Một chế độ ăn uống lành mạnh là cách hữu hiệu để hạ huyết áp và kiểm soát huyết áp luôn ở mức ổn định.
Một chế độ ăn uống lành mạnh phù hợp cho người cao huyết cao thường gồm có:
- Protein nạc (lean protein)
- Các loại đậu
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Sữa ít béo
- Trái cây và rau củ
Bên cạnh những loại đồ ăn nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày thì còn có một số loại thực phẩm và đồ uống mà người cao huyết áp nên tránh. Dưới đây là những loại đồ ăn cần lưu ý để ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ tăng huyết áp.
Đồ ăn mặn
Muối và natri là những thành phần đầu tiên cần tránh khi bị huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Theo Hướng dẫn về chế độ ăn uống 2015 - 2020 của Hoa Kỳ thì người bị cao huyết áp nên hạn chế lượng natri trong chế độ ăn hàng ngày ở mức 1500 miligam (mg).
Đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh ví dụ như pizza là những món có hại cho người huyết áp cao. Sự kết hợp của phô mai, thịt nguội, sốt cà chua và lớp vỏ có chứa rất nhiều muối nên pizza đặc biệt nguy hiểm với những người bị huyết áp cao. Bên cạnh đó, các loại đồ chiên rán cũng có chứa nhiều chất béo và natri nên cần được hạn chế tối đa khỏi bữa ăn hàng ngày.
Dưa cà muối
Đây là món mà người cao huyết áp cần tuyệt đối tránh. Các loại dưa, cà hay các món rau củ muối khác đều có chứa một lượng muối lớn để ngăn thực phẩm không bị hỏng và có thể ăn được lâu hơn. Rau củ càng được ngâm lâu thì càng ngấm nhiều muối và càng có hại.
Đồ ngọt
Chúng ta đều biết rằng các loại đồ ăn chứa nhiều đường là nguyên nhân dẫn đến tăng cân và béo phì. Nhưng bạn có biết rằng đường còn có thể gây tăng huyết áp?
Đường, đặc biệt là đồ uống có đường, là thủ phạm làm tăng tỉ lệ béo phì ở mọi lứa tuổi và những người thừa cân hoặc béo phì là nhóm đối tượng rất dễ có nguy cơ tăng huyết áp.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng phụ nữ chỉ nên tiêu thụ tối đa 6 muỗng cà phê đường, tương đương 24g mỗi ngày còn nam giới chỉ nên tiêu thụ 9 muỗng cà phê đường, tương đương 36g mỗi ngày.
Da gà và thực phẩm chế biến sẵn
Những người bị cao huyết áp nên giảm tối đa việc tiêu thụ chất béo bão hòa (saturated fat) và tránh chất béo chuyển hóa (trans fat). Các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa gồm có:
- Da gà
- Sữa nguyên kem (whole milk)
- Các loại thịt đỏ
- Bơ
Chất béo chuyển hóa có trong thịt mỡ và các sản phẩm từ sữa nhưng nguồn chất béo chuyển hóa lớn nhất lại là những loại đồ ăn chế biến sẵn. Các sản phẩm này còn có chứa một lượng đường và carbohydrate lớn.
Trans fat được tạo ra từ quá trình hydro hóa, trong đó không khí được truyền vào dầu lỏng để tạo ra dầu ở trạng thái rắn. Dầu được hydro hóa giúp kéo dài hạn sử dụng và độ ổn định của thực phẩm sau khi được chế biến.
Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng chỉ số LDL cholesterol (cholesterol xấu) trong máu. Chỉ số LDL cholesterol cao sẽ làm cho tình trạng tăng huyết áp thêm nghiêm trọng hơn và cuối cùng có thể dẫn đến bệnh động mạch vành.
Để giảm những rủi ro này thì bệnh nhân cao huyết áp nên giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày. Bên cạnh đó, nên thay thế chất béo có nguồn gốc động vật, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như:
- Các loại hạt
- Dầu ô liu
- Quả bơ
Đồ uống có cồn
Một lượng nhỏ rượu có thể làm giảm huyết áp, nhưng uống quá nhiều rượu lại làm cho huyết áp tăng cao. Điều này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác như ung thư.
Theo Mayo Clinic, việc uống quá ba ly rượu một lúc sẽ gây tăng huyết áp tạm thời và nếu thường xuyên uống nhiều rượu thì sẽ dẫn đến các vấn đề về huyết áp lâu dài.
Không những thế, rượu còn làm giảm hiệu quả của các loại thuốc huyết áp đang sử dụng. Ngoài ra, rượu còn chứa nhiều calo mà lượng calo này phải được chuyển hóa ở gan và có thể dẫn đến tăng cân. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, nguy cơ bị cao huyết áp cũng sẽ tăng lên.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Nếu bạn được chẩn đoán bị cao huyết áp thì một chế độ ăn uống thông minh, lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa huyết áp tăng đột biến và còn giúp hạ huyết áp.
Ban đầu bạn có thể thực hiện những thay đổi đơn giản như giảm lượng muối hoặc chất béo chuyển hóa rồi sau đó dần dần cắt giảm những món ăn có hại và tìm lựa chọn thay thế lành mạnh hơn. Cố gắng sao cho lượng rau quả chiếm 50% khẩu phần ăn mỗi ngày. Đây là những loại thực phẩm vừa ít calo lại vừa cung cấp đủ kali (giảm bớt tác hại của muối), chất xơ, các chất chống oxy hóa và nhiều chất dinh dưỡng khác.
Nếu bị cao huyết áp, bạn có thể áp dụng chế độ ăn DASH. Đây là chế độ ăn đã được khoa học chứng minh là giúp giảm và duy trì huyết áp ở mức ổn định.
Ngoài ra, củ cải đường và nước ép lựu cũng đã được chứng minh là có công dụng giảm huyết áp nhờ hàm lượng nitrat cao nên rất tốt cho người huyết áp cao.
Điều quan trọng cần nhớ là khi bị huyết áp cao thì không nhất thiết phải nhịn ăn mà phải ăn uống sao cho hợp lý và lành mạnh.