Khi đó, xe lửa ở miền tây nam Trung Quốc đi với tốc độ cao (có lúc đạt hơn 250 km/giờ) sẽ vượt qua hơn 3.200 km đến Singapore trong chưa đầy 30 giờ, theo Tân Hoa xã.
Dự án gây nhiều tranh cãi
Năm 2021, Reuters đưa tin tuyến đường sắt bán cao tốc (có thể đạt tốc độ tối đa 160 km/giờ) xuyên biên giới Lào - Trung Quốc bắt đầu được đưa vào hoạt động, kết nối trung tâm thương mại của Trung Quốc là Côn Minh đến thủ đô Vientiane của Lào. Toàn bộ hành trình kéo dài 10 giờ, vượt qua quãng đường khoảng 1.000 km.
Hiện dự án thứ hai của tuyến đường sắt cao tốc Đông Nam Á được tiến hành ở Thái Lan, với mục tiêu kết nối tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc với Bangkok (thủ đô Thái Lan). Được triển khai theo từng giai đoạn cụ thể, chính phủ Thái dự kiến sẽ thông toàn tuyến năm 2028, theo Đài CNN. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đề cập các mốc thời gian chi tiết.
Dù vậy, dự án trên đang gây nhiều tranh cãi ở Thái Lan, với Reuters dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng đây có thể là "bẫy tài khóa" cho chính quyền Bangkok. Quốc gia sở tại đồng ý gánh chịu toàn bộ chi phí xây dựng trong giai đoạn đầu tiên, dự kiến khoảng 5 tỉ USD. Phía Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm thiết lập các hệ thống, thiết kế và cung cấp.
Một khi tuyến này hoàn tất, kế hoạch là mở rộng đến phía bắc Malaysia, kết nối đến thủ đô Kuala Lumpur trước khi kết thúc ở cách đó 350 km về hướng nam thuộc Singapore. Tháng 1 năm nay, Kyodo News đưa tin các công ty Nhật Bản, bao gồm công ty đường sắt East Japan Railway, từ bỏ kế hoạch tham gia vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur- Singapore. Lý do là phía Nhật Bản nhận định sẽ quá rủi ro nếu thiếu sự đóng góp tài chính từ chính phủ Malaysia.
Ước tính dự án cần đến 100 tỉ ringgit (khoảng 21 tỉ USD), nhưng chính phủ Malaysia có ý định dựa vào nguồn tài chính tư nhân thay vì nguồn chi từ ngân sách. Trong khi các công ty Nhật Bản bỏ cuộc, một số công ty trong nước có kế hoạch hợp tác với những đối tác Trung Quốc, châu Âu để tham gia đấu thầu.
Sức hút từ Đông Nam Á
Giới chuyên gia lưu ý Đông Nam Á có sức hút mãnh liệt đối với các du khách nước ngoài, từ những đền chùa cổ xưa ở Lào đến các bãi biển nguyên sơ của Thái Lan, từ những rừng mưa nhiệt đới và các tour du lịch sinh thái ở Malaysia.
Bên cạnh đó, du lịch đường sắt đang trở nên phổ biến hơn trước, đặc biệt trong số các du khách trẻ tuổi của Trung Quốc và cả những nước Đông Nam Á. Thế hệ ngày nay hướng đến du lịch bền vững và tìm kiếm một cảm giác phiêu lưu mới, ông Bowerman cho biết.
Đài CNN dẫn lời ông Gary Bowerman, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường du lịch Check-in Asia, cho rằng việc kết nối các thành phố Trung Quốc đến Lào và sang các nước Đông Nam Á khác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều du khách Trung Quốc dễ dàng đến thăm các quốc gia này hơn trước.
Tuyến đường sắt 350 km/giờ ở Indonesia
Với sự hỗ trợ của Trung Quốc theo khuôn khổ Sáng kiến "Vành đai Con đường", tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á đã vận hành ở Indonesia hồi tháng 10.2023, kết nối thủ đô Jakarta với TP. Bandung (Tây Java).
Theo báo The Japan Times, tàu cao tốc tên "Whoosh" đạt tốc độ tối đa 350 km/giờ, cho phép đi từ Jakarta đến Bandung trong vòng 45 phút so với khoảng 3 giờ như trước đây. Con tàu có sức chứa 600 hành khách, ban đầu dự kiến kinh phí chưa đến 5 tỉ USD khi hoàn tất năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ dự án bị chậm, một phần do dịch Covid-19 và vướng giải tỏa, đền bù, nên phải đợi đến cuối năm ngoái mới được đưa vào sử dụng với chi phí tăng lên 7,3 tỉ USD.