Viêm gan B: Con đường lây nhiễm, chẩn đoán, cách điều trị và phòng ngừa

5 năm trước 30

Viêm gan siêu vi B rất dễ lây lan. Bệnh này lây truyền qua sự tiếp xúc với máu và một số loại chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh.

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (hepatitis B virus - HBV) gây ra. Viêm gan B là 1 trong 5 loại viêm gan siêu vi hay viêm gan virus. Ngoài ra còn có viêm gan A, viêm gan C, viêm gan D và viêm gan E. Mỗi loại lại do một virus khác nhau gây ra.

Viêm gan siêu vi B có hai dạng là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.

Ở người lớn, viêm gan B cấp tính gây ra các triệu chứng xuất hiện trong thời gian ngắn. Trẻ sơ sinh rất hiếm khi chỉ bị viêm gan B cấp tính mà gần như tất cả các trường hợp viêm gan B ở trẻ sơ sinh đều trở thành mạn tính.

Viêm gan B mạn tính là tình trạng bệnh phát triển chậm, các triệu chứng thường không biểu hiện rõ rệt cho đến khi có biến chứng.

Viêm gan B có lây không?

Viêm gan siêu vi B rất dễ lây lan. Bệnh này lây truyền qua sự tiếp xúc với máu và một số loại chất dịch cơ thể của người nhiễm bệnh. Mặc dù virus viêm gan B có cả trong nước bọt nhưng bệnh này lại không lây qua việc hôn, hắt hơi, ho và cũng không lây qua đường sữa mẹ hay tiếp xúc ngoài da. Thời gian ủ bệnh trung bình của viêm gan B là khoảng 90 ngày sau phơi nhiễm nhưng các triệu chứng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 8 tuần đến 5 tháng. Do đó, dù không thấy có triệu chứng nhưng rất có thể bạn đã bị nhiễm bệnh. Virus viêm gan B có thể sống bên ngoài cơ thể trong thời gian lên đến 7 ngày.

Các con đường lây nhiễm chính của bệnh viêm gan B gồm có:

  • Tiếp xúc trực tiếp với máu có virus
  • Lây truyền từ mẹ sang con
  • Dùng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh
  • Quan hệ (bằng đường miệng, âm đạo và hậu môn) với người bị viêm gan B
  • Sử dụng chung các vật dụng cá nhân có dính chất dịch của người bị bệnh như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay bấm móng tay.

Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B?

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm viêm gan B đặc biệt cao như:

  • Nhân viên y tế
  • Người có quan hệ tình dục đồng giới, với trai/gái mại dâm hay quan hệ với nhiều người
  • Người đang điều trị bằng các phương pháp tiêm hoặc truyền tĩnh mạch
  • Người mắc bệnh gan mạn tính
  • Người mắc bệnh thận
  • Người trên 60 tuổi bị bệnh đái tháo đường
  • Những người đi đến các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao

Các triệu chứng của viêm gan B

Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính thường không biểu hiện trong suốt nhiều tháng hoặc nếu có thì chỉ biểu hiện rất nhẹ. Tuy nhiên, nếu có thì các triệu chứng phổ biến thường là:

  • Mệt mỏi
  • Nước tiểu màu đậm
  • Đau nhức cơ và khớp
  • Chán ăn
  • Sốt
  • Khó chịu trong bụng
  • Lòng trắng mắt và da chuyển màu vàng

Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính thường nặng nhất ở những người trên 60 tuổi. Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của viêm gan B hoặc nghi ngờ mình vừa tiếp xúc với người bị viêm gan B thì cũng cần đi bệnh viện khám ngay để có biện pháp chống phơi nhiễm.

Viêm gan B được chẩn đoán như thế nào?

Bệnh viêm gan B được chẩn đoán bằng cách làm xét nghiệm máu. Đây là phương pháp khám sàng lọc được khuyện nghị cho những người:

  • đã tiếp xúc với người bị viêm gan B
  • mới sang một quốc gia có tỉ lệ mắc viêm gan B cao
  • là tù nhân
  • điều trị bằng các loại thuốc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch
  • đang trong quá trình lọc máu ngoài thận
  • đang mang thai
  • nam giới đã quan hệ đồng tính
  • người quan hệ với nhiều bạn tình
  • bị HIV

Để kết luận viêm gan B, bác sĩ sẽ phải làm các xét nghiệm máu khác nhau như:

Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg)

Xét nghiệm kháng nguyên bề mặt viêm gan B hay xét nghiệm HBsAg giúp phát hiện bạn có bị nhiễm bệnh hay không. Kết quả dương tính có nghĩa là bạn đã bị viêm gan B và có thể lây truyền virus. Còn kết quả âm tính có nghĩa là bạn hiện không bị viêm gan B. Xét nghiệm này không phân biệt được viêm gan B mạn tính và cấp tính nên thường được thực hiện cùng với các xét nghiệm khác để xác định giai đoạn bệnh.

Xét nghiệm kháng nguyên lõi viêm gan B

Xét nghiệm kháng nguyên lõi viêm gan B (HBcAg) cho thấy bạn hiện có đang bị viêm gan B hay không. Kết quả dương tính có nghĩa là bạn bị viêm gan B cấp tính hoặc mạn tính hoặc cũng có nghĩa là cơ thể bạn đang hồi phục sau viêm gan B cấp tính.

Xét nghiệm kháng thể bề mặt viêm gan B

Xét nghiệm kháng thể bề mặt viêm gan B (HBsAb) là phương pháp nhằm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể với virus viêm gan B. Kết quả dương tính có nghĩa là cơ thể bạn miễn dịch với bệnh này. Có hai lý do mà xét nghiệm này cho kết quả dương tính. Thứ nhất là bạn đã tiêm phòng hoặc thứ hai là bạn có thể đã hồi phục sau khi bị nhiễm viêm gan B cấp tính và không còn bị bệnh nữa.

Xét nghiệm chức năng gan

Xét nghiệm chức năng gan là bước kiểm tra rất quan trọng ở những người bị viêm gan B hoặc bất kỳ bệnh về gan nào. Xét nghiệm chức năng gan là phương pháp xét nghiệm mẫu máu để xác định nồng độ enzyme (men gan) do gan tạo ra. Nồng độ men gan cao là dấu hiệu cho thấy gan đã bị tổn thương hoặc bị viêm. Kết quả xét nghiệm này còn giúp xác định được phần nào của gan đang hoạt động không bình thường.

Nếu chỉ số men gan cao thì có thể phải làm thêm các xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C hoặc các xét nghiệm nhiễm trùng gan khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể còn tiến hành siêu âm gan hoặc thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.

Điều trị viêm gan B

Tiêm vắc-xin viêm gan B và huyết thanh miễn dịch

Nếu nghi ngờ mình vừa mới tiếp xúc với virus viêm gan B trong vòng 24 giờ qua thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Nếu bạn chưa tiêm phòng viêm gan B thì sẽ được chỉ định tiêm ngay vắc-xin và huyết thanh miễn dịch (globulin miễn dịch) để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đây là huyết thanh có chứa kháng thể chống lại virus viêm gan B.

Các phương pháp điều trị viêm gan B

Viêm gan B cấp tính thường không cần điều trị. Hầu hết các trường hợp đều tự bình phục sau khi nghỉ ngơi đầy đủ và bổ sung nhiều nước.

Với viêm gan B mạn tính thì sẽ cần dùng thuốc kháng virus để chống lại virus gây bệnh và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng về gan trong tương lai.

Nếu viêm gan B đã gây tổn thương nghiêm trọng cho gan thì sẽ cần phẫu thuật ghép gan. Đây là quy trình phẫu thuật mà là bác sĩ sẽ cắt đi phần gan bị hỏng và thay thế bằng gan của người hiến. Người hiến gan đa phần là người thân thích trong gia đình hoặc bạn bè.

Các biến chứng của viêm gan B

Các biến chứng của bệnh viêm gan B mạn tính gồm có:

Viêm gan D là dạng viêm gan chỉ xảy ra ở những người bị viêm gan B. Viêm gan D hiện không phổ biến nhưng cũng có thể dẫn đến bệnh gan mạn tính.

Làm thế nào để ngăn ngừa viêm gan B?

Tiêm vắc-xin viêm gan B là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Mỗi người sẽ cần tiêm đủ ba mũi. Đây là điều đặc biệt cần thiết đối với:

  • Trẻ sơ sinh, thường cần tiêm ngay sau khi sinh
  • Mọi trẻ em và thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng khi sinh
  • Người đang điều trị các bệnh lây qua đường tình dục (STI)
  • Những người sống và làm việc trong môi trường dễ mắc bệnh, ví dụ như nhân viên y tế
  • Những người thường xuyên phải tiếp xúc với máu
  • Người bị HIV
  • Người quan hệ với nhiều bạn tình hay quan hệ với trai/gái mại dâm
  • Người tiêm chích ma túy
  • Thành viên gia đình của những người bị viêm gan B
  • Mắc các bệnh mạn tính
  • Những người từng đến các vùng miền, đất nước có tỷ lệ viêm gan B cao

Nói chung, tất cả mọi người đều nên tiêm vắc-xin viêm gan B. Đây là một loại vắc-xin rất an toàn và chi phí cũng không cao.

Ngoài ra còn có những biện pháp khác để giảm nguy cơ nhiễm viêm gan B, ví dụ như sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng (dental dam) khi quan hệ tình dục, không sử dụng ma túy, khuyên người thân hoặc người yêu/chồng/vợ đi xét nghiệm viêm gan B thường xuyên. Nếu bạn có ý định đi nước ngoài du lịch thì tốt nhất nên chọn những nơi có tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B thấp hoặc phải tiêm phòng đầy đủ trước khi đi.

Đọc toàn bộ bài viết