Viêm tai ngoài ác tính (tên tiếng anh Malignant Otitis Externa), còn được gọi là viêm tai ngoài hoại tử là biến chứng của nhiễm trùng tai ngoài. Bệnh phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường và người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm.
I. Viêm tai ngoài ác tính là gì?
Viêm tai ngoài ác tính là một bệnh nhiễm trùng liên quan đến xương thái dương và xương lân cận, là một biến chứng tương đối hiếm gặp của viêm tai ngoài, thường xảy ra ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Mặc dù tên thuật ngữ là “ác tính” nhưng không có nghĩa là bạn bị ung thư. Thuật ngữ này được các bác sĩ sử dụng do tính chất nghiêm trọng và mức độ tiến triển nhanh chóng của bệnh.
Tuy nhiên, với sự ra đời của thuốc kháng sinh, việc khắc phục bệnh viêm tai ngoài ác tính không còn gặp nhiều trở ngại như trước đây. Vì thế, tên gọi “viêm tai ngoài ác tính” có thể khiến nhiều người hiểu lầm về mức độ nghiêm trọng của bệnh.
II. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai ngoài ác tính là gì?
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai ngoài ác tính là:
- Tai chảy nước màu vàng hoặc xanh lá cây dai dẳng, có mùi hôi tanh.
- Cảm giác tai đau nặng hơn mỗi khi di chuyển đầu hoặc khi về đêm.
- Giảm thính lực
- Ngứa sâu và dai dẳng trong ống tai
- Sốt
- Khó nuốt
- Yếu cơ
- Mất giọng hoặc viêm thanh quản
- Sưng, đỏ quanh tai.
Nếu phát hiện cơ thể xuất hiện triệu chứng bất kỳ vừa được liệt kê trên, bạn nên sớm liên hệ với chuyên gia để được thăm khám và điều trị sớm. Điều này không chỉ giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng tai mà còn làm giảm thiểu nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.
III. Nguyên nhân nào gây viêm tai ngoài ác tính?
Tác nhân gây bệnh viêm tai ngoài ác tính thường gặp nhất là vi khuẩn làm mủ xanh Pseudomonas aeruginosa.
Ngoài ra, một số sinh vật khác như Aspergillus, Staphylococcus aureus, Burkholderia cepacia, Proteus mirabilis, Klebsiella oxytoca, và Candida parapsilosis cũng là một trong những tác nhân gây bệnh viêm tai ngoài ác tính khá phổ biến.
Viêm tai ngoài ác tính xảy ra khi bạn gặp những vấn đề về sức khỏe khiến cho hệ thống miễn dịch suy giảm như HIV/ AIDS, hóa trị liệu, dùng các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai ngoài ác tính gồm:
- Khí hậu nóng ẩm: Theo khảo sát tại Hoa Kỳ, viêm tai ngoài ác tính phổ biến ở vùng khí hậu ẩm và ấm hơn so với các vùng khí hậu khác.
- Người cao tuổi: Mọi nhóm tuổi đểu có nguy cơ mắc bệnh viêm tai ngoài ác tính nhưng phổ biến nhất vẫn là ở nhóm người già trên 60 tuổi.
- Nam giới: Viêm tai ngoài ác tính thường gặp ở nam hơn nữ.
- Chấn thương tai ngoài
- Bệnh tiểu đường: Hầu hết những bệnh nhân bị viêm tai ngoài ác tính đều bị bệnh tiểu tường.
- Phơi nhiễm pseudomonas aeruginosa có trong nước chứa hàm lượng clo cao (chẳng hạn như nước trong bể bơi).
IV. Quá trình hình thành bệnh viêm tai ngoài ác tính
Khi da ngoài tai bị tổn thương (xây xát, rách…), các tế bào ngay tại đó và khu vực lân cận cũng sẽ bị viêm, kế đến là xương nhĩ (xương búa, đe, bàn đạp nằm sát màng nhĩ). Nếu như không có biện pháp khắc phục sớm, vùng sưng viêm có thể trải rộng và kéo dài lên đến xương thái dương và khu vực lân cận như: mô dưới vùng thái dương, khớp thái dương hàm, tuyến nước bọt…
Nếu như tuyến nước bọt bị viêm, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như tuyến nước bọt sưng to, lan xuống má dưới và bên trên, đẩy dái tai lên cao.
Bệnh sẽ tiếp tục lan đến đáy xương sọ, gây tê liệt dây thần kinh sọ và dây thần kinh mặt.
