Giới thiệu chung
Nhắc đến những căn bệnh nguy hiểm nhất, đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến những bệnh tiến triển nhanh, không thể chữa khỏi nhưng trên thực tế, rất nhiều trong số đó không hề có mặt trong danh sách 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Ước tính có 56,4 triệu người đã qua đời trên thế giới vào năm 2015 và 68% trong số đó là do các bệnh tiến triển chậm.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là một số bệnh nguy hiểm nhất lại là những bệnh có thể phòng ngừa được. Tất nhiên, rủi ro còn tùy thuộc vào nơi sinh sống, khả năng tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa và chất lượng y tế nhưng có những bước mà chúng ta có thể thực hiện để giảm thiểu những rủi ro này.
Dưới đây là 10 căn bệnh hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
1. Bệnh động mạch vành
Căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới là bệnh động mạch vành (CAD) hay còn được gọi là bệnh tim do thiếu máu cục bộ. Bệnh mạch vành xảy ra khi các mạch máu vận chuyển máu đến tim bị thu hẹp lại. Nếu không được điều trị, căn bệnh này có thể gây đau thắt ngực, suy tim và rối loạn nhịp tim.
Tình hình bệnh động mạch vành trên thế giới
Mặc dù đến nay căn bệnh này vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhưng tỉ lệ tử vong đã giảm ở nhiều nước phát triển nhờ nhận thức tốt hơn, khả năng tiếp cận với y tế và các biện pháp phòng ngừa cũng được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia đang phát triển, tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành vẫn đang gia tăng. Tuổi thọ ngày càng tăng, những thay đổi về kinh tế xã hội và các yếu tố nguy cơ về lối sống là những nguyên nhân góp phần dẫn đến sự gia tăng này.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành gồm có:
- Cao huyết áp
- Nồng độ cholesterol cao
- Hút thuốc
- Tiền sử gia đình mắc bệnh
- Bệnh tiểu đường
- Thừa cân
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh mạch vành bằng thuốc và duy trì sức khỏe tim mạch bằng cách:
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá
- Tiêu thụ rượu bia vừa phải
2. Đột quỵ
Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não xảy ra khi một động mạch trong não bị tắc nghẽn hoặc rò rỉ. Điều này khiến các tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết dần chỉ trong vòng vài phút. Khi bị đột quỵ, người bệnh sẽ cảm thấy tê và choáng váng đột ngột. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, tư duy và thậm chí có thể gây tử vong.
Trên thực tế, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây nên những vấn đề khuyết tật về lâu dài nhưng nếu được điều trị trong vòng 3 tiếng kể từ khi xuất hiện triệu chứng thì khả năng này sẽ thấp hơn.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ gồm có:
- Cao huyết áp
- Tiền sử gia đình bị đột quỵ
- Hút thuốc
- Là phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ vừa hút thuốc vừa dùng thuốc tránh thai
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể được giảm thiểu bằng các biện pháp chăm sóc phòng ngừa, dùng thuốc và thay đổi lối sống. Nhìn chung, các thói quen tốt cho sức khỏe có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này.
Các biện pháp ngăn ngừa đột quỵ gồm có: kiểm soát huyết áp cao bằng thuốc hoặc phẫu thuật, duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc và chỉ uống rượu bia vừa phải.
3. Nhiễm trùng đường hô hấp dưới
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các bộ phận của đường hô hấp dưới, gồm có khí quản, phế quản, tiểu phê quản và phổi. Nguyên nhân có thể là do:
- Cúm
- Viêm phổi
- Viêm phế quản
- Bệnh lao
Các virus thường gây nhiễm trùng ở đường hô hấp dưới. Bệnh lý này cũng có thể là do vi khuẩn gây ra. Ho là triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng đường hô hấp dưới và ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy khó thở, thở khò khè và cảm giác tức trong lồng ngực. Nếu không được điều trị, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới gồm có:
- Bệnh cúm
- Chất lượng không khí kém hoặc thường xuyên tiếp xúc với các chất có hại cho phổi
- Hút thuốc lá
- Hệ miễn dịch yếu
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay phải đến các cơ sở y tế đông đúc
- Bệnh hen suyễn
- HIV
Một trong những biện pháp tốt nhất để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới là tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt là những người có nguy cơ viêm phổi cao. Bên cạnh đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước để tránh nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là trước khi chạm lên mặt và trước khi ăn. Nếu bị nhiễm trùng đường hô hấp, nên ở nhà và nghỉ ngơi cho đến khi khỏi vì nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh phổi tiến triển lâu dài gây khó thở. Viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng là hai loại bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gồm có:
- Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc
- Hay phải tiếp xúc với các chất gây kích ứng phổi như khói hóa chất
- Tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc mang gen AATD
- Từng nhiễm trùng đường hô hấp khi còn nhỏ
Hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị được bệnh này nhưng đã có nhiều loại thuốc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là ngừng hút thuốc và tránh hít phải khói thuốc cũng như là các chất có hại cho phổi khác. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì cần đi khám ngay vì điều trị càng sớm thì triển vọng sẽ càng cao.
