Nồng độ testosterone ở nam giới sẽ giảm đi tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, ở một số người, mức testosterone lại sụt giảm quá thấp và gây ra các triệu chứng bất thường
Nội dung chính của bài viết:
- Testosterone là một loại hormone nam hay nội tiết tố nam được tạo ra ở cả nam và nữ. Nam giới có lượng testosterone cao hơn nhiều so với phụ nữ.
- Testosterone có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nhiều đặc điểm nam tính, ví dụ như làm tăng khối cơ, khối xương, sức mạnh thể chất và sự mọc lông trên cơ thể.
- Nồng độ testosterone ở nam giới sẽ giảm đi tự nhiên theo tuổi tác. Tuy nhiên, ở một số người, mức testosterone lại sụt giảm quá thấp và gây ra các triệu chứng bất thường.
- Một số bệnh di truyền hay một số vấn đề ở tinh hoàn, tuyến yên cũng là nguyên nhân gây nên sự suy giảm nồng độ testosterone ở nam giới.
- Vấn đề này có thể điều trị được. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm và dùng các phương pháp kiểm tra khác để tìm ra nguyên nhân gây tình trạng testosterone thấp.
- Đối với phụ nữ, mức testosterone thấp không đáng lo ngại mà chỉ khi testosterone quá cao mới gây ra vấn đề.
- Các triệu chứng của testosterone cao ở phụ nữ có thể là dấu hiệu cho thấy một vấn đề tiềm ẩn cần được điều trị.
Testosterone là gì?
Testosterone là một loại hormone hay nội tiết tố trong cơ thể. Mặc dù được gọi là hormone nam hay nội tiết tố nam nhưng testosterone được tạo ra ở cả nam và nữ. Hormone này đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển cơ thể trong tuổi dậy thì, ngoại hình, tình trạng sức khỏe cũng như nhiều chức năng khác nhau, bao gồm cả chức năng sinh sản và chức năng tình dục. Đây là hormone có ảnh hưởng lớn đến ham muốn tình dục. Ở nam giới, phần lớn lượng testosterone được tạo ra trong tinh hoàn. Ở phụ nữ, testosterone được tạo ra chủ yếu trong buồng trứng. Ngoài ra, một lượng nhỏ cũng được tạo ra từ tuyến thượng thận.
Nam giới có lượng testosterone cao hơn nhiều so với phụ nữ. Testosterone có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nhiều đặc điểm nam tính, ví dụ như làm tăng khối cơ, khối xương, sức mạnh thể chất và sự mọc lông trên cơ thể.
Mức testosterone liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của cơ thể và cũng thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Sau tuổi 30, nồng độ testosterone sẽ giảm dần. Đây là một hiện tượng tự nhiên nhưng ở một số người, mức testosterone lại sụt giảm xuống quá thấp, gây ra nhiều vấn đề không mong muốn và cần phải điều trị.
Mức testosterone
Nhìn chung, phạm vi testosterone bình thường ở nam giới là khoảng từ 300 – 1000 ng/dL và mức trung bình là 679 ng/dL.
Nồng độ testosterone ở nam giới thường đạt đỉnh vào khoảng 18 - 19 tuổi. Sau tuổi 30, nồng độ hormone này bắt đầu giảm tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số người thì mức testosterone lại thấp bất thường. Theo một nghiên cứu, gần 40% nam giới trên 45 tuổi bị thiếu hụt testosterone và gặp phải các triệu chứng.
Testosterone ở phụ nữ
Mặc dù nồng độ thấp hơn nhiều so với nam giới nhưng testosterone cũng là một hormone đóng vai trò quan trọng ở phụ nữ. Mức testosterone thấp ở phụ nữ thường không phải là vấn đề đáng lo ngại và chi khi testosterone tăng quá cao thì mới dẫn đến các triệu chứng bất thường. Các triệu chứng này gồm có:
- Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt (vô kinh)
- Khó thụ thai hay vô sinh
- Mọc lông trên mặt và nhiều vị trí không mong muốn trên cơ thể
- Giọng nói trầm
- Nổi mụn trứng cá
- Cơ phát triển quá mức
- Tóc mỏng
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Ngực nhỏ
Các nguyên nhân khiến nồng độ testosterone tăng cao ở phụ nữ:
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh
- Ung thư buồng trứng
- U tuyến thượng thận
Triệu chứng testosterone thấp
Các triệu chứng của testosterone thấp bất thường có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Những triệu chứng phổ biến gồm có:
- Rụng lông, tóc
- Giảm khối cơ
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn cương dương
- Mô vú phát triển hay vú to ở nam giới
- Tinh hoàn nhỏ
- Giảm lượng tinh dịch
- Khó ngủ
- Người mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Tăng tích mỡ
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Buồn bã, lo âu
>>> 14 triệu chứng của testosterone thấp
Nếu bạn gặp các triệu chứng nói trên và nghi ngờ nồng độ testosterone thấp thì nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và làm xét nghiệm chẩn đoán.
