Ferritin là một loại protein dự trữ sắt và giải phóng sắt khi cơ thể cần. Ferritin tập trung chủ yếu trong các tế bào và chỉ có một lượng rất nhỏ lưu thông trong máu.
Xét nghiệm ferritin là gì?
Sắt là khoáng chất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu – các tế bào máu có chức năng mang oxy đến tất cả các tế bào của cơ thể.
Nếu bị thiếu sắt, số lượng hồng cầu sẽ giảm và các tế bào sẽ không được cung cấp đủ oxy. Tuy nhiên, quá nhiều sắt cũng không tốt cho cơ thể. Cả nồng độ sắt cao và thấp đều có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Khi có những biểu hiện thiếu sắt hoặc thừa sắt, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm ferritin để đo lượng sắt dự trữ. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp đánh giá tổng quan mức sắt trong cơ thể.
Ferritin là gì?
Ferritin là một loại protein dự trữ sắt và giải phóng sắt khi cơ thể cần. Ferritin tập trung chủ yếu trong các tế bào và chỉ có một lượng rất nhỏ lưu thông trong máu.
Phần lớn ferritin nằm trong các tế bào gan và một loại tế bào miễn dịch có tên là tế bào lưới nội mô.
Ferritin được tích trữ trong các tế bào của cơ thể cho đến khi có thêm hồng cầu mới được tạo ra. Cơ thể sẽ phát tín hiệu để các tế bào giải phóng ferritin. Sau đó, ferritin liên kết với một loại protein khác gọi là transferrin.
Hai protein này liên kết với nhau để vận chuyển ferritin đến nơi tạo ra hồng cầu mới.
Có tổng lượng sắt trong cơ thể ở mức bình thường là điều rất cần thiết, nhưng việc có đủ lượng sắt dự trữ cũng rất quan trọng. Khi một người không có đủ ferritin, lượng sắt dự trữ có thể sẽ cạn kiệt nhanh chóng.
Mục đích của xét nghiệm ferritin
Xét nghiệm ferritin giúp biết được nồng độ ferritin trong máu, từ đó có thể xác định được lượng sắt tổng thể. Nồng độ ferritin trong máu càng cao thì cơ thể càng có nhiều sắt dự trữ.
Nồng độ ferritin thấp
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm ferritin trong những trường hợp có các triệu chứng của mức ferritin thấp như:
- Mệt mỏi mà không lý giải được nguyên nhân
- Chóng mặt
- Đau đầu dai dẳng
- Uể oải, không có sức lực vận động
- Ù tai
- Cáu gắt
- Đau chân
- Khó thở
Nồng độ ferritin cao
Nồng độ ferritin ở mức quá cao cũng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như:
- Đau bụng
- Tim đập nhanh hoặc đau tức ngực
- Mệt mỏi, suy nhược không rõ nguyên nhân
- Đau khớp
Nồng độ ferritin cũng có thể tăng do tổn thương ở các cơ quan, chẳng hạn như gan và lá lách.
Xét nghiệm ferritin cũng có thể được thực hiện để theo dõi tình trạng sức khỏe tổng thể, đặc biệt là ở những người đang có các bệnh lý gây tăng hoặc giảm lượng sắt trong máu.
Xét nghiệm ferritin được thực hiện như thế nào?
Chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ là có thể kiểm tra chính xác nồng độ ferritin.
Có thể sẽ cần phải nhịn ăn trong ít nhất 12 tiếng trước khi lấy máu. Theo Hiệp hội Hóa học Lâm sàng Hoa Kỳ (AACC), xét nghiệm ferritin sẽ cho kết quả chính xác hơn nếu được thực hiện vào buổi sáng, sau khi nhịn ăn từ bữa tối.
Các bước lấy máu để làm xét nghiệm như sau:
- Trước tiên, nhân viên y tế sẽ quấn một sợi dây thun gọi là garo quanh cánh tay để làm cho các tĩnh mạch nổi rõ hơn.
- Sau khi xác định được tĩnh mạch, sát khuẩn vị trí lấy máu và đưa kim tiêm vào tĩnh mạch.
- Khi đã lấy đủ lượng máu, tháo garo, ấn bông lên vị trí lấy máu và nhanh chóng rút kim.
