Tưởng đột quỵ hóa tê yếu tay chân do bệnh hiếm

5 tháng trước 30

Hà NộiBà Minh, 64 tuổi, đau đầu, tê yếu tay chân trong ba ngày tưởng đột quỵ, bác sĩ phát hiện tụ máu ngoài màng tủy sống - bệnh tỷ lệ 1/1.000.000 người.

Trước đó bà Minh được chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm trái, uống thuốc nhưng không giảm tê bì tay chân. Gần đây, tình trạng nặng, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám. Kết quả chụp MRI cho thấy khối máu tụ lớn vùng cổ, dài 6 cm từ đốt sống C3-C7 gây phù tủy cổ.

Ngày 29/3, TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, cho biết bà Minh mắc bệnh máu tụ ngoài màng tủy tự phát, tức tụ máu trong khoảng trống nằm giữa màng cứng và xương, không rõ nguyên nhân.

"Đây là bệnh lý hiếm gặp, tỷ lệ 1/1.000.000 người, ước tính chiếm khoảng 0,3-0,9% các tổn thương ngoài màng cứng", bác sĩ Đức Anh nói, thêm rằng hiện Việt Nam có ít báo cáo về ca bệnh liên quan tụ máu ngoài màng tủy được điều trị phẫu thuật. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bà Minh là ca thứ hai kể từ khi bệnh viện thành lập.

Bệnh của bà Minh ở giai đoạn nguy hiểm, khối máu tụ có thể gây chèn ép tủy sống khiến khó thở, suy hô hấp, nguy cơ tổn thương tủy cổ, liệt tứ chi, liệt nửa người.

Người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi để loại bỏ khối máu tụ, giảm chèn ép cho tủy sống. Qua vết mổ nhỏ khoảng 3 cm, bác sĩ đưa thiết bị chuyên dụng tiếp cận vùng cột sống chứa máu tụ. Màn hình nội soi phóng đại vùng tổn thương giúp ê kíp quan sát rõ và loại bỏ toàn bộ khối máu tụ, giải phóng tủy sống và dây thần kinh bị chèn ép.

 Bệnh viện Tâm Anh

Tiến sĩ Đức Anh (bên phải) phẫu thuật nội soi loại bỏ khối máu tụ cho bà Minh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Bác sĩ Đức Anh cho biết thêm phẫu thuật nội soi điều trị tụ máu ngoài màng tủy ít xâm lấn, bảo tồn tối đa cấu trúc cột sống, giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít đau, ít chảy máu, hạn chế tối đa tổn thương khi mổ.

Hai ngày sau mổ, bà Minh hết tê bì tay chân, đau cổ, có thể vận động nhẹ và xuất viện sau 5 ngày.

Máu tụ ngoài màng tủy nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt có nguy cơ tiến triển, chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh gây tổn thương khó hồi phục. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như rối loạn đông máu, khối u, dị dạng mạch máu, nhiễm trùng hoặc chấn thương, người bệnh tăng huyết áp, dùng thuốc chống đông. Triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như đột quỵ.

Bác sĩ Đức Anh khuyến cáo người bị đau cổ, lưng, suy giảm vận động, tê yếu tay chân... cần đi khám sớm để ngăn ngừa tổn thương thần kinh. Người bệnh nên chọn cơ sở y tế có chuyên môn cao trong lĩnh vực thần kinh - cột sống để chẩn đoán chính xác. Người có tiền sử mắc các bệnh lý nền thần kinh - cột sống, tăng huyết áp, sử dụng thuốc chống đông nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và khám sức khỏe định kỳ.

Linh Đặng

* Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp

Đọc toàn bộ bài viết