Khi xuất hiện các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đầy hơi thì hầu hết ai cũng nghĩ ngay đến trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, những triệu chứng này cũng là các dấu hiệu điển hình của bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật, một căn bệnh ít ai biết đến và nguy hiểm nếu không được điều trị tích cực.
Dịch mật là gì?
Dịch mật có màu vàng hơi xanh, vị đắng và tính kiềm với độ pH từ 7 – 7.7. Mỗi ngày gan tiết ra khoảng 700 – 800ml dịch mật. Lượng dịch mật được tiết ra ít hay nhiều phụ thuộc phần lớn vào lượng mỡ có trong thức ăn.
Đây là loại dịch cần thiết có tác dụng tiêu hóa chất béo, giúp cơ thể hấp thu chất béo cùng các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K, kích thích tăng tiết và hoạt hóa dịch tụy, kích thích nhu động ruột và dịch ruột, tạo ra môi trường kiềm bên trong ruột, hỗ trợ ức chế sự hoạt động của những loại vi khuẩn lên men thối gây hại cho dạ dày.
Đồng thời, hỗ trợ loại bỏ các tế bào hồng cầu già hoặc chết cùng các loại độc tố ra khỏi cơ thể. Mật này được tiết ra từ gan liên tục ngay cả khi chúng ta ăn hoặc không ăn, nếu không ăn thì mật sau khi tiết ra sẽ được cất trữ trong túi mật sau khi được cô đặc.
Viêm dạ dày trào ngược dịch mật là gì?
Viêm dạ dày trào ngược dịch mật là tình trạng xảy ra khi dịch mật bên trong tá tràng bị trào ngược vào trong dạ dày và gây ra viêm cùng nhiều triệu chứng khó chịu. Bình thường, dạ dày và tá tràng sẽ được ngăn cách với nhau bởi cơ môn vị, trong đó van môn vị đóng vai trò như một chiếc cửa để giữ không cho dịch thức ăn ở ruột non trào vào ngược bên trong dạ dày, chỉ khi nào có thức ăn cần xuống ruột thì mới mở ra.
Tuy nhiên, khi van môn vị không được đóng kín sẽ tạo điều kiện cho dịch mật trào ngược lên dạ dày và gây viêm. Thậm chí, trong vài trường hợp van tâm vị mở đúng lúc thì dịch mật cũng có thể trào ngược lên thực quản gây bệnh và gây bệnh cùng các triệu chứng khó chịu.
Ngoài ra, có rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa trào ngược dịch mật và trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh lý riêng biệt, trong đó bệnh trào ngược dạ dày dịch mật không thể được kiểm soát và hỗ trợ khắc phục các triệu chứng của bệnh bằng việc thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày hay lối sống sinh hoạt mà bắt buộc phải điều trị bằng thuốc, thậm chí nếu bệnh nặng thì có thể phải can thiệp phẫu thuật.
Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật
So với trào ngược dạ dày thực quản thì viêm dạ dày trào ngược dịch mật khá hiếm, tỷ lệ người mắc bệnh không cao nhưng nếu chẳng may mắc bệnh thì triệu chứng, biến chứng và hậu quả của bệnh khi không được điều trị kịp thời nguy hiểm gấp nhiều lần so với các bệnh lý về đường tiêu hóa khác.
Hầu hết những người bị bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật đều là do biến chứng của những bệnh lý khác hay do can thiệp phẫu thuật khiến cho van môn vị bị tổn thương, hở ra và vô tình tạo điều kiện để dịch mật trào ngược lên thực quản. Có thể kể đến một số nguyên nhân cụ thể như sau:
Can thiệp phẫu thuật
- Dạ dày: Những người đã từng thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày để trị bệnh thì nguy cơ cao sẽ khiến cho van môn vị bị tổn thương, suy giảm chức năng khiến việc đóng mở không đảm bảo và tạo điều kiện để dịch mật trào ngược vào dạ dày.
- Túi mật: Theo một thống kê gần đây cho thấy hầu hết những người đã từng thực hiện các biện pháp điều trị ngoại khoa có liên quan đến túi mật như u túi mật, sỏi mật, viêm teo túi mật…thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh trào ngược dịch mật cao hơn so với những người bình thường.
Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Nhóm những người bệnh đã từng có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật. Vết viêm loét càng lớn thì càng khiến cho khả năng trương lực của cơ môn vị và cơ tâm vị bị suy giảm chức năng. Điều này đồng nghĩa với việc dạ dày tá tràng bị suy giảm và chính là cơ hội để dịch mật trào ngược lên gây bệnh.
