Thoái hóa khớp háng thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên. Bệnh gây ra các triệu chứng đau nhức, sưng viêm và cứng khớp, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và làm giảm khả năng vận động. Thoái hóa khớp háng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, vì thế người bệnh cần phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
Quốc dược Phục cốt khang là bài thuốc sở hữu nhiều ưu điểm ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT về công thức, thành phần trong điều trị bệnh xương khớp tại Việt Nam. [Tìm hiểu ngay]
Bệnh thoái hóa khớp háng là gì?
Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp phổ biến, thường gặp ở những người từ 50 tuổi trở lên.
Thoái hóa khớp háng là tình trạng sụn bọc ở chỏm xương đùi bị bào mòn theo thời gian. Khi sụn bị tổn thương, bề mặt sụn trở nên cứng và sần. Dẫn đến tình trạng xương chậu cọ xát mạnh vào chỏm xương đùi khi vận động.
Khi sụn bị bào mòn hoàn toàn, các tế bào xương sẽ có xu hướng mọc ra bên ngoài để bù đắp cho vị trí bị thiếu hụt. Từ đó hình thành gai xương gây biến dạng khớp. Thoái hóa khớp háng phát triển chậm nhưng có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
Nguyên nhân gây bệnh
Thoái hóa khớp háng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Tuổi tác: tuổi tác cao đồng nghĩa với việc cơ thể phải đối mặt với quá trình lão hóa. Quá trình này khiến các cơ quan trong cơ thể suy yếu và dễ bị tổn thương bởi các tác nhân vật lý. Sụn khớp của người cao tuổi thường mất tính đàn hồi và linh hoạt, do đó sụn dễ bị bào mòn khi có tác động từ bên ngoài.
- Di truyền: thừa hưởng những gen đột biến hoặc các khiếm khuyết trong cấu trúc xương là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp háng. Các nhà khoa học cho rằng những người có người thân cận huyết mắc bệnh thoái hóa sẽ có nguy cơ cao gặp phải bệnh lý này. Tuy nhiên các yếu tố di truyền cụ thể vẫn chưa được làm sáng tỏ.
- Chấn thương ở khớp háng: chấn thương không được điều trị dứt điểm có thể khiến khớp mất cân bằng và dễ thoái hóa. Ngoài ra, chấn thương ở khớp háng rất dễ gây ra chứng hoại tử vô mạch. Lúc này xương không có đủ dưỡng chất để duy trì sự sống nên sẽ chết dần (hoại tử). Điều này càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp.
- Béo phì: béo phì là nguyên nhân gây ra các bệnh xương khớp, thường gặp nhất là thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên, béo phì cũng có thể làm tổn thương khớp háng nếu bạn ít vận động và ngồi thường xuyên.
- Loạn sản hông: là một tình trạng bẩm sinh thường gặp ở bé gái. Tình trạng thường xuất hiện khi trẻ lớn lên (khoảng 8 – 12 tuổi). Mặc dù được điều trị nhưng các bác sĩ cho rằng, người bị loạn sản hông sẽ có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp háng cao hơn người không gặp phải vấn đề này.
Ngoài ra, vẫn có những trường hợp bị thoái hóa khớp háng không thể xác định nguyên nhân.
Triệu chứng thoái hóa khớp háng
Triệu chứng phổ biến nhất của thoái hóa khớp háng là cơn đau ở xung quanh khớp. Thông thường, cơn đau sẽ phát sinh vào sáng sớm hoặc khi bạn duy trì một tư thế quá lâu.
Các triệu chứng do bệnh thoái hóa khớp háng:
- Đau ở khớp háng hoặc đùi, có thể lan ra mông và đầu gối
- Cơn đau tăng lên khi bạn vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế đột ngột
- Cứng khớp khiến hông không thể vận động và phải mất một thời gian mới có thể vận động lại như bình thường.
- Xuất hiện âm thanh do chỏm xương đùi cọ xát với xương chậu.
- Phạm vi vận động của khớp bị giới hạn và không thể hoạt động với hiệu suất như trước
- Cơn đau tăng lên khi độ ẩm không khí cao hoặc khi thời tiết lạnh
Chẩn đoán thoái hóa khớp háng
Trước khi thực hiện xét nghiệm, bác sĩ sẽ trao đổi về những triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bạn và người thân trong gia đình. Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp háng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra thể chất và thực hiện những xét nghiệm cần thiết.
Kiểm tra thể chất
Khi kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ quan sát khớp háng vận động và phản ứng của khớp khi bạn đột ngột thay đổi tư thế. Bác sĩ có thể đặt vật nặng lên khớp hoặc yêu cầu bạn thực hiện những tư thế khác để quan sát phạm vi vận động của khớp.
Qua kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ xác định:
- Có cơn đau ở hông
- Phạm vi chuyển động của khớp
- Dáng đi (người bị thoái hóa khớp thường có dáng đi khập khiễng)
- Các dấu hiệu tổn thương, gân và dây chằng bao quanh hông
Xét nghiệm hình ảnh
- X-Quang: xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát hình ảnh của cấu trúc khớp. Với người bị thoái hóa khớp háng, không gian của khớp sẽ thu hẹp bất thường và đôi khi có xuất hiện gai xương.
