Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn 4 Sống Được Bao Lâu?

4 năm trước 24

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 sống được bao lâu?. Càng tiến triển sang đến các giai đoạn sau thì ung thư lại càng khó điều trị. Do đó, việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4 sẽ nan giải hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu.

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 là gì?

Ung thư dạ dày là dạng ung thư hình thành trong dạ dày và được chia thành 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4. Giai đoạn bệnh sẽ được xác định dựa trên mức độ lan rộng (di căn) tại thời điểm chẩn đoán.

Ở giai đoạn 4 của ung thư dạ dày, tế bào ung thư đã lây lan qua mô, máu hoặc hệ bạch huyết và đến các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi hoặc các hạch bạch huyết.

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 còn được gọi là ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Việc biết được giai đoạn ung thư sẽ giúp xác định phương án điều trị thích hợp và đưa ra tiên lượng bệnh.

Các phương pháp điều trị

Càng tiến triển sang đến các giai đoạn sau thì ung thư lại càng khó điều trị. Do đó, việc điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4 sẽ nan giải hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu. Lý do là bởi khi ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư không còn giới hạn trong dạ dày mà đã di căn sang một số cơ quan khác trong cơ thể. Lúc này bệnh đã không thể chữa khỏi được nữa nhưng vẫn có thể tiến hành các phương pháp điều trị để làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh, giảm các triệu chứng và kéo dài sự sống.

Tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp. Ngoài ra, lựa chọn điều trị cũng phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của bệnh ung thư.

Phác đồ điều trị ung thư thường là sự kết hợp của các phương pháp khác nhau và tiếp tục được thay đổi trong quá trình điều trị dựa trên mức độ hiệu quả. Trong quá trình điều trị, bạn sẽ cần đến tái khám định kỳ và nói cho bác sĩ biết nếu phát hiện thêm các triệu chứng mới để có sự điều chỉnh.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4:

Loại bỏ khối u bằng laser hoặc đặt stent

Laser được sử dụng nhằm tiêu diệt khối u, ngăn chặn xuất huyết hoặc làm giảm tình trạng tắc nghẽn trong dạ dày. Đôi khi phương pháp loại bỏ khối u bằng laser còn được sử dụng thay thế cho phương phẫu thuật ung thư truyền thống.

Trong quá trình này, một ống nội soi được đưa xuống cổ họng và vào dạ dày. Sau đó tia laser được chiếu qua ống nội soi để phá hủy khối u.

Một số trường hợp còn cần phải đặt một ống rỗng được gọi là stent vào giữa dạ dày và thực quản hoặc giữa dạ dày và ruột non để thức ăn có thể đi qua dễ dàng mà không bị cản trở.

Phẫu thuật

Một trong các phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày là phẫu thuật cắt bán phần dạ dày (subtotal gastrectomy). Đây là quy trình mà trong đó phần dạ dày có khối u bị cắt bỏ. Phương pháp này giúp làm giảm tình trạng chảy máu và cảm giác đau đớn.

Trong trường hợp các khối u nằm ở phần dưới của dạ dày và ngăn cản thức ăn đi qua thì phẫu thuật nối tắt dạ dày (gastric bypass surgery) là một lựa chọn phù hợp.

Trong quy trình này, một phần của ruột non được nối vào phần trên của dạ dày để thức ăn không đi qua vùng có khối u mà xuống thẳng đến ruột non.

Đôi khi, ung thư dạ dày còn gây khó khăn cho việc ăn uống. Trong những trường hợp như vậy thì cần phẫu thuật đặt ống thông qua da vào dạ dày để đưa các chất dinh dưỡng cần thiết vào cơ thể.

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp điều trị hệ thống, có nghĩa là phương pháp này tác động lên toàn cơ thể để tiêu diệt các khối u. Các loại thuốc hóa trị có tác dụng thu nhỏ khối u và giảm các triệu chứng ung thư.

