Thời gian hồi phục sau điều trị giãn tĩnh mạch

4 năm trước 23

Phải điều trị các vấn đề về tĩnh mạch ngay từ khi có những dấu hiệu bất ổn đầu tiên. Bằng cách này, vấn đề sẽ được giải quyết trước khi trở nên trầm trọng và không thể kiểm soát.

Khi bị những bệnh tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch, nhiều người thường không chú ý đến nhưng đây là những vấn đề cần điều trị. Khi các tĩnh mạch có thể thực hiện chức năng vận chuyển máu bình thường thì sự tuần hoàn máu trong cơ thể sẽ được cải thiện và điều này giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Thậm chí trong nhiều trường hợp, việc điều trị suy giãn tĩnh mạch còn giúp cứu mạng sống của người bệnh.

Lý do là bởi nếu không được điều trị, chứng suy giãn tĩnh mạch có thể tiến triển thành một biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng, đó là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Vì vậy, điều quan trọng là phải điều trị các vấn đề về tĩnh mạch ngay từ khi có những dấu hiệu bất ổn đầu tiên. Bằng cách này, vấn đề sẽ được giải quyết trước khi trở nên trầm trọng và không thể kiểm soát. Hơn nữa, việc can thiệp sớm cũng sẽ đơn giản hơn.

Hiện nay, các vấn đề về tĩnh mạch đều có thể điều trị được một cách dễ dàng bằng những phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu, thời gian thực hiện nhanh chóng (chỉ mất chưa đầy 1 tiếng đồng hồ) mà hoàn toàn không cần làm phẫu thuật. Bệnh nhân không cần nhập viện mà có thể về nhà gần như ngay lập tức sau khi thủ thuật hoàn tất. Quá trình điều trị thường được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ nên bệnh nhân sẽ thấy rất thoải mái.

Vậy sau khi điều trị thì sao? Có đau đớn không và cần lưu ý những gì?

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều người và sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Ngay sau khi điều trị

Ngay sau khi điều trị, khu vực tĩnh mạch được điều trị sẽ bị đau và bầm tím, tuy nhiên cơn đau thường chỉ rất nhẹ. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ các thuốc giảm đau phù hợp, ví dụ như ibuprofen nếu đau ít hoặc paracetamol nếu đau nhiều.

Chỉ cần nghỉ ngơi một thời gian ngắn là có thể hoạt động trở lại bình thường mà không gặp trở ngại gì cả. Tuy nhiên, không nên vận động mạnh trong vòng 48 tiếng sau điều trị và tùy thuộc vào thủ thuật được thực hiện mà sẽ cần tạm dừng việc tập thể dục trong một thời gian.

Ngoài ra, không nên ngâm mình trong bồn tắm trong ít nhất một tuần sau khi điều trị để tránh bị nhiễm trùng.

Một tuần sau điều trị

Từ 7 đến 10 ngày sau khi điều trị thì sẽ có thể bắt đầu tập thể dục trở lại bình thường, bao gồm cả những bài tập như đạp xe hay đi bộ nhưng vẫn nên chọn những bài tập cường độ nhẹ nhàng. Không nên chạy bộ vì các mạch máu cần thêm thời gian để lành lại. Lúc này vẫn chưa được nâng vật nặng quá 10kg để tránh gây căng quá mức cho tĩnh mạch. Điều quan trọng trong thời gian này là không tạo áp lực và khiến các tĩnh mạch phải làm việc quá sức.

Mặc dù vậy nhưng nên vận động nhẹ nhàng và sử dụng các cơ thường xuyên. Càng vận động và sử dụng chân nhiều thì hiệu quả sẽ càng cao và thời gian phục hồi càng nhanh. Đi bộ là một cách tuyệt vời để củng cố các cơ mà không gây hại đến tĩnh mạch.

Tại thời điểm này, vùng điều trị có thể vẫn còn bị bầm tím và đau. Miễn là chỉ bị đau nhẹ và có thể kiểm soát được bằng thuốc giảm đau thì không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu đau đớn dữ dội và đã dùng thuốc giảm đau mà không có tác dụng thì cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Ngoài ra có thể sẽ còn có cảm giác căng tức hoặc cảm giác co kéo ở vị trí tĩnh mạch bị tổn hại, đặc biệt là khi gập hoặc duỗi thẳng chân. Khi các tĩnh mạch bị hỏng đóng lại sau điều trị, chúng sẽ teo đi và ngắn lại, tạo ra cảm giác căng và co kéo bên dưới da. Hiện tượng này có thể kéo dài lên đến 4 tuần.

Ngoài bầm tím, vùng điều trị có thể sẽ còn bị sưng và viêm, đi kèm hiện tượng đỏ và cảm giác nóng ấm. Đây là điều bình thường nên không cần quá lo lắng.

Tất nén y tế sẽ giúp khắc phục các hiện tượng này sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch nên hãy mang tất nén thường xuyên.

Một tháng sau điều trị

Vào thời điểm này, có thể bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám để đảm bảo quá trình hồi phục đang diễn ra bình thường. Sau điều trị, đoạn tĩnh mạch có vấn đề sẽ biến mất từ từ chứ không biến mất ngay lập tức trong quá trình tiến hành thủ thuật. Hầu hết các vấn đề về tĩnh mạch đều cần điều trị từ hai buổi trở lên. Vào buổi tái khám sau một tháng này, bác sĩ sẽ xác định xem các tĩnh mạch được điều trị đã đóng lại hay chưa và có thêm tĩnh mạch nào khác có biểu hiện bất thường cần xử lý hay không.

Sau một tháng, vùng điều trị có thể vẫn còn hơi sưng và cảm giác căng tức nhưng đã giảm đi rất nhiều so với thời điểm một tuần sau điều trị.

Có thể tập thể dục với cường độ như trước nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn.

6 tháng sau điều trị

Tại thời điểm này, hầu hết các hiện tượng trong thời gian đầu sau điều trị gần như đã hết hoàn toàn. Có thể sẽ vẫn hơi bầm tím và sưng nhưng nếu còn có bất cứ vấn đề nào khác thì cần báo với bác sĩ. 6 tháng là thời điểm đã bắt đầu thấy kết quả điều trị.

Một khi hiểu về các phương pháp điều trị bệnh tĩnh mạch, quy trình thực hiện và thời gian hồi phục sau đó sẽ diễn ra thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều. Nhờ những công nghệ mới trong lĩnh vực y học mà việc điều trị các vấn đề về tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch đã trở nên đơn giản hơn nhiều so với vài năm trước.

Đọc toàn bộ bài viết