Tủy sống thuộc hệ thần kinh trung ương, tham gia vào mọi hoạt động của cơ thể như vận động, trí não, các cơ quan nội tạng. Vậy, tủy sống là gì? Tủy sống nằm ở đâu trong cơ thể? Tủy sống có chức năng gì?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Tủy sống giữ vai trò quan trọng trong cơ thể, do đó, các tổn thương hay bệnh lý liên quan đến tủy sống được biết đến có thể đe dọa sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Vậy, chức năng tủy sống hay cấu trúc tủy sống ra sao? Tủy sống có tác dụng gì đối với sự tồn tại của cơ thể?
Tủy sống là gì?
Tủy sống là cơ quan quan trọng của hệ thần kinh trung ương. Cấu trúc tủy sống có dạng hình trụ chạy xuyên suốt qua trung tâm của cột sống, đoạn từ thân não đến lưng dưới. Cấu tạo của tủy sống bao gồm các bó dây thần kinh và tế bào mang thông điệp từ não đến những phần còn lại trên cơ thể. Tổn thương ở tủy sống nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như mất cảm giác, rối loạn chức năng hoặc mất khả năng vận động, thậm chí tử vong. (1)
Chức năng tủy sống
Bộ phận này đảm nhiệm ba chức năng chính là phản xạ, dẫn truyền và dinh dưỡng, cụ thể như sau: (2)
1. Chức năng phản xạ
- Chất xám trong tủy sống đảm nhận chức năng phản xạ nhờ vào ba loại nơron là nơron cảm giác, nơron liên lạc và nơron vận động, cụ thể như sau:
- Nơron cảm giác nằm ở rễ sau dẫn truyền xung cảm giác vào chất xám.
- Nơron liên lạc dẫn truyền xung thần kinh đến sừng trước.
- Nơron vận động ở rễ trước dẫn truyền các xung vận động đến các cơ quan thừa hành và cơ vân.
- Các dạng phản xạ của tủy sống bao gồm:
- Phản xạ trương lực cơ: Đây là phản xạ giúp cơ thể luôn trong trạng thái trương lực.
- Phản xạ thực vật: Các nơron thuộc hệ thần kinh thực vật tham gia vào quá trình thực hiện phản xạ thực vật. Tương tự như phản xạ động vật, cung phản xạ thực vật cũng bao gồm: thụ cảm thể, đường hướng tâm, trung khu, đường li tâm và cơ quan đáp ứng.
- Phản xạ gân: Các phản xạ này xuất hiện khi xảy ra sự kích thích lên gân, chủ yếu do đoạn tủy sống ở đoạn thắt lưng 2 – 4 đảm nhiệm.
- Phản xạ da: Phản xạ da là sự phản xạ của cơ thể khi có kích thích lên da. Phản xạ này thường được đảm nhận bởi tủy sống ở đoạn ngực 11 – 12.
- Trong đó, phổ biến là phản xạ gân, phản xạ da và phản xạ trương lực cơ.
2. Chức năng dẫn truyền
Chức năng dẫn truyền do tủy sống đảm nhiệm bao gồm:
- Dẫn truyền cảm giác (cảm giác đau, cảm giác nóng và lạnh)
- Dẫn truyền vận động
- Dẫn truyền xúc giác.
Chất trắng trong tủy sống đảm nhiệm chức năng dẫn truyền. Cụ thể, chất trắng sẽ chỉ dẫn các cảm giác từ bộ phận trên cơ thể, sau đó phản xạ đến tủy sống và tiếp tục di chuyển đến não. Đường dẫn truyền xúc giác xuất phát từ việc cơ thể cảm nhận các cảm giác ở niêm mạc và trên da, sau đó thông tin thần kinh được dẫn truyền theo rễ sau đến tủy sống rồi đến vỏ não (đối bên).