Do thói quen ăn uống
Những người có thói quen ăn uống không khoa học, nhất là ăn quá no sẽ khiến cho dạ dày bị quá tải, kéo theo đó là tình trạng đầy bụng, khó tiêu và lượng thức ăn thừa khi dạ dày chưa tiêu hóa hết sẽ bị ứ đọng lại bên trong khiến cho cơ thắt bên dưới thực quản phải chịu áp lực lớn. Chính vì vậy mà dịch mật có cơ hội trào ngược lên trên và gây bệnh.
Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật
Theo các chuyên gia thì triệu chứng của bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật khá tương đồng với trào ngược axit dạ dày nên khiến nhiều người bệnh dễ nhầm lẫn. Có thể kể đến một số triệu chứng như sau:
- Đắng miệng, ợ nóng: Vị đắng trào lên miệng là do dịch mật khác với trào ngược dạ dày có vị chua.
- Buồn nôn, nôn: Dịch nôn khi bị viêm dạ dày trào ngược dịch mật có màu vàng hoặc xanh hoặc vàng, đây là màu của dịch mật.
- Đau rát cổ họng: Dịch mật bị trào ngược lên không chỉ gây viêm dạ dày mà còn để lại tình trạng đau rát cổ họng, do lớp niêm mạc họng bị khàn, đau họng, viêm họng cùng các bệnh lý liên quan đến thanh quản.
- Đau rát vùng thượng vị: Xuất hiện các triệu chứng đau âm ỉ vùng thượng vị, nóng rát.
- Đầy bụng: Dịch mật trào ngược lên dạ dày làm suy giảm chức năng tiêu hóa, khiến thức ăn không được tiêu hóa hết, thức ăn ứ đọng lâu hơn trong dạ dày dẫn đến tình trạng khó tiêu, đầy bụng.
- Sụt cân: Do quá trình tiêu hóa thức ăn bị suy giảm gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thức ăn, lâu ngày gây ra tình trạng chán ăn, ăn gì cũng khó tiêu và khiến người bệnh sụt cân nhanh chóng.
Có thể thấy được những triệu chứng của viêm dạ dày trào ngược dịch mật tuy tương tự nhưng có cũng có những điểm nhận biết riêng biệt, người bệnh cần chú ý theo dõi triệu chứng, nếu có sự nghi ngờ hãy nhanh chóng thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán bệnh, điều trị kịp thời.
Bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật có nguy hiểm không? Bệnh có tự khỏi không?
Viêm dạ dày trào ngược dịch mật khác với trào ngược thực quản đó là không thể cải thiện bằng việc thay đổi thói quen ăn uống hay sinh hoạt mà bắt buộc phải điều trị chuyên khoa, sử dụng thuốc để kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro ngoài ý muốn. Tóm lại, căn bệnh này không thể tự khỏi được nếu không áp dụng các biện pháp đặc trị.
Nếu phát hiện và điều trị kịp thời thì không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên, nếu bệnh không được tích cực điều trị thì sau một thời gian dài bệnh diễn tiến âm thầm, người bệnh chịu đựng các triệu chứng sẽ càng khiến cho bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí là gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Một số các biến chứng có thể kể đến như:
- Trào ngược dạ dày dịch mật: Tình trạng trào ngược dịch mật ngày càng nhiều sẽ càng khiến cho các cơ thắt thực quản bị rối loạn, thậm chí suy giảm chức năng khiến cho bệnh ngày càng nặng, diễn ra thường xuyên hơn.
- Viêm loét xuất hiện thực quản: Thực quản khi phải nhiều lần tiếp xúc với dịch mật, lượng axit có trong thức ăn dư thừa trào lên khiến cho thực quản bị tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến viêm loét, xuất huyết.
- Viêm hang vị dạ dày và trào ngược dịch mật: Tình trạng trào ngược dịch mật không chỉ gây viêm dạ dày mà còn khiến hang vị bị tổn thương, vì tiếp xúc với dịch mật quá nhiều, axit sản sinh quá mức gây viêm hang vị dạ dày.
- Viêm đường hô hấp: Một số các triệu chứng đi kèm theo bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật đó là các biểu hiện về đường hô hấp như viêm phổi, viêm amidan, viêm phế quản…
- Bị hẹp thực quản: Các vết viêm loét sau khi bị tổn thương khi đã lành lại sẽ tạo nên các vết sẹo khiến cho thực quản bị thu hẹp. Chính điều này khiến thức ăn bị cản trở khi đi xuống hoặc tắc nghẽn nên xuất hiện các triệu chứng khó nuốt, cổ họng như có vật cản….
