1. Sơ lược giải phẩu vùng mũi xoang
- Mũi, xoang ở vùng mặt chúng ta. Mũi có lổ mũi trước, lổ mũi sau thông xuống họng. Ngoài ra còn có những lổ thông từ các xoang cạnh mũi như xoang trán, sàng, hàm, bướm, từ ống lệ mũi đổ vào trong mũi.
- Như vậy, các xoang với mũi và họng bình thường luôn có sự thông thuận với nhau. Chỉ cần bệnh lý diễn ra ở mũi thì xoang và họng cũng sẽ bị ảnh hưởng.
2. Viêm mũi dị ứng
- Viêm mũi dị ứng là bệnh di truyền miễn dịch. Di truyền vì theo thống kê cho thấy nếu một trong hai bố hoặc mẹ có tiền sử viêm mũi dị ứng thì xác xuất con bị là 30%, nếu cả hai bố và mẹ mắc thì con số này là 50%.
- Đồng thời là bệnh lý thuộc miễn dịch vì liên quan đến kháng nguyên kháng thể và những hoá chất trung gian như histamine, prostaglandin 2, leucotrienes.
3. Yếu tố nguy cơ gây viêm mũi dị ứng
Trong gia đình có người bị viêm mũi dị ứng.
Do tiếp xúc với các yếu tố có thể gây dị ứng bởi đường hô hấp hay qua da như:
- Bụi nhà, đường phố, thư viện, phấn hoa, lông vũ, nấm mốc, thuốc, côn trùng, biểu bì, vảy da, lông súc vật, khói thuốc lá, nước sơn, mỹ phẩm…;
- Qua đường tiêu hoá như: tôm, cua, sữa, trứng gà, thuốc uống…;
- Do nhiễm trùng;
- Thay đổi khí hậu đột ngột;
- Yếu tố dị hình của mũi như vẹo hay gai vách ngăn…
4. Triệu chứng viêm mũi dị ứng
Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, xuất hiện theo mùa hay quanh năm.
Các triệc chứng có thể là: Ngứa mũi, nhột mũi, nhảy mũi, chảy mũi nước trong, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, ngứa mắt, ngứa họng, ngứa tai…
5. Tiến triển của viêm mũi dị ứng
Hầu hết bệnh nhân viêm mũi dị ứng đều không có tiến triển xấu, thông thường chỉ dừng lại quanh những triệu chứng đã từng có khi bệnh. Một số ít thì có những đợt bị nhiễm trùng gây viêm mũi, viêm xoang, tai, hay họng cấp. cũng có thể tiến triển thành polype mũi, xoang về sau.
6. Chẩn đoán viêm mũi dị ứng
- Đối với người bệnh có thể nghĩ là bị viêm mũi dị ứng như: thường xuyên bị ngứa mũi, nhảy mũi, chảy mũi nhất là vào buổi sáng.
- Khi khám những bệnh nhân viêm mũi dị ứng ta thấy thường tháp mũi bị sung huyết, sàn mũi nhiều nhầy trong, niêm mạc mũi nhợt nhạt, cuốn mũi phù nề, có ánh tím.
- Ngoài ra để chẩn đoán xác định viêm mũi dị ứng đồng thời nguyên nhân gây dị ứng thì cần làm nhiều xét nghiệm khác nữa như: các xét nghiệm về da (test lẩy da, rạch da), dùng dị nguyên kích thích trực tiếp, các phương pháp xét nghiệm gián hay trực tiếp định lượng kháng thể dị ứng…
7. Điều trị viêm mũi dị ứng
Hiện nay bệnh viêm mũi dị ứng gần như chưa trị dứt hẳn được. Việc điều trị chỉ giúp kiểm soát các triệu chứng giảm hoặc mất trong một thời gian sau đó có thể bị lại khi không còn dùng thuốc. Điều trị dùng những phương pháp sau:
- Bệnh nhân phải tự bảo vệ bản thân mình khỏi các yếu tố dị nguyên bằng cách mang khẩu trang khi tiếp với bụi nhà, bụi đường, tránh chơi với mèo hay chó…nếu mỗi khi tiếp xúc với chúng thấy xuất hiện các triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi...
- Dùng thuốc uống khi các triệu chứng nhiều gây giảm chất lượng cuộc sống. Thuốc uống có tác dụng nhanh chóng nhưng thời gian tác dụng cũng ngắn, thuốc xịt tuy thời gian phát huy tác dụng thì lâu hơn song tác dụng của nó thì kéo dài sau thời gian ngưng thuốc.
- Việc uống thuốc hay xịt thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
- Phẩu thuật: chỉnh hình vách ngăn, cuốn mũi qua nội soi.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn