Xuất huyết não: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

5 năm trước 25

Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị cắt đứt hoặc giảm đáng kể. Chỉ sau vài phút không được cung cấp máu mang oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết và có thể gây tổn thương não vĩnh viễn. Nếu cơn đột quỵ chỉ ở mức nhẹ thì bệnh nhân có phục hồi hoàn toàn nhưng nếu ở mức nghiêm trọng thì có thể dẫn đến tử vong.

Có hai loại đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não cục bộ hay nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết hay xuất huyết não. Đột quỵ thiếu máu não là tình trạng do sự lưu thông máu đến mô não bị gián đoạn. Điều này xảy ra khi các động mạch trong não bị thu hẹp do xơ vữa động mạch, sau đó cục máu đông hình thành trong các động mạch hẹp và chặn dòng máu. Tình trạng này được gọi là huyết khối (thrombosis). Một nguyên nhân khác gây đột quỵ thiếu máu não là tắc nghẽn mạch máu. Đây là tình trạng xảy ra khi một cục máu đông hình thành ở ở một mạch máu nào đó trong cơ thể và sau đó di chuyển đến não và chặn sự lưu thông máu.

Phần lớn các ca đột quỵ là do thiếu máu não cục bộ nhưng có khoảng 13% ca đột quỵ là do xuất huyết. Đây là các cơn đột quỵ do một mạch máu trong não bị vỡ gây nên.

Đột quỵ xuất huyết hay xuất huyết não xảy ra khi mạch máu bị vỡ khiến máu tích tụ trong các mô xung quanh, chèn ép lên não và đồng thời gây mất máu ở các khu vực xung quanh.

Để có khả năng phục hồi tối đa, bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức. Mặt khác, các biện pháp phòng ngừa cũng rất quan trọng. Nếu có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ thì bạn có thể giảm thiểu đáng kể rủi ro bị đột quỵ.

Triệu chứng của xuất huyết não

Tình trạng đột quỵ do chảy máu bên trong não còn được gọi là xuất huyết não. Các triệu chứng mà mỗi người gặp phải là khác nhau nhưng hầu như luôn xuất hiện ngay sau khi cơn đột quỵ xảy ra.

Các triệu chứng phổ biến gồm có:

  • Mất hoàn toàn hoặc một phần ý thức
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đột ngột đau đầu dữ dội
  • Mất cảm giác hoặc suy yếu ở một bên chân, cánh tay hoặc nửa mặt.
  • Co giật
  • Chóng mặt
  • Mất thăng bằng
  • Khó khăn khi nói năng hoặc nuốt
  • Nhầm lẫn, mất phương hướng

Đột quỵ là một vấn đề khẩn cấp. Nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên thì bạn phải gọi cấp cứu ngay hoặc nhờ ai đó đưa đến bệnh viện.

Nguyên nhân gây xuất huyết não

Có hai nguyên nhân gây vỡ mạch máu trong não. Nguyên nhân phổ biến nhất là chứng phình động mạch. Đây là vấn đề xảy ra khi một phần của mạch máu bị phình to do tăng huyết áp mãn tính hoặc khi thành mạch máu suy yếu mà thường là do bẩm sinh. Chứng phình động mạch sẽ làm mỏng thành mạch máu và cuối cùng khiến mạch bị vỡ.

Một nguyên nhân hiếm gặp hơn gây xuất huyết não là dị tật động – tĩnh mạch (AVM), trong đó, các động mạch và tĩnh mạch kết nối với nhau mà không có mao mạch ở giữa. Đây là vấn đề bẩm sinh nhưng không phải do di truyền.

Điều trị khẩn cấp khi xuất huyết não

Bệnh nhân xuất huyết não cần được can thiệp bằng các biện pháp khẩn cấp. Các biện pháp này tập trung vào việc kiểm soát tình trạng chảy máu trong não và giảm áp lực do chảy máu gây nên.

Thuốc

Có thể phải dùng đến các loại thuốc để hạ huyết áp hoặc hạn chế chảy máu. Những người bị đột quỵ xuất huyết nếu đang dùng các loại thuốc làm loãng máu sẽ có nguy cơ bị chảy máu quá nhiều và cần được cho dùng ngay các loại thuốc để chống lại tác dụng của thuốc làm loãng máu.

Phẫu thuật

Sau khi cơn đột quỵ được kiểm soát bằng các biện pháp khẩn cấp thì sẽ cần tiến hành các phương pháp điều trị tiếp theo. Nếu mạch máu chỉ bị vỡ nhỏ, chảy ít máu và gây nên áp lực nhỏ thì có thể chỉ cần đến các phương pháp như:

  • Truyền dịch
  • Nghỉ ngơi
  • Kiểm soát các vấn đề khác
  • Trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu hoặc liệu pháp nghề nghiệp

Đối với những ca đột quỵ nghiêm trọng thì sẽ cần phải phẫu thuật để sửa lại mạch máu bị vỡ và cầm máu. Nếu đột quỵ là do dị tật động – tĩnh mạch thì sẽ phải phẫu thuật để cắt bỏ chỗ bị dị tật. Tuy nhiên, điều này không phải khi nào cũng khả thi vì còn phụ thuộc vào vị trí bị dị tật trên mạch máu. Phẫu thuật đôi khi cũng là biện pháp cần thiết để giảm áp lực do chảy máu và phù não.

Phục hồi sau đột quỵ

Thời gian phục hồi và khả năng khôi phục cuộc sống bình thường sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, mức độ tổn thương mô và thời gian được cấp cứu. Có thể tiến hành các phương pháp trị liệu để hỗ trợ khả năng phục hồi, tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Các phương pháp trị liệu phổ biến sau đột quỵ gồm có vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp hoặc trị liệu ngôn ngữ. Mục đích chính của các phương pháp này là khôi phục lại các chức năng một cách tối đa.

Tóm lại, triển vọng phục hồi của mỗi người là khác nhau. Có người chỉ cần vài tháng là đã phục hồi lại như bình thường những cũng có người cần đến nhiều năm. Tuy nhiên, hầu hết những trường hợp bị đột quỵ nhẹ và không xảy ra biến chứng trong thời gian nằm viện đều có thể phục hồi chức năng bình thường và về nhà chỉ trong vòng vài tuần.

Ngăn ngừa xuất huyết não

Có một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ xuất huyết. Nếu tránh được những yếu tố này thì sẽ giảm thiểu được rủi ro bị đột quỵ. Cao huyết áp là nguyên nhân rất phổ biến gây nên vấn đề này. Do đó, duy trì huyết áp ở mức bình thường là cách tốt nhất để tránh rủi ro đột quỵ. Nên đi khám để kiểm tra huyết áp thường xuyên và có biện pháp hạ hoặc kiểm soát nếu huyết áp ở mức cao.

Sử dụng rượu và chất kích thích cũng là những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được. Nên uống rượu ở mức vừa phải và tránh mọi loại chất kích thích. Cuối cùng, các loại thuốc làm loãng máu mặc dù có tác dụng ngăn ngừa nhồi máu não nhưng lại làm tăng nguy cơ xuất huyết não. Nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu thì nên hỏi kĩ bác sĩ về những rủi ro.

Đọc toàn bộ bài viết