- Bị barret thực quản: Theo một thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy có đến 10 – 15% người mắc bệnh Barret thực quản xảy ra là do biến chứng của bệnh trào ngược dịch mật.
- Ung thư thực quản, ung thư dạ dày: Nếu tình trạng bệnh kéo dài không thuyên giảm, nếu kéo dài trên 10 năm thì có nguy cơ biến chứng thành ung thư cực kỳ nguy hiểm.
Phương pháp chẩn đoán viêm dạ dày trào ngược dịch mật
Các triệu chứng của bệnh sẽ ngày càng biểu hiện rõ ràng theo thời gian, người bệnh tốt nhất nên thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong quá trình thăm khám bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mô tả chi tiết các triệu chứng và tiền sử của bệnh.
Tuy nhiên, để kết luận chính xác là bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật hay trào ngược dạ dày thực quản thì cần phải được thực hiện các xét nghiệm như:
- Nội soi: Bác sĩ sẽ sử dụng một chiếc ống mỏng và dẻo gắn đầu máy ảnh mini đưa vào cổ họng của người bệnh. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát rõ những vết loét hoặc các ổ viêm bên trong dạ dày, thực quản. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể tiến hành lấy mẫu mô để kiểm tra xét nghiệm xem có dấu hiệu của ung thư thực quản hay bị barret thực quản hay không.
- Thử nghiệm Acid Ambulatory: Phương pháp này không được áp dụng phổ biến như nội soi. Áp dụng cách này giúp xác định khi nào và trong khoảng bao lâu thì axit trào ngược lên thực quản của người bệnh. Thông qua đường mũi, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông mỏng dẻo với đầu dò ở đầu luồn qua mũi vào trong thực quản. Cách này sẽ giúp bác sĩ sẽ có cơ sở để phân biệt trường hợp nào là trào ngược dịch mật và đâu là trào ngược axit.
- Đo trở kháng thực quản: Thực hiện xét nghiệm này là cách để giúp xác định là chất lỏng trào ngược lên thực quản là khí hay chất. Việc đo trở kháng thực quản thường dành cho những người bị ợ ra những chất không có tính axit như mật mà cách sử dụng đầu dò axit không hiệu quả.
Cách điều trị bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật hiệu quả
Do bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật không liên quan nhiều đến chế độ ăn uống hay lối sống sinh hoạt cá nhân bình thường của con người. Thay vào đó là áp dụng điều trị theo các phương pháp đặc trị mới có thể cải thiện bệnh hiệu quả:
Phác đồ điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật theo Tây y
Sau quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ dựa theo kết quả sau chẩn đoán và xét nghiệm thì tùy thuộc vào mức độ mắc bệnh mà được tư vấn điều trị bằng một phác đồ phù hợp.
Điều trị nội khoa
Thực chất là sử dụng thuốc Tây để điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật và cải thiện các triệu chứng. Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến như:
- Axit Ursodeoxycholic: Các thành phần trong thuốc có khả năng thúc đẩy lưu lượng mật, hỗ trợ ức chế các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh như buồn nôn, đau bụng…(8 – 12mg/kg/ngày, chia làm 2 – 3 lần uống tùy từng trường hợp).
- Thuốc ức chế bơm proton: Sử dụng các loại thuốc trong nhóm này giúp ngăn ngừa quá trình tiết acid, nhờ đó giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc phổ biến như Rabeprazole (30mg/ lần/ ngày), Lansoprazole (20mg/ lần/ ngày), Omeprazole (20mg/ ngày).
- Các chất cô lập acid mật: Những chất trong thuốc này có khả nang làm gián đoạn quá trình lưu thông mật cũng như giảm các triệu chứng trào ngược. Các loại thuốc được chỉ định sử dụng phổ biến như: Cisaprid (10mg/ lần, 4 lần/ngày), Questran (tùy từng người bệnh) và Colestid (2 g/ngày, tối đa 16 g/ngày).
Lưu ý, những loại thuốc Tây được chỉ định sử dụng chỉ có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh trong một thời gian ngắn chứ không thể điều trị bệnh dứt điểm tận gốc. Ngoài ra, thuốc Tây vốn không chỉ có tác dụng trị bệnh mà còn tiềm ẩn các tác dụng phụ ngoài ý muốn, nguy hiểm không tuân thủ theo đúng lời hướng dẫn của bác sĩ.
