng nó chưa gây ra một biểu hiện bất thường nào, bạn chỉ cần áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà mà không cần đến các biện pháp chăm sóc y tế. Những phương pháp mà bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Làm sạch cổ họng bằng nước muối.
- Đánh răng vào sáng sớm sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Hạn chế nói nói to, hét lớn.
- Uống trà gừng mật ong, các loại trà thảo dược.
Với những trường hợp đã thấy bị khàn tiếng nhẹ, xảy ra không thường xuyên sẽ cần phải sử dụng đến các biện pháp điều trị nội khoa. Cụ thể như sau:
- Sử dụng các loại thuốc xịt họng kháng viêm, chống phù nề.
- Uống thuốc kháng sinh (nếu cần thiết).
- Hạn chế nói, ca hát, hét đến mức tối đa.
- Thăm khám định kỳ.
Nếu áp dụng các biện pháp điều trị trên không có kết quả, điều trị ngoại khoa sẽ được áp dụng. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u ra khỏi dây thanh quản. Phẫu thuật cắt polyp thanh quản sẽ được tiến hành thông qua các kỹ thuật như sau:
- Với những trường hợp polyp có cuống nhỏ sẽ được chỉ định cắt polyp thanh quản bằng kìm Frankel.
- Sử dụng các dụng cụ vi phẫu để cắt bỏ polyp thanh quản.
- Cắt bỏ polyp thanh quản dưới kính hiển vi.
- Dùng tia laser CO2 cắt polyp thanh quản.
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được các bác sĩ chỉ định các loại thuốc kháng sinh, khí dung kháng viêm và chống phù nề.
Tuy không gây ra những nguy hiểm đến tính mạng nhưng polyp thanh quản lại làm khàn tiếng, gây khó khăn cho việc giao tiếp hàng ngày. Do đó, nếu thấy có các biểu hiện bất thường, bạn hãy nhanh chóng đi khám và chữa trị sớm.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.