9 lý do cần phẫu thuật cắt tử cung

4 năm trước 42

Sau khi cắt bỏ tử cung, phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được nữa.

Nội dung chính của bài viết

  • Cắt tử cung là giải pháp để điều trị nhiều vấn đề khác nhau và chấm dứt các triệu chứng như kinh nguyệt bất thường hay đau vùng chậu.

  • Thậm chí, trong nhiều trường hợp, loại bỏ tử cung là điều bắt buộc để giữ được tính mạng, ví dụ như chảy máu quá nhiều sau sinh.

  • Phẫu thuật cắt tử cung sẽ chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Nếu như còn cắt cả hai buồng trứng thì sẽ bắt đầu thời kỳ mãn kinh sớm.

  • Phải thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi quyết định cắt tử cung. Có rất nhiều yếu tố cần xem xét trước khi tiến hành ca phẫu thuật này.

Phẫu thuật cắt tử cung

Tử cung là một bộ phận quan trong trong hệ sinh dục của của mỗi phụ nữ. Đây là cơ quan trứng sau khi thụ tinh bám vào phát triển thành bào thai và sau đó cũng là nơi bảo vệ, nuôi dưỡng thai nhi cho đến khi sinh. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà một số phụ nữ phải phẫu thuật cắt bỏ đi tử cung của mình.

Có nhiều cách khác nhau để tiến hành quy trình phẫu thuật cắt tử cung. Tùy thuộc vào lý do mà bác sĩ sẽ chọn phẫu thuật qua thành bụng hoặc qua đường âm đạo để tiếp cận đến tử cung. Ca phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ nội soi, mổ mở hoặc bằng robot.

Đôi khi sẽ cần cắt bỏ cả ống dẫn trứng và buồng trứng trong quá trình cắt tử cung.

Sau khi cắt bỏ tử cung, phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được nữa.

Phẫu thuật cắt tử cung là quy trình phẫu thuật phổ biến thứ hai được thực hiện ở phụ nữ tại Hoa Kỳ, chỉ đứng sau sinh mổ. Mỗi năm có gần 500.000 ca phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện.

Vậy tại sao lại cần phải cắt tử cung? Dưới là 9 lý do phổ biến nhất mà phụ nữ cần trải qua quy trình phẫu thuật này cũng như là những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra.

1. U xơ tử cung

U xơ tử cung là những khối u lành tính hình thành trong tử cung. Đây là lý do phổ biến nhất trong số những ca phẫu thuật cắt tử cung.

U xơ tử cung có thể gây ra những triệu chứng như:

  • Kinh nguyệt ra ồ ạt, kéo dài
  • Đau đớn dữ dội khi đến kỳ
  • Đau tức vùng chậu
  • Đi tiểu nhiều, bí tiểu
  • Táo bón
  • Đau thắt lưng hoặc đau chân

Trước tiên, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc hoặc các thủ thuật ít xâm lấn khác, chẳng hạn như phẫu thuật cắt u xơ để điều trị u xơ tử cung. Đây là thủ thuật chỉ loại bỏ đi các khối u xơ và vẫn giữ nguyên tử cung.

Khi các phương pháp này đều không có hiệu quả hoặc u xơ tiếp tục hình thành và gây ra các triệu chứng khó chịu, đau đớn thì sẽ cần tính đến phương án cắt bỏ tử cung.

2. Ung thư

Ung thư là lý do chiếm khoảng 10% tổng số ca phẫu thuật cắt tử cung.

Đây là giải pháp cho những trường hợp:

  • Ung thư tử cung
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư nội mạc tử cung

Phác đồ điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại ung thư, mức độ tiến triển và tình trạng sức khỏe của mỗi bệnh nhân. Các phương pháp điều trị khác còn có hóa trị và xạ trị.

Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định cắt tử cung trong những trường hợp mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Phụ nữ cũng có thể cân nhắc cắt bỏ tử cung để tránh bị ung thư trong tương lai nếu đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với đột biến gen BRCA. Những người mang gen này sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú cao hơn bình thường.

3. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà những mô vốn hình thành ở bề mặt bên trong tử cung (nội mạc hay niêm mạc tử cung) lại phát triển ở bên ngoài cơ quan này. Lạc nội mạc tử cung có các biểu hiện như:

  • Đau ở bụng dưới và thắt lưng (đau vùng chậu), đau tăng lên khi đến kỳ kinh
  • Kinh nguyệt bất thường, ví dụ như ra máu nhiều
  • Đau đớn trong và sau khi quan hệ
  • Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện trong kỳ kinh
  • Không thể thụ thai
  • Những triệu chứng khác như táo bón, tiêu chảy, mệt mỏi, trướng bụng, buồn nôn, đặc biệt là trong thời gian hành kinh

Bệnh lý này còn có thể dẫn đến vô sinh.

Trước khi phẫu thuật cắt tử cung, người bệnh sẽ điều trị bằng những phương pháp khác như liệu pháp hormone hoặc các thủ thuật loại bỏ mô nội mạc tử cung.

4. Cơ tuyến tử cung

Cơ tuyến tử cung là tình trạng mà mô niêm mạc phát triển vào lớp cơ của tử cung. Điều này làm cho thành tử cung dày lên, dẫn đến đau bụng dưới hay đau vùng chậu và ra máu nhiều, kéo dài vào kỳ kinh. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau khi quan hệ.

Mặc dù tình trạng này thường tự hết sau khi mãn kinh nhưng nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần phải điều trị ngay.

Liệu pháp hormone và thuốc giảm đau thường là những biện pháp điều trị bước đầu. Khi đã thử những phương pháp này nhưng bệnh tình không có chuyển biến thì sẽ cần cân nhắc phẫu thuật cắt tử cung.

5. Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra và có biểu hiện là:

  • Đau dữ dội ở vùng chậu hay bụng dưới, đặc biệt là trong thời gian hành kinh
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đi tiểu
  • Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh và sau khi quan hệ
  • Ra máu nhiều khi đến kỳ
  • Khí hư bất thường, có màu vàng hoặc xanh lá

Nếu được phát hiện sớm, bệnh viêm vùng chậu có thể điều trị được bằng kháng sinh. Nhưng khi nhiễm trùng đã lây lan ra xung quanh thì có thể làm hỏng tử cung. Trong những trường hợp viêm vùng chậu nghiêm trọng thì có thể cần phải làm phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

6. Tăng sản nội mạc tử cung

Tăng sản nội mạc tử cung là tình trạng mà lớp nội mạc tử cung dày lên quá mức. Tình trạng này có thể xảy ra do nồng độ estrogen trong cơ thể tăng quá cao.

Trong một số trường hợp, tăng sản nội mạc tử cung có thể dẫn đến ung thư tử cung.

Các dấu hiệu thường gặp khi bị tăng sản nội mạc tử cung là:

  • Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài hoặc không đều
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Mất kinh nguyệt
  • Chảy máu âm đạo sau mãn kinh

Thông thường, giải pháp để điều trị vấn đề này là liệu pháp hormone. Nhưng nếu bệnh nghiêm trọng hoặc bác sĩ nghi ngờ có thể tiến triển thành ung thư thì sẽ cần cắt bỏ tử cung.

7. Kinh nguyệt bất thường

Đôi khi, phụ nữ sẽ cần phẫu thuật cắt tử cung nếu kinh nguyệt thường xuyên ra nhiều (cường kinh) hoặc có những bất thường khác trong chu kỳ kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây ra những vấn đề này có thể là:

  • U xơ tử cung
  • Nhiễm trùng
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Ung thư
  • Các bệnh lý khác

Kinh nguyệt bất thường còn thường đi kèm với triệu chứng đau bụng dữ dội.

Cắt bỏ tử cung đôi khi là giải pháp duy nhất để chấm dứt tình trạng kinh nguyệt ra nhiều nhưng trước tiên nên điều trị bằng các phương pháp khác như liệu pháp hormone.

8. Sa tử cung

Sa tử cung là tình trạng mà tử cung lệch ra khỏi vị trí bình thường và xệ xuống vào trong ống âm đạo. Vấn đề này thường xảy ra phổ biến nhất ở những phụ nữ đã sinh thường nhiều lần và cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ bị béo phì hoặc đã mãn kinh.

Các dấu hiệu phổ biến khi bị sa tử cung gồm có:

  • Cảm giác nặng, tức ở vùng chậu
  • Mô nhô ra ngoài âm đạo
  • Các vấn đề về tiết niệu, ví dụ như rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ) hay bí tiểu
  • Vấn đề đường ruột ví dụ như táo bón
  • Cảm giác cộm vướng khi ngồi
  • Đau mỏi thắt lưng
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Đi lại khó khăn

Việc điều trị sa tử cung sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Khi bị nhẹ thì có thể thử một số bài tập và thiết bị hỗ trợ. Một số trường hợp sẽ cần đến các thủ thuật xâm lấn tối thiểu để củng cố mô sàn chậu bị suy yếu.

