Chưa mừng tăng lương, lại lo tăng thuế
Từ ngày 1.7, thu nhập của người lao động sẽ được tăng lên khi một loạt quyết định về lương sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa thu nhập tính thuế của người lao động cũng sẽ tăng. Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương tối thiểu đối với người lao động tăng 6% so với mức hiện hành, tương ứng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng tùy vùng.
Bên cạnh đó, tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Dự kiến, kể từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm khoảng 7%. Lương tăng sẽ là niềm vui nhưng niềm vui này lại không trọn vẹn khi quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lại đứng yên, đồng nghĩa với việc một số người khi được tăng lương lại phải đóng thuế cao hơn.
Chị K.T (Q.3, TP.HCM) kể lại kỳ tăng lương tháng 7.2023 của chị được thêm hơn 700.000 đồng do lương cơ sở tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nhận thông tin bị trừ thuế TNCN hơn 36.000 đồng do mức lương đã tăng lên gần 11,8 triệu đồng/tháng, thuộc ngưỡng phải chịu thuế.
"Nghe lương tăng cũng vui nhưng không nhiều mà bỗng dưng trở thành người phải nộp thuế TNCN. Đợt này thì tăng lương tối thiểu, lương của công chức và trong đó chồng mình thuộc đối tượng điều chỉnh. Do chưa biết mức tăng nên cũng không biết thế nào, có thể bị rơi vào trường hợp giống mình vì đã gần ngưỡng mức đóng thuế. Phải chi ngưỡng giảm trừ gia cảnh (GTGC) được nâng theo lương thì đỡ hơn, vì mức lương tăng cũng không cao và vẫn chưa đủ chi tiêu khi giá hàng hóa còn tăng cao hơn nhiều", chị K.T chia sẻ.
Kế toán trưởng một doanh nghiệp tại TP.HCM nói với cách tính lương thay đổi vào đầu tháng 7, người lao động sẽ có mức tăng thu nhập từ vài trăm lên vài triệu đồng mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa số thuế TNCN phải nộp cũng tăng theo.
Tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập và bảo hiểm xã hội không?
Thời gian qua, lương cơ sở, lương tối thiểu đã được Chính phủ tăng nhiều lần nhằm đảm bảo đời sống của người dân. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng từ 5,5 - 15% mỗi năm. Đồng thời mức đề xuất mới tăng khoảng 11% so với năm 2013 và tăng 12,2% so với năm 2020. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của người lao động tăng qua các năm.
Theo công bố của Bộ Tài chính trước đây thì vào năm 2021, thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/tháng, đến 2023 ước đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 280.000 đồng/người/tháng, tương ứng với tăng 5,9% so với thu nhập bình quân năm 2022. Như vậy, 3 năm trước, mức GTGC trong tính thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng, bằng hơn 2,6 lần so với thu nhập bình quân đầu người thì đến nay khi thu nhập bình quân tăng mà mức GTGC giữ nguyên nên chỉ còn 2,3 lần.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị cần phải sửa đổi thuế TNCN khi nhiều quy định đã lạc hậu. Mới nhất, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.3 vừa qua, nhiều đại biểu phản ánh mức GTGT cho người nộp thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận vừa qua đã có nhiều cơ quan báo chí nêu mức GTGC của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao. Với những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ thì thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa luật Thuế TNCN. Lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về GTGC trình Chính phủ, Chính phủ trình với Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.
Mọi thứ đều tăng, chi phí 4,4 triệu/người làm sao đủ ?
Luật Thuế TNCN được ban hành vào năm 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009. Lần sửa luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã 12 năm. Trong đó, vào đầu tháng 7.2020, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực nên Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc.
Thế nhưng, sau gần 4 năm, giá cả thực tế đã tăng cao trong khi thu nhập lại giảm nên nhiều người làm công ăn lương tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM dù đang đóng thuế TNCN nhưng lại càng phải thắt lưng buộc bụng. Hay nói cách khác, những người lao động đang phải đóng thuế ở bậc 1, bậc 2 hiện nay chỉ ở mức đủ sống mà thôi. Để dễ hình dung hãy so sánh, giá mỗi lít xăng RON 95 vào giữa tháng 7.2020 chỉ 15.370 đồng/lít thì nay là 24.284 đồng/lít, tăng gần 9.000 đồng/lít, tương đương gần 60%. Xăng tăng thì hàng hóa thiết yếu cũng tăng theo dù ít hay nhiều.
