Hoàng Nguyên Minh Gan mật Đã hỏi: Ngày 09/03/2021
Chào bác sĩ! tôi năm nay 65 tuổi. Thời gian gần đây tôi thường xuyên bị đau ở vùng hạ sườn phải, thấy da vàng đi nên đi khám thì được chẩn đoán là mắc ung thư gan. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh ung thư gan sống được bao lâu? Có thể chữa khỏi được không? Tôi xin cảm ơn!
11.453 lượt xem
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thành
Đã trả lời: Ngày 09/03/2021
Gan mật
Chào anh,
Ưng thư gan là một căn bệnh nguy hiểm, là “đích đến” của hầu hết các bệnh lý gan mật như viêm gan, xơ gan. Trong đó, 80% bệnh nhân ung thư gan là do viêm gan B. 80% bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) có biểu hiện của xơ gan.
Ở giai đoạn đầu hầu như không để lại triệu chứng gì nên người bệnh khó phát hiện, chỉ đến khi bệnh trở nặng vào giai đoạn cuối mới phát hiện ra. Khi đó, việc điều trị cũng trở nên vô cùng khó khăn và tỷ lệ sống không cao.
Theo tiên lượng sự sống, thông thường người bệnh bị ung thư gan giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sau 5 năm là 50%. Với những người ung thư giai đoạn đầu được cấy ghép gan thì tỉ lệ có thể lên tới 60 – 70%. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh khi phát hiện ung thư gan thường đã ở giai đoạn nặng do ung thư giai đoạn đầu không có triệu chứng gì có thể nhận biết từ bên ngoài, lúc này, tiên lượng sự sống sau 5 năm chỉ khoảng 15%. Nếu các tế bào ung thư gan trong gan khu trú, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân là 28%. Nếu ung thư gan di căn, tỷ lệ này chỉ là 7%. Tỷ lệ sống này thấp là bởi người bệnh có thể gặp các biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị.
Tiên lượng sống không phải con số chính xác cho tất cả bệnh nhân, tùy vào sức khỏe khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị của từng bệnh nhân mà tỷ lệ sống có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Mỗi giai đoạn có phương pháp điều trị khác nhau và tỷ lệ sống trên 5 năm cũng giảm dần theo độ nghiêm trọng của bệnh.
Ung thư gan tuy khó điều trị nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Bạn nên duy trì cho mình một thực đơn ăn uống hợp lý, chế độ vận động và sinh hoạt khoa học, đặc biệt khi mắc các bệnh lý về gan. Bên cạnh đó cần thường xuyên thăm khám tại các chuyên khoa gan mật để được tầm soát và có hướng điều trị phù hợp.