Bao quy đầu dài ở trẻ em khiến trẻ có nguy cơ đối mặt với các bệnh lý viêm nhiễm nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Vậy bao quy đầu dài là gì và được điều trị như thế nào?
Bao quy đầu dài ở trẻ em là gì?
Bao quy đầu dài là tình trạng bao quy đầu (phần da bao bọc bên ngoài đầu dương vật, có vai trò bảo vệ dương vật) quá dài, che lấp lỗ tiểu ngay cả khi dương vật cương cứng. Tương tự như hẹp bao quy đầu, bao quy đầu dài ở trẻ em được chia làm hai nhóm chính:
- Bao quy đầu dài sinh lý: Bao quy đầu của trẻ dài hơn bình thường ngay từ khi mới chào đời nhưng khi trẻ lớn hơn, tình trạng này dần được cải thiện.
- Bao quy đầu dài bệnh lý: Phần lớn các trường hợp bao quy đầu dài bệnh lý sẽ đi kèm với bệnh hẹp bao quy đầu (lỗ mở bao quy đầu quá nhỏ, khó hoặc không thể tuột xuống quy đầu dương vật). Bao quy đầu dài bệnh lý khiến trẻ gặp khó khăn khi đi tiểu, gây cảm giác đau đớn, khó chịu và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng liên quan.
Nguyên nhân trẻ bị dài bao quy đầu
Dài bao quy đầu bệnh lý có thể bắt nguồn từ việc trẻ bị nhiễm trùng, viêm hoặc có sẹo ở vùng da bao quy đầu khiến bao quy đầu dài hơn bình thường. Ngoài ra, nong bao quy đầu cho trẻ sai cách, kéo mạnh bao quy đầu có thể khiến bao quy đầu dài dần, gây chảy máu, nứt bao quy đầu và tổn thương tâm lý của trẻ.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dài bao quy đầu ở trẻ: (1)
- Yếu tố di truyền.
- Trẻ mắc bệnh béo phì, khiến mỡ tích tụ nhiều ở vùng lông mu khiến da bị dư thừa.
- Bất thường nội tiết tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.
- Vấn đề vệ sinh kém, viêm nhiễm bao quy đầu thường xuyên.
Dấu hiệu dài bao quy đầu ở trẻ em
Một số dấu hiệu dài bao quy đầu ở trẻ em bố mẹ nên lưu ý:
- Có cảm giác ngứa ngáy vùng quy đầu.
- Bao quy đầu sưng, tấy đỏ, có mủ hoặc có mùi khó chịu.
- Khó hoặc không thể tụt bao quy đầu xuống để vệ sinh.
- Khi trẻ đi tiểu, nước tiểu đọng lại tạo bong bóng ở bao quy đầu gây cảm giác khó chịu khi đi tiểu.
Bao quy đầu dài ở trẻ em có ảnh hưởng gì không?
Bao quy đầu dài, nhất là khi bao quy đầu dài bệnh lý đi kèm với hẹp bao quy đầu ở trẻ em, khi không được điều trị đúng cách, kịp thời sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Bao quy đầu khó hoặc không thể tụt về sau khiến trẻ gặp khó khăn khi vệ sinh bao quy đầu, dương vật. Cặn bẩn, mồ hôi và các tế bào chết tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây sưng tấy dương vật, viêm nhiễm quy đầu và bao quy đầu. Khi viêm nhiễm kéo dài, vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiểu, gây viêm nhiễm đường tiết nhiều. Ở diễn tiến nặng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng sinh sản khi trẻ bước qua tuổi dậy thì, trưởng thành: gây vô sinh, tăng nguy cơ ung thư dương vật, kìm hãm sự phát triển của dương vật.
Cách chẩn đoán bao quy đầu dài ở trẻ nhỏ
Bao quy đầu dài ở trẻ em thường được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng. Ngoài ra, đối với các trường hợp có dấu hiệu viêm nhiễm, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm xác định tác nhân, mức độ viêm nhiễm, tổn thương.
Cách điều trị dài bao quy đầu ở trẻ em
Khi trẻ có các dấu hiệu, nghi ngờ bị hẹp bao quy đầu, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám. Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ lựa chọn dựa vào kết quả thăm khám, độ tuổi, nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Việc tự ý điều trị tại nhà có thể gây nên các tổn thương nặng nề, ảnh hưởng đến chức năng của dương vật và bao quy đầu.