3. Chức năng dinh dưỡng
Những nơron dinh dưỡng của tủy sống đóng vai trò chịu sự điều khiển của một đoạn tủy, bao gồm phản xạ hậu môn, phản xạ vận mạch, phản xạ tiết mồ hôi…
Giải phẫu cấu tạo của tủy sống
1. Cấu tạo của tủy sống
Tủy sống giải phẫu theo đường cắt ngang thấy được 3 phần chính là màng tủy sống bao bọc bên ngoài, ống tủy sống, chất xám và chất trắng. (3)
Màng tủy sống
Màng tủy sống bao gồm 3 lớp màng là màng cứng bên ngoài, màng nhện (mỏng, có độ đàn hồi cao) và màng nuôi. Trong đó, màng cứng và màng nhện có nhiệm vụ bảo vệ tủy sống khỏi sự va chạm với xương sống, màng nuôi dính chặt vào tủy đảm nhận nhiệm vụ nuôi dưỡng mô tủy.
Chất xám
Chất xám là phần hình chữ H, nằm bên trong chất trắng của tủy sống. Ở giữa chất xám có ống tủy (ống rỗng) không chứa dịch não tủy. Chất xám được tạo nên bởi thân và tua ngắn của các tế bào thần kinh tủy. Chất xám được chia thành sừng trước, sừng sau và ở đoạn ngực có thêm sừng bên. Trong đó, sừng trước rộng do các nơron vận động kích thước lớn hình thành, sừng sau hẹp vì được tạo nên bởi các nơron cảm giác kích thước nhỏ, sừng bên được tạo nên bởi các nơron dinh dưỡng.
Tia chất xám có thể “ăn sâu” vào phần chất trắng giữa sừng sau và sừng bên tạo thành lưới tủy. Một số nơron thần kinh trong chất xám có thể tụ lại thành nhân, số khác nằm rải rác tạo thành các nơron tổng hợp có nhiệm vụ liên lạc giữa nơron vận động và nơron cảm giác cùng đốt tủy.
Chất trắng
Chất trắng được hình thành bởi những sợi trục của nơron tủy tạo nên các đường lên xuống, bao bọc quanh chất xám. Chất trắng ở mỗi bên tủy sống tạo nên 3 cột bao gồm trước, sau, bên. Mỗi cột bao gồm nhiều bó, cụ thể như sau:
Bó hướng tâm
Bó hướng tâm bao gồm bó Burdach (tủy sau giữa), bó Goll (bó tủy sau bên), bó tiểu não thẳng (bó tủy – tiểu não sau), bó tiểu não bắt chéo (bó tủy – tiểu não trước) và bó cung (bó tủy – thị).
Bó li tâm
Bó li tâm bao gồm bó tháp chéo, bó tháp thẳng, bó ngoại tháp (bao gồm bó thị – tủy, bó đỏ – tủy, bó tủy – tiền đình).
Bó dẫn truyền riêng trong tủy
Các bó dẫn truyền riêng trong tủy bao gồm bó bụng, bó lưng và bó bên. Các dây thần kinh từ tủy sống đều là dây pha. Nửa bên phải tủy có nhiệm vụ sinh dưỡng, nửa bên trái tủy có vai trò điều khiển cơ vấn (hay còn gọi là trung ương phản xạ không điều kiện).
2. Tủy sống có những dây thần kinh nào?
Tủy sống bao gồm 31 đôi dây thần kinh tủy, mỗi dây thần kinh tủy có các sợi thần kinh cảm giác nối với tủy qua rễ cảm giác (rễ sau) và nhóm thần kinh vận động nối với các rễ vận động (rễ trước). 31 đôi dây thần kinh tủy được phân nhóm theo các đốt sống liên quan, bao gồm:
- Đôi dây thần kinh đốt sống cổ: 8 đôi
- Đôi dây thần kinh đốt sống ngực: 12 đôi
- Đôi dây thần kinh đốt sống thắt lưng: 5 đôi
- Đôi dây thần kinh đốt sống cùng: 5 đôi
- Đôi dây thần kinh đốt sống cụt: 1 đôi
Trên thực tế, chỉ có 7 đốt sống cổ nhưng có đến 8 đôi dây thần kinh vì đôi thứ nhất đã rời khỏi ống sống giữa đốt cổ I và xương chẩm, đôi dây thần kinh thứ 8 thoát ra ở dưới đốt sống cổ VII. Từ vị trí này trở xuống, các dây thần kinh sống được gọi tên theo đốt sống nằm ngay phía trên.