V. Biện pháp chẩn đoán viêm tai ngoài ác tính
Khi đến cơ sở y tế khám bệnh, các chuyên gia sẽ tiến hành soi tai để kiểm tra tình trạng tai cũng như phát hiện những triệu chứng bất thường. Nếu có dịch tiết ra từ tai, bác sĩ có thể lấy mẫu đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích hoặc nuôi cấy dịch. Điều này sẽ giúp bạn xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Chuyên gia cũng có thể chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm y tế sau để kiểm tra xem tình trạng nhiễm trùng có lan rộng hay không. Một số xét nghiệm có thể được áp dụng đó là:
- Xét nghiệm máu ESR, số lượng bạch cầu và hồng cầu, nồng độ glucose và creatine.
- Nuôi cấy tai: Phương pháp này nên được thực hiện lý tưởng trước khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
- Chụp X-quang, CT để kiểm tra xem xương có bị nhiễm trùng hay không.
- Sinh thiết các mô bên ngoài ống tai.
VII. Bệnh viêm tai ngoài ác tính được điều trị như thế nào?
Điều trị viêm tai ngoài ác tính bao gồm: điều chỉnh ức chế miễn dịch (khi có thể), điều trị tại chỗ, điều trị kháng sinh toàn thân và phẫu thuật (dành cho trường hợp nặng, nghiêm trọng).
Điều trị tại chỗ
Điều trị tại chỗ tai bao gồm:
- Làm sạch, loại bỏ những yếu tố gây hại quanh tai.
- Bôi thuốc chống khuẩn tại chỗ.
Điều trị ức chế miễn dịch
Nếu bạn bị tiểu đường, bạn sẽ cần phải kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu vì lượng đường trong máu tăng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ.
Các vấn đề liên quan đến miễn dịch khác cũng cần được cải thiện và kiểm soát hiệu quả.
Dùng kháng sinh
Dùng kháng sinh là một trong những biện pháp không thể thiếu trong điều trị bệnh viêm tai ngoài ác tính. Điều trị bằng kháng sinh có thể là dùng thuốc uống, tiêm tĩnh mạch.
Một đợt điều trị thường kéo dài trong vòng vài tháng nếu như viêm tai ngoài ác tính đã gây nhiễm trùng xương. Bạn phải tiếp tục điều trị cho đến khi các kết quả xét nghiệm cho thấy rằng nhiễm trùng đã biến mất.
Thuốc kháng sinh có hiệu quả chống vi khuẩn gây bệnh P. aeruginosa gồm có: aminoglycoside, penicillin, ceftazidime (Fortaz), cefepime (Maxipime) và đôi khi là imipenem.. Tùy thuộc vào độ nhạy cảm của vi khuẩn, có thể cần kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau. Thông thường, các chuyên gia hay chỉ định phối hợp penicillin antipseudomonal và amino-glycoside.
Liệu áp oxy cao áp có thể được chỉ định phối hợp với dùng thuốc kháng sinh cho đến khi tình trạng viêm biến mất.
Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định khi nhiễm trùng gây hư hỏng nhiều xương, mô. Phương pháp này được thực hiện sau khi nhiễm trùng đã được chữa khỏi. Mặc dù có nhiều ưu điểm, phẫu thuật có thể khiến làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở những xương khỏe mạnh nên phương pháp này ngày càng được hạn chế, chỉ dùng cho những trường hợp đặc biệt.
VII. Làm thế nào để phòng bệnh viêm tai ngoài ác tính?
Một số lời khuyên sau đây có thể giúp bạn phòng bệnh viêm tai ngoài ác tính:
- Nếu bạn đang bị viêm tai ngoài cấp tính, nên điều trị bệnh càng sớm càng tốt, tránh chủ quan hay chẩn chừ, tăng nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm.
- Hạn chế dùng tăm bông làm sạch tai hay dùng vật lạ để ngoáy tai.
- Nếu hệ miễn dịch của bạn bị suy yếu, nên chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân vì đây là cách tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn và ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát. Nhiễm trùng tái phát có thể gây tổn thương dây thần kinh sọ và não. Mặc dù nhiễm trùng hiếm khi lây lan lên não nhưng nếu điều này xảy ra, nó có thể dẫn đến chấn thương vĩnh viễn và thậm chí tử vong. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
- Nếu bạn bị tiểu đường, cần kiểm soát lượng đường trong máu.
- Nếu bạn bị nhiễm HIV, cần dùng đúng thuốc để kiểm soát sự nhân lên của virus trong cơ thể bạn.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm tai ngoài ác tính. Mặc dù không phổ biến nhưng bệnh lý trên khá nguy hiểm vì có thể gây ảnh hưởng lên thần kinh và não. Vì thế, khi gặp những triệu chứng bất thường vừa liệt kê trên, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp khắc phục sớm.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và điều trị y khoa.