Trật khớp cổ chân nên làm gì?

2 năm trước 31

Trật khớp cổ chân là một trong những tình trạng thường gặp trên lâm sàng, thường xảy ra do bị chấn thương cổ chân. Bệnh biểu hiện bằng dấu hiệu đau tại vùng chấn thương nhưng nếu không được xử lý không kịp thời, không đúng phương pháp sẽ để lại những biến chứng nghiêm trọng.

1. Trật khớp cổ chân

Trật khớp là tình trạng có sự di lệch đột ngột hoàn toàn hay không hoàn toàn giữa các mặt khớp với nhau hoặc giữa các đầu xương ra khỏi vị trí của ổ khớp.

Trong các trường hợp trật khớp, trật khớp cổ chân cũng là một trong những tổn thương thường gặp trên lâm sàng, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng ban đầu của bệnh là đau, có thể kèm theo các dấu hiệu viêm khớp sau chấn thương, thường gặp là viêm hoạt mạc khớp dưới sên sau tổn thương dây chằng khớp.

Cổ chân là vùng có tập chung nhiều tĩnh mạch nông lớn nên khi bị chấn thương dễ gây hiện tượng sưng phù, thậm chí là chảy máu. Cảm giác đau thường ít, không kéo dài nhưng triệu chứng sưng cổ chân thì kéo dài hơn và đó thường là lý do để bệnh nhân đi khám. Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị trật khớp cổ chân, khớp bị biến dạng, bệnh nhân còn bị giới hạn vận động khớp mà thường là các vận động gấp duỗi, dáng đi khập khiễng. Nếu để lâu có thể gây biến chứng tổn thương thậm chí hỏng khớp.

Trật khớp cổ chân nên làm gì?

Trật khớp cổ chân gây vận động khó khăn cho người bệnh

Tổn thương vùng cổ chân nếu không có kèm gãy xương, đa số là tổn thương bao khớp và dây chằng cổ chân. Đó hay còn gọi là tình trạng bong gân, cần phải cố định cổ chân để các dây chằng có thể lành lại. Trên lâm sàng, cần phải phân biệt rõ giữa trật khớp và bong gân vì đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau và cách xử trí cũng khác nhau. Trong trật khớp cổ chân, bệnh nhân gần như không thể cử động cổ chân. Ngược lại, trong bong gân thì cổ chân hoàn toàn có thể vận động bình thường.

2. Trật khớp cổ chân nên làm gì?

Không chỉ riêng trật khớp cổ chân mà đối với tất cả các bệnh lý khác, việc điều trị và xử lý đều phải có nguyên tắc riêng, phù hợp với từng bệnh lý, từng tình trạng bệnh nhân cụ thể.

Nguyên tắc xử trí ban đầu khi gặp bệnh nhân bị trật khớp cổ chân R - I - C - E:

  • R (rested): Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động cổ chân, có thể tiến hành gắn nẹp bảo vệ để hạn chế sự di lệch ổ khớp. Lưu ý, tuyệt đối không tự ý nắn chỉnh khớp cổ chân vì nếu nắn sai cách có thể làm nặng hơn tình trạng trật khớp, gây đau đớn cho bệnh nhân.
  • I (ice): Chườm lạnh quanh cổ chân để làm co mạch, giảm đau, giảm sưng nề. Tại nhà có thể cho đá vào túi nilon sạch rồi chườm lên chỗ chấn thương.
  • C (compression): Sử dụng băng thun để băng ép vừa phải từ bàn chân lên đến gối bệnh nhân nhằm hạn chế sự sưng nề do ứ trệ máu tĩnh mạch tại vùng chấn thương. Đặc biệt lưu ý không được chườm ấm chườm nóng vì có thể sẽ làm tăng tình trạng phù nề cổ chân.
Trật khớp cổ chân nên làm gì?

Xử trí trật khớp cổ chân

  • E (elevation): Cho bệnh nhân nằm kê chân cao khoảng từ 10 - 20cm để tăng sự lưu thông tuần hoàn máu, không nên kê quá cao sẽ làm tê chân do giảm lượng máu động mạch di chuyển xuống bàn chân.

Sau khi đã thực hiện xử trí ban đầu, đưa bệnh nhân đi khám và kiểm tra sớm bằng chụp X-quang để chẩn đoán chính xác xem là bệnh nhân bị trật khớp hay gãy xương, đồng thời xác định vị trí tổn thương để có hướng điều trị tiếp theo. Trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều trường hợp bị chấn thương cổ chân gây đau nhưng do chủ quan nên chỉ nghĩ đơn giản là bị bong gân, tự xử trí bằng các phương pháp truyền thống như đắp lá, bó thuốc... Điều này không những không hỗ trợ việc điều trị mà còn có thể gây ra những biến chứng nặng nề hơn cho vùng tổn thương.

Trật khớp là một thương tích nặng, dễ để lại nhiều biến chứng và di chứng nên cần được điều trị đúng hướng bởi những bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị trật khớp tùy thuộc vào mức độ tổn thương nặng nhẹ, vị trí tổn thương để có những phương án điều trị phù hợp. Điều trị trật khớp cổ chân bao gồm:

  • Nắn chỉnh khớp có gây tê tại chỗ, gây tê vùng hay gây mê người bệnh tùy theo mức độ tổn thương để bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị và thực hiện tiến hành điều trị.
  • Bất động khớp sau nắn chỉnh. Có thể bất động bằng cách bó bột hoặc sử dụng dụng cụ trợ đỡ hay treo tay. Thời gian bất động ngắn hay dài còn phụ thuộc vào độ nặng nhẹ của trật khớp và các tổn thương phần mềm, thần kinh, mạch máu.
  • Phục hồi chức năng vận động khớp sau khi tháo bỏ dụng cụ bất động khớp. Quá trình tập luyện sẽ được bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng đơn giản đến phức tạp, từ cường độ thấp đến cường độ cao theo sức chịu đựng của bệnh nhân.
Trật khớp cổ chân nên làm gì?

Bất động khớp sau nắn chỉnh bằng bó bột

Nói chung, trật khớp cổ chân tuy không gây nguy hiểm cấp bách đến tính mạng người bệnh nhưng lại gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến sự vận động đi lại và đời sống sinh hoạt của người bệnh. Do đó bệnh cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến bệnh nhân.

Đọc toàn bộ bài viết