3. Tủy sống nằm trong vị trí nào của cơ thể?
Tủy sống kéo dài từ hành não (phần dưới cùng của thân não) đến đốt sống thắt lưng trên, thường ở đoạn giữa đốt L1 và L2 và ở phần lưng dưới, tủy tạo thành hình nón, gọi là conus medullaris.
Kích thước tủy sống dài bao nhiêu?
Ở hầu hết người trưởng thành, tủy sống có độ dài khoảng 45 cm.
Các bệnh lý liên quan tủy sống
Tổn thương hoặc bệnh lý liên quan đến tủy là tình trạng nguy hiểm, cần sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số bệnh lý liên quan đến tủy chẳng hạn như: (4)
1. Viêm tủy ngang cấp
Bệnh viêm tủy ngang cấp xảy ra khi chất xám và chất trắng ở một hoặc nhiều đoạn tủy sống liền kề (thường là tủy ngực) bị viêm. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này có thể đến từ viêm tủy thị thần kinh, bệnh lý tự miễn hoặc hậu nhiễm trùng, xơ cứng rải rác hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc. Bệnh có thể khiến chất bao bọc xung quanh sợi trục thần kinh myelin bị phá hủy, làm gián đoạn hoặc gây mất khả năng dẫn truyền thông tin từ tủy sống đến các vùng còn lại của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến rối loạn vận động, cảm giác và cơ tròn.
2. Hội chứng đuôi ngựa
Rễ thần kinh riêng lẻ ở đoạn cuối tủy sống tiếp tục di chuyển dọc trong ống sống có hình dạng giống đuôi ngựa nên được gọi là đám rối thần kinh đuôi ngựa. Hội chứng đuôi ngựa là tình trạng chèn ép rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa. Hội chứng này có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng cảm giác và vận động của trực tràng, bàng quang, hai chân. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh cần được chữa trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng như mất tự chủ đại và tiểu tiện, tê liệt, rối loạn sinh dục…
3. Hẹp ống sống
Ống sống là khoang rỗng tạo nên bởi các đốt sống xếp lên nhau, đảm nhiệm vai trò bảo vệ rễ thần kinh và tủy. Hẹp ống sống (hẹp đốt sống) là tình trạng thu hẹp không gian trong ống sống, gây áp lực lên rễ thần kinh, tủy sống. Trên thực tế, hẹp ống sống có thể xảy ra ở nhiều vị trí, phổ biến nhất là ở cổ và lưng dưới. Người bệnh có thể không phát hiện bất kỳ biểu hiện nào của bệnh cho đến khi bệnh đến giai đoạn nghiêm trọng. Ở một số trường hợp, bệnh có thể gây ra triệu chứng như đau dây thần kinh tọa và đau thắt lưng. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh hẹp ống sống góp phần gia tăng hiệu quả điều trị, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
4. Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một hoặc nhiều đĩa đệm giữa các đốt sống cổ, lưng trượt khỏi vị trí ban đầu, chèn ép tủy sống và các dây thần kinh ở trong ống sống. Đĩa đệm là khoang nằm giữa các đốt sống, có cấu trúc sụn. Mỗi đĩa đệm bao gồm bao sơ bên ngoài và các vòng sợi dai, nhân nhầy dạng keo bên trong.
Ở trạng thái khỏe mạnh, các đĩa đệm này có độ chắc cao, đóng vai trò như gối đỡ đàn hồi giúp cột sống luôn dẻo dai để có thể thực hiện tốt các động tác như cúi, nghiêng, ưỡn, xoay người. Tuy nhiên, khi bị thoát vị đĩa đệm, các đĩa đệm gánh chịu những tổn thương, vòng xơ bị rách, mòn khiến nhân nhầy thoát ra ngoài. Bệnh thoát vị đĩa đệm cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời để phòng tránh nguy cơ xảy ra biến chứng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
5. Thoái hóa đốt sống cổ hoặc lưng
Thoái hóa đốt sống cổ hoặc lưng là bệnh lý tại vùng cột sống cổ hoặc lưng, xảy ra do sự hao mòn của xương, sụn ở đĩa đệm và các khớp của cột sống. Thoái hóa đốt sống cổ, lưng có thể trở thành bệnh mạn tính, gây cứng khớp khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị suy giảm. Thường xuyên thăm khám sức khỏe và quan tâm đến các dấu hiệu bất thường ở cột sống cổ, lưng góp phần giúp phát hiện sớm bệnh thoái hóa đốt sống. Nhờ vậy, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị kịp thời và hiệu quả.
6. Khối u cột sống
U cột sống là khối u hình thành bất thường tại cột sống, có thể là khối u ở ống sống hoặc tủy sống. Khối u cột sống có thể là khối u nguyên phát hoặc thứ phát, tính chất khối u có thể lành tính hoặc ác tính. Trong đó, khối u nguyên phát là kết quả của sự phát triển bất thường, không kiểm soát được của các tế bào cột sống và có thể tiến triển lành tính hoặc ác tính. Mặt khác, u cột sống thứ phát luôn ác tính, vì đây là khối u có nguồn gốc từ tế bào ung thư ở cơ quan khác di căn đến vùng cột sống.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân hình thành u cột sống, đó có thể là thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, di truyền, suy giảm miễn dịch bẩm sinh… Triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các tổn thương cột sống thông thường. Vì vậy, ngay khi cảm thấy đau cứng cổ gáy, đau chạy dọc sống lưng, rối loạn cảm giác xúc giác… người bệnh cần sớm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Xem thêm: U tủy sống: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.
7. Áp xe ngoài màng cứng
Áp xe ngoài màng cứng là bệnh lý hiếm gặp, xảy ra khi mủ tích tụ trong khoang màng cứng gây chèn ép tủy sống. Áp xe ngoài màng cứng có thể xảy ra do sự xâm nhập của vi khuẩn, nấm hoặc bệnh nhiễm trùng trong cơ thể (phổ biến hơn cả là nhiễm trùng đường tiết niệu). Tuy vậy, vẫn có trường hợp áp xe ngoài màng cứng chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Để tránh gây tổn thương tủy, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ áp xe ngoài màng cứng như sốt, đau lưng, bí tiểu, buồn nôn, nôn ói… người bệnh cần sớm đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.
Làm thế nào để giữ cho tủy sống khỏe mạnh?
Mỗi người có thể ngăn ngừa nguy cơ tổn thương tủy sống bằng cách:
- Khi tham gia các hoạt động thể chất cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ và tập vừa sức, tập đúng nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra chấn thương ảnh hưởng đến tủy sống.
- Tuân thủ quy định về an toàn lao động trong suốt quá trình lao động.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao với cường độ phù hợp để nâng cao sức đề kháng, sức bền cho cơ thể nói chung và cột sống nói riêng. Một số môn thể thao phổ biến bao gồm bơi lội, đạp xe, yoga, chạy bộ…
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, ưu tiên thực phẩm có lợi cho sức khỏe (thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất, protein, chất béo tốt…), hạn chế thực phẩm gây hại (thực phẩm gây viêm, nhiều dầu mỡ, bia, rượu…).
- Đảm bảo thực hiện đúng tư thế trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, bao gồm các hoạt động như ngồi, nằm, di chuyển, nâng vật nặng…
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát sớm những tổn thương, bệnh lý liên quan đến tủy sống. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị và lời khuyên để bảo vệ tủy hiệu quả. Bạn có thể đến thăm khám tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, dịch vụ thăm khám, điều trị chất lượng cao.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tủy sống là cơ quan đảm nhiệm chức năng quan trọng trong cơ thể. Mỗi người cần học cách giữ cột sống luôn khỏe mạnh để có thể bảo vệ tủy sống tối ưu. Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ tổn thương tủy sống, cần sớm đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về các vấn đề như tủy sống là gì, tủy sống nằm ở đâu, cấu tạo của tủy sống…