Can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa
Trong trường hợp mắc bệnh nặng, xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm, biến chứng nặng nề, không đáp ứng sử dụng thuốc Tây hoặc sử dụng trong một thời gian dài mà không có sự thuyên giảm mà ngày càng có xu hướng nặng hơn thì sẽ được chỉ định điều trị ngoại khoa, can thiệp trực tiếp vào vùng dạ dày.
Một số phương pháp được sử dụng phổ biến để trị bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật như:
- Phẫu thuật bằng phương pháp Roux-en-Y
Theo thống kê thì có từ 50 – 90% trên tổng số những người mắc bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật khỏi hẳn hoàn toàn. Phương pháp này khá phù hợp với những người bệnh đã từng phẫu thuật dạ dày nhằm loại bỏ Pylorus. Cách này sẽ tạo ra một hệ thống kết nối mới bên trong hệ tiêu hóa, nhằm thoát nước mật ở xa ruột non.
Tùy vào từng người bệnh mà thực hiện phẫu thuật thủ công hay phẫu thuật nội soi. Quy trình thực hiện cơ bản như sau: đánh giá vết thương, xác định vị trí nối tắt, tạo miệng nối, vệ sinh sát trùng ổ bụng và đóng thành bụng. Giai đoạn hậu phẫu, người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi trong 24 giờ đầu.
- Tạo van chống trào ngược
Phương pháp này nhằm khắc phục khả năng co thắt của vòng thực quản, nhờ đó mà hạn chế được tối đa sự trào ngược của dịch mật. Phương pháp này không hề dễ dàng nên yêu cầu bác sĩ thực hiện phải là người có chuyên môn cao, nắm vững kỹ thuật tạo van, vì vậy tốt nhất cần chọn một cơ sở y tế uy tín, đáng tin cậy để thực hiện.
Điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật theo Đông y
Sử dụng các bài thuốc Đông y cũng là một trong những phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay. Những bài thuốc này được đánh giá là khá an toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ và nếu điều trị đúng hướng có khả năng điều trị tận gốc tình trạng trào ngược dịch mật.
Những bài thuốc Đông y thường sử dụng những vị thuốc, thảo dược lành tính và có khả năng kiểm soát khả năng tiết dịch, kháng viêm, trung hòa acid cũng như bảo vệ niêm mạc dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng của bệnh do dịch mật bị trào ngược.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình sử dụng người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài thì mới có thể đem lại hiệu quả cao. Bài thuốc được ứng dụng phổ biến nhằm điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật hiện nay đó là:
- Chuẩn bị: đinh lăng, bán hạ, cam thảo, tía tô, bạch linh, ngũ sắc, thủ ô chế, lương khung, linh khương, hoài sơn, bạch truật, liên nhục, ngũ gia bì, phòng sâm. Liều lượng của từng vị thuốc có thể thay đổi gia giảm liều lượng phù hợp với từng trường hợp mắc bệnh nặng hay nhẹ cũng như cơ địa của người bệnh.
- Cách dùng: mỗi ngày sắc 1 thang thuốc, lọc lấy nước thuốc và chia làm 2 lần uống, sau đó sử dụng ngay sau mỗi bữa ăn để phát huy tốt nhất công dụng của thuốc.
Áp dụng các loại thảo dược điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật
Bên cạnh thuốc Tây hiện đại, thuốc Đông y cổ truyền thì các loại thảo dược, thực chất là các bài thuốc Nam cũng là một cách điều trị trào ngược dịch mật phổ biến. Có thể kể đến một số cách sau:
- Uống trà gừng: Gừng là thực phẩm phổ biến, dễ tìm và không mất nhiều chi phí. Theo nghiên cứu thì trong gừng có chứa hàm lượng lớn hoạt chất gingerol có tác dụng lớn trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý về dạ dày, hệ tiêu hóa, trong đó có cả bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật. Sử dụng vài lát gừng cho vào nước nóng và đợi khoảng 5 phút thì uống hết trong ngày.
- Sử dụng mật ong pha bột nghệ: Một thìa mật ong kết hợp với một thìa tinh bột nghệ nguyên chất, hòa vào trong một cốc nước ấm và uống hằng ngày để giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh.
- Uống trà hoa cúc: Hoa cúc làm trà đem lại hiệu quả khá lớn trong việc cải thiện các triệu chứng của một số bệnh lý về dạ dày. Chọn khoảng 5 – 6 bông hoa cúc khô hãm cùng nước nóng và uống thay thế nước trà mỗi ngày.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì các bài thuốc Nam sẽ đem lại hiệu quả khá tốt trong những trường hợp người bệnh bị viêm dạ dày trào ngược dịch mật giai đoạn nhẹ. Nếu kiên trì sử dụng sẽ giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng. Đồng thời, trong quá trình áp dụng các phương pháp điều trị viêm dạ dày trào ngược dịch mật theo Tây y, Đông y hay thuốc Nam cũng cần kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt lành mạnh nhằm điều trị bệnh hiệu quả.
