Các giai đoạn của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp được chia thành 4 giai đoạn, giai đoạn 1 là mức độ nhẹ nhất và giai đoạn 4 là khi tình trạng thoái hóa khớp đã trở nên nghiêm trọng. Khi tiến triển sang giai đoạn này, bệnh sẽ gây đau nhức dữ dội và cản trở việc vận động khớp.
Giai đoạn 1
Thoái hóa khớp giai đoạn 1 là khi mới bắt đầu hình thành các gai xương rất nhỏ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự hình thành xương thừa ở vị trí mà các đầu xương gặp nhau trong khớp.
Nhiều người bị viêm khớp giai đoạn 1 thường không gặp phải bất kỳ hiện tượng đau nhức hay khó chịu nào vì lúc này khớp mới chỉ bị tổn hại không đáng kể.
Phương pháp điều trị
Nếu không có triệu chứng nào bộc lộ ra ngoài thì chưa cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử gia đình bị thoái hóa khớp hoặc thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thực phẩm chức năng, ví dụ như glucosamine và chondroitin, hoặc bắt đầu thói quen tập thể dục để giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 vẫn được coi là giai đoạn nhẹ của bệnh thoái hóa khớp gối. Nếu chụp X-quang sẽ thấy có các gai xương lớn hơn nhưng kích thước của sụn trong khớp vẫn chưa bị thay đổi, tức là khoảng trống giữa hai đầu xương vẫn bình thường, xương chưa bị cọ xát vào nhau.
Ở giai đoạn này, dịch khớp vẫn ở mức đủ cho chuyển động bình thường của khớp.
Tuy nhiên, sang đến giai đoạn 2 này thì người bệnh thường bắt đầu nhận thấy các triệu chứng như đau nhức đầu gối sau khi đi bộ hoặc chạy nhiều, cứng khớp sau khoảng một vài tiếng không vận động và đau khi quỳ hoặc cúi người.
Phương pháp điều trị
Mặc dù vẫn được coi là giai đoạn nhẹ nhưng khi gặp các triệu chứng nêu trên thì bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xác định tình trạng khớp xương ở giai đoạn này và đưa ra kế hoạch điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh tiến triển xấu.
Thường ở giai đoạn thoái hóa khớp gối này thì bạn cũng chưa cần phải dùng đến thuốc để điều trị các triệu chứng.
Nếu bạn thừa cân thì nên giảm cân bằng chế độ ăn kiêng và tập luyện phù hợp để cải thiện các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống. Kể cả không thừa cân thì cũng vẫn nên tập thể dục.
Các bài tập cường độ thấp và tập trung vào cơ sẽ giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp, giúp tăng sự ổn định và ngăn khớp bị tổn thương thêm.
Không nên quỳ, ngồi xổm hoặc nhảy để tránh gây tổn thương khớp. Bạn có thể dùng nẹp hoặc đai bó đầu gối để ổn định khớp xương. Ngoài ra có thể dùng thêm miếng lót giày y khoa để giữ cho chân thẳng và giảm bớt áp lực tác động lên khớp.
Nếu như cảm thấy các cơn đau nhức ảnh hưởng đến việc sinh hoạt thường ngày thì có thể dùng các loại thuốc giảm đau nhẹ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại acetaminophen (như Tylenol).
Tuy nhiên, không nên dùng các loại thuốc này trong thời gian quá lâu vì điều này sẽ gây ra các vấn đề khác về sức khỏe. Các lọai thuốc chống viêm không steroid có thể gây loét dạ dày, vấn đề về tim mạch và gây tổn thương gan thận. Việc dùng acetaminophen liều quá lớn cũng có thể gây tổn thương gan.
Giai đoạn 3
Giai đoạn 3 là giai đoạn thoái hóa khớp gối ở mức độ “vừa”. Ở giai đoạn này, sụn giữa hai đầu xương đã bị tổn hại đáng kể và khoảng trống giữa hai đầu xương bắt đầu thu hẹp lại. Những người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 3 bắt đầu thấy đau thường xuyên khi đi bộ, chạy, cúi người hoặc quỳ. Ngoài ra còn có triệu chứng cứng khớp sau khi ngồi lâu hoặc khi thức dậy vào buổi sáng và sưng khớp sau khi phải vận động trong một thời gian dài.
