Hệ thống đường mật
Hệ thống đường mật gồm có các phần khác nhau. Đường mật ở gan gồm có hai phần là đường mật trong gan và đường mật ngoài gan.
- Đường mật trong gan: Các đường mật trong gan là hệ thống các ống nhỏ nằm trong gan có nhiệm vụ thu thập và vận chuyển mật đến các đường mật ngoài gan.
- Đường mật ngoài gan: Phần đầu của đường mật ngoài gan được chia làm hai, một ống bên phải (ống gan phải) và một ống bên trái của gan (ống gan trái). Khi đi xuống từ gan, hai ống này hợp nhất và tạo thành ống gan chung chạy thẳng xuống ruột non.
Ống túi mật (ống từ túi mật) cũng nối với ống gan chung và từ điểm này trở xuống thì chúng hợp nhất tạo thành ống mật chủ. Trước khi đổ vào ruột non, ống mật chủ còn đi qua tuyến tụy.
Tắc nghẽn đường mật là gì?
Tắc nghẽn đường mật (tắc mật) là tình trạng mà các ống mật hay còn gọi là đường mật bị chặn do vật cản. Các ống mật có chức năng dẫn dịch mật từ gan và túi mật qua tuyến tụy vào tá tràng – đoạn đầu của ruột non. Dịch mật là chất dịch màu vàng xanh do gan tiết ra và được dự trữ trong túi mật. Sau khi chúng ta nạp thức ăn vào cơ thể, túi mật giải phóng dịch mật để giúp tiêu hóa và hấp thụ chất béo. Dịch mật còn giúp làm sạch các chất thải khỏi gan.
Khi xảy ra tắc nghẽn ở bất kỳ ống nào trong số các ống mật này đều sẽ gây tắc nghẽn đường mật. Nếu phát hiện kịp thời, tắc nghẽn đường mật có thể được điều trị thành công nhưng nếu tình trạng tắc nghẽn không được điều trị mà tiếp diễn trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến các bệnh lý về gan nghiệm trọng và thậm chí còn đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân gây tắc nghẽn đường mật?
Tắc nghẽn đường mật có thể xảy ra do các vấn đề có liên quan đến:
- Các ống dẫn mật
- Gan
- Túi mật
- Tuyến tụy
- Ruột non
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây tắc nghẽn đường mật:
- Sỏi mật - đây là nguyên nhân phổ biến nhất
- Viêm đường mật
- Chấn thương
- Hẹp đường mật - tình trạng ống dẫn mật bị thu hẹp bất thường
- U nang
- Sưng hạch bạch huyết
- Viêm tụy
- Tổn thương do phẫu thuật túi mật hoặc gan
- Các tế bào ung thư di căn đến gan, túi mật, tuyến tụy hoặc ống mật
- Các dạng nhiễm trùng, ví dụ như viêm gan
- Ký sinh trùng
- Xơ gan
- Tổn thương gan nghiêm trọng
- U nang ống mật chủ
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn đường mật phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn mà đa số các trường hợp là do sỏi mật. Nếu là nguyên nhân này thì phụ nữ dễ bị tắc nghẽn đường mật hơn so với nam giới. Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác như:
- Tiền sử bị sỏi mật
- Viêm tụy mạn
- Bệnh ung thư tuyến tụy
- Chấn thương ở phần bên phải của bụng
- Béo phì
- Giảm cân quá nhanh
- Bị các vấn đề mà tế bào hồng cầu bị phá vỡ một cách bất thường, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm
Các triệu chứng của tắc nghẽn đường mật
Triệu chứng của tắc nghẽn đường mật cũng phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn nhưng các triệu chứng chung thường gặp gồm có:
- Phân nhạt màu
- Nước tiểu đậm màu
- Vàng da (mắt hoặc da ngả vàng)
- Ngứa
- Đau ở vùng trên bên phải của bụng
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sụt cân
- Sốt cao
Chẩn đoán tắc nghẽn đường mật bằng cách nào?
Có nhiều phương pháp khác nhau để chẩn đoán tắc nghẽn đường mật. Bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành một hoặc một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau đây:
Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu thường được sử dụng gồm có xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC) và xét nghiệm chức năng gan. Xét nghiệm máu giúp phát hiện các vấn đề như:
- Viêm túi mật
- Viêm đường mật
- Nồng độ bilirubin liên hợp hay bilirubin trực tiếp tăng cao
- Men gan cao
- Nồng độ alkaline phosphatase cao
Bất kỳ yếu tố nào trong số này đều có thể cho thấy rằng dòng chảy của dịch mật đang bị cản trở.
Siêu âm
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán đầu tiên được thực hiện trong bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ tắc nghẽn đường mật. Siêu âm cho phép bác sĩ có thể phát hiện sỏi mật một cách dễ dàng.
HIDA scan
HIDA scan là kỹ thuật sử dụng vật liệu phóng xạ để lấy thông tin về túi mật và bất kỳ vật cản nào gây tắc nghẽn.
Chụp X-quang đường mật
Chụp X-quang đường mật là phương pháp sử dụng tia X để lấy hình ảnh các ống mật.
Chụp MRI
Chụp cộng hưởng từ MRI là phương pháp cung cấp hình ảnh chi tiết của gan, túi mật, tuyến tụy và các ống mật.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP)
Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP) là kỹ thuật được sử dụng để phát hiện tắc nghẽn đường mật và bệnh tuyến tụy.
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là phương pháp sử dụng kết hợp ống nội soi và tia X. Đây vừa là công cụ chẩn đoán và vừa là một phương pháp điều trị. Nội soi mật tụy ngược dòng cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy các ống dẫn mật để phát hiện dấu hiệu bất thường và sau đó phương pháp này cũng được ứng dụng để điều trị vấn đề. Bác sĩ còn có thể sử dụng ERCP để loại bỏ sỏi và lấy mẫu sinh thiết nếu cần.
Điều trị tắc nghẽn đường mật
Để điều trị tắc nghẽn đường mật thì cần khắc phục nguyên nhân gốc rễ gây ra vấn đề. Tình trạng này có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật và đều nhằm mục tiêu chính là giảm bớt hoặc loại bỏ tắc nghẽn. Một số lựa chọn điều trị phổ biến là phẫu thuật cắt túi mật và nội soi mật tụy ngược dòng.
Phẫu thuật cắt túi mật là quy trình mổ loại bỏ túi mật trong trường hợp có sỏi mật. Nếu chỉ có sỏi nhỏ thì có thể chỉ cần nội soi mật tụy ngược dòng là đủ để loại bỏ sỏi khỏi ống mật chủ hoặc đặt stent bên trong ống dẫn mật để khôi phục dòng chảy dịch mật. Phương pháp này thường được sử dụng trong các trường hợp mà nguyên nhân gây tắc nghẽn là do khối u.
Biến chứng tắc nghẽn đường mật
Nếu không được điều trị, tắc nghẽn đường mật có thể gây ra biến chứng và đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng gồm có:
- Tích tụ bilirubin
- Nhiễm trùng
- Nhiễm trùng huyết
- Bệnh gan mạn tính
- Xơ gan
Nếu nhận thấy dấu hiệu vàng da hoặc có sự thay đổi về màu sắc của phân hoặc nước tiểu thì cần đi khám ngay.
Làm thế nào để ngăn ngừa tắc nghẽn đường mật?
Dưới đây là một vài thay đổi bạn có thể áp dụng để giảm nguy cơ bị tắc nghẽn đường mật:
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
- Giảm tiêu thụ đường và chất béo bão hòa vì cả hai đều có thể gây sỏi mật.
- Nếu thừa cân thì nên cố gắng giảm về mức cân nặng khỏe mạnh.