Điều này khiến nhiều gia đình phải chắt bóp chi tiêu dù họ vẫn đang thuộc nhóm phải đóng thuế TNCN. Chị Ngọc Ánh (Q.Tân Bình, TP.HCM) lấy ví dụ một tô phở ở TP.HCM trước năm 2020 chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng thì nay đã lên 55.000 - 60.000 đồng; tiền gửi xe máy khoảng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc hiện nay hầu hết lên 5.000 - 10.000 đồng. Hay con gái lớn của chị vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2017 đóng học phí 18 triệu đồng/năm thì đến nay con thứ hai đang học năm nhất đã đóng 25 triệu đồng/năm. Hai vợ chồng chị làm ở một doanh nghiệp tư nhân, sau khi khấu trừ GTGC cho hai con vẫn thuộc diện đóng thuế TNCN ở bậc 2. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay công ty cũng khó khăn, đã 3 lần phải giảm lương nên thuế TNCN cũng giảm xuống chỉ còn đóng ở bậc 1.
"Tất cả mọi chi phí đều tăng, từ bó rau, chai dầu ăn, nước mắm… hay chỉ là ổ bánh mì ăn sáng. Vậy mức GTGC cho một người phụ thuộc hiện 4,4 triệu đồng/tháng làm sao đủ? Ngay cả một em bé đang học tiểu học dù đã được miễn học phí nhưng tiền bán trú, mua đồng phục, học thêm ngoại ngữ, các môn ngoại khóa tối thiểu cũng lên đến 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể chi phí khám chữa bệnh, giải trí tối thiểu cho gia đình. Mang tiếng có thu nhập đóng thuế nhưng có khi hết tháng không còn tiền, không thể tích lũy được gì nữa", chị Ngọc Ánh nói.
Ngoài mức GTGC, hàng loạt quy định khác cũng đã quá lạc hậu. Chẳng hạn, người có thu nhập 1 triệu đồng/tháng vẫn không được tính là người phụ thuộc; thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng phải đóng thuế... trong khi mức này là thấp hơn cả hộ nghèo mà Chính phủ quy định.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, nhận định việc mới chỉ điều chỉnh tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng mà chưa điều chỉnh đồng thời quy định thuế TNCN là chưa có sự đồng bộ và làm giảm ý nghĩa của chính sách tăng lương. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của người làm công ăn lương có thể sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể, khi mà họ có thể "đột nhiên" trở thành đối tượng chịu thuế TNCN và bị khấu trừ một khoản ngay sau điều chỉnh tăng lương.
Trong khi đó, thực tế hiện nay là cứ mỗi khi nhà nước tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng thì giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt lại tăng thêm một mức mới. Điều này khiến đời sống thực tế của nhiều người có thể khó khăn hơn so với trước khi tăng lương. Rõ ràng, càng kéo dài thời điểm sửa luật thuế TNCN thì sẽ càng kéo dài bất cập này. Do đó, ông cho rằng Chính phủ có thể xem xét áp dụng sớm các chính sách kèm theo, như miễn giảm thuế TNCN khi tăng lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng để bảo đảm thu nhập thực tế của người làm công ăn lương không bị suy giảm.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai: "Đặc biệt đề nghị sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân"
Cấp bách sửa luật
Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang) cảm thán người lao động nghe lương tăng chưa kịp mừng thì đã phải đóng thuế tăng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Tăng 10 đồng, đóng thuế đến mấy đồng thì còn gì mà vui? Đó là chưa kể, tiền lương tăng lên, giá hàng hóa tiêu dùng cũng tăng, dẫn đến phần chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày cũng gia tăng qua các năm. Ông Trần Xoa cho rằng quy định mức GTGC hiện nay đã lạc hậu mà chờ đến năm 2025 mới sửa và qua năm 2026 mới áp dụng thì thật sự quá lâu. Việc sửa luật Thuế TNCN là sửa tổng thể, liên quan đến nhiều quy định khác nhau còn riêng mức GTGC đã lạc hậu, tồn tại từ nhiều năm và các cơ quan bộ ngành ai cũng thấy thì nên sửa ngay chứ không nên chờ.
"Ngay từ đầu năm, trong Nghị quyết 20 sau phiên họp thường kỳ tháng 1, Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức GTGC trong tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Nếu lấn cấn về quy định tại luật Thuế TNCN là lạm phát (CPI) tăng 20% mới điều chỉnh mức GTGC thì đừng dựa vào sự bất hợp lý này. Bởi chỉ số CPI tính tổng thể trên 752 mặt hàng hóa, dịch vụ khác nhau, phục vụ cho quản lý vĩ mô. Trong khi đó, người lao động chỉ chịu tác động biến động giá ở vài chục mặt hàng hóa, dịch vụ, biến động mạnh hơn chỉ số CPI", ông Trần Xoa nói.
