Triglyceride cao

3 năm trước 30

Triglyceride là chất béo trung tính có ở trong máu, khi nó tăng cao sẽ gây ra hiện tượng máu nhiễm mỡ, và là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tim mạch.

Chỉ số triglyceride là gì?

Triglyceride là một loại chất béo hay lipid có trong máu, còn được gọi là chất béo trung tính. Để xác định chỉ số triglyceride, bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu. Kết quả của xét nghiệm này sẽ giúp xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Phương pháp xét nghiệm này còn có tên khác là xét nghiệm triacylglycerol.

Cơ thể chúng ta sử dụng một phần lượng calo từ thức ăn cho các hoạt động hàng ngày. Lượng calo thừa không được sử dụng đến sẽ được tích trữ dưới dạng triglyceride và lưu thông trong máu để cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ. Lượng triglyceride thừa sẽ đi vào máu sau khi chúng ta ăn. Nếu nạp vào lượng calo nhiều hơn nhu cầu của cơ thể thì nồng độ triglyceride trong máu sẽ tăng cao.

Triglyceride được vận chuyển trong máu nhờ các lipoprotein tỉ trọng rất thấp (VLDL). VLDL là một loại lipoprotein, như lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) Các phương pháp đo nồng độ VLDL sẽ cho biết triglyceride trong máu có cao hay không và từ đó có biện pháp giảm triglyceride phù hợp.

Tại sao cần kiểm tra chỉ số triglyceride?

Kiểm tra chỉ số triglyceride là một cách để xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chỉ số xét nghiệm này sẽ giúp ước tính nồng độ LDL cholesterol trong máu và còn có thể cho thấy nguy cơ bị viêm tuyến tụy hoặc xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng xảy ra khi chất béo tích tụ bên trong động mạch, làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Bạn nên đi xét nghiệm lipid máu 5 năm một lần để kiểm tra các chỉ số sau đây:

  • Cholesterol toàn phần
  • HDL cholesterol
  • LDL cholesterol
  • Triglyceride

Nếu bạn bị tình trạng triglyceride cao và đang điều trị thì sẽ cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn để theo dõi hiệu quả điều trị. Nếu bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường thì việc kiểm tra chỉ số triglyceride lại càng quan trọng vì nồng độ triglyceride sẽ tăng lên khi không duy trì lượng glucose trong máu ở mức ổn định.

Trẻ em cũng có thể cần làm xét nghiệm này nếu có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch như thừa cân hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc huyết áp cao. Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ cần làm xét nghiệm này trong khoảng thời gian từ 2 đến 10 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi thì vẫn còn quá nhỏ nên chưa cần xét nghiệm.

Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm triglyceride?

Bạn sẽ phải nhịn ăn trong 9 đến 14 tiếng trước khi xét nghiệm và chỉ uống nước trong khoảng thời gian này. Bác sĩ sẽ hướng dẫn thời gian cụ thể mà bạn cần nhịn ăn. Ngoài ra cũng nên tránh uống rượu trong 24 tiếng trước xét nghiệm.

Bác sĩ có thể còn yêu cầu ngừng một số loại thuốc nếu có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Một số loại thuốc thường cần ngừng trước khi xét nghiệm máu gồm có:

  • Axit ascobic
  • Asparaginase
  • Thuốc chẹn beta
  • Cholestyramin (Prevalite)
  • Clofibrate
  • Colestipol (Colestid)
  • Estrogen
  • Fenofibrate (Fenoglide, Tricor)
  • Dầu cá
  • Gemfibrozil (Lopid)
  • Axit nicotinic
  • Thuốc tránh thai
  • Thuốc ức chế protease
  • Retinoid
  • Một số loại thuốc chống loạn thần
  • Statin

Quy trình xét nghiệm

Bác sĩ sẽ lấy mẫu máu và gửi sang phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích. Máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch ở nếp gấp khuỷu tay hoặc mu bàn tay. Quy trình lấy mẫu máu được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Sát trùng vị trí lấy máu và quấn một đoạn dây garo quanh cánh tay để đẩy máu vào đầy tĩnh mạch.
  • Bước 2: Đưa kim tiêm vào tĩnh mạch và lấy máu.
  • Bước 3: Sau khi lấy đủ máu, tháo dây garo và rút kim ra. Sau đó, dùng bông hoặc gạc để cầm máu ở vị trí lấy máu.

