Mỡ trong máu do đâu mà có?
Chất mỡ trong cơ thể chủ yếu là Cholesterol và Triglyceride
a. Nguồn gốc mỡ cholesterol
- Một phần cholesterol trong cơ thể là do thức ăn mang lại, tuy nhiên gan mới là cơ quan chủ yếu tổng hợp nên cholesterol.
- Sau khi ăn thức ăn có nhiều mỡ (thịt mỡ, óc heo, lòng đỏ trứng, da ga da vịt da heo…) mỡ sẽ được hấp thu tại ruột rồi đưa đến gan.
- Có thể ví gan giống như một nhà máy chế biến mỡ. Cholesterol được hấp thu qua thức ăn gan chuyển hóa thành rất nhiếu dạng mỡ khác nhau để đưa vào máu, từ đó chuyên chở đi khắp nơi trong cơ thể.
Có 3 loại cholesterol: VLDL-c, LDL-c và HDL-c
- VLDL: Mang mỡ từ gan đi các nơi khác trong cơ thể, sau khi nhường bớt mỡ cho các tế bào thì VLDL sẽ chuyển thành LDL.
- LDL: Đây là thủ phạm chính gây xơ vữa mạch máu, nên còn được gọi là cholesterol xấu.
- HDL: Còn được gọi là cholesterol tốt, do HDL có khả năng lấy bớt cholesterol đọng ở các thành mạch máu, mang về lại cho gan, giúp ngăn ngừa quá trình tạo mảng xơ vữa.
b. Nguồn gốc mỡ triglyceride
- 90% mỡ triglyceride trong máu đều do thức ăn mang lại. Sau một bữa ăn có nhiều chất béo, nồng độ triglyceride trong máu tăng cao. Tuy nhiên với một cơ thể khoẻ mạnh bình thường, 12 giờ sau hầu như tất cả các triglyceride này sẽ được cơ thể chuyển hoá hết.
- Triglyceride được tổng hợp và chuyển hoá qua lại ở tại gan và mô mỡ.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong máu của tôi có quá nhiều mỡ?
- Tăng LDL- cholesterol (mỡ xấu) hoặc giảm HDL-cholesterol (thiếu mỡ bảo vệ) sẽ tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não …
- Nặng nề hơn nữa là vỡ các mảng xơ vữa làm lấp mạch não (đột quỵ) hoặc nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.
- Tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Ngoài ra nếu Triglyceride quá cao ( >1000mg/dl) có thể gây ra viêm tuỵ cấp.
Các bác sĩ sẽ cho bạn thử máu như thế nào để biết có rối loạn chuyển hoá mỡ?
-Về cơ bản chỉ cần xét nghiệm Cholesterol toàn phần, Triglyceride, HDL-c và LDL-c trong máu là đủ để biết bạn có bị rối loạn chuyển hoá mỡ trong máu hay không.
Điều trị cần lưu ý gì?
Vận động
- Chọn một môn thể thao ưa thích và nhờ bác sĩ tư vấn xem nó có phụ hợp với sức khoẻ của bạn không (ví dụ: đi bộ, chơi cầu lông, bòng bàn, tenis, bơi, đá bóng…)
- Nên tập luyên đều đặn hàng ngày khoảng 30-60 phút (ít nhất là 3 ngày mỗi tuần)
- Thời gian tập luyện có thể tăng dần dần tuỳ theo khả năng.
Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn chuyển hoá mỡ vậy bệnh của tôi cần phải được theo dõi như thế nào?
- Bạn nên kiểm tra mỡ trong máu định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng, hoặc mỗi năm theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi cân nặng thường xuyên mỗi tháng, nếu có dư cân phải tích cực tiết chế và vận động để giảm bớt cân thừa.
- Sau khi đã tích cực tiết chế và vận động mà kiểm tra lại mỡ trong máu của bạn vẫn còn cao thì bạn cần phải dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu.
- Ngoài ra, nếu bạn đang có bệnh đái tháo đường, suy thận mãn hoặc thiếu máu cơ tim… kèm theo, thì cần phải duy trì mỡ trong máu ở mức tối ưu mới đạt. Tốt nhất nên hỏi bác sĩ điều trị để biết mức cholestrol, LDL-c, HDL-c và triglyceride trong trường hợp cụ thể của bạn cần duy trì ở mức bao nhiêu là đạt yêu cầu.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn