Viêm gân là gì? – Vị trí thường gặp, triệu chứng và cách điều trị

1 năm trước 23

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Vật Lý Trị LiệuGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Viêm gân là căn bệnh phổ biến thường gặp ở các vận động viên thể thao. Trong hầu hết các trường hợp, căn bệnh này có thể được chữa khỏi bằng cách sử dụng thuốc, vật lý trị liệu kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Viêm gân là gì?

Gân là những dải mô xơ dày, dẻo dai được tạo thành từ những sợi collagen nhỏ. Chúng kết nối các cơ với xương. Chức năng chính của bộ phận này giúp các khớp vận động dễ dàng, giữ cho xương khỏi bị lệch. Cũng như bất kì bộ phận nào khác, gân cũng có thể bị viêm.

Viêm gân là gìViêm gân cổ tay là một trong những dạng viêm gân phổ biến

Viêm gân là tình trạng kích ứng, tổn thương gân dẫn đến sưng, đau và cản trở hoạt động của khớp ở khu vực gần nơi bị tổn thương. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng. Căn bệnh này thường xảy ra ở các vận động viên thể thao hay những người làm việc có các hoạt động được lặp đi lặp lại, phải gắng sức nhiều.

Hiếm khi viêm gân do nhiễm trùng gây ra, một số ít trường hợp bị bệnh do lậu – loại vi khuẩn có khả năng lây lan trực tiếp qua đường tình dục. Bệnh cũng được tìm thấy trên những đối tượng mắc bệnh tiểu đường hoặc những người được điều trị bằng các thuốc kháng sinh như Ciprofloxacin hoặc Levofloxacin.

Những vị trí thường bị viêm gân

Viêm gân có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có gân được tìm thấy trên cơ thể. Tuy nhiên những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là các gân ở khu vực hoạt động nhiều như:

  • Vai: Viêm có thể ảnh hưởng đến các gân của cơ supraspinatus , infraspinatus và một số gân khác. Những đối tượng bị viêm gân vai thường là những người làm việc trong môi trường đòi hỏi cánh tay sự nâng lên thường xuyên của cánh tay như giáo viên, họa sĩ, thợ sơn nhà, vận động viên bơi lợi, người chơi cầu lông, tennis.
  • Khuỷu tay: Bệnh viêm gân khuỷu tay thường ảnh hưởng đến các vận động viên quần vợt hoặc những người chơi môn thể thao ném như ném bi sắt, ném đĩa, ném lao.
  • Cổ tay: Hoạt động ở cổ tay được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm gân cổ tay. Bạn có nguy cơ mắc viêm gân ở vị trí này nếu viết nhiều, sử dụng máy tính thường xuyên hay làm thợ cắt tóc…
  • Đầu gối: Dạng phổ biến nhất là viêm gân bánh chè. Các cầu thủ bóng rổ là những người dễ bị viêm gân ở vị trí này nhất.
  • Gót chân: Các gân ở chân thường bị viêm nhất là gân Achilles và ropelike. Tình trạng viêm gân gót chân có thể xảy ra khi bạn chạy nhảy nhiều hoặc mang giày có kích cỡ không phù hợp.

Triệu chứng nhận biết viêm gân

Bạn có thể nhận biết căn bệnh này thông qua các dấu hiệu sau:

  • Đau và sưng ở các mô xung quanh khớp. Cơn đau thường diễn ra âm ỉ và tăng nặng khi vận động khớp bị ảnh hưởng. Tùy theo vị trí gân bị viêm, bạn có thể bị đau vai, đau phía trong và ngoài khuỷu tay, đau cổ tay hay đau gót chân.
  • Khu vực có gân bị viêm nóng đỏ, ấm khi dùng tay chạm vào
  • Trường hợp viêm gân do lậu: Bên cạnh các triệu chứng trên, bạn còn có thể bị sốt, âm đạo hoặc dương vật tiết nhiều dịch, nổi phát ban ngoài da.
Triệu chứng của viêm gânSưng, đau và nóng đỏ bên ngoài khu vực ảnh hưởng là triệu chứng điển hình của viêm gân

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?

Một số trường hợp bị viêm gân nhẹ có thể đáp ứng được với các phương pháp tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài hơn một ngày làm ảnh hưởng đến các hoạt động cá nhân thì bạn nên tới gặp bác sĩ để có phương án điều trị sớm, tránh để bệnh tiến triển nặng thêm.

Bệnh viêm gân có nguy hiểm không?

Viêm gân không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm tình trạng viêm có thể lan rộng và ăn sâu vào trong gây rách gân, đứt gân. Bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tàn tật cao nếu gặp phải biến chứng này.

Cách chẩn đoán viêm gân

– Khám lâm sàng:

Sau khi nắm rõ lịch sử bệnh tật cũng như những chấn thương về xương khớp bạn từng gặp trước đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thành thật trả lời một số câu hỏi liên quan đến cơn đau như:

  • Cơn đau của bạn diễn ra ở đâu? Nó chỉ xảy ra ở một vị trí hay lan rộng ra xung quanh?
  • Tính chất đau như thế nào? Bạn bị đau âm ỉ, dữ dội hay nóng rát?
  • Ngoài đau thì có còn triệu chứng nào khác không? Chẳng hạn như tê, yếu hoặc ngứa ran tay chân…
  • Cơn đau bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Trước đó có phải bạn từng chơi thể thao, té ngã hay làm công việc nặng nhọc nào không?
  • Nghỉ ngơi có giúp tình trạng đau cải thiện không? Điều gì khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn?

– Kiểm tra thể chất:

Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ quan sát và tìm kiếm các dấu hiệu sưng, đỏ, yếu cơ và chuyển động hạn chế trong khu vực của gân đau.

cách chẩn đoán viêm gânBác sĩ khám, kiểm tra cử động của tay để chẩn đoán viêm gân

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn vận động ở khu vực bị đau theo một số cách nhất định, chẳng hạn như nâng cánh tay lên trên đầu, uốn cong cổ tay, xoay cổ chân, đưa chân lên cao… Những động tác này có thể khiến gân bị tổn thương nặng hơn, nhưng đây là bước không thể thiếu bởi nó sẽ giúp bác sĩ xác định được gân nào bị viêm .

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra kết luận bệnh dựa trên lịch sử y tế, các dấu hiệu bạn đang gặp phải và kết quả kiểm tra thể chất.

– Xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu: Một số người được bác sĩ yêu cầu lấy máu làm xét nghiệm nhằm loại trừ các nguyên nhân gây viêm, đau khác như bệnh gout, viêm khớp.
  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này được thực hiện nhằm đảm bảo chắc chắn bạn không bị gãy xương, trật khớp hay mắc các bệnh lý khác về xương khớp.
  • MRI: Chụp cộng hưởng từ được chỉ định cho những trường hợp bị viêm gân Achilles ( gân gót chân) hoặc viêm gân cơ quay giúp đánh giá chính xác mức độ tổn thương của gân.

Cách điều trị viêm gân

Viêm gân được điều trị càng sớm, bạn sẽ càng nhanh hồi phục sức mạnh và sự linh hoạt. Tùy theo mức độ bệnh, bạn sẽ được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

1. Chữa bệnh viêm gân bằng phương pháp bảo tồn

Điều trị viêm gân bằng bảo tồn tức là áp dụng các phương pháp không đụng chạm đến dao kéo, cụ thể như sau:

# Chườm lạnh giảm sưng đau do viêm gân

Những cơn đau của bệnh chủ yếu xảy ra do các mô ở gân bị tổn thương và viêm. Việc kiểm soát tốt tình trạng này sẽ giúp bạn cải cải thiện các triệu chứng.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên chườm túi nước đá vào vùng đau ba hoặc bốn lần một ngày để giảm sưng và đau, ngăn chặn tình trạng viêm tiếp tục tiến triển.

Nếu chỉ bị viêm ở các gân nhỏ, chẳng hạn như gân cổ tay, khuỷu tay thì thời gian chườm lý tưởng là khoảng 10 phút. Ngược lại nếu viêm ảnh hưởng đến những gân to và nằm trong sâu như ở vai hay hông thì có thể kéo dài thời gian chườm lên 20 phút.

Khi thực hiện cần chú ý bọc đá trong một miếng vải mỏng trước khi áp vào da. Tránh lấy cục đá chườm trực tiếp lên da sẽ gây cảm giác tê cóng. Sau khi chườm đá xong, bạn có thể băng cố định khu vực có gân bị viêm lại để không làm tổn thương thêm nặng do những tác động từ bên ngoài.

Cách chữa viêm gânBăng cố định khu vực viêm gân sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tổn thương phát triển nặng hơn

# Ngừng ngay những tác động đến gân cơ

Bạn cần phải nghỉ ngơi trong một vài ngày đến vài tuần để cơ thể có thời gian sửa chữa tổn thương. Hãy xác định và tránh những hành động nào gây viêm gân cho bạn hoặc có thể khiến triệu chứng thêm trầm trọng. Ví dụ, những người bị viêm khuỷu tay do chơi golf thường cần nghỉ ngơi khuỷu tay bị ảnh hưởng trong ít nhất một tháng.

# Đeo nẹp ở khu vực bị viêm gân

Thông thường nếu tình trạng viêm xảy ra ở gân tại đầu gối hay chi trên, bác sĩ có thể khuyến khích bạn đeo nẹp hoặc dây chằng hỗ trợ bảo vệ khu vực bị viêm và hạn chế những cử động mạnh nơi này.

Tuy vậy, bạn không nên để nơi này bất động hoàn toàn làm giảm lượng máu lưu thông đến nuôi dưỡng tổn thương. Hãy cử động khớp thường xuyên nhưng cần nhẹ nhàng, tránh những cử động đột ngột.

# Chữa viêm gân bằng thuốc

Một số loại thuốc chữa viêm gân thường được bác sĩ chỉ định như:

  • Thuốc kháng viêm NSAID: Bao gồm các loại thông dụng như Ibuprofen ( Advil , Motrin, Mofen-400,…) , Naproxen hay Aspirin. Nhóm thuốc này giúp ngăn chặn tình trạng viêm, giảm đau và sưng ở khu vực tổn thương. Do có thể ảnh hưởng đến gan, thận và dạ dày nên các thuốc NSAID thường được chỉ định không quá 2 tuần.
  • Thuốc kháng viêm dạng kem/ gel: Nếu gân bị viêm nằm gần với bề mặt da, bác sĩ có thể cân nhắc thay thế thuốc uống bằng các loại kem và gel bôi tại chỗ nhằm giúp thuốc nhanh được hấp thu hơn, tránh những tác dụng phụ xấu ảnh hưởng đến toàn thân.
  • Tiêm Cortisone: Được chỉ định nếu bạn bị viêm gân nghiêm trọng nhưng không có nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc Cortisone tiêm vào khu vực gân bị viêm. Tiêm thuốc này có tác dụng loại bỏ cơn đau và giảm viêm nhanh chóng nhưng nếu quá lạm dụng có thể khiến gân bị rách, làm teo cơ cục bộ cùng nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

# Trị viêm gân bằng liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Đây là liệu pháp tương đối mới và chưa được áp dụng rộng rãi. Bác sĩ sẽ lấy máu của bạn và tách lấy hỗn hợp huyết tương bao gồm tiểu cầu và một số yếu tố chữa bệnh khác. Sau đó đem phần huyết tương thu được tiêm trực tiếp vào những gân có dấu hiệu viêm mãn tính. Liệu pháp này giúp giảm viêm và tăng tốc độ chữa lành các mô.

# Vật lý trị liệu

Trường hợp bị viêm gân mãn tính nhưng các triệu chứng không quá nghiêm trọng, bạn có thể được chỉ định các phương pháp vật lý trị liệu như siêu âm, xoa bóp, mát xa hay thực hành các bài tập. Mục đích của vật lý trị liệu là giảm đau, cải thiện tình trạng viêm gân, phục hồi khả năng vận động và sức mạnh của khớp.

Vật lý trị liệu điều trị viêm gânVật lý trị liệu có thể giúp giảm đau, đẩy lùi tình trạng viêm và cải thiện sự linh hoạt của khớp

Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của viêm gân thời gian phục hồi sẽ khác nhau. Ví dụ, viêm gân Achilles và viêm epicondyl có thể cần vài tháng để khắc phục.

2. Điều trị viêm gân bằng ngoại khoa

Phẫu thuật hiếm khi được sử dụng trong điều trị viêm gân. Phương pháp này dành riêng cho các trường hợp không đáp ứng với các cách chữa trị khác.

Hầu hết bệnh nhân đều được phẫu thuật nội soi vì phương pháp này ít gây xâm lấn, không làm mất nhiều máu và có khả năng phục hồi nhanh. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các mô sẹo ra khỏi gân, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô lành phát triển.

Chứng viêm gân có thể phòng ngừa được không?

Dù không thể tránh được viêm gân tuyệt đối nhưng một số giải pháp phòng ngừa sau có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Luôn luôn khởi động trước khi chơi thể thao. Nên tập với cường độ thấp trong thời gian đầu rồi tăng tốc độ, thời gian luyện tập và độ khó một cách từ từ. Nếu viêm gân có liên quan đế bộ môn quần vợt, việc đổi sang một cây vợt có đầu lớn hơn và nhẹ hơn có thể giúp ngăn ngừa chấn thương, viêm gân.
  • Mang giày có kích cỡ phù hợp. Phụ nữ không mang giày dép có gót quá cao sẽ dễ bị té ngã, bong gân, trật khớp hoặc viêm gân.
  • Tránh các hoạt động thường xuyên phải với lên cao như sơn trần nhà, đóng la phông. Nếu công việc bắt buộc, hãy dành ra ít phút nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc.
  • Phụ nữ sau sinh nên nghỉ ngơi nhiều, tránh mang vác hay làm việc nặng nhọc sớm sẽ dễ bị viêm gân cổ tay
  • Có biện pháp bảo vệ an toàn khi phải leo trèo.
  • Viêm gân gây ra bởi bệnh lậu có thể được ngăn ngừa bằng cách kiêng quan hệ tình dục hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn khi làm chuyện ấy.

Bài viết vừa giúp bạn biết được viêm gân là gì cũng như các phương pháp khắc phục đang được áp dụng hiện nay. Căn bệnh này có thể được chữa khỏi nhanh chóng nếu điều trị sớm. Vì vậy, bạn không nên để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt hàng ngày.

Thông tin được cung cấp trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Mọi trường hợp áp dụng cần có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

Tin bài nên đọc

Đọc toàn bộ bài viết