Nếu các biện pháp này không hiệu quả hoặc tình trạng đã nghiêm trọng thì có thể cần phải phẫu thuật cắt tử cung.

9. Biến chứng sinh nở

Đôi khi, quy trình phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện ngay sau khi sinh thường hoặc sinh mổ. Một số biến chứng, chẳng hạn như băng huyết (chảy nhiều máu sau sinh) có thể sẽ cần cắt tử cung để khắc phục.

Mặc dù điều này là rất hiếm nhưng đôi khi lại là giải pháp cần thiết để cứu tính mạng của người mẹ.

10: Nhau cài răng lược

Nhau cài răng lược (placenta accrete) là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra trong khi mang thai do nhau thai phát triển quá sâu vào trong thành tử cung. Tình trạng này có thể rất nghiêm trọng nhưng lại thường không biểu hiện triệu chứng.

Trong hầu hết các trường hợp, mẹ bầu sẽ cần phải mổ lấy thai rồi sau đó cắt tử cung để ngăn ngừa mất máu sau khi nhau thai tách ra.

Rủi ro khi phẫu thuật cắt tử cung

Mặc dù cắt tử cung là một quy trình an toàn nhưng bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều có đi kèm với những rủi ro nhất định, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng
  • Chảy nhiều máu trong hoặc sau ca mổ
  • Tổn thương các cơ quan lân cận
  • Hình thành cục máu đông
  • Vấn đề hô hấp hoặc biến chứng tim mạch do thuốc gây mê
  • Tắc ruột
  • Khó tiểu
  • Tử vong

Kỹ thuật mổ mở qua thành bụng có nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng cao hơn so với các kỹ thuật khác. Sau khi cắt bỏ tử cung, phụ nữ sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai được nữa.

Một số phụ nữ còn bị giảm ham muốn tình dục hoặc trầm cảm sau khi cắt tử cung. Cần đến gặp bác sĩ khi gặp phải những vấn đề này sau ca phẫu thuật.

Nếu còn cắt bỏ cả hai bên buồng trứng thì cơ thể sẽ bước vào thời kỹ mãn kinh ngay lập tức dù chưa đến tuổi mãn kinh. Đây được gọi là mãn kinh sớm hay mãn kinh do phẫu thuật và sẽ có những triệu chứng như:

  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Khó ngủ
  • Khô âm đạo
  • Thay đổi tâm lý
  • Hay buồn bã, lo âu, bồn chồn

Việc cắt bỏ buồng trứng còn làm tăng nguy cơ xảy ra một số vấn đề như loãng xương, bệnh tim mạch và chứng tiểu không tự chủ (són tiểu).

Lợi ích của phẫu thuật cắt tử cung

Trong nhiều trường hợp, phương pháp cắt tử cung có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đối với một số phụ nữ, quy trình phẫu thuật này giúp họ không còn phải trải qua những tháng kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài và không còn phải chịu đựng những cơn đau đớn khủng khiếp nữa. Việc cắt bỏ đi tử cung còn giúp ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư.

Cần cân nhắc gì trước khi cắt tử cung?

Phẫu thuật cắt tử cung sẽ tạo ra sự thay đổi lớn và vĩnh viễn trong cơ thể người phụ nữ nên cần cân nhắc kỹ. Sau ca phẫu thuật, phụ nữ có thể sẽ mãn kinh sớm và không thể có con được nữa.

Do đó, trước khi quyết định thì cần thảo luận kỹ với bác sĩ những vấn đề như:

  • Có bắt buộc phải cắt tử cung hay không?
  • Những lợi ích và rủi ro có thể xảy ra
  • Những giải pháp khác
  • Nếu không phẫu thuật thì sẽ như thế nào?
  • Có đảm bảo khỏi bệnh sau khi cắt tử cung không?
  • Ca phẫu thuật được thực hiện như thế nào?
  • Có cần dùng thuốc gì sau phẫu thuật không?
  • Những thay đổi sẽ gặp phải sau phẫu thuật

Nếu cần phải cắt tử cung nhưng vẫn muốn có con thì hãy nói với bác sĩ để được tư vấn các lựa chọn ví dụ như mang thai hộ hay nhận con nuôi.

Đọc toàn bộ bài viết