Rủi ro khi xét nghiệm chỉ số triglyceride

Bạn có thể sẽ cảm thấy đau hoặc khó chịu khi xét nghiệm máu. Đây là những hiện tượng bình thường nhưng ngoài ra, phương pháp này còn đi kèm với với một số rủi ro như:

  • Chảy nhiều máu
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Tích tụ máu dưới da
  • Nhiễm trùng

Ý nghĩa chỉ số

Sau khi có kết quả xét nghiệm, chỉ số triglyceride được phân loại theo các mức như sau:

  • 150mg/dL là mức bình thường
  • 150 đến 199mg/dL là mức giới hạn
  • 200 đến 499mg/dL là mức cao
  • Trên 500mg/dL là mức rất cao

Tăng triglyceride máu là thuật ngữ chỉ tình trạng nồng độ triglyceride trong máu cao.

Chỉ số triglyceride lúc đói thay đổi theo từng ngày. Chỉ số này sẽ tăng lên đáng kể sau khi ăn và có thể cao gấp 5 đến 10 lần so với lúc đói.

Nếu chỉ số triglyceride lúc đói trên 1.000mg/dL thì bạn có nguy cơ bị viêm tụy và cần bắt đầu điều trị ngay lập tức để giảm nồng độ triglyceride.

Nếu chỉ số triglyceride cao thì nồng độ cholesterol trong máu thường cũng ở mức cao. Tình trạng này được gọi là tăng lipid máu.

Có nhiều lý do khiến cho triglyceride trong máu tăng cao, trong đó có các thói quen sống hàng ngày như:

  • Hút thuốc
  • Ít hoạt động
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Uống nhiều rượu
  • Chế độ ăn ít protein và nhiều carbohydrate

Ngoài ra các vấn đề sức khỏe cũng là nguyên nhân làm tăng lượng triglycerie, các vấn đề này gồm có:

  • Bệnh xơ gan
  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi tình trạng tiểu đường không được kiểm soát tốt
  • Yếu tố di truyền
  • Tăng lipid máu
  • Suy giáp
  • Chứng thận hư hoặc bệnh thận
  • Viêm tụy

Mặc khác, chỉ số triglyceride thấp lại là do:

  • Chế độ ăn ít chất béo
  • Cường giáp
  • Hội chứng kém hấp thu
  • Suy dinh dưỡng

Ngoài chỉ số triglyceride, phương pháp xét nghiệm lipid máu còn giúp phát hiện các vấn đề khác như:

  • Tăng lipid máu hỗn hợp gia đình (familial combined hyperlipidemia)
  • Dysbetalipoproteinemia (một loại rối loạn lipid máu) gia đình
  • Tăng triglyceride máu gia đình (familial hypertriglyceridemia)
  • Thiếu hụt lipoprotein lipase gia đình (familial lipoprotein lipase deficiency)
  • Đột quỵ do hậu quả của xơ vữa động mạch

Mang thai có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Ở trẻ em thì kết quả xét nghiệm sẽ được phân loại theo cách khác mà bác sĩ giải thích cụ thể cho bạn.

Cách kiểm soát nồng độ triglyceride

Các nghiên cứu chỉ ra rằng carbohydrate có ảnh hưởng lớn đến nồng độ triglyceride trong máu. Chế độ ăn ít carbohydrate, đặc biệt là đường sẽ giúp làm giảm triglyceride.

Tập thể dục cũng là một cách để giảm lượng triglyceride và tăng lượng HDL cholesterol (cholesterol tốt) trong máu. Nên tập luyện hàng ngày, mỗi ngày ít nhất là 30 phút với cường độ vừa phải. Ngay cả khi không giảm được cân thì việc tập luyện hàng ngày cũng giúp kiểm soát mức triglyceride.

Ngoài ra, để duy trì chỉ số triglyceride ở mức ổn định bình thường thì bạn cũng nên:

  • Giảm cân
  • Giảm lượng calo tiêu thụ
  • Không ăn thực phẩm có đường hoặc thực phẩm tinh chế
  • Chọn các loại chất béo lành mạnh như chất béo có trong thực phẩm gốc thực vật hoặc cá
  • Giảm tiêu thụ rượu

Bên cạnh đó cũng cần phải điều trị các nguyên nhân chính gây ra tình trạng triglyceride cao như:

  • Bệnh tiểu đường
  • Béo phì
  • Rối loạn sử dụng rượu
  • Suy thận

Các loại thuốc và chất bổ sung thường được dùng phổ biến để kiểm soát triglyceride gồm có:

  • Omega-3
  • Niacin
  • Fibrate
  • Statin

Triglyceride cao và cholesterol cao là hai vấn đề thường xảy ra cùng nhau. Trong những trường hợp này thì sẽ phải có biện pháp giảm cả hai chỉ số bằng cách kết hợp dùng thuốc và điều chỉnh lối sống.

Đọc toàn bộ bài viết