Xạ trị

Khác với hóa trị, xạ trị là một phương pháp điều trị cục bộ, có nghĩa là nhắm mục tiêu và tập trung xử lý các khối u cụ thể. Xạ trị cũng thu nhỏ kích thước các khối u, ngăn chặn xuất huyết, giảm đau và giảm các triệu chứng khác của ung thư dạ dày

Liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp nhắm trúng đích thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp mà ung thư dạ dày đã di căn sang các bộ phận khác. Những loại thuốc được dùng trong liệu pháp này có tác dụng tấn công các đặc điểm cụ thể của tế bào ung thư. Một số ví dụ về các loại thuốc nhắm trúng đích:

  • imatinib (Gleevec) để trị các khối u mô đệm
  • ramucirumab (Cyramza) để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn cuối khi các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả
  • regorafenib (Stivarga) để tiêu diệt các khối u mô đệm
  • sunitinib (Sutent) để điều trị u mô đệm
  • trastuzumab (Herceptin) để điều trị các trường hợp ung thư dương tính với HER2

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch để tấn công ung thư.

Pembrolizumab (Keytruda) là một loại thuốc trị liệu miễn dịch thường được sử dụng để điều trị ung thư dạ dày tái phát hoặc di căn trong những trường hợp đã thử nhưng không đáp ứng hoặc ngừng đáp ứng với các loại hóa trị.

Thử nghiệm lâm sàng

Thử nghiệm lâm sàng là các quy trình nghiên cứu để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị mới chưa được chỉnh thức phê chuẩn. Những thử nghiệm này đem lại hi vọng cho những người mắc các bệnh hiểm nghèo hiện chưa có cách chữa như ung thư.

Dùng thực phẩm chức năng

Vì ung thư dạ dày thường khiến cho việc ăn uống của người bệnh trở nên khó khăn và gây cản trở thức ăn đi qua dạ dày nên rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Do vậy, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc dùng các loại thực phẩm chức năng để bổ sung thêm các chất còn thiếu nhằm tăng cường sức khỏe chống chọi với bệnh ung thư và giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của các phương pháp điều trị như xạ trị hay hóa trị lên cơ thể.

Hãy chú ý theo dõi trong quá trình điều trị và nếu phát hiện có bất kỳ triệu chứng mới hay thay đổi nào thì đều phải nói với bác sĩ vào các buổi tái khám định kỳ để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh.

Ung thư dạ dày giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Nói về tuổi thọ của bệnh nhân ung thư thì có một số điều cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, tiên lượng của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, gồm có tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể và phương pháp điều trị được thực hiện. Ngoài ra, mỗi người lại có đáp ứng khác nhau với các phương pháp điều trị và đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng sống sót khi mắc ung thư. Tuổi thọ còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán. Do vậy nên rất khó có thể nói trước một người mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể sống thêm được bao lâu.

Thứ hai, thống kê về tỉ lệ sống sót được tổng hợp dựa trên những số liệu từ nhiều năm trước trong khi hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều thay đổi lớn, giúp tăng khả năng sống sót lên đáng kể. Vì thế nên những số liệu về tuổi thọ này chỉ mang tính tương đối và không quá chính xác.

Theo Chương trình Giám sát, Dịch tễ và Kết quả điều trị (SEER Program) của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỉ lệ sống sót chung ở tất cả các giai đoạn của ung thư dạ dày là 31.5%. Tỉ lệ sống sau 5 năm của những người bị ung thư dạ dày giai đoạn 4 là 5.3%. Những tỉ lệ này có được từ số liệu tổng hợp các ca ung thư dạ dày được chẩn đoán trong khoảng từ năm 2009 đến 2015.

Trên thực tế, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng bệnh cụ thể và hiệu quả của các phương pháp điều trị để đưa ra tiên lượng cho từng bệnh nhân.

Nhìn chung, các phác đồ điều trị ung thư dạ dày giai đoạn 4 đều nhằm mục đích là làm chậm sự phát triển của ung thư, kiểm soát các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ một cách tối đa cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị hiện nay đã có nhiều bước tiến lớn giúp những người mắc ung thư dạ dày giai đoạn cuối có chất lượng cuộc sống tốt hơn và sống lâu hơn so với nhiều năm trước đây.

Đọc toàn bộ bài viết