- Mẫu máu được bơm vào ống nghiệm và sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Không cần phải thực hiện bất kỳ bước chuẩn bị đặc biệt nào trước khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nên thông báo cho nhân viên y tế về các loại thuốc đang dùng để được hướng dẫn dừng thuốc nếu cần thiết. Một số loại thuốc gây loãng máu và khó cầm máu sau khi lấy mẫu.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm ferritin
Khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá để xem nồng độ ferritin có nằm trong phạm vi bình thường hay không. Nồng độ ferritin được coi là bình thường khi dao động trong khoảng:
- 20 - 500 ng/mL ở nam giới
- 20 - 200 ng/mL ở phụ nữ
Nguyên nhân gây ra mức ferritin thấp
Mức ferritin thấp hơn bình thường có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu sắt và nguyên nhân có thể là do chế độ ăn hàng ngày không cung cấp đủ chất sắt.
Một vấn đề khác ảnh hưởng đến lượng sắt là thiếu máu – tình trạng mà cơ thể không có đủ hồng cầu để sắt gắn vào.
Ngoài ra, thiếu sắt còn có thể xảy ra do:
- Rong kinh (kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài)
- Mắc các bệnh về tiêu hóa ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của đường ruột
- Chảy máu trong
Biết được nồng độ ferritin thấp hay bình thường sẽ giúp bác sĩ xác định rõ hơn nguyên nhân.
Ví dụ, những người bị thiếu máu sẽ có lượng sắt và nồng độ ferritin trong máu thấp.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh mãn tính có thể có lượng sắt trong máu thấp nhưng nồng độ ferritin ở mức bình thường hoặc cao.
Nguyên nhân gây ra mức ferritin cao
Mức ferritin quá cao là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý khác nhau.
Một ví dụ là bệnh ứ sắt hay quá tải sắt (hemochromatosis) – tình trạng có quá nhiều sắt tích tụ trong cơ thể.
Các nguyên nhân khác gây ra lượng sắt cao còn có:
- Viêm khớp dạng thấp
- Cường giáp
- Bệnh Still ở người lớn
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư hạch Hodgkin
- Ngộ độc sắt
- Truyền máu thường xuyên
- Bệnh gan, chẳng hạn như viêm gan C mạn tính
- Hội chứng chân không yên
Ferritin được gọi là protein phản ứng pha cấp (acute phase reactant), có nghĩa là khi cơ thể bị viêm, nồng độ ferritin sẽ tăng lên. Đó là lý do tại sao nồng độ ferritin ở mức cao ở những người bị bệnh gan hoặc mắc các bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư hạch Hodgkin.
Các tế bào gan dự trữ ferritin. Khi gan bị tổn thương, ferritin bên trong các tế bào bắt đầu rò rỉ ra ngoài. Do đó, nồng độ ferritin trong máu tăng cao hơn bình thường ở những người bị bệnh gan và các bệnh lý viêm khác.
Các nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng nồng độ ferritin là béo phì, viêm và thường xuyên uống nhiều rượu. Nguyên nhân phổ biến nhất trong các trường hợp mức ferritin tăng cao do di truyền là bệnh ứ sắt.
Nếu kết quả xét nghiệm ferritin cao thì bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác để có thêm thông tin về lượng sắt trong cơ thể. Các xét nghiệm này gồm có:
- Xét nghiệm sắt huyết thanh để đo lượng sắt lưu thông trong máu
- Xét nghiệm TIBC (khả năng gắn sắt toàn phần) để đo nồng độ transferrin trong máu
Rủi ro của xét nghiệm ferritin
Xét nghiệm ferritin chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ nên rất an toàn và nguy cơ xảy ra các vấn đề không mong muốn là rất thấp.
Quá trình lấy máu chỉ hơi nhói một chút khi kim tiêm đâm qua da và sau đó, vị trí lấy máu sẽ hơi đau hoặc bầm tím nhẹ. Đây là những hiện tượng bình thường và sẽ tự hết trong vòng vài ngày. Mặc dù đôi khi có thể xảy ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như chảy nhiều máu, choáng váng, ngất xỉu, bầm tím nặng hay nhiễm trùng nhưng những vấn đề này đều rất hiếm gặp. Hãy báo trước với bác sĩ nếu bị rối loạn chảy máu hoặc dễ bị bầm tím.