Bị viêm dạ dày trào ngược dịch mật nên ăn gì, kiêng gì?
Bị viêm dạ dày trào ngược dịch mật nên ăn gì và kiêng gì cũng là một trong những vấn đề băn khoăn của nhiều người. Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, chọn lọc thực phẩm nào nên ăn và không nên ăn, sau đó cân đối tỷ lệ dưỡng chất phù hợp trong mỗi bữa ăn sao cho phù hợp. Cụ thể như sau:
Thực phẩm nên ăn
- Bổ sung nhiều loại rau củ có chứa chất xơ, giàu vitamin A và vitamin C. Hàm lượng những chất này sẽ có tác dụng làm giảm bớt chất acid bên trong dạ dày, hỗ trợ kích thích hệ tiêu hóa, nhờ đó loại bỏ được các triệu chứng trào ngược.
- Thường xuyên ăn nhiều trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất nhằm nâng cao sức đề kháng, đồng thời bổ sung các dưỡng chất đang bị thiếu hụt trong cơ thể.
- Ưu tiên chọn lựa các loại thịt trắng dễ tiêu hóa như thịt gà, thịt vịt, cá, thịt ngan, tôm…
- Đối với tinh bột thì nên ưu tiên bổ sung các loại lúa mạch, gạo trắng, bánh mì, bột yến mạch…Bởi những loại thực phẩm này không chỉ dễ tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất tối đa mà còn giúp ức chế và giảm nồng độ acid dạ dày dư thừa.
- Nghệ và gừng là 2 thực phẩm tốt trong việc kháng viêm, chống khuẩn và giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên sử dụng với liều lượng nhỏ phù hợp, tránh lạm dụng vì dễ gây ra tình trạng nóng ruột.
Thực phẩm không nên ăn
- Tránh nạp vào cơ thể những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, đồ chiên xào vì sẽ càng làm nặng thêm tình trạng bệnh lý tại dạ dày, việc hệ tiêu hóa bị quá tải bởi những thực phẩm khó tiêu sẽ khiến cho dịch vị acid trong dạ dày càng nhiều hơn không tốt.
- Tránh các loại hoa quả có chứa nhiều chất acid như cam, quýt…để tránh làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược, khó chịu của dạ dày.
- Tránh những loại thực phẩm có chứa nhiều chất bảo quản như thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh…Đây là những thức ăn tối kị với những người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa.
Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hằng ngày
Có thể thấy rằng, nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật không liên quan đến chế độ ăn uống hay thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, những người bị trào ngược dịch mật vẫn phải thực hiện hoặc thay đổi các thói quen để cải thiện triệu chứng bệnh.
- Ăn uống xong nên tránh nằm ngay, vì đây là thời điểm dịch mật tiết ra nhiều nhất, nằm sẽ dễ khiến cho dịch mật trào ngược lên ngay thời điểm đó hoặc trào ngược ngay trong lúc ngủ.
- Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày, tránh việc ăn quá no để giảm áp lực lên dạ dày, hạn chế trào ngược.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc cai thuốc càng sớm càng tốt vì hoạt chất Nicotin trong thuốc lá sẽ làm tăng các yếu tố làm tổn thương niêm mạc, gay khô miệng, giảm tiết nước bọt, khiến cơ thể khộng tự trung hòa acid được, làm nặng thêm triệu chứng đau họng.
- Tư thế nằm ngủ mà đầu và bụng nằm ngang bằng nhau sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược dịch mật trong lúc ngủ. Vì vậy, khi ngủ nên kê cao gối từ 10 – 15cm là tốt nhất.
- Kiểm soát cân nặng, tránh gây béo phì, thừa cân vì đây là một trong những nguy cơ gây chèn ép khiến dịch mật bị trào ngược.
- Giữ cho tinh thần được vui vẻ, tránh căng thẳng, stress vì đây cũng là nguy cơ làm mất cân bằng giữa hai yếu tố là tấn công (chất HCL, pepsin) và bảo vệ (chất nhầy), hạn chế tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày.
Tóm lại, bệnh viêm dạ dày trào ngược dịch mật mặc dù không phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản nhưng lại nguy hiểm hơn nhiều. Nếu không được điều trị tích cực sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe về sau. Hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và tiếp nhận chữa bệnh càng sớm càng tốt.