Nguyên nhân testosterone thấp ở nam giới
Các nguyên nhân gây thiếu hụt testosterone ở nam giới gồm có:
- Dậy thì muộn
- Tổn thương tinh hoàn (do chấn thương, nghiện rượu hoặc quai bị)
- Vấn đề ở vùng dưới đồi
- Bệnh tuyến yên
- Khối u lành tính ở tuyến yên
Bên cạnh đó, một số bệnh di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến lượng testosterone, như:
- Hội chứng Klinefelter
- Hội chứng Kallmann
- Loạn dưỡng cơ (myotonic dystrophy)
Xét nghiệm testosterone
Để xác định được nồng độ testosterone thì sẽ cần làm xét nghiệm testosterone trong máu. Thường thì bác sĩ sẽ chỉ định thời gian cụ thể làm xét nghiệm. Mức hormone tăng cao nhất vào buổi sáng. Do đó, việc xét nghiệm nên được thực hiện vào khoảng từ 7 giờ đến 10 giờ sáng. Đôi khi sẽ cần tiến hành xét nghiệm nhiều lần để đảm bảo có kết quả chính xác.
Trước khi làm xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ định dừng một số loại thuốc nhất định có ảnh hưởng đến mức testosterone. Do đó, bạn cần nói với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn.
Các phương pháp tăng nồng độ testosterone
Thay đổi lối sống
Trước tiên, bạn có thể thay đổi lối sống để cải thiện nồng độ testosterone, ví dụ như tập các bài tập tăng cơ và giảm cân.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập tăng cơ, chẳng hạn như nâng tạ, có tác dụng làm gia tăng tạm thời nồng độ testosterone. Tuy nhiên, hiệu quả của những bài tập này ở nam giới trẻ tuổi sẽ cao hơn là nam giới lớn tuổi và cũng không thể làm tăng đáng kể mức testosterone.
Những người thừa cân, béo phì nên kết hợp chế độ ăn kiêng khoa học với tập luyện, đặc biệt là các bài tập luyện tim mạch (cardio). Điều này sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt testosterone.
Dùng các sản phẩm không kê đơn
Một số loại thuốc không kê đơn, thảo dược và viên uống bổ sung có tác dụng tăng cường testosterone. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh cho tác dụng thật sự của những sản phẩm này.
Điều chỉnh chế độ ăn
Chế độ ăn hàng ngày có vai trò rất quan trọng đối với nồng độ hormone trong cơ thể. Một số loại thực phẩm có tác dụng cải thiện và giúp cơ thể kiểm soát mức testosterone. Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm và vitamin D để giữ cho testosterone ở mức bình thường, khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm bạn nên thêm vào chế độ ăn nếu có testosterone thấp gồm có:
- Thịt bò
- Trứng
- Hàu
- Cá hồi
- Các loại đậu
- Sữa bổ sung vitamin D
- Động vật có vỏ như tôm, cua
Một số loại gia vị như gừng, tỏi cũng đã được chứng minh là có công dụng làm tăng mức testosterone.
Liệu pháp thay thế testosterone
Liệu pháp thay thế testosterone được sử dụng để giúp điều trị cho những người có lượng testosterone thấp bất thường. Tình trạng này ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể bình thường, làm giảm khối cơ và ham muốn tình dục, ngoài ra còn có nhiều tác động tiêu cực khác.
Với phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để tăng cường mức testosterol, có thể là dạng viên uống, miếng dán, dạng gel bôi lên da,viên cấy dưới da hoặc dạng tiêm vào cơ thể. Liệu pháp này giúp tăng mức testosterone tổng thể của cơ thể và chấm dứt hoặc giảm các triệu chứng của thiếu hụt testosterone.
Tiêm testosterone
Tiêm testosterone là một trong những hình thức thay thế testosterone phổ biến. Quá trình tiêm cần được thực hiện bởi bác sĩ nhưng sẽ cần điều trị với tần suất ít hơn so với các hình thức hay thế testosterone khác.
Tác dụng phụ của liệu pháp testosterone
Trong quá trình điều trị bằng liệu pháp thay thế testosterone, bạn sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi nồng độ testosterone và kiểm tra các tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải gồm có:
- Nổi mụn trứng cá
- Ngực to
- Mọc lông không mong muốn
- Ngưng thở khi ngủ
- Kích thích hình thành u xơ tuyến tiền liệt hoặc sự phát triển của khối u ác tính hiện có ở tiền liệt tuyến
- Teo tinh hoàn
- Giảm lượng tinh trùng
- Hình thành cục máu đông
- Tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim