Testosterone thấp ở phụ nữ

4 năm trước 27

Nồng độ testosterone thấp thường bị nhầm với các vấn đề như căng thẳng, lo âu hay những thay đổi do mãn kinh ở phụ nữ

Nồng độ testosterone ở phụ nữ thay đổi trong suốt cuộc đời, đặc biệt là vào chu kỳ kinh nguyệt và thậm chí thay đổi theo từng thời điểm khác nhau trong ngày. Khi nồng độ testosterone sụt giảm, cơ thể sẽ không có đủ hormone để tạo ra các tế bào máu mới, duy trì ham muốn tình dục và làm tăng nồng độ các hormone sinh dục khác.

Testosterone có vai trò thế nào ở phụ nữ?

Testosterone là một loại hormone androgen, thường được gọi là hormone sinh dục nam. Mặc dù nam giới có nhiều testosterone hơn nhưng tuyến thượng thận và buồng trứng ở phụ nữ cũng tạo ra một lượng nhỏ hormone này.

Sự mất cân bằng (quá nhiều hoặc quá ít) testosterone có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tổng thể của người phụ nữ. Testosterone tham gia vào nhiều chức năng quan trọng khác nhau trong cơ thể phụ nữ, gồm có:

  • Sản sinh tế bào máu mới
  • Phân bố mỡ
  • Phát triển khối cơ
  • Tạo ham muốn
  • Tác động đến đến hormone kích thích nang trứng (FSH) – một hormone quan trọng đối với chức năng sinh sản.

Ở phụ nữ, lượng testosterone trong máu dao động trong khoảng 15 - 70ng/dl và cho đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có định nghĩa nào về mức testosterone thấp.

Mức độ sản sinh testosterone sẽ phụ thuộc vào độ tuổi. Ở tuổi 40, lượng androgen của phụ nữ thường giảm đi một nửa.

Các biểu hiện của testosterone thấp ở phụ nữ

Testosterone thấp có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau ở phụ nữ:

  • Người uể oải, mệt mỏi
  • Suy yếu cơ
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Giảm thỏa mãn khi quan hệ
  • Tăng cân
  • Giảm khả năng sinh sản
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Khô âm đạo
  • Giảm mật độ xương, dẫn đến loãng xương

Nguyên nhân gây thiếu hụt testosterone ở phụ nữ

Ở phụ nữ, testosterone được tạo ra ở một số vị trí khác nhau là:

  • Buồng trứng
  • Tuyến thượng thận
  • Các mô ngoại vi

Vì buồng trứng là bộ phận chính sản xuất testosterone nên giống như estrogen, progesterone, lượng testosterone cũng suy giảm tự nhiên khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Từ trước đến nay, sự suy giảm estrogen vẫn được cho là “thủ phạm” làm giảm ham muốn tình dục ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự thiếu hụt testosterone và mức độ ham muốn ở độ tuổi này.

Ở nhiều phụ nữ có lượng testosterone thấp, buồng trứng vẫn tạo ra các hormone, bao gồm cả testosterone một cách bình thường. Do đó, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể là do yếu tố di truyền ảnh hưởng đến khả năng tạo ra hợp chất DHEA và DHEA-S – các tiền chất của testosterone hoặc do bị thiếu các enzyme xử lý DHEA và DHEA-S thành testosterone.

Các nguyên nhân khác cũng gây vấn đề thiếu hụt testosterone ở phụ nữ còn có:

  • Suy tuyến thượng thận (tuyến thượng thận không hoạt động hiệu quả như bình thường)
  • Từng phẫu thuật cắt buồng trứng
  • Suy tuyến yên
  • Điều trị bằng liệu pháp estrogen đường uống, vì estrogen có thể làm giảm sản xuất testosterone
  • Mãn kinh sớm

Chẩn đoán

Thông thường, các biểu hiện của thiếu hụt testosterone ở phụ nữ cũng tương tự như triệu chứng của nhiều vấn đề khác nên hay bị chẩn đoán nhầm. Nồng độ testosterone thấp thường bị nhầm với các vấn đề như căng thẳng, lo âu hay những thay đổi do mãn kinh ở phụ nữ.

Đầu tiên sẽ cần làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức testosterone trong máu. Theo Đại học Y khoa Boston, ở phụ nữ từ 50 tuổi trở xuống, nếu tổng lượng testosterone trong huyết tương dưới 25ng/dL thì được coi là ở mức thấp. Mức testosterone được xác định là thấp ở phụ nữ từ 50 tuổi trở lên là dưới 20ng/dL.

Việc xác định mức testosterone thấp ở phụ nữ thường có phần khó khăn vì nồng độ hormone liên tục thay đổi hàng ngày và thậm chí thay đổi trong cùng một ngày. Với những phụ nữ vẫn trong độ tuổi sinh sản (còn kinh nguyệt) thì thời điểm lý tưởng nhất để làm xét nghiệm testosterone là khoảng 8 đến 20 ngày sau khi bắt đầu có kinh nguyệt.

Các phương pháp điều trị suy giảm testosterone

Hiện các phương pháp điều trị suy giảm testosterone ở phụ nữ vẫn chưa được các chuyên gia y tế nghiên cứu rộng rãi. Do đó, mỗi bác sĩ lại có phác đồ điều trị khác nhau đối với vấn đề này.

Những phụ nữ sau mãn kinh có thể được kê thuốc Estratest. Thuốc này có chứa cả estrogen và testosterone. Tuy nhiên, testosterone trong loại thuốc này là dạng tổng hợp và cho hiệu quả không cao đối với tình trạng testosterone thấp.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định tiêm testosterone hoặc dùng testosterone dạng gel. Tuy nhiên, các sản phẩm dạng gel thường được sử dụng cho nam giới. Ngoài ra, còn có các dạng testosterone khác là dạng miếng dán hoặc dạng viên nhỏ được cấy vào da nhưng vẫn đang được nghiên cứu thêm.

Một phương pháp điều trị không cần kê đơn là dùng viên uống bổ sung DHEA. Vì DHEA là tiền chất của testosterone nên nếu dùng DHEA thì có thể tăng lượng testosterone trong cơ thể. Tuy nhiên, vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bổ sung DHEA để cải thiện suy giảm testosterone.

Lượng testosterone trong cơ thể quá cao sẽ gây ra các tác dụng phụ cho phụ nữ như:

  • Nổi mụn trứng cá
  • Mọc lông mặt
  • Giữ nước
  • Có các đặc điểm thể chất ở nam giới, ví dụ như hói đầu kiểu nam và giọng nói trầm

Do đó, thay vì điều trị bằng liệu pháp testosterone thì bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp thay thế để điều trị các triệu chứng do suy giảm testosterone ở phụ nữ như:

  • Liệu pháp tình dục (sex therapy)
  • Các biện pháp kiểm soát căng thẳng
  • Ngủ đủ giấc
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh

Những phụ nữ đang hoặc có thể đang mang thai không được dùng androgen và phụ nữ đang cho con bú cũng không nên dùng thuốc testosterone vì hormone này có thể được truyền sang cho thai nhi.

Luôn phải nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc hay sản phẩm nào để điều trị thiếu hụt testosterone. Bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết và đánh giá các loại thuốc khác đang dùng để đảm bảo là không xảy ra tương tác thuốc.

Đọc toàn bộ bài viết