5. Ung thư khí quản, phế quản và ung thư phổi
Các bệnh ung thư đường hô hấp gồm có ung thư khí quản, thanh quản, phế quản và ung thư phổi. Nguyên nhân chính thường là do hút thuốc, khói thuốc và chất độc hại từ môi trường.
Tình hình bệnh ung thư đường hô hấp trên thế giới
Một nghiên cứu năm 2015 đã báo cáo rằng các bệnh ung thư đường hô hấp là nguyên nhân gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong hàng năm. Các nhà nghiên cứu dự báo, ở các nước đang phát triển, tỉ lệ mắc ung thư đường hô hấp có khả năng tăng lên từ 81 đến 100% do ô nhiễm và hút thuốc. Khói độc từ các nhiên liệu rắn như than là nguyên nhân gây ra 17% ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới và 22% ở phụ nữ.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Ung thư khí quản, phế quản và ung thư phổi có thể xảy đến với bất cứ ai, nhưng có nguy cơ cao nhất là những người hút thuốc lá. Một số yếu tố nguy cơ khác của các bệnh ung thư đường hô hấp còn có tiền sử gia đình và tiếp xúc với chất độc hại từ môi trường, chẳng hạn như khói diesel.
Do đó, biện pháp tốt nhất để phòng ngừa ung thư đường hô hấp là bỏ thuốc lá hoặc tránh hít phải khói thuốc cũng như là không khí độc hại.
6. Tiểu đường
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến sự sản sinh và sử dụng insulin trong cơ thể. Khi mắc tiểu đường tuýp 1, tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể của vấn đề này. Khi mắc tiểu đường tuýp 2, tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Một số nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể là do chế độ ăn uống kém, không vận động thường xuyên và thừa cân.
Tình hình bệnh tiểu đường trên thế giới
Người dân sống ở các nước thu nhập thấp đến trung bình có nguy cơ tử vong do các biến chứng của bệnh tiểu đường cao hơn so với các nước thu nhập cao.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường gồm có:
- Thừa cân
- Cao huyết áp
- Lớn tuổi
- Không tập thể dục thường xuyên
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được bệnh tiểu đường nhưng có thể kiểm soát mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bằng cách tập thể dục thường xuyên và duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học. Bổ sung nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày là một cách hữu hiệu để kiểm soát lượng đường trong máu.
7. Bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác
Nói đến bệnh Alzheimer hoặc các chứng sa sút trí tuệ (dementia), mọi người thường chỉ nghĩ đến tình trạng mất trí nhớ mà không mấy người biết rằng những vấn đề này cũng có thể gây tử vong. Bệnh Alzheimer là một bệnh gây suy giảm trí nhớ và làm gián đoạn các chức năng thần kinh bình thường gồm có suy nghĩ, lập luận và chỉ đạo các hành vi.
Bệnh Alzheimer là bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm từ 60 đến 80% các trường hợp bị sa sút trí tuệ. Bệnh bắt đầu với các vấn đề về trí nhớ nhẹ như khó nhớ lại các thông tin và hay nhầm lẫn. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển nặng thêm và người bệnh có thể mất đi kí ức về một khoảng thời gian dài trong quá khứ.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer gồm có:
- Tuổi trên 65
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh
- Gen di truyền từ bố mẹ
- Hiện đang bị suy giảm nhận thức nhẹ
- Hội chứng Down
- Lối sống không lành mạnh
- Là nữ
- Từng bị chấn thương vùng đầu
- Sống tách biệt hoặc không giao tiếp với người khác trong thời gian dài
Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa bệnh Alzheimer và các nghiên cứu cũng không thể lý giải tại sao một số người mắc bệnh trong khi những người khác lại không. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để làm rõ điều này và từ đó tìm ra các biện pháp phòng ngừa.
