Viêm dạ dày mạn tính điều trị bằng cách nào?

4 năm trước 30

Nếu cứ để tình trạng viêm dạ dày mạn tính tiếp diễn mà không có biện pháp điều trị thì sẽ có nguy cơ bị loét và xuất huyết dạ dày.

Viêm dạ dày mạn tính là gì?

Lớp lót bề mặt bên trong của dạ dày, được gọi là lớp niêm mạc, có các tuyến sản xuất axit và các chất quan trọng khác giúp tiêu hóa thức ăn, ví dụ như enzyme pepsin. Axit dạ dày có vai trò phân hủy thức ăn và tiêu diệt vi sinh vật lạ xâm nhập vào cơ thể còn enzyme pepsin phân hủy protein. Ngoài thức ăn, axit được dạ dày tạo ra cũng đủ mạnh để phá hủy chính nó. Tuy nhiên, nhờ lớp niêm mạc dạ dày tiết ra chất nhầy để tự bảo vệ nên bình thường dạ dày không bị tổn hại.

Viêm dạ dày mạn tính xảy ra khi lớp niêm mạc này bị viêm. Các tác nhân như vi khuẩn, tiêu thụ quá nhiều rượu, một số loại thuốc, căng thẳng thần kinh kéo dài hoặc các vấn đề về hệ miễn dịch đều có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng này. Khi bị viêm, niêm mạc dạ dày sẽ không còn nguyên vẹn mà mất đi một số tế bào bảo vệ. Tình trạng này thường gây ra hiện tượng đầy bụng dù chỉ ăn rất ít.

Vì viêm dạ dày mạn tính xảy ra trong một thời gian dài nên niêm mạc dạ dày sẽ dần bị ăn mòn và có thể gây ra dị sản hoặc loạn sản. Đây là những biến đổi tiền ung thư trong các tế bào và có thể phát triển thành ung thư nếu không có biện pháp điều trị.

Tình trạng viêm dạ dày mạn tính sẽ cải thiện khi được điều trị nhưng vẫn cần theo dõi liên tục.

Các loại viêm dạ dày mạn tính

Có một số loại viêm dạ dày mạn tính và mỗi loại là do các nguyên nhân khác nhau gây nên:

  • Loại A: nguyên nhân là do hệ miễn dịch tấn công, phá hủy chíng các tế bào dạ dày. Loại viêm dạ dày này có thể gây thiếu vitamin, thiếu máu và ung thư.
  • Loại B: đây là loại viêm dạ dày mạn phổ biến nhất, do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori hay HP) gây ra, và có thể gây viêm loét dạ dày, loét đường ruột và ung thư.
  • Loại C: do các chất kích thích hóa học như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), rượu hoặc dịch mật gây ra. Loại viêm dạ dày này cũng có thể ăn mòn niêm mạc dạ dày và gây xuất huyết.

Ngoài ra còn có các loại viêm dạ dày khác như viêm dạ dày phì đại khổng lồ (thường là do sự thiếu hụt protein gây nên), viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan (có thể xảy ra cùng với các vấn đề dị ứng khác như hen suyễn và bệnh chàm).

Các triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính không phải lúc nào cũng bộc lộ triệu chứng rõ rệt nhưng những triệu chứng thường gặp nhất gồm có:

  • Đau vùng thượng vị (bụng trên)
  • Khó tiêu
  • Đầy hơi
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Hay ợ hơi
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân không chủ đích

Khi nào cần đi khám?

Kích thích dạ dày là một hiện tượng phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng là triệu chứng của viêm dạ dày mạn tính. Nếu tình trạng kích thích dạ dày kéo dài quá một tuần hoặc nếu bạn thường xuyên gặp phải các triệu chứng nêu trên của viêm dạ dày mạn tính thì nên đi khám.

Còn nếu xảy ra bất kỳ vấn đề nào sau đây thì cần đến bệnh viện ngay:

  • Nôn ra máu hoặc chất màu nâu đen như bã cà phê
  • Đi ngoài ra phân đen
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở hoặc nghẹn ở cổ họng, khó nuốt
  • Buồn ngủ cực độ
  • Đột ngột bị ngất
  • Đau bụng kéo dài dai dẳng mà không đỡ
  • Đầu óc lơ mơ, không tỉnh táo

Viêm dạ dày mạn tính có thể dẫn đến xuất huyết (chảy máu) dạ dày và ruột non nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính

Dưới đây là những nguyên nhân gây kích thích niêm mạc dạ dày và dẫn đến viêm dạ dày mạn tính:

  • Sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài, điển hình là thuốc kháng viêm không steroid (aspirin và ibuprofen)
  • Uống rượu quá mức
  • Nhiễm vi khuẩn H. pylori
  • Một số bệnh lý như bệnh tiểu đường hoặc suy thận
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Chịu căng thẳng trong thời gian dài, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
  • Trào ngược dịch mật (mật chảy vào dạ dày)

Các yếu tố nguy cơ

Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày mạn tính:

  • Chế độ ăn có hàm lượng chất béo quá cao
  • Chế độ ăn nhiều muối
  • Hút thuốc lá
  • Thường xuyên tiêu thụ nhiều rượu
  • Hay bị căng thẳng, lo âu trong cuộc sống hàng ngày
  • Từng bị chấn thương vùng bụng khiến cho khả năng tự bảo vệ của dạ dày bị suy giảm.

Bên cạnh đó, nguy cơ mắc bệnh cũng tăng cao nếu bạn bị bệnh tự miễn hoặc các bệnh về tiêu hóa như bệnh Crohn.

Viêm dạ dày mạn tính được chẩn đoán như thế nào?

