Hầu hết các u nang cơ năng đều không gây đau và vô hại. Những u nang này không phải là ung thư và thường tự biên mất chỉ sau vài chu kỳ kinh nguyệt.
U nang cơ năng là gì?
U nang cơ năng còn được gọi là u nang buồng trứng lành tính, u nang noãn hay u nang buồng trứng chức năng. Về cơ bản, chúng là những túi chứa dịch phát triển bên trên bề mặt hoặc bên trong buồng trứng. U nang cơ năng buồng trứng thường hình thành ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và là kết quả của quá trình rụng trứng. U nang cơ năng rất hiếm khi hình thành ở các bé gái chưa dậy thì và phụ nữ mãn kinh. Bất kỳ u nang nào hình thành ở phụ nữ sau mãn kinh cũng đều không bình thường và cần phải lưu tâm.
Hầu hết các u nang cơ năng đều không gây đau và vô hại. Những u nang này không phải là ung thư và thường tự biên mất chỉ sau vài chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều người thậm chí còn không hề biết là mình có u nang lành tính ở buồng trứng.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, nang cơ năng buồng trứng lại gây nên các biến chứng và cần phải can thiệp.
Các triệu chứng của u nang cơ năng buồng trứng
Hầu hết các u nang chức năng không gây ra bất kỳ triệu chứng gì nhưng khi một nang to lên hoặc vỡ thì sẽ gây ra những biểu hiện như:
- Đau vùng bụng dưới
- Tức hoặc đầy trướng ở bụng dưới
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Vú căng tức, nhạy cảm
- Thay đổi độ dài của chu kỳ kinh nguyệt
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau nhói hoặc đau đột ngột ở vùng bụng dưới, đặc biệt là khi cảm giác đau còn kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc lên cơn sốt. Đó có thể là một dấu hiệu cho thấy có một u nang bị vỡ và cần can thiệp khẩn cấp.
Nguyên nhân gây u nang cơ năng buồng trứng
U nang cơ năng là kết quả bình thường của chu kỳ kinh nguyệt. Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, buồng trứng sẽ hình thành các nang trứng hay nang noãn vào mỗi tháng. Những nang này sản sinh ra các hormone quan trọng là estrogen và progesterone. Chúng còn thực hiện nhiệm vụ giải phóng trứng khỏi buồng trứng vào thời điểm rụng trứng.
Khi có một nang nào đó không giải phóng trứng thì nó sẽ trở thành u nang. U nang noãn tiếp tục phát triển và chứa chất dịch hoặc máu ở trong.
Các yếu tố nguy cơ
U nang chức năng hình thành phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hơn là các bé gái chưa đến tuổi dậy thì và phụ nữ đã mãn kinh.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ có khả năng cao phát triển u nang chức năng nếu như:
- đã từng có u nang buồng trứng trước đây
- chu kỳ kinh nguyệt không đều
- hành kinh lần đầu trước 12 tuổi
- sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản
- bị mất cân bằng nội tiết tố
- có mỡ thừa, đặc biệt là xung quanh thân trên
- bị căng thẳng nặng, kéo dài
Khả năng hình thành u nang buồng trứng chức năng sẽ thấp hơn nếu bạn sử dụng thuốc tránh thai. Những loại thuốc này khiến cho buồng trứng không tạo ra nang trứng và rụng trứng. Khi không có nang trứng, u nang chức năng sẽ không thể hình thành.
Phát hiện u nang cơ năng bằng cách nào?
Hầu hết các u nang cơ năng đều không bộc lộ triệu chứng và tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong một số trường hợp, u nang cơ năng được phát hiện trong khi khám sức khỏe định kỳ. Nếu bạn ở độ tuổi sinh sản và có u nang lành tính ở buồng trứng nhưng cơ thể khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào thì bác sĩ sẽ để u nang tự tiêu. Tuy nhiên, sẽ cần kiểm tra trong những lần khám định kỳ tiếp theo để theo dõi sự phát triển của u nang. Trong một số trường hợp, người có u nang chức năng sẽ cần siêu âm qua đường âm đạo hoặc làm các phương pháp kiểm tra khác để theo dõi.
Nếu bạn bị đau bụng dưới hoặc các triệu chứng khác thì bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu để chẩn đoán nguyên nhân. Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử mà bạn sẽ cần siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc làm các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác để có thể tìm ra chính xác nguyên nhân. Đôi khi, các biểu hiện khi u nang vỡ cũng giống như triệu chứng viêm ruột thừa hoặc một số vấn đề khác.
U nang cơ năng được điều trị bằng cách nào?
Nếu phát hiện có u nang lành tính ở buồng trứng nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì nên để nguyên như vậy và không cần can thiệp. Thông thường các u nang này sẽ tự tiêu. Bác sĩ sẽ chỉ cần theo dõi trong quá trình tái khám định kỳ và bạn sẽ cần siêu âm vùng chậu để đảm bảo u nang không phát triển.
Tuy nhiên, nếu như u nang cơ năng phát triển lớn đến mức gây đau hoặc cản trở sự lưu thông máu đến ống dẫn trứng hoặc buồng trứng thì sẽ cần làm phẫu thuật. Bác sĩ cũng thường chỉ định phẫu thuật cho cả những trường hợp có u nang sau mãn kinh.