Một cách được cho là hữu ích trong việc giảm nguy cơ mắc Alzheimer là xây dựng chế độ ăn có lợi cho tim mạch. Một chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ, ít chất béo bão hòa và nhiều loại thực phẩm chứa các chất béo tốt không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn có lợi cho cả sức khỏe của hệ thần kinh, bảo vệ bộ não của chúng ta khỏi bệnh Alzheimer.
8. Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng từ hai lần trở lên trong một ngày. Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài thì cơ thể sẽ mất nước và muối. Điều này có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân tiêu chảy thường là do virus đường ruột hoặc vi khuẩn lây nhiễm từ nước hoặc các loại thực phẩm bẩn. Đây là bệnh đặc biệt phổ biến ở các quốc gia đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém.
Tình hình bệnh tiêu chảy trên thế giới
Bệnh tiêu chảy là nguyên nhân đứng thứ thứ hai gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ước tính có khoảng 760.000 trẻ chết vì bệnh tiêu chảy mỗi năm.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tiêu chảy gồm có:
- Sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém
- Không có nước sạch
- Tuổi nhỏ: trẻ em có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với người lớn
- Suy dinh dưỡng
- Hệ miễn dịch suy yếu
Theo UNICEF, biện pháp phòng ngừa tiêu chảy tốt nhất là giữ vệ sinh tốt. Rửa tay kỹ trước khi ăn có thể giảm đến 40% nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.
9. Lao phổi
Lao phổi là vấn đề về phổi do một loại vi khuẩn có trong không khí tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người nhiễm HIV. Khoảng 35% các ca tử vong liên quan đến HIV đều là do bệnh lao.
Tình hình bệnh lao trên thế giới
Số ca mắc lao phổi đã giảm 1.5% mỗi năm kể từ năm 2000. Mục tiêu được nhiều quốc gia đề ra là xóa sổ hẳn bệnh lao vào năm 2030.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh lao gồm có:
- Bệnh tiểu đường
- Nhiễm HIV
- Cơ thể gầy yếu
- Tiếp xúc với người bị bệnh lao
- Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc thuốc ức chế hệ miễn dịch
Cách phòng bệnh lao tốt nhất là tiêm vắc-xin BCG (Bacillus Calmette-Guerin). Nếu bạn nghi ngờ mình mới tiếp xúc với người bị lao thì có thể bắt đầu dùng một loại thuốc điều trị dự phòng tên là Chemoprophylaxis để giảm khả năng mắc bệnh.
10. Xơ gan
Xơ gan là hậu quả do sự hình thành sẹo và tổn thương gan. Các tổn thương này có thể là do bệnh thận, viêm gan, nghiện rượu hoặc một số vấn đề khác gây nên. Một lá gan khỏe mạnh sẽ có khả năng lọc các chất có hại từ máu trước khi máu được vận chuyển đi khắp cơ thể. Khi các yếu tố gây hại làm tổn thương gan, mô sẹo sẽ bắt đầu hình thành. Khi có quá nhiều mô sẹo, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để duy trì chức năng và cuối cùng có thể ngừng hoạt động.
Yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa
Các yếu tố nguy cơ của bệnh xơ gan gồm có:
- Thường xuyên tiêu thụ quá nhiều rượu
- Tích tụ mỡ quanh gan (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu)
- Viêm gan virus mãn tính
Tránh xa các thói quen có thể gây tổn thương gan để ngăn ngừa xơ gan. Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, vì vậy bạn nên hạn chế uống rượu bia để tránh mắc bệnh. Bên cạnh đó, tạo cho mình một chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều trái cây và rau củ, ít đường và ít chất béo để tránh bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Cuối cùng, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan virus bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục và không dùng bất cứ thứ gì có vết máu của người khác, bao gồm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng...
Tổng kết
Mặc dù là 10 căn bệnh nguy hiểm nhất nhưng nhiều bệnh trong danh sách trên hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị được. Nhờ y học ngày càng phát triển và nhận thức cũng tăng lên mà tỉ lệ tử vong do các bệnh này cũng đã giảm so với trước đây.
Một cách đơn giản mà hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bất kỳ loại bệnh nào là thực hiện lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng khoa học và tập thể dục thường xuyên, đồng thời tránh hút thuốc và hạn chế rượu bia. Tập thói quen vệ sinh thân thể tốt cũng là cách hạn chế nguy cơ mắc các bệnh do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.