Viêm bờ mi hay viêm mí mắt là bệnh lý mà trong đó, bờ mi của người bệnh bị viêm. Viêm bờ mi thường kéo dài, đi kèm nhiều triệu chứng khó chịu. Bài viết sau của Thu Cúc TCI chia sẻ với bạn thông tin một số thuốc nhỏ mắt trị viêm mí mắt; đọc ngay nếu quan tâm, bạn nhé!
1. Sơ lược về bệnh lý viêm bờ mi
1.1. Nguyên nhân phát sinh bệnh lý viêm bờ mi
Viêm bờ mi có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phát sinh viêm bờ mi thường liên quan đến nhiễm trùng và tình trạng da. Cụ thể, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh lý này:
– Nhiễm trùng: Có thể là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng do virus. Trong đó, vi khuẩn gây viêm bờ mi phổ biến nhất là Staphylococcus.
– Da dầu: Tình trạng tăng tiết dầu trên da cũng có thể là nguyên nhân gây viêm bờ mi.
Tương tự các bệnh lý khác, viêm bờ mi cũng có một số yếu tố nguy cơ. Theo đó, những đối tượng có những vấn đề sau thì dễ bị viêm bờ mi hơn những đối tượng còn lại: Miễn dịch yếu, sinh trưởng trong môi trường khắc nghiệt như độ ẩm thấp, gió mạnh, nhiều ánh sáng mặt trời, không chăm sóc mắt cẩn thận, người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc bất cứ ai đang rối loạn nội tiết tố…
1.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý viêm bờ mi
Dấu hiệu nhận biết phổ biến của bệnh lý viêm bờ mi thường bao gồm: Sưng, đỏ, ngứa, đau mí mắt, mí mắt xuất hiện mủ, cộm mắt… Viêm càng nặng, các dấu hiệu trên càng trầm trọng, nhất là dấu hiệu xuất hiện mủ ở mí mắt.
1.3. Biến chứng bệnh lý viêm bờ mi
Viêm bờ mi không được coi là một bệnh lý nặng nhưng nó có thể mang đến nhiều phiền toái, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người bệnh. Dưới đây là một số vấn đề bệnh lý này có thể gây ra:
– Khô mắt: Viêm bờ mi có thể làm giảm sản xuất nước mắt, tăng nguy cơ mắt khô, rát, khó chịu.
– Mất lông mi: Triệu chứng xuất hiện mủ của viêm bờ mi có thể để lại di chứng là tình trạng mất lông mi.
– Viêm kết mạc, viêm giác mạc: Nếu không được điều trị, viêm bờ mi có thể dẫn đến nhiễm trùng ở một số phần khác của nhãn cầu, như kết mạc và giác mạc.
2. Thuốc nhỏ mắt trị viêm mí mắt
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, điều trị viêm bờ mi vẫn rất cần thiết để ngăn chặn các di chứng không đáng có của nó. Bởi thế, nếu có bất kỳ triệu chứng nào của viêm bờ mi, bạn nên thăm khám với bác sĩ; sau thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số thuốc nhỏ mắt trị viêm mí mắt cũng như một số lưu ý trong chăm sóc bác sĩ có thể chỉ định và chia sẻ với bạn.
2.1. Thuốc nhỏ mắt trị viêm mí mắt
– Thuốc chống nhiễm trùng và giảm viêm: Có thể là thuốc dạng nhỏ như Vigamox (Moxifloxacin), Ciloxan (Ciprofloxacin), Zymaxid (Gatifloxacin), Tobradex (Tobramycin và Dexamethasone)… hoặc thuốc dạng bôi như Bacitracin-Polymyxin B, Erythromycin…
– Thuốc kháng sinh: Thường là Tetracycline, Erythromycin.
Ngoài thuốc dạng nhỏ, thuốc dạng bôi, người bệnh còn có thể phải sử dụng một số thuốc dạng uống, như thuốc kháng sinh (Antibiotics, Tetracycline, Doxycycline…), thuốc kháng viêm corticosteroid…
Lưu ý rằng bạn cần sử dụng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Tùy thuộc tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ đề xuất loại thuốc và liều lượng mỗi loại cụ thể.
2.2. Hướng dẫn chăm sóc mắt
Ngoài sử dụng thuốc, người bệnh cũng cần chăm sóc mắt cẩn thận để ngăn chặn các di chứng của nó hiệu quả. Dưới đây là 2 lưu ý cốt lõi trong chăm sóc mắt khi người bệnh đang có viêm bờ mi:
– Vệ sinh mắt hàng ngày: Sử dụng bông và nước muối sinh lý 0.9% để vệ sinh mí mắt.
– Mát xa mí mắt: Mát xa mí mắt nhẹ nhàng có thể kích thích tuyến bã nhờn, giúp cải thiện tình trạng bít tắc các nang lông tại mí mắt, giảm tình trạng viêm bờ mi.
3. Dự phòng bệnh lý viêm bờ mi
Dưới đây là một số biện pháp dự phòng viêm bờ mi, giữ cho mắt khỏe mạnh:
– Vệ sinh mắt hàng ngày: Việc vệ sinh mắt bằng bông và nước muối sinh lý 0.9% nên được thực hiện hàng ngày ngay cả khi không viêm bờ mi. Thói quen này sẽ giúp bạn hạn chế được rất nhiều nguy cơ mắc bệnh lý này.
– Tránh chạm mắt bằng tay bẩn: Luôn giữ tay sạch sẽ và tránh chạm tay bẩn vào mắt để ngăn chặn vi khuẩn, virus từ tay xâm nhập vào mắt.
– Không dùng chung mỹ phẩm và không dùng mỹ phẩm hết hạn sử dụng.
– Kiểm soát hoạt động tuyến bã nhờn: Duy trì sự sạch sẽ của da, kiểm soát hoạt động tuyến bã nhờn có thể giảm nguy cơ viêm bờ mi.
– Sử dụng kính râm và kem chống nắng khi cần thiết: Bảo vệ mắt khỏi tác động của tia UV bằng cách sử dụng kính râm và kem chống nắng khi cần thiết.
– Hạn chế ảnh hưởng của điều kiện sống: Khi ra ngoài, đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi gió và bụi bẩn. Sử dụng máy tạo ẩm để giảm tình trạng khô mắt khi độ ẩm không khí thấp.
– Tuân thủ kế hoạch điều trị nếu có bệnh lý khác: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý như viêm da dị ứng, chàm và các bệnh lý da liễu khác, hãy tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ để giảm nguy cơ viêm bờ mi.
– Thăm khám định kỳ với bác sĩ: Thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bất kỳ vấn đề nào của mắt.
Phía trên là thông tin về thuốc nhỏ mắt trị viêm mí mắt. Theo đó, người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc chống nhiễm trùng, giảm viêm và thuốc kháng sinh. Một số trường hợp có thể sẽ phải dùng cả thuốc uống, bên cạnh thuốc nhỏ, thuốc bôi. Ngoài sử dụng thuốc, để điều trị viêm bờ mi hiệu quả, người bệnh còn cần vệ sinh và mát xa mắt hàng ngày. Hy vọng rằng với những thông tin đó, bạn có thể bảo vệ đôi mắt bản thân an toàn trước những di chứng không đáng có của viêm bờ mi.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.