Trật khớp vai tái hồi: Những điều cần biết

2 năm trước 21

Trật khớp vai tái hồi không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, sức lao động và khả năng chơi thể thao của người bệnh mà còn gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau. Ngoài ra, trật khớp vai tái hồi còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý, vì bệnh nhân thường lo sợ vai dễ dàng bị trật khớp nhiều lần khác khiến họ ngại vận động, lo lắng về cảm giác đau.

1. Trật khớp vai tái hồi là gì?

Khớp vai là khớp có tầm vận động lớn nhất của cơ thể khi xoay được 360 độ. Đây cũng là khớp khởi phát toàn bộ hoạt động chi trên, đảm bảo sự khéo léo, linh hoạt trong các vận động, cầm, nắm, ném, giữ thăng bằng...

Hiện tượng trật khớp vai là một loại bệnh lý khớp vai, do chỏm xương cánh tay trật khỏi ổ chảo làm dây chằng bao khớp và sụn viền bị rách, có thể kèm theo dập, gãy, khuyết xương ổ chảo hoặc cánh tay.

Sau lần trật đầu tiên, khớp vai sẽ có khả năng trật đi trật lại nhiều lần khác gây ra tình trạng trật khớp vai tái hồi. Theo nghiên cứu, có đến 90% trật khớp vai tái hồi nhiều lần sau lần bị đầu tiên, thường xảy ra ở người trẻ (tuổi từ 18 - 25 tuổi) do nhu cầu hoạt động vai nhiều. Khi bị trật nhiều lần, sẽ gây rách rộng thêm các cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp, lâu ngày làm khuyết xương, gãy mảnh xương, rách gân cơ chóp xoay dẫn đến khớp vai lỏng lẻo, mất chức năng khiến sức vận động kém, đau vai và khó khăn trong các hoạt động, đặc biệt là tư thế giơ tay cao.

 Những điều cần biết

2. Nguyên nhân trật khớp vai tái hồi

Khớp vai là khớp dễ bị trật nhất trong cơ thể, thường xảy ra khi bị chấn thương trực tiếp vào vùng vai, hoặc những tổn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong các hoạt động hằng ngày hoặc chơi thể thao làm lỏng lẻo dây chằng bao khớp.

Một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến trật khớp vai tái hồi như:

  • Do bất động không đủ thời gian sau khi nắn trật lần đầu tiên;
  • Bong rứt nơi bám dây chằng ổ chảo cánh tay (Bankart) chiếm 52% đến 67% những trường hợp trật lại;
  • Cơ địa phần mềm lỏng lẻo sẽ có nguy cơ trật khớp tái hồi nhiều hơn;
  • Tuổi bệnh nhân càng trẻ nguyên nhân trật tái hồi càng cao, khả năng do chấn thương mạnh và nhất là thiếu tập phục hồi chức năng sau khi nắn trật.

3. Bị trật khớp vai tái hồi, xử trí thế nào?

Trật khớp vai tái hồi không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, sức lao động và khả năng chơi thể thao của người bệnh mà còn gây thoái hóa khớp vai và giảm chức năng vai về sau. Ngoài ra, trật khớp vai tái hồi còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý vì bệnh nhân thường lo sợ vai dễ dàng bị trật khớp nhiều lần khác khiến họ ngại vận động, lo lắng về cảm giác đau.

Có nhiều người bệnh bị trật khớp vai tái hồi tìm đến thầy lang hoặc tự nắn sửa không đúng chuyên môn dẫn đến tình trạng nắn khớp sai kỹ thuật, bất động không đủ thời gian khiến tình trạng trật khớp tái diễn nhiều lần hơn.

 Những điều cần biết

Do vậy, khi bị trật khớp vai, bệnh nhân cần:

  • Đến cơ sở y tế chuyên khoa để được nắn trật đúng kỹ thuật;
  • Gặp bác sĩ chuyên khoa khám và chụp MRI để xác định tổn thương sụn viền bao khớp và mổ trật khớp vai tái hồi để đính lại sụn viền bao khớp bị rách;
  • Bất động bằng đai tư thế vai dang-xoay ngoài đủ thời gian;
  • Hướng dẫn cách tập phục hồi chức năng nhằm lấy lại tầm vận động khớp, sức mạnh cơ bắp, sớm trở lại sinh hoạt hàng ngày, có thể lao động nặng và chơi lại thể thao. Thường thời gian bất động lành mô là khoảng 3-4 tuần, thời gian phục hồi chức năng từ 2-4 tháng.

4. Phòng tránh trật khớp vai tái hồi

Sau lần trật khớp vai đầu tiên đã được bác sĩ nắn và bất động bằng đai chuyên dùng, bạn nên:

  • Tuân thủ thời gian bất động, tập phục hồi và từng bước trở lại vận động bình thường của khớp vai theo phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa;
  • Thường xuyên tập sức mạnh và sự dẻo dai của khớp vai, khi chơi thể thao phải khởi động kỹ, không chơi trong lúc quá mệt mỏi, giáo dục tinh thần;
  • Trật khớp vai là một chấn thương thường gặp. Để hạn chế tác hại của nó thì khi bị chấn thương khớp vai người bệnh nên đi khám ở những bệnh viện có chuyên khoa để được các bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất, giúp cho bệnh nhân có thể trở lại với cuộc sống hàng ngày và thể thao sớm nhất.
Đọc toàn bộ bài viết