Phương pháp điều trị
Nếu đã thay đổi lối sống mà thấy các triệu chứng không có sự cải thiện thì sẽ cần tiêm cortisone. Cortisone là một loại steroid được tạo ra tự nhiên trong cơ thể và là chất đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau do viêm xương khớp khi được tiêm gần khớp bị ảnh hưởng.
Sau khi tiêm, hiệu quả của cortisone sẽ mất dần sau khoảng 2 tháng. Cần cần nhắc thật cẩn thận trước khi quyết định thực hiện phương pháp này vì nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêm steroid trong thời gian dài ngược lại sẽ gây tổn thương khớp.
Nếu thuốc NSAID hoặc acetaminophen không kê đơn không còn hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc giảm đau chẳng hạn như codein và oxycodone để làm dịu các cơn đau nhức – triệu chứng phổ biến ở giai đoạn 3 của thoái hóa khớp gối. Những loại thuốc này được sử dụng trong thời gian ngắn để điều trị các cơn đau từ vừa đến nặng.
Tuy nhiên, người bệnh được khuyến cáo không nên dùng các loại thuốc giảm đau nhóm opiod này trong thời gian dài do nguy cơ tăng dung nạp và phải phụ thuộc vào thuốc. Những loại thuốc này còn đi kèm với tác dụng phụ là buồn nôn, buồn ngủ và mệt mỏi.
Trong những trường hợp mà các phương pháp điều trị dạng nhẹ như vật lý trị liệu, giảm cân, sử dụng thuốc NSAID hay thuốc giảm đau đều không có hiệu quả thì có thể thử phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn.
Đây được gọi là phương pháp tiêm acid hyaluronic nội khớp. Một liệu trình điều trị với phương pháp này thường gồm có từ 1 đến 5 lần tiêm, mỗi lần cách nhau một tuần. Phương pháp này sẽ không cho hiệu quả ngay lập tức mà thường sẽ phải mất vài tuần mới phát huy tác dụng tối đa nhưng bù lại, hiệu quả giảm nhẹ các triệu chứng thường kéo dài lên đến một vài tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp tiêm này.
Giai đoạn 4
Giai đoạn 4 là khi tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Những người bị thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 4 sẽ gặp phải các cơn đau nhức dữ dội và khó chịu mỗi khi đi lại hoặc cử động khớp.
Nguyên nhân là do sụn đã gần như biến mất hoàn toàn, khoảng trống giữa các khớp xương đã bị giảm đi đáng kể, khiến khớp bị cứng và có thể bất động. Dịch khớp cũng còn lại rất ít nên sự ma sát giữa các bộ phận chuyển động của khớp tăng lên.
Phương pháp điều trị
Phẫu thuật chỉnh hình xương, hay phẫu thuật cắt xương, là một giải pháp cho những trường hợp bị thoái hóa khớp gối nghiêm trọng. Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt đi một đoạn xương trên hoặc dưới đầu gối để rút ngắn, kéo dài hoặc điều chỉnh sự thẳng hàng của xương.
Phương pháp phẫu thuật này làm giảm áp lực của trọng lượng cơ thể lên các vị trí có gai xương lớn và xương bị tổn hại nặng. Thủ thuật này thường được thực hiện ở những bệnh nhân còn trẻ.
Thay khớp gối là biện pháp cuối cùng cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối nghiêm trọng. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ đi khớp bị hỏng và thay thế bằng một khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại.
Phương pháp phẫu thuật này đi kèm với rủi ro nhiễm trùng tại vị trí vết mổ và hình thành cục máu đông. Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thường phải mất vài tuần hoặc vài tháng và đòi hỏi kết hợp thêm vật lý trị liệu hoặc liệu pháp nghề nghiệp.
Tuy nhiên, kể cả khi thay khớp gối thì cũng chưa chắc đã trị khỏi được hoàn toàn tình trạng thoái hóa khớp. Đôi khi sẽ cần phẫu thuật thêm hoặc thậm chí phải thay khớp nhiều lần trong suốt cuộc đời nhưng khớp sau khi thay thường có độ bền đến vài chục năm.