Chuyên gia này dẫn chứng thêm năm 2020, chỉ số CPI tăng hơn 20% nên mức GTGC mặc nhiên được điều chỉnh theo quy định còn trong bối cảnh hiện nay, để kích cầu tiêu dùng, cũng nên điều chỉnh lại mức GTGC. Người dân có tiền thì mới có thể chi tiêu được.
"Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của lao động VN tăng qua các năm nên cơ sở đề xuất mức GTGC sắp tới là 18 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế (2,5 lần thu nhập bình quân đầu người). Tuy nhiên, mức này tăng cao hơn hiện nay 7 triệu đồng/tháng nên khả năng tác động số thu ngân sách. Do đó, có thể điều chỉnh tăng lên 15 - 16 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế, còn người phụ thuộc chiếm 40%, tương ứng khoảng 6 triệu đồng/tháng. Mức này được duy trì cho đến thời điểm sửa luật Thuế TNCN. Năm nào số thu thuế TNCN cũng góp phần tăng thu cho ngân sách.
Trong đó có đến 70% là thu nhập từ người làm công ăn lương. Do đó, mức GTGC cần được nghiên cứu điều chỉnh sớm để có thể trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới đây và áp dụng từ ngày 1.7 cùng với chính sách tiền lương nhằm chia sẻ với người lao động làm công ăn lương", luật sư Trần Xoa kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, cho rằng với biểu thuế lũy tiến từng phần của sắc thuế TNCN thì "thuyền lên, nước lên", thu nhập càng tăng thì số thuế phải đóng cũng lên theo. Mức GTGC không thay đổi thì việc tăng lương cũng không như kỳ vọng.
Ông phân tích bất cập lớn nhất của thuế TNCN hiện nay là quy định mức GTGC bằng một số tiền cụ thể, được áp dụng trong nhiều năm liên tục. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ thay đổi hằng ngày. Giá một tô phở hiện nay đã tăng lên so với cách đây 4 năm; những mặt hàng trong rổ tính CPI như ăn uống, học hành, y tế tăng lên rất nhiều; Chính sách lương cũng được thay đổi liên tục hằng năm để bù đắp cho người lao động phần nào mà GTGC lại bất động, đứng yên là quá vô lý.
Chưa kể, nếu so sánh với thuế thu nhập doanh nghiệp mới thấy người làm công ăn lương đang chịu thiệt thòi. Từ khi luật Thuế thu nhập ra đời, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế TNCN cao nhất là 35%. Từ đó đến nay, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã được giảm xuống 20% nhưng biểu thuế suất TNCN vẫn còn giữ mức 35%. Chính vậy không nên máy móc chờ CPI tăng lên 20% mới thay đổi mức GTGC mà Chính phủ cần sớm tăng mức này lên nhằm tránh gánh nặng thuế cho người dân.
Đây cũng là vấn đề cấp bách mà nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập mấy năm qua. Không nên trì hoãn đến năm 2025 mới đưa ra sửa đổi quy định này cùng với luật Thuế TNCN. Để làm nhanh trong năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị Bộ Tài chính có thể đưa ra mức tăng GTGC sớm để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Càng chờ, quy định về thuế TNCN càng lạc hậu
Nếu chờ đến năm 2025 mới đưa ra mức GTGC, qua năm 2026 mới áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung thì mức GTGC lại càng lạc hậu. Từ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí nhiều để tồn tại, trong đó có cả lương của người lao động. Thêm vào đó, giá cả hàng thiết yếu tăng cao, nhưng thuế TNCN không có sự điều chỉnh, làm cho đời sống cá nhân có nhiều khó khăn. Với mức lương tối thiểu tăng lên, nên xem xét thực hiện GTGC theo tỷ lệ mức lương tối thiểu vùng hay hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn, giảm thuế TNCN như đã từng áp dụng năm 2019.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Cần nhìn nhận đúng đối tượng chịu thuế
Thuế TNCN mục đích ban đầu chỉ đánh vào đối tượng có thu nhập cao trong xã hội. Do đó, các nhà lập pháp nên nhìn nhận đúng đối tượng chịu thuế thì mới hạn chế tình trạng lạc hậu chính sách sau khi ban hành. Đáng lưu ý, ngưỡng thu nhập chịu thuế TNCN đã được đề xuất tham khảo theo các nghiên cứu cũng có thể sẽ trở lên lạc hậu ở thời điểm hiện tại nếu như chậm ban hành chính sách.
TS - luật sư Châu Huy Quang
Đề xuất cắt giảm từ 7 bậc thuế xuống 5 bậc
Sau khi rà soát và tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, Bộ Tư pháp cho biết có 22 điều trong luật Thuế TNCN cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Trong đó chủ yếu liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, thuế suất, mức GTGC và các nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật khác. Chẳng hạn, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5 - 25%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 xuống còn 5 bậc thuế; cùng với việc xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề xuất mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng…