Thuốc nhuộm tóc có gây ung thư không? Chuyên gia lên tiếng

3 năm trước 36

Ngày càng nhiều phụ nữ, cũng như một số ít nam giới (nhưng số lượng tăng dần) sử dụng thuốc nhuộm tóc. Có lẽ bạn từng nghe những lời đồn thổi về việc thuốc nhuộm tóc gây ung thư? Không ít các nghiên cứu coi thuốc nhuộm tóc như một yếu tố rủi ro có thể dẫn tới nhiều loại bệnh ung thư. Bài viết dưới đây sẽ thảo luận về những điều mà nghiên cứu chỉ ra để chúng ta có thể yên tâm đưa ra quyết định.

Các loại thuốc nhuộm tóc 

Các loại thuốc nhuộm rất khác nhau về các hóa chất tạo ra chúng. Mọi người tiếp xúc với hóa chất trong thuốc nhuộm thông qua tiếp xúc da. Có ba kiểu thuốc nhuộm tóc chủ yếu:

  • Loại thuốc nhuộm tóc tạm thời: Những thuốc nhuộm loại này sẽ bao phủ bề mặt tóc, nhưng không ngấm vào bên trong thân tóc. Chúng thường trôi hết sau 1-2 lần gội đầu.
  • Loại bán vĩnh viễn: Những thuốc loại này có ngấm vào bên trong thân tóc. Chúng giữ được màu trong 5-10 lần gội.
  • Thuốc nhuộm tóc vĩnh viễn (oxy hóa, dùng oxy trợ nhuộm): Thuốc nhuộm loại này có thể tạo ra những thay đổi hóa học tác dụng lâu dài bên trong thân tóc. Đây là kiểu thuốc nhuộm tóc phổ biến nhất, bởi vì sự thay đổi màu sắc sẽ kéo dài cho tới tận khi tóc được thay thế bởi phần mới mọc ra. Loại thuốc nhuộm này đôi khi được gọi là thuốc nhuộm nhựa than đá bởi vì một số thành phần nằm bên trong đó. Chúng chứa những chất không màu ví dụ như các amin thơm và phenol. Khi xuất hiện hidro peroxit (H2O2 – oxy già), thì những chất này trải qua phản ứng hóa học và trở thành chất nhuộm. Thuốc nhuộm tối màu thường dùng nhiều chất tạo màu này hơn.

Lo ngại về rủi ro bị ung thư chủ yếu chỉ gói gọn trong các loại thuốc nhuộm bán vĩnh viễn và vĩnh viễn. Bởi vì thuốc nhuộm tối màu chứa nhiều chất hóa học có thể gây ung thư hơn, nên những sản phẩm này là mối lo ngại tiềm ẩn lớn nhất.

Mọi người tiếp xúc với thuốc nhuộm như thế nào?

Các phổ biến nhất để tiếp xúc là nhuộm tóc hoặc tự nhuộm tóc. Một số chất hóa học trong thuốc nhuộm có thể được hấp thụ một phần nhỏ thông qua da hoặc khi hít thở không khí.

Những người làm việc với thuốc nhuộm thường xuyên như một phần của công việc, ví dụ như thợ làm tóc, thợ tạo mẫu, cắt tóc, sẽ tiếp xúc nhiều hơn những người chỉ thi thoảng mới nhuộm tóc. Phần lớn những lo ngại về khả năng thuốc nhuộm tóc gây ung thư tập trung vào những người làm việc với chúng.

Thuốc nhuộm tóc có gây ung thư?

Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mối liên kết giữa thuốc nhuộm tóc và ung thư trong nhiều năm. Các nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng những rủi ro về ung thư máu (leukemia – ung thư bạch cầu và lymphomas – u lympho) và ung thư bàng quang. Một số nghiên cứu cho rằng có thể có mối liên quan, một số khác thì không.

Các nghiên cứu cho biết điều gì?

Các nhà nghiên cứu áp dụng hai kiểu nghiên cứu chính để tìm hiểu xem liệu một chất nào đó có gây ung thư không. (Một chất gây ung thư hoặc giúp ung thư phát triển được gọi là tác nhân gây ung thư).

Trong các nghiên cứu được tiến hành trong phòng thí nghiệm, động vật được tiếp xúc với một chất (thường là với những liều lượng rất lớn) để xem liệu chất đó có gây ung thư hoặc các vấn đề về sức khỏe khác không. Các nhà nghiên cứu có thể cũng sẽ cho các tế bào bình thường trong đĩa thí nghiệm tiếp xúc với hóa chất để xem nó có gây ra bất kỳ loại thay đổi nào được thấy ở các tế bào ung thư hay không.

Một kiểu nghiên cứu khác thì xem xét tỉ lệ ung thư ở các nhóm đối tượng khác nhau. Một nghiên cứu kiểu này có thể so sánh tỉ lệ ung thư ở nhóm tiếp xúc với chất hóa học với tỉ lệ ung thư của nhóm không tiếp xúc với nó, hoặc so sánh với tỉ lệ ung thư dự đoán của dân số chung. Nhưng đôi khi ta khó có thể biết ý nghĩa của kết quả của những nghiên cứu này, bởi vì nhiều yếu tố khác có thể tác động lên kết quả mà khó có thể tính hết.

Trong đa số trường hợp, chẳng loại nghiên cứu nào trong hai loại trên cung cấp đủ bằng chứng khi áp dụng độc lập, vậy nên các nhà nghiên cứu xem xét cả những nghiên cứu về người và trong phòng thí nghiệm khi cố gắng xác định xem liệu một thứ gì đó có gây ung thư.

Nghiên cứu một thứ như thuốc nhuộm tóc có thể thậm chí còn phức tạp hơn bởi vì không phải thuốc nhuộm tóc nào cũng giống nhau – chúng có thể chứa bất kỳ chất nào trong hàng nghìn chất hóa học khác nhau. Thêm vào đó, các nguyên liệu trong thuốc nhuộm tóc đã thay đổi qua từng năm. Thuốc nhuộm tóc ban đầu chứa các chất hóa học, bao gồm amin thơm, thứ được phát hiện vào cuối thập niên 1970 là có gây ung thư cho động vật trong phòng thí nghiệm, vậy nên các nhà sản xuất thuốc nhuộm tóc đã thay đổi một số chất hóa học trong sản phẩm của họ. Nghiên cứu về sự tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc từ nhiều thập niên trước có thể sẽ không giống như việc nghiên cứu sự tiếp xúc ở hiện tại. Thực ra, nhiều nghiên cứu phân loại việc sử dụng thuốc nhuộm cá nhân tùy xem nó xuất hiện trước hay sau 1980.

Các nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm

Một số nguyên liệu được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc (bao gồm một số loại amin thơm) đã được chứng minh là có gây ung thư cho động vật trong phòng thí nghiệm, thường là khi động vật được cho ăn một lượng lớn thuốc nhuộm trong một thời gian dài. Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số thuốc nhuộm khi bôi lên da động vật thì được hấp thụ vào trong máu, nhưng đa số chưa tìm được mối liên kết giữa ứng dụng dùng ngoài da và rủi ro gây ung thư.

Vẫn chưa rõ những kết quả này có thể liên quan như thế nào đến việc sử dụng thuốc nhuộm tóc ở người.

Các nghiên cứu về nhóm người

Đa số các nghiên cứu xem xét khả năng thuốc nhuộm tóc làm gia tăng rủi ro mắc bệnh ung thư đều tập trung vào những loại ung thư cụ thể, ví dụ như ung thư bàng quang, u lympho không hodgkin (non-Hodgkin lymphoma) , bệnh bạch cầu leukemia và ung thư vú. Những nghiên cứu này xem xét 2 nhóm đối tượng:

  • Những người sử dụng thuốc nhuộm tóc thường xuyên
  • Những người tiếp xúc với chúng tại nơi làm việc

Ung thư bàng quang: Đa số các nghiên cứu về những người bị tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc tại chỗ làm, ví dụ như thợ làm tóc và cắt tóc, đã phát hiện rủi ro tuy nhỏ nhưng đang tăng khá đều của bệnh ung thư bàng quang. Tuy nhiên, những nghiên cứu về những người từng nhuộm tóc không cho thấy có sự gia tăng liên tục nào trong nguy cơ bị ung thư bàng quang.

Leukemia và lymphoma: Những nghiên cứu tìm hiểu mối liên kết có thể có giữa việc sử dụng thuốc nhuộm cá nhân và rủi ro mắc các bệnh ung thư về máu như leukemia (bệnh bạch cầu) và lymphoma (u lympho) cho ra những kết quả lẫn lộn. Ví dụ, một số nghiên cứu đã phát hiện sự gia tăng trong rủi ro mắc một số loại u lympho không hodgkin (các loại khác thì không) ở phụ nữ sử dụng thuốc nhuộm tóc, đặc biệt là nếu họ bắt đầu sử dụng trước năm 1980 và/hoặc sử dụng những màu nhuộm tối màu. Những kết quả tương tự đã được đưa ra trong một số nghiên cứu về rủi ro mắc bệnh bạch cầu leukemia. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại không tìm thấy có sự gia tăng về mức độ rủi ro. Nếu thuốc nhuộm tóc có tác động gì đến các loại bệnh ung thư máu, thì khả năng cao là tác động rất nhỏ.

Ung thư vú: Các kết quả của các nghiên cứu xem xét mối liên hệ có thể có giữa việc sử dụng thuốc nhuộm tóc cá nhân và ung thư vú là không thống nhất. Nhiều nghiên cứu không thấy có sự gia tăng về mặt rủi ro, mặc dù một số nghiên cứu gần đây thì có.

Các loại ung thư khác: Đối với các loại ung thư khác, có quá ít nghiên cứu được thực hiện vậy nên không thể đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.

Nhiều người sử dụng thuốc nhuộm tóc, vậy nên càng cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu hơn để ta có thể hiểu rõ hơn liệu những thuốc nhuộm này có ảnh hưởng đến khả năng bị ung thư.

Các tổ chức chuyên gia nói gì?

Có một số tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu các chất trong môi trường để xác định liệu chúng có gây ung thư hay không. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ nhìn vào những tổ chức này để đánh giá những rủi ro dựa trên bằng chứng từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trên động vật và con người.

Một số các tổ chức chuyên gia này đã phân loại các loại thuốc nhuộm tóc hoặc thành phần trong thuốc nhuộm tóc vào mục có gây ung thư hay không.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (International Agency for Research on Cancer – IARC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO). Mục tiêu lớn của nó là xác định nguyên nhân gây ung thư. IARC đã kết luận rằng nếu tiếp xúc tại nơi làm việc với vai trò là nhà tạo mẫu tóc hoặc thợ cắt tóc thì “có lẽ là tác nhân gây ung thư ở người”, dựa trên những dữ liệu về ung thư bàng quang. (Bằng chứng về các loại ung thư khác được xem là chưa chắc chắn hoặc bất cập.) Nhưng IARC coi việc sử dụng thuốc nhuộm cá nhân là “không thể xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư ở người”, dựa trên sự thiếu bằng chứng từ các nghiên cứu trên người.

Chương Trình Nghiên Cứu Độc Chất Quốc Gia (National Toxicology Program, hay NTP) được thành lập từ các phần của vài tổ chức chính phủ Hoa Kỳ khác nhau, bao gồm Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health – NIH), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA). Tổ chức NTP chưa phân loại việc tiếp xúc với thuốc nhuộm là tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, tổ chức này đã xếp một số hóa chất đang hoặc từng được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc vào nhóm “có thể dự đoán trước là tác nhân gây ung thư ở người.”

Thuốc nhuộm tóc có được kiểm soát không?

Tại Hoa Kỳ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm soát độ an toàn của các loại mỹ phẩm, bao gồm thuốc nhuộm tóc, nhưng những gì FDA có thể làm cũng có giới hạn. FDA không thể cấp phép cho mỗi nguyên liệu sử dụng trong thuốc nhuộm tóc trước khi nó được đưa ra ngoài thị trường, và nhìn chung các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm cho sự an toàn của các sản phẩm và nguyên liệu.

Cục FDA có thể hành động nếu bất kỳ mỹ phẩm nào được phát hiện là có hại hoặc vi phạm luật (ví dụ như sai bao bì). Điều này bao gồm bất kỳ nguyên liệu mới nào sẽ được sử dụng trong thuốc nhuộm tóc. Tuy nhiên, nhiều thành phần thuốc nhuộm cũ (một số thành phần đến này vẫn được sử dụng) không nằm trong diện quản lý khi FDA được trao quyền quản lý những sản phẩm này lúc đầu vào những năm 1930.

Nếu mỹ phẩm (bao gồm thuốc nhuộm tóc) hoặc thành phần của chúng bị phát hiện là không an toàn, thì FDA có thể yêu cầu công ty thu hồi sản phẩm, mặc dù bản thân FDA không thể yêu cầu thu hồi. Tuy nhiên, FDA có thể thực hiện các bước xa hơn nếu cần thiết, ví dụ như xin lệnh ngừng bán từ tòa án liên bàng, yêu cầu Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ tịch thu sản phẩm hoặc khởi kiện hành vi phạm tội.

Tôi có nên hạn chế tiếp xúc với thuốc nhuộm tóc?

Vẫn chưa rõ sử dụng thuốc nhuộm tóc cá nhân đến mức nào sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, nếu có. Đa số các nghiên cứu được thực hiện cho đến hiện tại chưa tìm được mối liên hệ đủ chặt chẽ, ta cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ vấn đề này.

Ngoại trừ những lời khuyên áp dụng cho tất cả mọi người (không hút thuốc, ăn uống lành mạnh, chăm vận động, đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, vv...) thì không có lời khuyên y tế cụ thể nào cho những người đang hoặc đã từng sử dụng thuốc nhuộm tóc. Hút thuốc là yếu tố rủi ro đã biết đối với ung thư bàng quang và một số loại ung thư máu Leukemia (cũng như nhiều loại ung thư và bệnh khác) và việc ngừng hút thuốc có thể cải thiện sức khỏe của bạn, cho dù bạn có sử dụng thuốc nhuộm tóc hay không.

Một số người có lẽ sẽ muốn tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với thuốc nhuộm vì những lý do khác. Ví dụ, một số thành phần trong thuốc nhuộm tóc có thể gây ra các phản ứng dị ứng trầm trọng ở một số người. Thuốc nhuộm tóc cũng thực sự có thể gây rụng tóc đối với một số người. Một vài bác sĩ khuyên phụ nữ nên tránh nhuộm tóc trong thai kỳ (hoặc ít nhất là cho tới sau 3 tháng đầu thai kỳ). Ta vẫn chưa hiểu hết về việc sử dụng thuốc trong giai đoạn mang thai để biết chắc chắn liệu nó có gây vấn đề, nhưng các bác sĩ thường khuyên không nên nhuộm tóc để phòng hờ.

Đối với những người muốn nhuộm tóc nhưng lo ngại về vấn đề an toàn, cục FDA đã đưa ra một số gợi ý:

  • Hãy làm theo chỉ dẫn ghi trên bao bì. Chú ý tới tất cả những mục “Chú ý” và “Cảnh báo”.
  • Luôn luôn thử một chút thuốc nhuộm lên da để kiểm tra phản ứng dị ứng trước khi bôi lên tóc. Hãy thử trước mỗi lần sử dụng. (Một số người càng tiếp xúc sẽ càng trở lên dị ứng với một số thành phần nhất định . Có thể lần đầu sử dụng sản phẩm bạn không có phản ứng dị ứng nhưng lần thứ hai, lần thứ ba thì có, vậy nên bạn cần phải liên tục kiểm tra.)
  • Đeo găng tay khi bôi thuốc nhuộm.
  • Đừng để thuốc nhuộm nằm trên đầu lâu hơn thời gian ghi trên chỉ dẫn.
  • Gội sạch da đầu với nước sau khi sử dụng.
  • Không bao giờ được trộn các loại thuốc nhuộm khác nhau. Điều này có thể làm tổn thương tóc và da đầu.
  • Không bao giờ được sử dụng thuốc nhuộm tóc để nhuộm lông mày hoặc lông mi. Điều này có thể làm tổn thương mắt của bạn. Thậm chí bạn có thể bị mù. Tổ chức FDA không cho phép sử dụng thuốc nhuộm tóc cho lông mày và lông mi.

Một số sản phẩm thuốc nhuộm tóc mới có nguồn gốc từ thực vật. Những sản phẩm này có thể có một số khuyết điểm, ví dụ như không thể thay đổi màu tóc quá nhiều hoặc màu phai sớm hơn so với các loại thuốc nhuộm vĩnh viễn (trừ khi chúng chứa những nguyên liệu giống với của thuốc nhuộm vĩnh viễn). Nhưng chúng có thể là một lựa chọn khác dành cho những người lo ngại về độ an toàn của thuốc nhuộm tóc.

Đọc toàn bộ bài viết