Sinh thiết gan thường được thực hiện nhằm kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường trong gan, ví dụ như tế bào ung thư hoặc để đánh giá sự tiến triển của các bệnh lý về gan như xơ gan.
Sinh thiết gan là gì?
Sinh thiết gan là thủ thuật xét nghiệm trong đó một phần nhỏ mô gan được lấy ra ngoài và đem đi phân tích trong phòng thí nghiệm.
Sinh thiết gan thường được thực hiện nhằm kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường trong gan, ví dụ như tế bào ung thư hoặc để đánh giá sự tiến triển của các bệnh lý về gan như xơ gan. Bác sĩ thường chỉ định sinh thiết gan khi xét nghiệm máu hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho thấy gan có vấn đề.
Gan là một cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Gan tạo ra các protein và enzyme tham gia vào các quá trình trao đổi chất thiết yếu, loại bỏ các chất độc hại trong máu, giúp chống lại nhiễm trùng và dự trữ vitamin cùng các chất dinh dưỡng. Do vậy, các vấn đề với gan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.
Tại sao cần sinh thiết gan?
Mục đích cần sinh thiết gan là để xác định xem gan có bị nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư hay không. Bác sĩ thường chỉ định phương pháp này khi:
- Có các triệu chứng của vấn đề về hệ tiêu hóa
- Đau bụng dai dẳng
- Trướng ở vùng trên của ổ bụng
- Các xét nghiệm máu chỉ ra vấn đề với gan
- Sốt liên tục không rõ nguyên nhân
- Có khối u trong gan
Thủ thuật này thường được thực hiện sau khi có kết quả bất thường từ các xét nghiệm chức năng gan hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Mặc dù các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp X-quang có thể giúp xác định vùng có vấn đề của gan nhưng lại không thể phân biệt giữa các tế bào ung thư và tế bào bình thường. Vì lí do này nên cần phải tiến hành sinh thiết gan.
Mặc dù sinh thiết thường được thực hiện trong các trường hợp mà bác sĩ nghi là ung thư gan nhưng nếu bác sĩ yêu cầu làm phương pháp xét nghiệm này thì cũng đừng lo lắng quá vì cũng chưa chắc bạn đã bị ung thư. Bác sĩ cần tiến hành sinh thiết để xem liệu các triệu chứng có phải là do bệnh lý khác ngoài ung thư gây ra hay không.
Một số vấn đề ảnh hưởng đến gan và cần sinh thiết gan gồm có:
- Bệnh gan do rượu
- Viêm gan tự miễn
- Viêm gan mạn tính (viêm gan siêu vi B hoặc C)
- Thừa sắt (quá nhiều sắt tích tụ trong máu)
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (FLD)
- Xơ gan ứ mật nguyên phát (dẫn đến hình thành sẹo trên gan)
- Viêm xơ chai đường mật nguyên phát (ảnh hưởng đến ống mật của gan)
- Bệnh Wilson (một bệnh gan di truyền do tích tụ đồng quá nhiều trong cơ thể)
Chuẩn bị trước khi sinh thiết gan
Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiến hành sinh thiết nhưng tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể sẽ yêu cầu:
- Kiểm tra thể chất và lấy bệnh sử
- Ngừng dùng các loại thuốc nào làm loãng máu ví dụ như thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu và một số loại thực phẩm chức năng
- Lấy máu để xét nghiệm máu
- Không uống hoặc ăn trong thời gian lên đến 8 tiếng trước khi làm thủ thuật
- Nhờ người chở về nhà sau khi hoàn tất
Quy trình sinh thiết gan
Trước khi bắt đầu, bạn sẽ được gây mê qua đường tĩnh mạch để không cảm thấy đau.
Có 3 kỹ thuật sinh thiết gan cơ bản:
- Sinh thiết qua da hay còn được gọi là sinh thiết bằng kim: Sử dụng một cây kim mảnh đưa qua da bụng vào gan để lấy mẫu mô. Đây là loại sinh thiết gan phổ biến nhất.
- Sinh thiết qua tĩnh mạch cảnh: Rạch một đường nhỏ ở cổ rồi luồn một ống mềm, mảnh vào qua tĩnh mạch cổ vào gan. Kỹ thuật này được sử dụng cho những người bị rối loạn đông máu.
- Sinh thiết nội soi: Dùng ống nội soi để lấy mẫu mô qua một đường rạch nhỏ ở bụng.
Phương pháp gây mê/gây tê được sử dụng sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật sinh thiết. Kỹ thuật sinh thiết qua da và qua tĩnh mạch cảnh thường chỉ cần gây tê tại chỗ, có nghĩa là chỉ gây tê ở vị trí đâm kim hay vị trí cần rạch. Tuy nhiên, kỹ thuật sinh thiết nội soi đòi hỏi phải gây mê toàn thân, có nghĩa là bạn sẽ chìm vào giấc ngủ sâu mà không cảm nhận thấy gì trong suốt quá trình.
Khi quá trình sinh thiết hoàn tất, đường rạch sẽ được đóng lại bằng chỉ khâu và băng gạc giống như vết mổ phẫu thuật. Thông thường bạn sẽ phải nằm nghỉ khoảng vài giờ sau khi sinh thiết xong để bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện vấn đề bất thường nếu có.
Sau khi bác sĩ xác nhận không có vấn đề, bạn có thể ra về nhưng vẫn cần nghỉ ngơi và hạn chế tối đa hoạt động trong 24 giờ. Sau một vài ngày bạn sẽ có thể sinh hoạt trở lại như bình thường.
Sau khi sinh thiết gan
Sau khi sinh thiết, mẫu mô sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Quá trình này có thể phải mất đến một vài tuần. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ kết luận và đưa ra phương án điều trị hoặc các bước tiếp theo cần thực hiện trong trường hợp chưa thể kết luận bệnh.
Rủi ro của sinh thiết gan
Bất kỳ kỹ thuật xâm lấn nào cần cắt rạch hay đâm qua da đều có nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu. Tuy nhiên, đường rạch để sinh thiết gan thường rất nhỏ và kỹ thuật sinh thiết bằng kim còn ít xâm lấn hơn kỹ thuật sinh thiết nội soi nên các rủi ro này rất hiếm khi xảy ra.