Cũng như khi chẩn đoán các bệnh khác, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử mắc bệnh và các triệu chứng. Sau đó bạn sẽ cần làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ xác nhận chẩn đoán ban đầu như:

  • Các xét nghiệm để tìm vi khuẩn gây viêm dạ dày (xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc xét nghiêm hơi thở)
  • Xét nghiệm phân để phát hiện xuất huyết dạ dày
  • Xét nghiệm công thức máu để phát hiện dấu hiệu thiếu hụt tế bào hồng cầu
  • Nội soi (đưa một ống dài, nhỏ có gắn camera qua miệng hoặc mũi xuống đường tiêu hóa để quan sát tình trạng bên trong)

Điều trị viêm dạ dày mạn tính bằng cách nào?

Dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống là những cách phổ biến nhất để điều trị viêm dạ dày mạn tính. Mỗi loại viêm dạ dày sẽ có những phương pháp điều trị cụ thể khác nhau với mục đích chính là xử lý căn nguyên gây bệnh.

Trong những trường hợp bị viêm dạ dày mạn tính loại A, cách điều trị thường là bổ sung các chất dinh dưỡng đang bị thiếu. Nếu bị viêm dạ dày mạn tính loại B thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP và kết hợp thuốc kháng axit. Nếu bị viêm dạ dày mạn tính loại C, bạn sẽ cần ngừng các loại thuốc kháng viêm không steroid đang dùng và bỏ rượu để ngăn dạ dày bị tổn thương thêm. Tuy nhiên, nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn về việc ngừng thuốc chứ không được tự ý ngừng.

Các loại thuốc điều trị viêm dạ dày mạn tính

Khi bị viêm dạ dày mạn, bác sĩ thường kê các loại thuốc có tác dụng giảm axit dạ dày. Các loại thuốc được dùng phổ biến nhất gồm có:

  • Thuốc kháng axit, bao gồm cả canxi cacbonat (Rolaids và Tums)
  • Thuốc đối kháng histamine H2, như ranitidine (Zantac)
  • Thuốc ức chế bơm proton, như omeprazole (Prilosec)

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định giảm hoặc ngưng dùng aspirin và các loại thuốc tương tự (nếu có) để giảm kích thích dạ dày.

Các triệu chứng viêm dạ dày mạn tính đôi khi tự hết sau khoảng vài giờ nếu nguyên nhân là do thuốc hoặc đồ uống có cồn gây kích thích dạ dày. Tuy nhiên, đa phần thì viêm dạ dày mạn tính thường kéo dài lâu hơn. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiếp diễn trong suốt nhiều năm.

Chế độ ăn

Khi bị viêm dạ dày mạn tính, bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày để giảm kích thích dạ dày. Những lưu ý về chế độ ăn dành cho người bị viêm dạ dày cấp gồm có:

  • Hạn chế đồ ăn mặn
  • Giảm hàm lượng chất béo trong khẩu phần ăn
  • Tiêu thụ đồ uống có cồn, bao gồm cả bia và rượu ở mức vừa phải hoặc tốt nhất là nên tránh
  • Hạn chế ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, bê, dê và thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt nguội,…

Bên cạnh đó, nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Tất cả các loại trái cây và rau xanh
  • Thực phẩm giàu men vi sinh, chẳng hạn như sữa chua
  • Các loại thịt nạc, chẳng hạn như ức gà, thịt trắng và cá
  • Protein nguồn gốc thực vật như các loại đậu và đậu phụ
  • Các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, bánh từ bột mì nguyên cám, yến mạch,…

Một số thực phẩm thậm chí còn có tác dụng loại bỏ vi khuẩn HP và làm giảm các triệu chứng viêm dạ dày:

  • Tỏi: có đặc tính kháng khuẩn và đặc biệt hiệu quả với vi khuẩn HP.
  • Quả nam việt quất (cranberry): có thể tiêu diệt vi khuẩn và đồng thời làm giảm tác động của vi khuẩn lên dạ dày.
  • Gừng: có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
  • Củ nghệ: hỗ trợ quá trình lành các vết loét và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
  • Men vi sinh, đặc biệt là những loại có chứa lợi khuẩn Lactobacillus hoặc Bifidobacterium, có tác dụng cải thiện chức năng của niêm mạc dạ dày và bảo vệ lớp niêm mạc chống lại vi khuẩn HP. Các loại thực phẩm có chứa nấm kefir, bánh mì làm từ men tự nhiên (sourdough) và sữa chua có rất nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe nói chung và đường tiêu hóa nói riêng.

Viêm dạ dày mạn tính có khỏi được không?

Khả năng và tốc độ phục hồi khi bị viêm dạ dày mạn tính còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra vấn đề và mức độ nghiêm trọng.

Nếu cứ để tình trạng viêm dạ dày mạn tính tiếp diễn mà không có biện pháp điều trị thì sẽ có nguy cơ bị loét và xuất huyết dạ dày.

Khi lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn, nó sẽ suy yếu đi và gây ra những biến đổi trong các tế bào ở thành dạ dày, dần dần có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Hơn nưa, khi bị viêm, dạ dày sẽ mất hoặc giảm khả năng hấp thụ vitamin và gây thiếu hụt vitamin. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sản sinh tế bào hồng cầu của cơ thể, dẫn đến thiếu máu hoặc tác động tiêu cực đến chức năng thần kinh.

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm dạ dày mạn tính?

Bạn có thể ngăn ngừa viêm dạ dày bằng cách duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, cố gắng hạn chế tối đa căng thẳng, không uống rượu bia và lạm dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, naproxen hay aspirin.

Đọc toàn bộ bài viết