Một số phương pháp điều trị bao quy đầu dài ở trẻ em thường được thực hiện:
1. Dùng thuốc bôi tại chỗ
Đối với các trường hợp bao quy đầu dài diễn ra ở mức độ nhẹ, phương pháp bôi thuốc sẽ được thực hiện. Các loại thuốc mỡ, kem bôi tại chỗ steroid điều trị bao quy đầu dài sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng với liều lượng phù hợp. Thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giảm phù nề cho trẻ.
2. Phẫu thuật cắt bao quy đầu dài
Phương pháp này thường được áp dụng trong các trường hợp bao quy đầu quá dài, có dấu hiệu viêm nhiễm nghiêm trọng hoặc không có dấu hiệu cải thiện sau một thời gian dùng thuốc bôi theo chỉ định của bác sĩ. Trước khi thực hiện, bác sĩ sẽ vệ sinh toàn bộ khu vực dương vật và bao quy đầu bằng dung dịch sát khuẩn. Trẻ được gây mê sau đó bác sĩ sẽ gây tê, giảm đau trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Quá trình phẫu thuật kéo dài khoảng 30 – 45 phút. Vết thương sẽ được khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm đau, kháng sinh, kháng viêm phù hợp, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh vùng kín cho trẻ đúng cách. Trẻ có thể xuất viện ngay trong ngày phẫu thuật, các hoạt động sinh hoạt, tiểu hiện có thể thực hiện bình thường.
Chăm sóc sau phẫu thuật bao quy đầu dài ở trẻ em
Sau phẫu thuật bao quy đầu dài, trẻ cần được chăm sóc đúng cách để vết thương nhanh lành và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sau phẫu thuật:
- Thời gian đầu sau phẫu thuật cắt bao quy đầu dài, trẻ có thể có biểu hiện mệt mỏi, mẹ nên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ, bắt đầu bằng thức ăn ở dạng lỏng và chuyển dần qua thức ăn dạng đặc hơn nếu trẻ không có biểu hiện nôn, có tiến triển tốt.
- Thông thường, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc giảm đau, kháng viêm để giúp trẻ cảm thấy thoải mái và bảo vệ trẻ tốt hơn. Bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc theo đúng loại thuốc và liều lượng do bác sĩ chỉ định. Sau khi trẻ uống thuốc, bố mẹ cần theo dõi các biểu hiện của trẻ để thông báo ngay cho bác sĩ nếu trẻ có dấu hiệu bất thường hay gặp tác dụng phụ của thuốc.
- Mặc dù sau phẫu thuật, trẻ có thể đi lại, tiểu tiện và sinh hoạt bình thường nhưng bố mẹ nên tránh cho trẻ tham gia các hoạt động, vận động mạnh hay chơi các trò chơi ảnh hưởng hiên khu vực phẫu thuật như ngồi xe ngựa bập bênh, đi xe ba bánh, xe đạp.
- Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên sử dụng nước ấm và không dùng xà phòng. Khi vết thương lành hẳn, mẹ vệ sinh vùng kín trẻ nhẹ nhàng, có thể dùng thêm xà phòng có tính tẩy rửa nhẹ. Trẻ lớn hơn, bố mẹ hướng dẫn trẻ tự vệ sinh vùng kín đúng cách.
- Đưa trẻ đến bệnh viện tái khám định kỳ.
Lưu ý, nếu trẻ có các dấu hiệu dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hỗ trợ ngay lập tức:
- Vết mổ chảy máu, rỉ nước không ngừng.
- Tình trạng sưng đỏ tại khu vực quanh vết mổ không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí ngày càng nặng hơn.
- Vết mổ tiết dịch có mùi hôi khó chịu .
- Trẻ bị sốt.
- Trẻ cảm thấy đau đớn dữ dội ngay cả khi đã dùng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Trẻ không thể đi tiểu, khó tiêu.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Nhiều trường hợp bao quy đầu dài ở trẻ em diễn ra ở mức độ nhẹ, không có các biểu hiện rõ rệt nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, giảm chất lượng sống nếu không được can thiệp sớm. Do đó, khi chăm sóc trẻ, bố mẹ nên chú ý quan sát cẩn thận, vệ sinh nhẹ nhàng và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy bất thường.