Viêm gan B có nên ăn trứng? - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

3 năm trước 24

Câu hỏi:

Chế độ sống hằng ngày (ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ,...) của người viêm gan B thì phải tuyệt đối kiêng cữ cái gì, cái gì hạn chế ăn, cái gì nên ăn nhiều?

Tôi tìm hiểu trên một số website trên mạng có nói là không được ăn trứng, có trang thì nói ăn được, mong bác sĩ giải đáp giúp vấn đề này. Việc thức khuya có ảnh hưởng nhiều đến viêm gan B không ạ? Viêm gan B có lây qua cho vợ, con cái không? Hùng Trần (hungtr415@...)

Trả lời:

Người bị Viêm gan siêu vi B nếu ở giai đoạn ổn định thì chế độ ăn như người bình thường, tức là cần ăn đa dạng và cân đối đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đường (cơm, mì, bắp, khoai…), béo, đạm, khoáng chất: rau củ quả. Không nên ăn quá nhiều thứ này mà thiếu thứ kia.

Nếu chưa bị xơ gan hoặc không bị viêm gan cấp tính thì mỗi tuần có thể ăn được 3 trứng gà vịt, nếu đã bị xơ gan có thể chỉ nên ăn lòng trắng và hạn chế lòng đỏ; bạn chú ý phải kiêng rượu bia. Nếu chưa xơ gan hoặc không có viêm gan cấp thì làm việc bình thường, hạn chế thức khuya hoặc thiếu ngủ (bình thường ngủ đủ là 7-8 giờ/ngày).

Viêm gan B có lây qua cho vợ, con cái không? Tôi xin trả lời là có thể lây. Siêu vi viêm gan B có thể lây truyền từ người này qua người khác qua 3 con đường chính: tiếp xúc máu, tình dục, từ mẹ lây sang con.

Lây qua đường máu khi dùng kim tiêm chung khi chích thuốc, truyền máu, lây qua vết thương, lây khi xăm hình nếu dùng dụng cụ chung, dùng đồ cắt móng tay, cạo râu, bàn chải đánh răng chung. Để tránh bị lây nhiễm qua con đường máu, bạn nên cẩn thận, không được sử dụng chung dụng cụ cá nhân.

Người mẹ có thể lây truyền siêu vi viêm gan B cho con, dù sinh thường hay sinh mổ. Vì thế, để giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ từ mẹ, trước lúc vợ chuẩn bị sinh, bạn nên báo trước cho Bác sĩ khoa sản để Bác sĩ đưa bé đi chích ngừa kháng thể HBIG trong vòng 12 giờ đầu sau sinh.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Đọc toàn bộ bài viết