- Các xét nghiệm hình ảnh khác: trên thực tế, bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp cộng hưởng (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc quét xương để xác định rõ tình trạng xương và các mô mềm ở hông.
Điều trị thoái hóa khớp háng
Bệnh thoái hóa khớp háng chưa thể điều trị dứt điểm. Mục đích của việc điều trị là làm giảm cơn đau, triệu chứng và giới hạn mức độ thoái hóa ở mô sụn.
Bên cạnh đó bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện những thủ thuật và bài tập để bảo toàn khả năng vận động.
1. Điều trị bảo tồn (nội khoa)
Điều trị nội khoa được chỉ định khi tình trạng bệnh chưa có nhiều chuyển biến nghiêm trọng. Điều trị nội khoa đạt được hiệu quả có thể giúp bệnh nhân ít đau đớn, vận động bình thường và duy trì được chức năng của khớp.
Thay đổi lối sống
Thay đổi một số thói quen không khoa học sẽ giúp bạn bảo vệ khớp và làm chậm tiến trình thoái hóa.
- Giảm thiểu các hoạt động gây áp lực lên khớp háng như chạy bộ, mang vác nặng, chơi thể thao cường độ mạnh,…
- Thay vào đó nên thực hiện những bài tập có cường độ nhẹ nhàng, ít gây áp lực lên khớp như bơi lội, đi bộ, đạp xe, yoga,…
- Giảm cân nhằm làm giảm áp lực lên khớp háng.
Vật lý trị liệu
Những bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp tăng phạm vi chuyển động, tính linh hoạt của khớp. Đồng thời tăng cường cơ bắp xung quanh hông.
Các bài tập vật lý trị liệu tác động trực tiếp đến khớp háng, do đó đem lại kết quả tối ưu hơn những bộ môn luyện tập thông thường. Bạn nên thực hiện theo chế độ tập luyện của chuyên gia vật lý trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Bạn có thể yêu cầu thiết bị hỗ trợ nếu không thể đi lại bình thường. Gậy, nạng, xe tập đi,… có thể hỗ trợ bạn trong quá trình di chuyển và cải thiện chức năng của khớp.
Dùng thuốc
Nếu cơn đau xuất hiện và khiến bạn khó chịu, bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc để giảm đau và giảm sưng viêm ở khớp háng.
- Acetaminophen: là nhóm thuốc giảm đau thông thường. Thuốc có tác dụng đối với cơn đau thoái hóa khớp nhẹ và vừa. Acetaminophen chỉ có tác dụng giảm đau, do đó không thích hợp với bệnh nhân có các triệu chứng như sưng và nóng khớp. Acetaminophen có thể gây ngộ độc gan và tổn thương thận. Do đó bệnh nhân suy gan, suy thận nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Nếu thuốc giảm đau thông thường không đáp ứng được các triệu chứng, bạn có thể sử dụng những loại NSAID không kê toa như ibuprofen, naproxen, aspirin,… Mặt hạn chế của nhóm thuốc này là có khả năng kích thích và gây loét ở dạ dày. Nếu bạn gặp phải những tác dụng phụ này, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để sử dụng thuốc ức chế COX-2 (một nhóm nhỏ của NSAID ít gây kích ứng lên hệ tiêu hóa) để thay thế.
- Corticosteroid: hoạt động như cortisone do cơ thể tiết ra. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh mẽ, được dùng bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Việc sử dụng thuốc chỉ đem lại hiệu quả tức thời, không tác động đến nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bạn chỉ nên dùng thuốc khi thực sự cần thiết. Dùng thuốc ở liều cao hoặc dùng trong một thời gian dài có thể làm phát sinh những tác dụng phụ nguy hiểm.
2. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân can thiệp phẫu thuật nếu khớp bị tổn thương nghiêm trọng, khả năng vận động giảm trầm trọng và điều trị nội khoa không thể đáp ứng.
Các bác sĩ sẽ xem xét và chỉ thực hiện khi lợi ích của cuộc phẫu thuật đem lại cao hơn nguy cơ mà người bệnh có thể gặp phải.
Phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp háng bao gồm:
- Cắt bỏ xương: được thực hiện khi gai xương hình thành và gây biến dạng khớp. Cắt bỏ gai xương làm giảm bớt áp lực ở khớp, giảm đau và giúp người bệnh có thể vận động như bình thường.
- Thay khớp háng bán phần: Thay khớp háng bán phần là thủ thuật thay một phần khớp háng bằng nhân tạo. Phẫu thuật này được chỉ định khi khớp không bị hư hại toàn bộ mà chỉ có một phần xương hoặc sụn bị bào mòn.
- Thay thế toàn bộ khớp háng: Phẫu thuật này được thực hiện để thay toàn bộ khớp háng bằng bộ phận nhân tạo.
Phẫu thuật khớp háng giúp người bệnh giảm đau và có thể vận động lại bình thường. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng do phẫu thuật khớp háng bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Xuất hiện cục máu đông
- Mất máu quá nhiều
- Trật khớp
- Chân dài hoặc ngắn hơn chân còn lại
- Tổn thương dây chằng, mạch máu,…
Sau phẫu thuật, bạn cần thăm khám theo lịch của bác sĩ để quan sát tiến triển của khớp. Khi khớp lành hẳn, bạn phải thực hiện những bài tập vật lý trị liệu để khôi phục khả năng vận động.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!