Suy gan: Dấu hiệu, chẩn đoán và cách điều trị

5 năm trước 29

Suy gan là gì?

Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể và đảm nhận nhiều chức năng. Đây là nơi xử lý mọi loại đồ ăn thức uống bạn nạp vào hàng ngày và chuyển hóa thành năng lượng cùng với chất dinh dưỡng để cơ thể sử dụng. Gan còn lọc các chất có hại, chẳng hạn như rượu từ máu và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Sự tiếp xúc với các loại virus hoặc hóa chất độc hại sẽ làm tổn thương gan. Tình trạng tổn thương này sẽ dần dần dẫn đến suy gan, khiến gan không thể thực hiện được chức năng bình thường.

Suy gan là một bệnh nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức.

Các loại suy gan

Có hai loại suy gan là suy gan cấp và suy gan mạn tính.

Suy gan cấp tính

Suy gan cấp là tình trạng xảy ra trong một thời gian ngắn. Chức năng gan sẽ bị mất trong vòng vài tuần hoặc thậm chí chỉ vài ngày. Tình trạng này có thể xảy ra đột ngột mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Nguyên nhân phổ biến gây suy gan cấp thường là ngộ độc hoặc dùng thuốc quá liều, ví dụ như dùng quá nhiều acetaminophen (Tylenol).

Suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính là tình trạng tiến triển chậm hơn so với suy gan cấp. Có thể phải vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm bệnh mới bộc lộ triệu chứng ra ngoài. Suy gan mạn tính thường là kết quả của bệnh xơ gan mà nguyên nhân đa phần là do lạm dụng rượu trong một thời gian dài. Xơ gan xảy ra khi gan bị viêm. Tình trạng viêm này làm hình thành mô sẹo theo thời gian. Khi cơ thể thay thế mô gan khỏe mạnh bằng mô sẹo, gan sẽ bắt đầu suy yếu.

Có ba loại bệnh gan do rượu:

  • Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu: Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu xảy ra do các tế bào mỡ tích tụ trong gan, thường gặp ở những người uống nhiều rượu và những người béo phì.
  • Viêm gan do rượu: Viêm gan do rượu cũng là tình trạng có các tế bào mỡ trong gan với đặc điểm đặc trưng là viêm và hình thành mô sẹo.
  • Xơ gan do rượu: Xơ gan do rượu là bệnh nặng nhất trong ba loại.

Nguyên nhân gây suy gan

Nguyên nhân gây suy gan cấp

Suy gan cấp, còn được gọi là suy gan tối cấp, có thể xảy ra ở cả những người chưa hề bị bệnh gan từ trước.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy gan cấp là dùng quá liều acetaminophen (Tylenol) - một loại thuốc giảm đau, hạ sốt không kê đơn. Do đó, bạn nên dùng thuốc theo đúng liều lượng ghi trên hướng dẫn và đi khám ngay nếu nhỡ dùng quá liều.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây suy gan cấp còn có:

  • Một số loại thuốc kê đơn
  • Một số loại thực phẩm chức năng thảo dược
  • Nhiễm virus, chẳng hạn như virus viêm gan, có thể là viêm gan A, B hoặc C
  • Tiếp xúc với chất độc
  • Một số bệnh tự miễn

Suy gan cấp cũng có thể là do di truyền gen bất thường từ bố hoặc mẹ hoặc cả hai. Nếu bạn mắc bệnh gan di truyền thì sẽ có nguy cơ cao bị suy gan.

Nguyên nhân gây suy gan mạn tính

Suy gan mạn tính thường là kết quả của bệnh xơ gan hoặc bệnh gan do rượu. Nghiện rượu chính là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh xơ gan.

Bình thường, gan có thể chuyển hóa rượu nhưng nếu uống quá nhiều thì gan sẽ không thể chuyển hóa kịp. Ngoài ra, các chất độc hại trong rượu có thể kích hoạt phản ứng viêm trong gan và khiến gan bị sưng to. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến xơ gan.

Nếu bạn bị viêm gan C thì nguy cơ bị suy gan mạn tính hoặc xơ gan sẽ cao hơn. Virus viêm gan C lây lan qua máu nên nếu máu từ một người bị nhiễm virus này xâm nhập được vào cơ thể thì bạn cũng có thể bị mắc bệnh. Việc dùng chung kim tiêm, sử dụng kim không sạch sẽ khi xăm mình hoặc xỏ khuyên đều là những con đường lây lan viêm gan C.

Suy gan không rõ nguyên nhân

Đôi khi, một người có thể bị suy gan mà không có nguyên nhân cụ thể.

Triệu chứng suy gan

Các triệu chứng thường gặp của suy gan gồm có:

  • Buồn nôn
  • Chán ăn
  • Mệt mỏi
  • Tiêu chảy
  • Vàng da, tròng trắng của mắt và da chuyển màu vàng
  • Sụt cân
  • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Ngứa ngáy
  • Sưng phù, nhất là ở chân
  • Cổ trướng - tình trạng tích tụ dịch trong khoang phúc mạc, khiến bụng phình to

Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các vấn đề hay bệnh lý khác, khiến cho suy gan rất khó được phát hiện, chẩn đoán. Một số người thậm chí còn không nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào cho đến khi tình trạng suy gan đã chuyển sang giai đoạn muộn và gây tử vong. Khi ở giai đoạn này, người bệnh thường gặp hiện tượng chếnh choáng, mất phương hướng, uể oải, buồn ngủ hoặc thậm chí rơi vào trạng thái mất ý thức (hôn mê).

Người bị bệnh gan do rượu thường bị vàng da. Các độc tố còn có thể tích tụ trong não và gây mất ngủ, thiếu tập trung và thậm chí làm giảm chức năng thần kinh. Người bệnh còn có thể bị lách to, chảy máu dạ dày, suy thận và thậm chí ung thư gan.

Chẩn đoán suy gan

Nếu bạn đang gặp các triệu chứng nêu trên thì nên đi khám và cho bác sĩ biết nếu có uống nhiều rượu, gia đình có tiền sử bệnh gan hoặc đang mắc các vấn đề về sức khỏe khác. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm một số xét nghiệm máu để phát hiện những dấu hiệu bất thường trong máu.

Nếu nguyên nhân gây nên các triệu chứng là do ngộ độc thuốc, chẳng hạn như từ acetaminophen, thì bác sĩ sẽ kê thuốc để làm mất tác dụng của loại thuốc đang dùng. Ngoài ra, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc để ngăn chặn tình trạng chảy máu trong nếu có.

Sinh thiết gan là một phương pháp xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra tổn thương gan. Trong quá trình sinh thiết gan, bác sĩ sẽ dùng kim chuyên dụng chọc qua da để lấy một phần gan nhỏ và tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm. Một số tổn thương gan có thể được điều trị và hồi phục nếu được phát hiện sớm bởi gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục hoặc có thể dùng thêm thuốc để hỗ trợ quá trình này.

Bên cạnh đó, có thể bạn sẽ cần thêm làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để phát hiện tổn thương gan.

Điều trị suy gan

Dựa trên giai đoạn của bệnh suy gan mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.

Người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc hoặc nếu chỉ có một phần của gan bị tổn thương thì có thể làm phẫu thuật để loại bỏ đi phần gan bị hỏng. Sau đó phần gan khỏe mạnh sẽ phát triển trở lại.

Nếu tổn thương quá nghiêm trọng, ví dụ như trong các trường hợp suy gan cấp tiến triển nhanh thì phẫu thuật ghép gan là giải pháp cần thiết.

Ngăn ngừa suy gan

Một trong những cách đơn giản nhất để ngăn ngừa suy gan là hạn chế uống rượu. Theo khuyến nghị, phụ nữ khỏe mạnh và nam giới trên 65 tuổi chỉ nên tiêu thụ tối đa một ly rượu mỗi ngày còn nam giới dưới 65 không nên uống quá 2 ly/ngày.

Các biện pháp phòng ngừa suy gan khác:

  • Có biện pháp quan hệ tình dục an toàn
  • Không sử dụng ma túy hoặc dùng chung kim tiêm
  • Tiêm vắc-xin viêm gan A và B
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại
  • Nếu phải dùng bình xịt aerosol thì xịt ở những nơi thông thoáng để không hít phải khí độc

Nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ sẽ tăng cao nếu thừa cân hoặc béo phì. Do đó, cần hạn chế các loại đồ ăn nhiều chất béo.

Bạn nên đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên. Chưa chắc bạn đã bị suy gan nhưng nếu có thì việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh được điều trị kịp thời. Suy gan được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Bằng các phương pháp điều trị thích hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh gan và có một cuộc sống bình thường.

Đọc toàn bộ bài viết